Trong những năm qua, công tác Truyền thông y tế đã được quan tâm và phát triển hơn trước. Đặc biệt, truyền thông y tế càng thể hiện vai trò quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các thông tin y tế sức khỏe trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Y tế là một ngành đặc thù, việc truyền thông tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với hệ thống an sinh xã hội. Để được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt, để mối quan hệ cán bộ y tế với nhân dân, cán bộ y tế với người bệnh thực sự là những người bạn thấu hiểu, chia sẻ với nhau, thì công tác truyền thông y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên.

NC sk

Truyền thông y tế chủ động, đa dạng kênh thông tin
Một trong những thành công lớn nhất của công tác truyền thông y tế trong thời gian gần đây là truyền thông về phòng chống, dịch bệnh COVID-19. Sự kết hợp một cách hiệu quả những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, đặc thù của từng địa phương trên cả nước, truyền thông phòng chống dịch COVID-19 đã tạo được niềm tin của người dân và huy động người dân tham gia vào chiến dịch phòng chống COVID-19 cùng với sự vào cuộc của cả hệ thông chính trị các cấp.
Truyền thông phòng chống dịch COVID-19 cho thấy rõ hiệu quả của việc truyền thông chủ động, đa dạng kênh thông tin chính thống tạo nên dòng thông tin chủ đạo chính xác, khách quan và minh bạch, giúp người dân hiểu rõ và hưởng ứng cách thức chống dịch của Chính phủ; giúp ngành y tế xử lý kịp thời các thông tin nóng liên quan, giảm thiểu khủng hoảng truyền thông, tạo được dư luận tích cực. Cùng với đó, dựa vào lợi thế của công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0, công tác truyền thông y tế đã kịp thời ứng dụng để cung cấp thông tin, hướng dẫn người dân phòng chống dịch trên phuong tiện nền tảng mạng xã hội phổ biến (Facebook, Youtube,...) và ứng dụng trên điện thoại di động (Zalo). Tăng cường kết nối các trang mạng xã hội (Fanpage, Youtube, Zalo) của các cơ quan y tế với các đơn vị, địa phương và người dân.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, cùng với nguy cơ từ các dịch bệnh đang lưu hành, thì truyền thông y tế phải chủ động, đa dạng kênh thông tin cần chủ động và phát huy hơn nữa để duy trì thành quả phòng chống dịch cũng như thành quả trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Vì sao cần ưu tiên công tác truyền thông y tế?
Từ thực tế công tác truyền thông trong những năm qua cho thấy, truyền thông đi trước một bước, truyền thông định hướng dư luận sẽ tạo thế chủ động, thậm chí “chắc thắng” khi đấu tranh với các thông tin sai trái trong dư luận, giảm những bức xúc không đáng có với ngành y tế. Do đó việc ưu tiên đối với công tác truyền thông là đặc biệt cần thiết, nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay, báo chí chính thống phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội.
Công tác truyền thông y tế đến người dân trong những năm qua đã được ngành Y tế quan tâm, được đầu tư và mở rộng. Mối quan hệ hợp tác giữa ngành tế với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng với định hướng rõ ràng vì lợi ích sức khỏe của nhân dân. Nhờ vậy, người dân hiểu biết nhiều hơn về ngành y tế, những khó khăn, thách thức của ngành, từ đó thấu hiểu và cảm thông hơn.
Truyền thông y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, không chỉ là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe, tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe, mà còn góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy rất cần sự ưu tiên về chính sách và nguồn lực, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại, phù hợp với công nghệ 4.0 để truyền thông y tế luôn đi trước và song hành trên mọi lĩnh vực của ngành y tế.
Những giải pháp truyền thông y tế hiệu quả
Cần cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân phù hợp điều kiện của từng địa phương để lập kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông y tế.
Tiếp tục tăng cường truyền thông vận động: phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Lồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ truyền thông y tế với chương trình, dự án tại địa phương như xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa và các phong trào, cuộc vận động đang được triển khai. Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ và kênh thông tin phản hồi giữa các cơ sở y tế với các cơ quan truyền thông đại chúng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng thông tin và dư luận; tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm của xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chú trọng phát triển các loại hình truyền thông mới (trên nền tảng Internet và mạng điện thoại di động) đang được chú ý và có hiệu quả cao, để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến người dân.
Thực hiện đúng quy định tại Luật Tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện truyền thông y tế cho cán bộ truyền thông các cấp; đào tạo kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin y tế cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên y tế, chú trọng cán bộ trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Huy động nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông y tế, chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết, hiện đại để thực hiện các nhiệm vụ truyền thông y tế.
Thường xuyên chỉ đạo, quản lý, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông y tế tại tất cả các tuyến. Tăng cường tuyên truyền thành tựu y học, gắn công tác thi đua, khen thưởng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, biểu dương và khen thưởng kịp thời những cá nhân xuất sắc, điển hình tiên tiến, các đơn vị thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ truyền thông y tế.

Long Cảnh

Các bệnh giun sán ký sinh là bệnh rất phổ biến ở các nước đang phát triển nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới. Các bệnh giun sán là một vấn đề sức khỏe ưu tiên cua 25% dân số trên thế giới. Một số địa phương người dân có phong tục tập quán ăn gỏi cá, thịt bò nhúng, tái, tiết canh gan lợn tái, cua nướng và rau thủy sinh các loại không nấu chín là những món ăn được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, nhiều người không hề biết chúng có thể chứa ký sinh trùng giun sán và có thể truyền bệnh cho người. Dưới đây là một số thực phẩm dễ là nơi "cư trú" của nhiều loại giun, sán:
1. Thịt trâu, bò
Ngày nay rất nhiều người ưa chuộng món thịt bò nhúng, tái mà không biết rằng bệnh sán dây bò cũng bắt nguồn từ những món ăn này. Loài sán này rất nguy hiểm, có thể sống trong cơ thể người 50 - 60 năm ở trong ruột, trong cơ, não, mắt...
Ngoài ra cũng phải kể đến sán lá gán lớn, ký sinh chủ yếu ở động vặt ăn cỏ như trâu, bò, dê, cừu... và gây bệnh ở người. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm sán lá gan lớn từ 31% đến 98%. Bệnh có diễn biến cấp tính, gây đau bụng vùng gan, tổn thương gan, nguy hiểm đến tính mạng,
Ấu trùng sán lá gan lớn có thể di chuyển ra ngoài gan, sán non có thể cư trú ở khớp, não, đại tràng, dưới da... làm cho bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, khó chẩn đoán.
2. Thịt lợn
Người nhiễm sán dây, ấu trùng sán lợn có tính chất tản phát tại các vùng miền khác nhau. Tỷ lệ nhiễm thường cao hơn ở miền núi và trung du, bệnh được phát hiện ở 50 tỉnh, thành, có tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Con người dễ nhiễm sán dây lợn khi ăn phải thịt lợn, gan lợn không được nấu chín, tiết canh. Trong số các loại giun sán thì sán dây lợn là nguy hiểm nhất bởi khi xâm nhập vào cơ thể con người thì vị trí hay gặp nhất là mắt và não người và có thể dẫn đến tử vong.
3. Cá
Bệnh sán lá gan nhỏ được phát hiện ở 24 tỉnh, thành trên cả nước, tập trung chủ yếu ở vùng dân cứ có thói quen ăn gỏi cá. Nhiều nơi tỷ lệ ăn gỏi cá trên 70% như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Nam Định và Hà Nội.
Những người có thói quen ăn cá không nấu kỹ (đặc biệt là gỏi cá) rất dễ bị lây truyền các bệnh từ cá như sán lá ruột nhỏ, sán lá gan nhỏ. Cá đã chế biến làm gỏi xét nghiệm thấy 95% ấu trùng vẫn còn sống. 13 loại lá hay dùng ăn gỏi cũng được xay ra xét nghiệm thì 93% ấu trùng vẫn còn sống sau 4 giờ.
4. Cua
Tại một số vùng bệnh sán lá phổi như: Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang..., nhóm nguy cơ mắc cao thường do ăn cua nướng. Kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương cho thấy 100% cua có mang ấu trùng sán lá phổi.
Nhiều người còn ngộ nhận rằng cứ nướng cua là sán chết. Tuy nhiên, thực tế trên cua đã nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá phổi còn sống, còn cua nướng cháy vỏ, tỷ lệ này là 23%.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ấu trùng của giun đầu gai trên lươn, ấu trùng sán trên nhái.
5. Rau sống
Ấu trùng của sán lá gan lớn được tìm thấy trên một số loại rau thủy sinh ở Việt Nam như: ngổ, cải xoong... Tuy nhiên, không chỉ các loại rau sống dưới nước mà cả những rau trồng trên cạn cũng nhiễm ký sinh trùng giun sán do được tưới bằng nước thải sinh hoạt.
Vì thế, để phòng bệnh giun sán, nếu chỉ kiêng ăn sống các loại rau thuỷ sinh thì chưa đủ, mà các loại rau trồng trên cạn cũng cần được nấu chín.
Tác hại và gánh nặng bệnh tật của các bệnh giun sán là rõ rệt với cộng đồng và xã hội. Hậu quả của bệnh là một vấn đề nghiêm trọng, mọi người cần cảnh giác với những món ăn có nguy cơ nhiễm giun sán
Hiện nay tại Phòng khám đa khoa trung tâm CDC Quảng Nam, số 135 Trưng Nữ Vương, thành phố Tam Kỳ triển khai các xét nghiệm liên quan đến các bệnh giun sán như: xét nghiệm ấu trùng giun đũa chó, sán lá gan lớn, sán dây, giun lươn, giun đầu gai và các bệnh giun sán khác
Khi có kết quả xét nghiệm, nếu nhiễm bệnh ký sinh trùng, anh, chị sẽ được bác sĩ chuyên khoa tư vấn và điều trị tại phòng khám mà không cần đi nơi khác, giảm chi phí rất lớn cho người bệnh. Nên vấn đề điều trị cần được thực hiện sớm và triệt để, đề phòng những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

