Covid-19 là gì?
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm gây nhiễm trùng hô hấp cấp tính với tác nhân là virus SARS-CoV-2. Bệnh lý này khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân. Từ đó các nhà khoa học Trung Quốc cũng như trên thế giới đã nghiên cứu và phân lập được một chủng virus Corona mới, virus Corona 2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV-2. Tổ chức Y tế thế giới đã lấy tên chính thức của bệnh là COVID-19.
Cho đến nay, bệnh COVID-19 đã lan tràn ra khắp thế giới. Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi "COVID-19" là "Đại dịch toàn cầu".
Triệu chứng của Covid-19 chủ yếu là sốt, ho và khó thở, đặc biệt là những người tiếp xúc gần với người đã bị nhiễm, hoặc ở trong vùng có dịch.
Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh được theo dõi và điều trị triệu chứng và các bệnh kèm tại các cơ sở y tế.
Vấn đề phòng bệnh là chủ yếu và vô cùng quan trọng, nó được xem như là một chiến lược mang tính toàn cầu và đã được phổ biến rộng rãi trên hầu hết các phương tiện truyền thông đại chúng.
Phản ứng của xã hội
Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế ra ngoài, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.
Những điều trăn trở
Tỷ lệ tử vong: tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 rất dao động tùy theo từng thời điểm, từng quốc gia, cao ở nhóm người cao tuổi, suy kiệt, có nhiều bệnh mạn tính nặng đang điều trị. Vào giữa tháng 3/2020, thế giới ở mức 3,4%, trong khi ở Italy, thì tỷ lệ tử vong ở quốc gia châu Âu này lên tới 6,7%. Hay như tại Vũ Hán, tỷ lệ tử vong lên 5,8%, cao hơn rất nhiều so với các khu vực khác của Trung Quốc chỉ dao động quanh 0,7%.
Tuy nhiên, cũng có thể nói tử vong do bị nhiễm SARS-CoV-2 như "giọt nước tràn ly" nếu các trường hợp mắc rơi vào các nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm như bệnh nhân suy thận mạn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ung thư, tim mạch,.... như đợt dịch tháng 8/2020 ở Đà Nẵng.
Ảnh hưởng trên toàn thế giới của đại dịch COVID-19 hiện nay: bên cạnh thiệt hại về con người, nó còn gây nên sự bất ổn về kinh tế, chính trị và xã hội, tình trạng phân biệt chủng tộc đối với người gốc châu Á, việc truyền bá thông tin sai lệch và thuyết âm mưu về virus.
Thuyết âm mưu về nguồn gốc của virus: là những đòn “choảng” nhau mang tính chính trị của các “ông lớn” như Mỹ - Trung Quốc nhằm thay đổi trật tự thế giới, chúng ta không thể không bị ảnh hưởng.
Những hệ lụy:
Chúng ta xót xa khi thấy nhiều bệnh viện bị đóng cửa, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi khám, cấp cứu, điều trị của nhân dân (cho dù các bệnh viện lân cận đã chủ động mở rộng quy mô để đón tiếp người bệnh).
Thiệt thòi nhất là các trường học cũng đã phải đóng cửa trên toàn quốc hoặc ở một số vùng dịch bệnh đã diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hơn 1,5 tỷ học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, trong đó có 767 triệu nữ sinh.
Thay vì lo sợ hãy chung sống an toàn
Nếu còn quan điểm lo sợ trước Covid-19 thì bao giờ mới hết lo? Thế giời này hơn 7 tỷ người, chỉ cần 1 người bị nhiễm thì nỗi lo vẫn còn đó.
Như vậy, cuộc sống con người sẽ bước vào giai đoạn mới: giai đoạn online, có nghĩa là sẽ hạn chế tối đa sự tương tác trực tiếp giữa người và người. Con người sẽ dần tự nhốt mình trong các lớp vỏ vững chắc và tiếp xúc thông qua các thiết bị thông minh. Như vậy, tính “vô cảm” và “lãnh cảm” của con người trong tương lai sẽ trở nên phổ biến?
Tương lai của nhân loại sẽ đi về đâu khi đại dịch vẫn còn hoành hành? Cuộc sống con người rồi sẽ xoay sở như thế nào khi chúng ta còn phải hy sinh nhiều lợi ích khác để chống lại đại dịch này? Điều băn khoăn này thật khó giải thích, nhưng trước hết chúng ta đều phải chấp hành tuyệt đối các quy định và khuyến cáo về phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, “design” lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, tình cảm con người và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.
Bs Dương Chí Lực - BVĐK TW Quảng Nam.