TS.BS. Trần Văn Kiệm
                                                                                                                                                                                                                         Giám đốc CDC Quảng Nam
Năm 2020, một năm đầy biến động về tình hình dịch bệnh với sự xuất hiện và xâm nhập của dịch bệnh nguy hiểm Covid-19, là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra, tuy nhiên sau một năm nhìn lại công tác phòng chống dịch bệnh tại Quảng nam đã đạt được những kết quả nhất định.

Tình hình chung và kết quả phòng chống dịch bệnh trong nước cũng như tại Quảng Nam.

Tại Việt Nam, trong năm 2020 các bệnh dịch lưu hành tiếp tục được khống chế, tỷ lệ mắc và tử vong của hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm lưu hành thấp hơn so với trung bình giai đoạn 5 năm qua, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, các bệnh truyền nhiễm có vắc xin tiêm phòng có tỷ lệ mắc giảm mạnh do duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Một số bệnh truyền nhiễm còn lưu hành như bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết có số mắc giảm nhưng vẫn còn gia tăng cục bộ tại một số địa phương vào các tháng cao điểm, bệnh sởi ghi nhận rải rác, lẻ tẻ tại một số tỉnh, thành phố, nhưng không thành ổ dịch tập trung cũng đã được can thiệp giải quyết kịp thời tránh được nguy cơ lan rộng và bùng phát thành dịch lớn. Tuy nhiên trong năm 2020, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và lây lan nhanh chóng, trở thành một đại dịch toàn cầu, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội trên thế giới cũng như nước ta.

Tại Quảng Nam, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi không ghi nhận trường hợp mắc. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 435 ca giảm 56,1 % so với cùng kỳ năm 2019 (991). Bệnh sốt xuất huyết Dengue cũng giảm 73,3 % (3.014 ca) so với cùng kỳ năm 2019 (11.275 ca), không có tử vong. Bệnh sốt rét trong năm 2020 ghi nhận 55 trường hợp mắc, giảm 32,0 % so với năm 2019 (81 trường hợp), không có trường hợp sốt rét ác tính, tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng 20 năm liên tục bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt kể từ khi chính thức được WHO xác nhận vào năm 2000; năm thứ 15 duy trì loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh quy mô huyện trên phạm vi toàn tỉnh,… Tuy nhiên, dịch bệnh nguy hiểm mới xâm nhập Covid-19, ảnh hưởng đến tỉnh ta từ tháng 02 năm 2020, đến ngày 22/12/2020 ghi nhận 107 trường hợp mắc, 03 trường hợp tử vong, gần 1.000 người cách ly tại cơ sở y tế, hơn 9.000 người cách ly tập trung, hơn 60.000 người cách ly tại nhà và hơn 100.000 mẫu xét nghiệm Covid-19. Trước sự biến động này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng tham gia dập dịch với phương châm: ngăn chặn xâm nhập, phát hiện sớm, cách ly ngay, khoanh vùng gọn.

Tuy sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 là một khó khăn thách thức, nhưng với vai trò là cơ tham mưu trực tiếp Sở Y tế các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã góp phần quan trọng để khống chế hoàn toàn dịch Covid, các loại dịch nguy hiểm khác không xảy ra, góp phần quan trọng để nâng cao và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Tiếp tục với vai trò lãnh đạo hoạt động về ngành y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng, năm 2021, CDC chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm duy trì và phát huy hiệu quả phòng chống dịch thời gian qua, nâng cao cảnh giác hơn, triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để phòng chống, khống chế kịp thời các loại dịch bệnh đặc biệt là COVID-19. Chính vì thế, để đạt được yêu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, năm 2021 CDC phấn đấu đạt được mục tiêu giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. Khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

Các giải pháp thực hiện

1. Tổ chức, chỉ đạo điều hành: Củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động trong phòng chống bệnh dịch, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống và ứng phó khi dịch bệnh xảy ra tại địa phương; Tăng cường trách nhiệm của các cấp, ban ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, cấp và bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh và các chương trình Y tế mục tiêu; Tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và người dân và cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất.