CN. Hoàng Xuân Tư

 

Tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, kiểm soát người nhập cảnh trái phép… là những vấn đề được UBND tỉnh nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết đánh giá công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Quảng Nam là một trong số 45 tỉnh thành ở nước ta có ca nhiễm Covid -19. Thời điểm cuối năm, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, về nước của người dân rất lớn, tình hình dịch bệnh sẽ càng trở nên phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về nhập cảnh, giám sát, cách ly y tế, phòng, chống COVID-19, đặc biệt là phải đảm bảo an toàn khi nhập cảnh, cũng việc đưa đón từ cửa khẩu, các khu vực cách ly y tế đối với người nhập cảnh, tuyệt đối không để lây lan trong khu vực cách ly, lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, các địa phương cần kích hoạt các tổ “Giám sát và tuyên truyền phòng chống Covid-19 tại cộng đồng”ngay từ lúc này. Cùng với đó, hai biện pháp cần triển khai tại các nơi công cộng là mang khẩu trang và sát khuẩn thường xuyên...

letri thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại Hội nghị trực tuyến 
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, quá trình phòng chống dịch Covid-19 của Quảng Nam đã rút ra được những bài học quý giá, đó là sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, tích cực, quyết liệt, nhất quán, phát huy được vai trò của cộng đồng trong phòng chống dịch; công tác thông tin, tuyên truyền tích cực, hiệu quả; kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, truy vết, xét nghiệm,...
Đồng thời, nhấn mạnh 06 nhiệm vụ các cấp, các ngành cần quan tâm để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Cụ thể, tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành; sẵn sàng công tác chuẩn bị ở tất cả các khâu phát hiện, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, truy vết, xét nghiệm,… và chủ động ở tất cả các lực lượng, đơn vị; nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo phòng, chống dịch của Trung ương trong tình hình mới; nắm rõ tình hình và kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, người đến địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau, nhanh chóng phát hiện và xử lý ngay các nguy cơ tiềm ẩn; củng cố, hoàn thiện các khu cách ly tập trung, đảm bảo an toàn cách ly y tế tại nhà, khắc phục những tồn tại, hạn chế; vận hành đồng bộ cả hệ thống chính trị, phải có phương án xử lý kịp thời khi có ca bệnh xâm nhập, tránh lây lan ra cộng đồng;…
Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân:
1. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.
2. Không chủ quan, lơ là, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế
Mỗi người dân Việt Nam hãy đồng lòng quyết tâm giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19!
Ánh Minh

Chương trình truyền thông giáo dục sức khỏe thông qua chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ Tu, phát sóng trong chương trình truyền hình tiếng Cơ Tu năm 2020 tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Căn cứ Công văn số 869/UBND-VX ngày 24/3/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về chương trình tuyên truyền GDSK bằng tiếng dân tộc cho cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam, Chương trình đã được triển khai xuyên suốt mỗi 2 tuần một chuyên mục, phát vào tối thứ 6 và chủ nhật từ năm 2009 trên sóng phát thanh - truyền hình Quảng Nam cho đến nay.

72400688 2691187827774535 217507481855721472 n
Dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam sống chủ yếu ở các huyện Tây Giang (chiếm hơn 90% dân số của huyện), huyện Đông Giang (73,23%) và huyện Nam Giang (hơn 50%). Cơ Tu cũng là một trong những dân tộc có phong tục tập quán rất đa dạng. Dân tộc Cơ Tu sử dụng ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Có những phong tục tập quán tốt thể hiện nét đẹp văn hóa và tinh thần của các dân tộc miền núi, song vẫn còn những phong tục tập quán cũ, lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, trình độ dân trí thấp, kinh tế chậm phát triển, đặc biệt các xã vùng sâu, vùng xa. Xuất phát từ những điều kiện địa lý, khí hậu kinh tế, xã hội riêng nên tình hình sức khỏe và bệnh tật trong đồng bào Cơ tu cũng bị ảnh hưởng sâu sắc.
Trước tình hình đó, xác định nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khỏe cho đồng bào qua kênh thông tin trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh là cần thiết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã có kế hoạch chuyển tải nội dung về giáo dục sức khỏe tại chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ Tu một cách đầy đủ nhất.
Tại Trung tâm, công tác chỉ đạo, kế hoạch thực hiện hằng năm đã được lãnh đạo chú trọng, đầu tư, năng lực cán bộ thực hiện chuyên mục cũng được nâng lên từng bước. Thông qua hệ thống tổ chức và mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe tại cơ sở, chương trình thực hiện mang lại hiệu quả hiệu quả kép.
Để có được một nội dung phát sóng truyền hình, cán bộ y tế, phóng viên chuyên mục tại trung tâm phải có những đợt công tác lên tận nơi ở của đồng bào Cơ tu, chọn những thôn đông dân và có nhà Gươl đóng ở trung tâm. Nhờ vào cán bộ y tế xã và mạng lưới cộng tác viên thôn bản, đồng bào được mời đến. Tại đây đồng bào được các bác sỹ của chính dân tộc mình hướng dẫn các nội dung chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bằng tiếng Cơ Tu, phóng viên chuyên mục có nhiệm vụ quay hình về cắt dựng lại thành nội dung cô đọng, súc tích kèm theo hình ảnh minh họa sinh động để phát trong chuyên mục. Như vậy để có một nội dung phát sóng, trước tiên, một nhóm đồng bào đã được truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp, đây là một kênh truyền thông hiệu quả mà nếu không có sự đầu tư, tâm huyết sẽ không thể dễ dàng thực hiện.
Với phương châm thực hiện theo tiêu chí đơn giản dễ hiểu, dễ làm theo và phù hợp với phong tục tập quán của người dân, mỗi nội dung chuẩn bị cho mỗi chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ-Tu đều được cán bộ y tế tại trung tâm Kiểm soát bệnh tât chọn lọc, biên tập kỹ lưỡng, nội dung vừa phù hợp chủ đề vừa theo sự diễn biến của tình hình bệnh tật địa phương, bác sỹ tại cơ sở phải thông thạo cả tiếng Kinh lẫn tiếng Cơ tu để có thể dịch nội dung và hướng dẫn lại cho đồng bào mình bằng tiếng Cơ Tu. Chính vì thế mà hằng năm chuyên mục đã chuyển tải đến đồng bào Cơ Tu rất nhiều nội dung phong phú, phải kể đến những nội dung đã đáp ứng kịp thời nhu cầu truyền thông của đồng bào như phòng bệnh Sốt rét, bệnh Bạch hầu, bệnh Sốt xuất huyết, bệnh dại, truyền thông phòng chống COVID-19,… các nội dung chăm sóc sức khỏe khác như chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tảo hôn,…
Từ sự hoạt động đồng bộ từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn tất để cho ra một sản phẩm truyền hình, hiệu quả truyền thông của chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ- Tu thể hiện rõ nét. Tỷ lệ đồng bào được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi phòng bệnh, chữa bệnh, tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng đã được nâng lên đáng kể. Trong đợt truyền thông để ghi hình Tại thôn Voong xã Tr,Hy, Chị Briu Thị Bôn, một người dân tại thôn cho biết: người dân ở đây rất phấn khởi vì được truyền thông rất nhiều vấn đề về chăm sóc sức khỏe mà trước đây họ chưa được biết, Chị Bôn và bà con cũng cho biết thêm, họ sẽ theo dõi các chương trình trong các chuyên mục Sức khỏe cho mọi người bằng tiếng Cơ- Tu sắp tới phát vào tối thứ 6 và chủ nhật trong tuần để nghe lại lần nữa các hướng dẫn của bác sỹ và thấy được hình ảnh của chính mình phát trên đài Phát Thanh - Truyền hình Quảng Nam.
Có thể nói, với việc thực hiện hiệu quả Chương trình truyền hình chuyên mục “Sức khỏe cho mọi người” bằng tiếng Cơ- Tu phù hợp với trình độ, ngôn ngữ và phong tục tập quán đã giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho đồng bào Cơ Tu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Qua đây thể hiện phần nào vai trò và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vùng cao, để người dân đã có được nhận thức tốt hơn trong phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hành lối sống lành mạnh theo hướng có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là một thành quả góp phần vào thắng lợi chung của nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong toàn tỉnh.

