CN. Hoàng Xuân Tư - Phó phụ trách khoa XN-CDHA-TDCN, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam. 31/3/2020
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Kể từ khi chùm ca bệnh ghi nhận tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc được báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 03 tháng 12 năm 2019. Hiện bệnh đã lây lan ra hơn 200 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Tại Việt Nam bệnh cũng đang diễn biến phức tạp, đặt công tác an toàn sinh học trong lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm covid-19 là vấn đề cần được quan tâm.
Bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19 phải được thu thập bởi các nhân viên y tế đã được tập huấn về an toàn sinh học. Tất cả các mẫu bệnh phẩm được thu thập để điều tra trong phòng xét nghiệm nên được coi là có khả năng lây nhiễm và các nhân viên y tế thu thập hoặc vận chuyển mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn và các quy định quốc gia hoặc quốc tế về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm (các chất gây lây nhiễm) để giảm thiểu khả năng phơi nhiễm với mầm bệnh.
Thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong việc thu thập, lưu giữ mẫu bệnh phẩm, đóng gói và vận chuyển thích hợp để thực hiện tốt việc thu thập và xét nghiệm nhanh chóng các mẫu bệnh phẩm đã đươc chỉ định
1. An toàn sinh học trong thu thập mẫu bệnh phẩm
- Mẫu bệnh phẩm: có thể chứa tác nhân lây nhiễm
- Khi thu thập: đảm bảo an toàn và các biện pháp khử nhiễm để bảo vệ người lấy mẫu, người được lấy mẫu, đồng nghiệp, nhân viên phòng xét nghiệm, cộng đồng, môi trường
- Tránh nhiễm chéo mẫu bệnh phẩm, đảm bảo chất lượng mẫu bệnh phẩm
- Người thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm phải được đào tạo/ tập huấn về kỹ năng thu thập mẫu bệnh phẩm và an toàn sinh học
- An toàn cho người lấy mẫu:
+ Lựa chọn và sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp.
+ Rửa/Sát khuẩn tay trước và sau khi lấy mẫu.
+ Được đào tạo/tập huấn kỹ năng lấy mẫu, an toàn sinh học.
+ Thực hiện theo quy trình lấy mẫu được quy định.
+ Sử dụng dụng cụ dùng 01 lần
+ Khử nhiễm dụng cụ
+ Sát khuẩn bằng cồn 700
+ Lấy mẫu ở khu vực riêng biệt, đảm bảo sạch, thông khí tốt
- An toàn cho nhân viên y tế, cộng đồng và môi trường:
+ Thu gom và xử lý chất thải đúng quy định
+ Khử nhiễm thích hợp
+ Xử lý sự cố đúng quy trình
2. Trang bị bảo hộ cá nhân:
Găng tay dùng một lần, làm bằng chất liệu nitrile, không bột. Cổ găng dài quá cổ tay, tốt nhất là dài đến giữa cẳng tay (độ dài tối thiểu của găng là 280mm)
Khẩu trang (y tế, N95 …), chống thấm, người đeo có thể thở dễ dàng, dễ nhận diện mặt trong và ngoài, hình dạng thiết kế sao cho không bị hút vào miệng (ví dụ hình mỏ vịt hoặc hình nón chụp)
Quần, áo bảo hộ: Áo dài tay, chiều dài áo đến giữa đùi; nên bằng chất liệu chống thấm, sáng màu để dễ nhận diện khi bị bẩn, ve tay áo chun hoặc được cố định để không bị vén lên. Nếu áo làm bằng chất liệu thấm nước, cần mặc thêm tạp dề không thấm nước ở ngoài khi thực hiện những hoạt động dự kiến có thể sẽ bị văng bắn,tràn đổ lượng lớn dung dịch
Kính bảo hộ: Gắn kín với da mặt, khung nhựa PVC linh hoạt để có thể vừa với các loại khung mặt. Gắn kín mắt và vùng xung quanh; vừa với cả những người phải đeo kính y khoa; mắt nhựa trong đã được xử lý chống xước và chống bị hơi mờ; có dây điều chỉnh để kính được giữ chắc và không rơi ra trong khi làm việc; có bộ phận thoát khí để tránh bị hơi mờ.
Tấm chắn bảo vệ mặt: Làm bởi nhựa trong, cho phép nhìn xuyên qua tốt; có dây tròng qua đầu sao cho tấm chắn gắn khớp với trán (dây điều chỉnh được); nên chống bị hơi mờ; phải che toàn bộ phía mặt trước và hai bên
Mũ trùm đầu, giày kín mũi…
Mặc quần áo phòng hộ cá nhân: Thực hiện đúng các bước khi mặc và cởi trang thiết bị bảo hộ cá nhân theo hướng dẫn phụ lục 3, Quyết định 343/QĐ-BYT(7/02/2020)
3. Khi lấy mẫu xét nghiệm:
- Sử dụng khẩu trang chuyên dụng: theo tiêu chuẩn NIOSH N95 hoặc EU FFP2 hoặc loại tương ứng hoặc có khả năng bảo vệ cao hơn. Khi đeo khẩu trang, luôn kiểm tra khẩu trang có vừa khít với mặt hay không.
- Sử dụng kính bảo vệ mắt
- Sử dụng bộ quần áo bảo hộ.
- Sử dụng găng tay. Thay găng tay và thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với từng bệnh nhân.
- Thực hiện việc lấy mẫu trong phòng được lưu thông khí đầy đủ.
- Hạn chế tối thiểu số người có mặt trong phòng lấy mẫu/phòng bệnh
4. An toàn khi tiếp xúc khí dung có chứa tác nhân gây bệnh
- Khí dung tạo ra khi: Người bệnh ho, hắt hơi và thực hiện một số thủ thuật như hút rửa, nội sôi khí, phế quản, ...
5. Xử lý chất thải lây nhiễm
- Cho chất thải lây nhiễm vào túi đựng rác thải lây nhiễm (theo quy định).
- Cho chất thải sắc nhọn vào hộp đựng vật sắc nhọn (theo quy định).
- Hấp tiệt trùng chất thải lây nhiễm trước khi đưa vào nơi tập trung chất thải y tế để đem đi xử lý và tiêu hủy.
- Khử nhiễm bằng dung dịch sát khuẩn (chloramin B 0,1% hoặc cồn 70%) bề mặt làm việc và các thiết bị liên quan.
- Thực hiện vệ sinh tay.