Long Cảnh

Liên tục trong thời gian qua, các địa phương trên cả nước có sự gia tăng các ca bệnh Whitmore. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, gây tử vong nhanh, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển, do đó người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh và nhân viên y tế cần cảnh giác để chẩn đoán đúng, điều trị bệnh kịp thời.

Cũng theo các chuyên gia, sự tăng đột biến số lượng ca Whitmore trong tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam tương đổng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Số bệnh nhân Whitmore thường liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm.

Bệnh Whitmore còn gọi là bệnh Melioidosis, do trực khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp. Nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người mắc Whitmore có thể tử vong. Tỉ lệ tử vong lên tới 40%.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng (bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng...). Bệnh khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh Whitmore được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo: suckhoedoisong.vn

Long Cảnh

Để có một sức khỏe tốt cho bản thân người cao tuổi (NCT) mà còn cho cả gia đình, bè bạn thì NCT nên chọn cho mình một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý.

  1. Thời tiết có ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của NCT, nhất là mùa đông hoặc lúc thời tiết chuyển mùa. Vì vậy NCT cần mặc đủ ấm cả ban ngày cũng như lúc đi ngủ, đặc biệt lưu ý ở NCT có các bệnh mạn tính như: hen suyễn, bệnh dạ dày, bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, xơ vữa động mạch).

Khi ra khỏi nhà thì người cao tuổi phải mặc đủ ấm, quàng khăn, đội mũ len, tay,chân cần có bít tất để giữ ấm cho cơ thể.

  1. Khi tắm cần chuẩn bị khăn lau người, quần, áo để thay trước khi tắm và không nên tắm lâu, tốt nhất là tắm nước ấm. Đặc biệt đối với những người cao tuổi sức khỏe đã yếu cần có người nhà giúp đỡ để tránh sự cố xảy ra khi tắm, rửa.
  2. Đảm bảo các chất dinh dưỡng

Để vui khỏe, người cao tuổi cần ăn đủ chất như: đạm, đường, chất béo, vitamin và các khoáng chất. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên ăn thịt nhiều, nên ăn cá và ăn nhiều rau củ quả vì trong rau ngoài các vitamin thì rau còn chứa nhiều chất xơ giúp cho tiêu hoá thức ăn tốt hơn, tránh được táo bón.

Theo thời gian hệ tiêu hóa của người cao tuổi đã giảm sút, do đó cần ăn các chất dễ nhai, dễ tiêu và nên nhai thật kỹ. Với những cụ răng đã yếu hoặc rụng thì cần ăn thức ăn đã được nấu nhuyễn.

Ngoài việc ăn sao cho tốt, đúng khoa học, đảm bảo sức khỏe thì việc uống cũng không nên xem nhẹ. Nước chiếm 70% trọng cơ thể nên các cụ phải uống nước thường xuyên. Mỗi này nên uống khoảng 1.5 lít nước. Nguồn nước tốt nhất vẫn là nước lọc đun sôi để nguội.

Lưu ý, các cụ không nên ăn quá no, uống nhiều nước trước khi đi ngủ. Điều này sẽ làm cơ thể mệt mỏi hơn, khó ngủ và đi tiểu đêm nhiều lần gây mất ngủ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cũng không nên vì bệnh tật mà lại kiêng khem quá mức. Ăn, uống kiêng khem quá mức khiến cơ thể thiếu chất dinh dưỡng sẽ có hại cho sức khỏe.

Nói tóm lại: Ăn uống hợp lý, cân bằng là điều quan trọng để giúp các cụ tránh được nguy cơ phát triển bệnh tật, tăng tuổi thọ...

  1. Không quên tập luyện

Hình thức luyện tập thể thao tương đối phù hợp với người cao tuổi là tập dưỡng sinh một cách đều đặn. Cần tập đúng bài bản, tốt nhất là có người hướng dẫn. Ví dụ, các câu lạc bộ của người cao tuổi.

Nơi tập cần bảo đảm vệ sinh, thoáng mát, tránh gió lùa, nhất là mùa lạnh, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ, tránh mưa, gió đột ngột.

Phải tập từ động tác dễ đến động tác khó và trước lúc đi vào tập bài cụ thể nên có khởi động thân thể một cách nhẹ nhàng. Không nên tập quá sức mình, để sau mỗi lần tập thấy người thoải mái, nhẹ nhàng.

Ngoài tập dưỡng sinh, còn có thể đi bộ, đạp xe đạp, chơi cầu lông...

Tùy theo sức khỏe của từng cụ mà có những bài tập khác nhau. Mỗi lần tập chỉ nên từ 15 -20 phút, không nên tập quá lâu, một ngàycó thể tập 2 lần.

Duy trì một chế độ ăn uống điều độ, luyện tập, sinh hoạt thích hợp, tinh thần thoải mái có thể giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, hưởng nhiều vui vẻ cùng con cháu.

BSCKI. Kim Vân

Công tác quân dân y kết hợp giữa Sở Y tế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện và duy trì thường xuyên nhiều năm nay để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào nghèo vùng cao, vùng sâu vùng xa, các đối tượng chính sách, có công cách mạng,...
Xuất phát từ 4h sáng ngày 06.10, từ thành phố Tam Kỳ, đoàn Y bác sỹ Quân dân Y đã vượt quãng đường núi xa xôi, sạt lở nhiều đoạn do thời tiết xấu, mưa to,... đến với bà con hai xã GaRi và Ch'Ơm, huyện Tây Giang để khám bệnh, cấp phát thuốc điều trị miễn phí, tặng quà cho bà con nơi đây. Đây là hai xã vùng cao, giáp biên với Lào, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khi nhận được thông báo có đoàn Y bác sỹ lên khám chữa bệnh, bà con đã sắp xếp công việc gia đình, nương rẫy để đến trạm y tế xã thật sớm, đông đủ. Dù nên đoàn công tác đến nơi bị chậm trễ hơn một giờ đồng hồ nhưng bà con vẫn nhiệt tình chờ đón đoàn.
Bà Br'iu Thị Hên năm nay đã 76 tuổi, xã Ch'ơm, Tây Giang được con gái đưa đến trạm y tế xã để khám bệnh, bà phấn khởi cho biết: "Mình trước đây đi theo Đảng, theo cách mạng, cống hiến cho đất nước, bây giờ thì già yếu rồi không làm gì được nữa. Nhận được giấy mời của cán bộ y tế, mình bảo con gái đưa đến đây, các bác sỹ khám bệnh rất tận tình, cho thuốc về uống rồi dặn dò rất chu đáo, mình còn được tặng quà nữa, mình cảm ơn các bác sỹ nhiều lắm."
Có mặt từ rất sớm, ông A lăng Nhấp, 73 tuổi, thôn Cà Dinh, xã Gari, huyện Tây Giang vui mừng sau khi được khám bệnh, nhận thuốc chữa bệnh, ông cho biết: "Bà con xã Gari chúng tôi có mặt từ rất sớm, 7h sáng là đã đến đông đủ. Khi thấy 2 chuyến xe chở đoàn y bác sỹ đến nơi, bà con chúng tôi phấn khởi lắm vì lo cho các bác đi đường xa xôi, mưa to, sạt lở nên sẽ nguy hiểm, khó khăn. Bây giờ được khám bệnh, nhận được thuốc rồi, tôi sẽ nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng như hướng dẫn để chữa bệnh cho tốt. Tôi cũng cảm ơn phần quà rất ý nghĩa mà đoàn công tác đã tặng cho bà con Gari chúng tôi."
Ths Lê Thị Hồng Hà - Phòng nghiệp vụ Y, Sở Y tế Quảng Nam, phụ trách đoàn công tác cho biết: "Đây là chương trình mà Sở y tế phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hằng năm để chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Năm nay, Sở y tế Quảng Nam đã tổ chức Chương trình khám chữa bệnh mang đầy nghĩa tình của vùng xuôi dành cho đồng bào vùng cao Gari và Ch'ơm. Bởi đa số bà con nơi đây khó có điều kiện tiếp cận với các dịch y tế chất lượng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nên chúng tôi đã tổ chức đoàn đi gồm các bác sỹ chuyên khoa, đa khoa để đảm bảo cho công tác khám bệnh đạt hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, 300 suất quà tặng gồm: gạo, dầu, nước mắm,... với tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng."
"Nhận được công văn của Sở Y tế, chúng tôi đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã triển khai kế hoạch một cách hiệu quả nhất, chúng tôi làm giấy mời, giao cho cộng tác viên dân số, Y tế thôn bản gửi cho từng đối tượng để bà con đến khám bệnh. Trong buổi sáng hôm nay thì đã được khám bệnh, cấp thuốc cho 107 đối tượng có công cách mạng, còn lại những đối tượng già yếu, neo đơn không đi được thì chiều nay chúng tôi sẽ đến từng nhà để tiếp tục khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho bà con" - Y sỹ Zơ Râm Vơi, Trưởng trạm y tế xã Gari, Tây Giang cho biết.
Tại mỗi điểm khám, đoàn đã bố trí 4 bàn khám bệnh và 1 bàn cấp phát thuốc với 16 cán bộ y tế tham gia khám chữa bệnh là các Y bác sỹ đến từ các bệnh viện Y học cổ truyền, BV Mắt, BV Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam và toàn thể cán bộ trạm y tế xã. Nhờ làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nên gần 300 bà con đều được thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc điều trị miễn phí, được các y bác sỹ hướng dẫn cách rửa tay sạch với xà phòng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, chế độ ăn chín uống chín, thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả.
Tham gia đoàn khám chữa bệnh, Bs Đỗ Việt Cảnh - Quân Y, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết: "Qua thăm khám, chúng tôi nhận thấy đa số bà con mắc các bệnh về cơ, xương khớp, bệnh mạn tính, viêm đường hô hấp trên,... nên chúng tôi đã kê đơn đơn, cấp thuốc điều trị cho bà con, hướng bà con uống thuốc đúng liều, thường xuyên vận động, rèn luyện sức khỏe,... Công tác quân dân Y kết hợp giữa Sở Y tế và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam nhiều năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Từ đó nâng cao niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, củng cố sức mạnh quốc phòng toàn dân. Đây là chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đầy nghĩa tình của hai đơn vị với bà con 2 xã vùng biên giới GaRi và Ch'ơm..."
Nhờ làm tốt công tác từ tiền trạm đến hậu cần, chuẩn bị đầy đủ các cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho đến các phần quà tặng, bố trí nhân lực hợp lý, sau 2 ngày tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc và tặng quà cho bà con, chương trình đã thành công và để lại những dấu ấn, tình cảm tốt đẹp với bà con nơi đây.
Công tác phối kết hợp quân dân y giữa hai đơn vị Sở Y tế và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh QN trong khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên và thường niên không chỉ góp phần cải thiện sức khỏe cho đồng bào vùng cao, vùng khó khăn mà còn góp phần ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, Chương trình còn nhằm giúp đỡ y tế cơ sở tuyến xã, phường, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động y tế thường xuyên, đẩy mạnh việc chăm lo sức khỏe toàn dân trong trong tình hình mới.

Trưởng Hoa - Ánh Minh

Vào thời điểm này, nhiều phụ huynh lo lắng rằng, nơi tiêm chủng là nơi tập trung đông người, dễ có nguy cơ lây nhiễm Covid -19 cho trẻ nhỏ, vì vậy nhiều người có ý định hoãn tiêm cho trẻ.
Trẻ cần được tiêm phòng đúng lịch
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc trì hoãn lịch tiêm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đã được loại trừ. Đặc biệt là các mũi tiêm ngừa bắt buộc trong chương trình tiêm chủng mở rộng phòng ngừa các bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều so với Covid-19.
Chị Nguyễn Thị Ly Ly (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) gọi điện đến Phòng tư vấn của Trung tâm CDC Quảng Nam , chị cho biết chị sinh em bé đã hơn 2 tháng, ngày 25 tháng 8 này con chị sẽ được tiêm mũi đầu tiên vắc xin “5 trong 1” (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - Hib). Tuy nhiên, do đang mùa dịch Covid -19 nên chị rất lo lắng và chị có thể hoãn tiêm cho bé được không? Đây chắc chắn không phải chỉ là thắc mắc và lo lắng chỉ riêng của chị Ly trong những ngày gần đây.
Bs. CKI Huỳnh Công Quang - PGĐ Trung tâm CDC Quảng Nam cho biết nếu tiêm chủng không đủ liều, đúng lịch thì trẻ sẽ không được bảo vệ đầy đủ trước các bệnh nguy hiểm.“ Trước tình hình dịch Covid -19 kéo dài như hiện nay, thì việc hoãn tiêm hoặc bỏ tiêm chủng sẽ khiến cho trẻ thiếu miễn dịch. Như vậy sẽ dễ dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như Ho gà, Sởi, Thủy đậu, Bạch hầu, Rubella…. Do đó, những khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19/CT-TTg thì Trạm y tế lập danh sách riêng và có giấy mời phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng dưới sự kiểm soát chặt chẽ việc lây nhiễm. Còn những khu vực thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT -TTg thì trẻ sẽ được sớm nhất sau khi hết giãn cách”, bác sĩ Quang lưu ý.
“Hiện tại, các cơ sở tiêm chủng đã triển khai nhiều biện pháp vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Những trường hợp nghi ngờ đều được cách ly nghiêm ngặt theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc phân luồng, giãn khoảng cách, khử khuẩn môi trường, hẹn tiêm theo giờ luôn đảm bảo. Ngoài ra, thời điểm hiện tại dịch bệnh Covid -19 cũng đang được kiểm soát nên phụ huynh không quá lo lắng”, bác sĩ Quang khẳng định.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Tại Trạm Y tế xã Bình An, huyện Thăng Bình, để đảm bảo an toàn cho trẻ được tiêm chủng và thực hiện phòng chống dịch Covid-19, Trạm đã chia lịch tiêm chủng theo từng thôn, hẹn giờ tiêm chủng cho từng trẻ và bố trí giãn cách các vị trí ngồi chờ tiêm chủng. Trạm chia mỗi lần không quá 5 trẻ trong cùng một thời điểm tiêm, tránh tập trung đông người, đảm bảo đúng quy định chống dịch Covid-19. Ở phòng chờ theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng, trạm đã bố trí địa điểm rộng rãi, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các trẻ và người chăm sóc trẻ.
Với Trạm Y tế xã Bình Nam, trạm đã bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho tất cả những người đến trạm trong thời gian tiêm chủng, yêu cầu người dân thực hiện sát khuẩn tay nhanh và đeo khẩu trang trước khi vào. Đồng thời thông báo với người dân hạn chế tối đa người đưa trẻ đến tiêm chủng (mỗi trẻ chỉ được 01 người đưa trẻ vào tiêm chủng).
Bs Nguyễn Vĩnh Tuyển, Trưởng Trạm Y tế xã Bình Nam cho biết, để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, trạm cũng đã phân chia lịch tiêm theo từng khu vực, kéo dài thời gian tiêm chủng, thông báo cho các đối tượng đến tiêm chủng theo các khung giờ khác nhau, đảm bảo khoảng cách ngồi chờ cho các đối tượng đến tiêm chủng cách nhau 2 mét; lập danh sách người đến tiêm chủng, nếu vắng trẻ theo lịch hẹn Trạm sẽ gọi điện về nhắc nhở. Song song với việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng được trạm y tế thực hiện nghiêm ngặt như đảm bảo quy trình về an toàn tiêm chủng, bảo quản vắc xin, hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm 30 phút và theo dõi trẻ sau tiêm tại nhà…
Chị Trần Thị Lý (thôn An Thái, xã Bình An, Thăng Bình) tâm sự: “Thực sự mấy hôm nay tôi rất lo bởi con tôi còn quá nhỏ, mặc dù cũng đã được nhân viên y tế gọi điện tới dặn dò, tư vấn. Nhưng khi tới đây thì tôi thấy yên tâm hơn khi trạm y tế thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19 như đo thân nhiệt, có nước sát khuẩn tay, ghế ngồi được giãn cách 2m, trẻ được hẹn tiêm theo thời gian khác nhau nên không đông người như tôi tưởng”.
“Khi đưa con đi chích ngừa, phụ huynh cần lưu ý: nên đeo khẩu trang khi đến các cơ sở tiêm chủng có đông người. Với trẻ nhỏ chưa đeo được khẩu trang thì ẵm bé quay về phía ngực mẹ. Đi theo giờ hẹn của Trạm y tế. Vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi đến khu vực khám cũng như trong quá trình chăm sóc bé. Chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các sổ tiêm chủng của trẻ để việc thăm khám và tiêm chủng nhanh chóng, thuận lợi”, Bs Tuyển khuyến cáo.

ÁNH MINH 


Nếu ví các y, bác sĩ là những “nốt thăng” thì các hộ lý là những “nốt trầm” lặng lẽ... để bản hùng ca đầy kiêu hãnh về những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến chống COVID-19 thăng hoa.

Những “nốt trầm” lặng lẽ…

Một ngày làm việc trong ngày dịch của chị Nguyễn Thị Thu Thủy và Bùi Thị Tý - hộ lý làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng và kết thúc lúc 24 giờ đêm. Để phục vụ cho công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, 2 chị được tăng cường phục vụ cho Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm.
Cũng như thường nhật, công việc của chị Thủy và chị Tý là vệ sinh sạch đẹp, ngăn nắp, trật tự trong các phòng làm việc, phòng xét nghiệm, phòng vệ sinh, hành lang, cầu thang của Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng theo quy chế quản lý phòng làm việc, phòng xét nghiệm và quy chế chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác xét nghiệm, bảo quản và trả kết quả được kịp thời, chính xác trong tình hình dịch COVID-19, Khoa tiếp nhận rất nhiều mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất... nên công việc dọn dẹp, vệ sinh tại đây cũng theo đó tăng lên và nặng nề hơn trước.

Công tác thu gom quản lý chất thải y tế phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19 cũng đặc biệt hơn vì phải thực hiện theo một quy trình khắt khe hơn trước khi thải ra môi trường. Sau khi các mẫu xét nghiệm được xử lý, tách chiết và đọc kết quả, những chất thải y tế này sẽ được các chị hộ lý thu gom, phân loại và xử lý bằng cách hấp ở nhiệt độ cao trước khi cho vào khu tập trung rác thải y tế để Công ty Môi trường đô thị Quảng Nam đưa về nơi xử lý chất thải y tế chung của tỉnh.

Cử nhân Nguyễn Trường Duy - Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng cho biết: “Công việc dọn dẹp vệ sinh thôi cũng bộn bề nặng nhọc hơn trước rất nhiều với vô số rác thải từ các mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm, bao gói các dụng cụ y tế, sinh phẩm, hóa chất... Đó là chưa kể để đảm bảo quy chế chống nhiễm khuẩn, các chị phải thường xuyên lau chùi, sát khuẩn cầu thang, hành lang, sàn nhà liên tục. Công việc nặng nề hơn nữa là thu gom, xử lý rác thải cũng mất nhiều thời gian hơn trước và độc hại, nguy hiểm vì phải tiếp xúc với vi khuẩn, hóa chất. Các chị làm việc luôn tay mà không có thời gian nghỉ ngơi. Có những đêm, chúng tôi rời phòng làm việc thì cũng đã đến lúc đồng hồ điểm sang ngày mới. Nhưng các chị ấy vẫn còn ở lại để dọn dẹp, vệ sinh phòng ốc. Sáng hôm sau, chúng tôi đến cơ quan thì các chị ấy đã có mặt và đã vệ sinh sạch sẽ khuôn viên cơ quan, chuẩn bị đầy đủ nước uống, trang phục sạch sẽ cho chúng tôi. Công việc của các chị hộ lý luôn là vậy, luôn lặng lẽ đi trước, về sau”.

Ho ly 2
Chị Thủy thu gom rác thải mẫu bệnh phẩm (ảnh Phúc Hải)

Để bản hùng ca đầy kiêu hãnh thăng hoa

Bữa cơm trưa của các chị khi đã bước qua buổi xế. Bữa cơm cũng đầy đủ canh, rau, cá, thịt nhưng nhìn chị ăn chẳng ngon lành gì. Chị Thủy tâm sự: Những ngày đó thực sự chúng tôi cũng chẳng có tâm trạng nào mà ăn uống khi các ca dương tính tăng lên mỗi ngày. Bữa ăn vội vàng qua bữa để giữ sức khỏe làm việc, để cùng cơ quan chống dịch. Mong sao dịch bệnh sớm kết thúc để đất nước bình yên và anh em đồng nghiệp chúng tôi bớt vất vả.

Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp lặng lẽ của các chị hộ lý, TS.BS. Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: “Các chị hộ lý tại Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng của Trung tâm thật sự vất vả. Công việc chồng lên công việc. Rồi hằng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải y tế phục vụ cho công tác xét nghiệm nữa nên nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Nhưng các chị vẫn đã và đang cố gắng hoàn thành tốt mỗi ngày. Đặc biệt, các chị luôn sẻ chia những vất vả, chăm lo từng bữa cơm, từng ly nước để các y, bác sĩ, kỹ thuật y tại đây tập trung làm tốt công tác chuyên môn của mình”.

Có những hy sinh không thể kể hết và có những yêu thương cũng không thể nói thành lời nhưng tôi tin tất cả trong chúng ta đều có thể cảm nhận trọn vẹn điều đó. Cùng với đồng nghiệp của mình, các chị đã làm cho bản hùng ca về những chiến sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thăng hoa, hào hùng và rất đỗi tự hào.

PHÚC HẢI

Mặc dù nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ, đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả của hệ thống y tế đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nhưng nếu không có sự vào cuộc của toàn xã hội thì những nỗ lực của họ chẳng thấm vào đâu so với bản chất lây nhiễm của bệnh dịch cũng như gánh nặng tinh thần của việc tiếp xúc kéo dài với đau khổ và những cái chết không mong muốn. Chúng ta đã biết trong nhiều thế kỷ qua, việc đối mặt với các bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng tâm lý đáng kể đối với nhân viên y tế. Ví dụ, thế kỷ thứ XIV chứng kiến các nước châu Âu mất mát bác sĩ trong Cái chết đen (Black Death) không chỉ vì bác sĩ không chống chọi nổi với bệnh dịch hạch mà còn vì họ quá sợ hãi khi tiếp xúc với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh này.

Dù đã có nhiều nghiên cứu về tác động tâm lý của việc lây lan các loại virus gây bệnh dịch, như COVID-19 chẳng hạn, nhưng phần lớn dữ liệu đều liên quan đến phản ứng của công chúng mà không tập trung vào những trải nghiệm của các bác sĩ và nhân viên y tế khác đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Khi thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19 ngày càng dài ra và chưa biết khi nào đến hồi kết, vấn đề quan trọng là phải xem xét những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với bác sĩ và nhân viên y tế liên quan cũng như là hệ lụy của những hậu quả này.

Dữ liệu thu thập về vấn đề này từ các đại dịch trước đây và các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khác có thể cung cấp một lăng kính nhỏ mà qua đó chúng ta có thể thu thập thông tin về thực tế tác động tâm lý của COVID-19 và trang bị những công cụ cần thiết để giảm nhẹ gánh nặng cho các bác sĩ, và hơn cả, cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Các đợt bùng phát dịch làm tăng các triệu chứng lo lắng và trầm cảm ở nhân viên y tế

Một số hiện tượng tâm lý được quan sát thấy ở các bác sĩ đối phó với đại dịch. Hầu hết các dữ liệu tâm lý cho thấy sự xuất hiện của các triệu chứng liên quan đến lo lắng và trầm cảm. Ví dụ, nhân viên phục vụ chống COVID-19 cảm thấy có lỗi do thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân chết một mình, và họ cũng phải thông báo tin tức cho những người thân yêu qua công nghệ chứ không thể gặp trực tiếp. Cảm giác có lỗi này có thể chuyển ngay lập tức hoặc cuối cùng thành lo lắng hoặc trầm cảm lâm sàng, điều này phù hợp với những phát hiện từ các đợt bùng phát trước đây.

Lo lắng: Một số nghiên cứu về phản ứng của nhân viên y tế đối với các đợt bùng phát dịch bệnh đã chỉ ra nguy cơ gia tăng sự lo lắng. Trong quá khứ, nhân viên y tế ở tuyến đầu của đợt bùng phát "hội chứng hô hấp cấp nặng"(SARS) đã phải chịu đựng các triệu chứng của sự lo lắng và báo cáo về cảm giác cực kỳ dễ bị tổn thương. Các triệu chứng của họ thậm chí bao gồm những thay đổi về nhận thức. Tương tự, một nghiên cứu ở Hy Lạp trong đợt cúm lợn năm 2009 (H1N1) đã chứng minh rằng, hơn một nửa số nhân viên y tế tại một bệnh viện cấp ba cho biết sự lo lắng của họ ở mức độ cao vừa phải. Một nghiên cứu cho thấy 30% bác sĩ và 42% điều dưỡng sợ cúm gia cầm (H5N1).

Dữ liệu thu thập được trong năm nay về ảnh hưởng của COVID-19 đối với nhân viên y tế Trung Quốc cho thấy họ có nhiều khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn so với những nhân viên không chuyên về y tế cũng cùng làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trầm cảm: Mặc dù đợt bùng phát dịch SARS có liên quan đến sự lo lắng của nhân viên y tế chỉ trong thời gian ngắn, nhưng phần lớn sự lo lắng đó cuối cùng đã chuyển thành trầm cảm. Nhân viên chăm sóc bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch Ebola cũng đã trải qua cả lo lắng và trầm cảm, và họ đã mô tả cụ thể đó là sự cô đơn, sợ hãi và buồn bã, cũng như cảm giác bị bỏ quên, không được tôn trọng và không được yêu thương. Họ cảm thấy mất kết nối với xã hội và bị tác động tiêu cực bởi sự xói mòn lòng tin trong cộng đồng của họ.

Nghiên cứu cho đến nay về tác động tâm lý của COVID-19 đã cho thấy các dấu hiệu trầm cảm xuất hiện ở nhân viên y tế Trung Quốc. Các triệu chứng trầm cảm này thường đi kèm với mất ngủ và một số dấu hiệu lo lắng.

Các đợt bùng phát dịch làm tăng khả năng nhân viên y tế sẽ từ bỏ công việc của họ.

Mặc dù không rõ liệu đó có phải là do bệnh tật, nỗ lực tự bảo vệ hay lý do nào khác, nhưng một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng làm việc của nhân viên y tế trong thời gian bùng phát dịch cúm gia cầm cho thấy có gần 1/4 nhân viên vắng mặt.

Dữ liệu không chỉ cho thấy bác sĩ và nhân viên y tế khác ít có mong muốn làm việc trong thời gian bùng phát dịch mà còn cho thấy, thực ra những người lao động khác cũng có dự liệu trước về hành vi này. Các nghiên cứu về ý định làm việc trong bối cảnh tương lai của đại dịch đã được thực hiện ở một số quốc gia, và cho thấy có từ 20% - 30% nhân viên y tế tỏ ra do dự về việc làm trong thời kỳ đại dịch bất kể vị trí công việc hay văn hóa.

Sau khi dịch SARS bùng phát, nghiên cứu về thái độ của bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa và các quan chức bệnh viện ở Đức cho thấy, 28% trong số họ tin rằng việc nhân viên y tế từ bỏ công việc trong trường hợp có đại dịch trong tương lai là có thể chấp nhận được để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, gần 50% nhân viên y tế công cộng trong một nghiên cứu ở Maryland nói rằng họ khó có thể đi làm việc trong trường hợp có một đại dịch cúm khác.

Có thể làm gì để giảm nguy cơ tâm lý cho nhân viên y tế?

Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, nhân viên y tế có công việc liên quan đến y tế cộng đồng, cấp cứu, chăm sóc ban đầu và chăm sóc tích cực có nguy cơ đặc biệt cao xuất hiện các triệu chứng tâm lý liên quan đến đại dịch COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chính thức thừa nhận nguy cơ này đối với nhân viên y tế, do đó, cần phải làm nhiều hơn nữa để xử lý sự lo lắng và căng thẳng (stress) ở nhóm dân số đặc biệt này, và về lâu dài, giúp ngăn ngừa kiệt sức, trầm cảm và rối loạn sau tổn thương do căng thẳng.

Dữ liệu về đại dịch cũng đã chỉ ra các yếu tố cụ thể làm tăng khả năng hủy hoại sức khỏe tâm thần ở những người lao động này. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần của bác sĩ có thể được bảo vệ bằng cách giúp họ cảm thấy an toàn cả về thể chất và tâm lý trong suốt đại dịch.

Có một số công việc có thể và cần được thực hiện ngay để giảm thiểu các tác động tâm lý và tâm thần của đại dịch COVID-19:

Thứ nhất, mặc dù có vẻ hợp lý khi triển khai các chuyên gia sức khỏe tâm thần tới làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác, nhưng điều này nên tránh. Một động thái như vậy gần như chắc chắn sẽ làm kết quả tổng thể xấu đi và đặt những người yếu tâm lý vào nguy cơ suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần không tương xứng. Nếu có thể làm gì đó, nhóm người này cần được chăm sóc nâng cao vào lúc này.

Thứ hai, khuyến cáo cung cấp các can thiệp tâm lý cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hỗ trợ cụ thể cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tâm lý, nâng cao sự nhận biết và chẩn đoán các rối loạn tâm lý (đặc biệt tại các cơ sở chăm sóc ban đầu và khoa cấp cứu) và cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp can thiệp tâm lý (đặc biệt là những biện pháp được cung cấp trực tuyến và thông qua điện thoại thông minh). Những biện pháp này có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa bệnh tâm thần trong tương lai.

Và cuối cùng, cần đặc biệt tập trung vào các nhân viên tuyến đầu, nhưng không chỉ giới hạn ở nhân viên y tế. Tại Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật (CDC) đã đưa ra lời khuyên có giá trị cho nhân viên y tế để giảm các phản ứng tổn thương thứ phát do căng thẳng, bao gồm nâng cao nhận thức về các triệu chứng, tạm nghỉ đi làm, tự chăm sóc bản thân, tạm ngưng hành vi đưa nhắn tin qua mạng viễn thông và yêu cầu giúp đỡ. Lời khuyên này cần phải được củng cố bằng nhận thức của người sử dụng lao động, tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp và hỗ trợ thiết thực cho nhân viên y tế đang bị kiệt sức, căng thẳng và cảm thấy trách nhiệm cá nhân quá mức đối với các kết cục lâm sàng trong đại dịch có vẻ như là tệ nhất trong thời đại của chúng ta.

Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng:

Nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của COVID-19 đối với nhân viên y tế đã chỉ ra rằng, họ cảm thấy bất lực trong việc tiếp cận PPE đủ để tự bảo vệ mình. Do sự an toàn của chính họ phụ thuộc vào mức độ phát triển và việc triển khai các biện pháp an toàn của các bệnh viện, các nhà quản lý y tế có thể giúp bác sĩ không chỉ cảm thấy an toàn về thể chất thông qua việc tiếp cận với thiết bị và các quy trình cập nhật mà còn được chăm sóc và hỗ trợ từ các đồng nghiệp của họ.

Hỗ trợ tâm lý:

Mặc dù bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về các khía cạnh lâm sàng trong công việc của họ, nhưng họ lại ít được hỗ trợ hơn trong việc học cách đối phó với căng thẳng cảm xúc. Trong trường hợp đại dịch như COVID-19, các bác sĩ thường phải vật lộn với những áp lực dường như không thể hóa giải được và buộc phải đưa ra những lựa chọn không lường trước được.

Mặc dù tất cả chúng ta đều phải gánh chịu những hậu quả tâm lý của sự giãn cách xã hội trong một đại dịch, nhưng đối với các bác sĩ, căng thẳng tâm lý này còn tăng hơn nữa do tổn thương liên quan đến công việc. Tuy nhiên, họ có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tâm lý thông qua công việc hoặc thông qua sự hỗ trợ của các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần được đào tạo chuyên nghiệp.

Vấn đề cốt lõi:

Chi tiết về sức khỏe tâm thần của những người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa được báo cáo, và các dữ liệu quan trọng có thể sẽ được thấy trong tương lai. Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế là điều quan trọng không chỉ để giảm bớt những gánh nặng tâm lý mà họ phải đối mặt mà còn bởi vì căng thẳng tâm lý đe dọa làm giảm sự sẵn sàng hoặc khả năng tiếp tục vai trò quan trọng của họ trên tuyến đầu.

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất, ngoài việc tăng cường tinh thần sẵn sàng cho bác sĩ và các nhân viên y tế khác, các nhà quản lý cũng cần các công cụ tâm lý và có lẽ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tập trung vào tác động tâm lý của các mối đe dọa sinh học để giúp họ đối phó với căng thẳng và lo lắng khi đối mặt với đại dịch.

Hy vọng với việc giảm thiểu những tác động tâm lý có hại đối với bác sĩ, chúng ta sẽ bảo vệ hiệu quả những người lao động quan trọng này và tính toàn vẹn của hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Bs. Trần Lâm

Covid-19 là gì?
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính với tác nhân là virus SARS-CoV-2. Bệnh lý này khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Từ đó các nhà khoa học Trung Quốc cũng như trên thế giới đã nghiên cứu và phân lập được một chủng virus Corona mới, virus Corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới đã lấy tên chính thức của bệnh là COVID-19.
Cho đến nay, bệnh COVID-19 đã lan tràn ra khắp thế giới. Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi "COVID-19" là "Đại dịch toàn cầu".
Triệu chứng của Covid-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với người đã bị nhiễm, hoặc ở trong vùng có dịch.
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh được theo dõi và điều trị triệu chứng và các bệnh kèm tại các cơ sở y tế.
Vấn đề phòng bệnh là chủ yếu và vô cùng quan trọng, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu và đã được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng.
Phản ứng của xã hội
Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế ra ngoài, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.
Những điều trăn trở
Tỷ lệ tử vong: tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 rất dao động tùy theo từng thời điểm, từng quốc gia, cao ở nhóm người cao tuổi, suy kiệt, có nhiều bệnh mạn tính nặng đang điều trị. Vào giữa tháng 3/2020, thế giới ở mức 3,4%, trong khi ở Italy, thì tỷ lệ tử vong ở quốc gia châu Âu này lên tới 6,7%. Hay như tại Vũ Hán, tỷ lệ tử vong lên 5,8%, cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác của Trung Quốc chỉ dao động quanh 0,7%.
Tuy nhiên, cũng có thể nói tử vong do bị nhiễm SARS-CoV-2 như "giọt nước tràn ly" nếu các trường hợp mắc rơi vào các nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm như bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ung thư, tim mạch,.... như đợt dịch tháng 8/2020 ở Đà Nẵng.
Ảnh hưởng trên toàn thế giới của đại dịch COVID-19 hiện nay: bên cạnh thiệt hại về con người, nó còn gây nên sự bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội, tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người gốc châu Á, việc truyền bá thông tin sai lệch và thuyết âm mưu về virus.
Thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus: là những đòn “choảng” nhau mang tính chính trị của các “ông lớn” như Mỹ - Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự thế giới, chúng ta không thể không bị ảnh hưởng.
Những hệ lụy:
Chúng ta xót xa khi thấy nhiều bệnh viện bị đóng cửa, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi khám, cấp cứu, điều trị của nhân dân (cho dù các bệnh viện lân cận đã chủ động mở rộng quy mô để đón tiếp người bệnh).
Thiệt thòi nhất là các trường học cũng đã phải đóng cửa trên toàn quốc hoặc ở một số vùng dịch bệnh đã diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, trong đó có 767 triệu nữ sinh.

Thay vì lo sợ hãy chung sống an toàn
Nếu còn quan điểm lo sợ trước Covid-19 thì bao giờ mới hết lo? Thế giời này hơn 7 tỷ người, chỉ cần 1 người bị nhiễm thì nỗi lo vẫn còn đó.
Như vậy, cuộc sống con người sẽ bước vào giai đoạn mới: giai đoạn online, có nghĩa là sẽ hạn chế tối đa sự tương tác trực tiếp giữa người và người. Con người sẽ dần tự nhốt mình trong các lớp vỏ vững chắc và tiếp xúc thông qua các thiết bị thông minh. Như vậy, tính “vô cảm” và “lãnh cảm” của con người trong tương lai sẽ trở nên phổ biến?
Tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu khi đại dịch vẫn còn hoành hành? Cuộc sống con người rồi sẽ xoay sở như thế nào khi chúng ta còn phải hy sinh nhiều lợi ích khác để chống lại đại dịch này? Điều băn khoăn này thật khó giải thích, nhưng trước hết chúng ta đều phải chấp hành tuyệt đối các quy định và khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, “design” lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, tình cảm con người và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.

Bs Dương Chí Lực - BVĐK TW Quảng Nam.

5k

 

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều "chiến sĩ áo trắng" đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch, họ bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả cho cuộc chiến với niềm tin tiêu diệt "giặc" Covid-19, đem lại sự bình yên cho cộng đồng.
Hạnh phúc chính là ngày chiến thắng đại dịch
Hạnh phúc lớn nhất của đời con gái là được một lần khoát lên bộ váy cưới lộng lẫy, được rạng rỡ bước lên xe hoa về nhà chồng với sự chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng. Hạnh phúc là ngày tình yêu chính thức đơm hoa kết trái, là ngày mà cô gái xinh nhất, rạng rỡ nhất.
Ấy vậy mà nữ điều dưỡng N.T.T.N. (nhân vật xin không nêu tên) của Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam đành gác lại hạnh phúc ấy, để xung phong lên tuyến đầu chống dịch, mặc dù thiệp cưới đã gửi đi, khách đã mời, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lên xe hoa về nhà chồng.
Hơn ai hết, chị hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc chiến chống Covid-19 lần này nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi sự hy sinh quyền lợi cá nhân của nhiều người, thậm chí có thể đối diện với nguy hiểm. Nhưng chẳng chút do dự, chị N.T.T.N. đã động viên và được sự đồng ý của người chồng sắp cưới, chị đăng ký tham gia vào Khu điều trị bệnh nhân dương tính SAR-CoV-2 tại phòng khám Đa khoa Điện Nam - Điện Ngọc thuộc BVĐK Khu vực Quảng Nam trước sự ngỡ ngàng của hai bên gia đình.
Khi được đồng nghiệp kể về sự hi sinh của chị, chúng tôi hỏi, lý do nào khiến chị quyết định như vậy, chị N.T.T.N. từ chối câu chuyện của mình và nói: “Sự hy sinh của tôi chẳng là gì so với những cống hiến của các anh chị đồng nghiệp. Hạnh phúc của tôi lúc này là được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh để về với gia đình. Cuộc chiến lần này nhiều cam go, khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng chúng tôi không hề nao núng tinh thần. Chúng tôi không sợ nhiễm bệnh, chỉ sợ không có ai lo cho bệnh nhân, không được chia sẻ với đồng nghiệp"
“Thấy các đồng nghiệp đang“oằn mình”chống dịch, tôi rất đau. Tôi sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chăm sóc người bệnh, dù ở bất cứ đâu, khi nào. Tôi xác định, sẽ cống hiến hết khả năng của mình và hết dịch sẽ trở về với gia đình, với người tôi yêu. Ngày hạnh phúc của vợ chồng tôi sẽ là ngày chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch này. Hạnh phúc đâu chỉ nhận cho riêng mình. Tôi tin anh ấy sẽ chờ!” đó là tâm nguyện của chị.

Cham soc benh nhan BVDK Khu vuc Quang Nam

Điều dưỡng chăm sóc người bệnh tại khu điều trị thuộc bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam
Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng
Ngay khi có Quyết định của Bộ Y tế (ngày 1.8) về việc điều trị cho tất cả bệnh nhân dương tính trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam “lên dây cót” chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị thiết yếu cho “cuộc chiến” chống COVID -19 bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Nhận nhiệm vụ vào “vùng đỏ”- tức khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID -19, Bác sĩ Lê Tấn Ninh, người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân dương tính với SAR - CoV -2 tại Khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam chỉ kịp chạy về lấy vội dăm ba bộ đồ, một vài vật dụng cá nhân và báo cho vợ. Vợ anh là bác sĩ đa khoa công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, mỗi khi trực đêm chị phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc. Gác lại nỗi lo gia đình, anh động viên, dặn dò vợ con dăm ba tiếng rồi vội vã xách túi vào lại bệnh viện. “Không chỉ bản thân tôi, mà kể cả những đồng nghiệp, ở tình thế “căng như dây đàn”, chúng tôi xác định bệnh viện là nhà, mọi lo toan xin tạm gác lại. Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho bệnh nhân, bởi lúc này, không người thân bên cạnh, họ rất đơn độc và lo sợ. Nhất định không để một ai đó bị bỏ lại phía sau trong đợt dịch bệnh này”, Bs Ninh chia sẻ.
Chiến trường nào cũng có gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. Chiến trường “chống dịch COVID-19” cũng vậy, việc điều trị cho bệnh nhân COVID -19 rất dễ gây lây nhiễm chéo, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là nhân viên y tế có thể trở thành F1, F0. Nhưng các y bác sĩ không xem đây là nỗi lo sợ của bản thân, mà là cơ sở để thao tác kỹ thuật chuẩn hơn, chính xác hơn. Cùng là đồng nghiệp với bác sĩ Ninh, ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch, Bs N. T. H (xin được giấu tên) xác định tâm lý rõ ràng rằng sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm cao. “Lo thì cũng có lo, nhưng không thấy sợ. Lo là vì nếu không may mình mắc bệnh thì sẽ lây ra cho cả tập thể, cả khoa, rồi cả bệnh viện, rồi ai sẽ làm việc. Chính lẽ này chúng tôi càng phải cẩn thận hơn, quyết tâm hơn, phải làm đúng quy trình nhiễm khuẩn để không bị lây nhiễm chéo”, anh tâm sự.
Bác sĩ Lại Thị Hiệp, một bác sĩ trẻ tràn đầy sức sống, đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Quế Sơn đã bỏ qua sự an toàn của bản thân, sự lo lắng của người thân để tham gia cuộc chiến đầy cam go này. Để động viên ba mẹ, chị kể cho họ nghe về những gương sáng trong ngành, những tấm lòng cao quý của bà con từ mọi miền đất nước hướng về quê hương. “Em còn trẻ, chưa có gánh nặng về gia đình, con cái nên em không thể đứng ngoài cuộc. Tuổi trẻ nếu không làm được việc gì có ích cho xã hội thì phí lắm”, chị bộc bạch.
Với công việc của mình là xa nhà, xa cha mẹ, xa vợ, xa chồng, xa con, những lời tâm sự của họ thật sự khó kiềm lòng, nhưng cũng thật kính trọng với trách nhiệm, tâm sức và sự cống hiến của họ. "Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng. Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy yên tâm ở nhà vì đã có chúng tôi". Đó là lời nhắn nhủ của điều dưỡng Hoàng Thị Thủy, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chị đã gửi 2 con nhỏ của mình về cho ông bà. Chị hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức của mình để những người bệnh COVID-19 sớm khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe, về với gia đình. Nhiều lúc, con gọi điện khóc đòi mẹ, nước mắt gần như tuôn trào nhưng cố nuốt ngược vào trong, lòng chỉ muốn chạy về ngay bên con, ôm hôn con cho thỏa cơn nhớ.
“Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân, đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc động viên, đó là những điều chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng và là động lực cho chúng tôi khi đang trên trận tuyến” điều dưỡng Thủy cho biết thêm.
Chị Thủy chia sẻ, những bệnh nhân nhiễm bệnh họ rất hoảng sợ, tâm lý rất bất ổn, có người khóc lóc, có người lo lắng dẫn đến mất ngủ, có người u sầu không nói chuyện. Hơn lúc nào hết, tinh thần rất quan trọng, cán bộ y tế phải trấn an, động viên để họ an tâm điều trị. “Nhất định phải lạc quan và mạnh mẽ. Hãy xem người bệnh như người thân của mình, nỗi đau của người bệnh cũng như nỗi đau của chính mình”, chị Thủy nói.
Tuyền tuyến song hành với các bác sỹ, điều dưỡng làm công tác điều trị là những “cuộc đua” truy vết F của các đội Cơ động phản ứng nhanh CDC Quảng Nam. 6 đội Cơ động là 6 bức tường thành vững chắc ngăn chặn giặc SARS-CoV-2. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thêm 2 lớp kính, mồ hôi và hơi thở phả lên làm cay xòe hai mắt, Bác sĩ Lê Anh Nhật, đội trưởng đội cơ động phản ứng nhanh số IV trong phòng chống COVID -19 cho biết: “Một ngày làm việc của đội liên tục từ sáng đến tối, giữa trưa chỉ có hơn nửa tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để ăn cơm. Cường độ làm việc nhiều, thời tiết nắng nóng, thêm bảo hộ chật chội, vậy mà từ khâu xử lý môi trường đến lấy mẫu bệnh phẩm, ai cũng chiến hết mình vì mong“cuộc đua” truy vết F sớm về đích. Tối về, người mệt lã, nhưng cùng động viên nhau phải cố ăn lấy sức để ngày mai chiến tiếp”.

Quả thực, trong cuộc chiến chống COVID-19, hạnh phúc không chỉ nhận riêng ai, CDC có 6 đội cơ động và hơn 150 con người đồng lòng dốc sức, các bệnh viện cùng toàn ngành đều quên cả hạnh phúc riêng tư, tất cả là những pháo đài vững chắc, là những chiến sĩ tiên phong trên tuyến đầu chống dịch. Tin rằng với nhiều tấm gương đầy nhiệt huyết, dũng cảm, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm trên trận chiến chống dịch, Quảng Nam đã và sẽ chiến thắng đại dịch COVID -19, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng.

Ánh Minh