2. Chuyên môn kỹ thuật:

Các giải pháp giảm mắc: Đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch năm 2020, đề xuất các biện pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng chống dịch năm 2021; Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, kịp thời đáp ứng các tình huấn về dịch bệnh; Tăng cường giám sát bệnh chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để bệnh dịch lan rộng, bùng phát. Chú trọng vào nhóm các dịch bệnh nguy hiểm (Ebola, MERS-CoV, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), dịch hạch, Covid-19 ...) và các bệnh lưu hành có số mắc cao (bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt rét, dại, liên cầu lợn ...); Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng đạt trên 90% ở quy mô xã, phường trên phạm vi toàn quốc; Thực hiện giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản... nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, vi khuẩn học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch bệnh chủ động; Triển khai kế hoạch hoạt động chống dịch bệnh và phòng, chống sốt xuất huyết thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia; Phối hợp giám sát viêm gan vi rút và điều tra tỷ lệ nhiễm viêm gan ; Tiếp tục hướng dẫn và triển khai thực hiện phòng chống bệnh dại; Xây dựng Kế hoạch đáp ứng với các tình huống khẩn cấp về phòng chống dịch bệnh; Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong việc chủ động giám sát, chia sẻ thông tin và tổ chức các hoạt động phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người; Duy trì, kiện toàn các đội cơ động chống dịch bệnh tại các tuyến, có đủ năng lực và trang thiết bị sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra; Tiếp tục thực hiện và duy trì hệ thống giám sát phản ứng sau tiêm chủng; Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, tiêm bổ sung vắc xin tại vùng nguy cơ: chiến dịch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản tại vùng nguy cơ; Triển khai áp dụng Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm; phần mềm báo cáo công tác kiểm dịch y tế trên phạm vi toàn quốc; Tổ chức tập huấn cho các cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch (cán bộ giám sát, xét nghiệm, cấp cứu điều trị bệnh nhân, xử lý ổ dịch, truyền thông).

Các giải pháp giảm tử vong: Phối hợp tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, về phòng chống dịch, bệnh.

3. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động ứng phó, xử lý các tình huống thông tin y tế bất cập, kịp thời cung cấp thông tin bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; Chủ động, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh, lợi ích tiêm chủng để vận động nhân dân chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh

4. Đầu tư nguồn lực

Bổ sung số lượng cán bộ hiện đang thiếu cho các đơn vị dự phòng các tuyến, đảm bảo đủ nhân lực tham gia công tác phòng chống dịch; Tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công tác y tế dự phòng một cách hiệu quả; Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp chống dịch, trực dịch cho cán bộ tham gia chống dịch bệnh; Theo dõi, chỉ đạo các địa phương, đơn vị đảm bảo hậu cần phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo kinh phí, hóa chất, trang thiết bị.

5. Nghiên cứu khoa học: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về dịch tễ học của bệnh, tác nhân gây bệnh, về véc tơ truyền bệnh, vắc xin phòng bệnh, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình phòng chống để đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp.

6. Công tác kiểm tra, thanh tra: Tổ chức các đoàn công tác đi thanh tra việc thực công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý sử dụng vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ; Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số mắc, tử vong cao (tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, dại, Covid-19 …); Kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện; Phối hợp với ngành thú y và các đơn vị liên quan thành lập các đoàn công tác liên ngành tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các huyện, thành phố trọng điểm.


Bs Huỳnh Hữu Hoàng - BV Phụ sản - Nhi Quảng Nam
Ngạt nước không chỉ xảy ra ở biển, sông, ao hồ, mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà, trường học, nhà trẻ... Hiểu biết về cách phòng và kỹ năng xử trí tai nạn đuối nước là rất cần thiết cho các phụ huynh, thầy cô giáo và tất cả mọi người.
1. Ngạt nước là gì
Theo Hội nghị toàn cầu về ngạt nước năm 2002 và Tổ chức Y tế thế giới: ngạt nước là quá trình suy hô hấp do chìm trong nước hay chất lỏng. Hậu quả là tử vong, hoặc sống nhưng để lại di chứng, hoặc sống không di chứng.
2. Tại sao trẻ bị ngạt nước
- Trẻ nhỏ thiếu sự giám sát của người lớn " đôi khi bố mẹ chỉ rời mắt khỏi đứa trẻ trong 1-2 phút là trẻ đã bị rơi xuống nước".
- Thiếu sự giáo dục và các biện pháp dự phòng hiệu quả.
- Bia, rượu: ở trẻ dậy thì và người lớn ngạt nước xảy ra khi say rượu.
3. Ngạt nước có thể xảy ra bất cứ nơi nào có nước đối với trẻ nhỏ.

4. Tư thế dang hai tay, đập xuống nước
Là phản ứng bản năng giữ cho đầu nổi để thở, người ngoài nhìn thấy có thể nghĩ nhầm là trẻ đang chơi và đập nước.
5. Sơ cứu tại hiện trường như thế nào
- Hồi sức tim phổi tại bờ nước: thông đường hô hấp, thổi ngạt giúp thở, ấn tim.
- Tránh hơ lửa, xốc nước.
- Hồi sức tim phổi đến khi da ấm lại. Nếu sau 1-2 giờ hồi sức mà tim phổi không hoạt động mới ngưng.
* Các bước sơ cứu trẻ bị ngạt nước:
+ Bước A: Tư thế làm thông đường thở

- Trẻ < 2 tuổi: cổ ngữa tư thế trung gian (thủ thuật đẩy trán nâng cằm)
- Trẻ > 8 tuổi: cổ ngữa tối đa (thủ thuật đẩy trán nâng cằm)
- Thủ thuật này không được áp dụng khi trẻ chấn thương cột sống cổ
+ Bước B: Thổi ngạt cho trẻ nếu trẻ không thở hoặc thở không hiệu quả

- Thổi ngạt theo phương pháp miệng miệng cho trẻ lớn hoặc cả miệng và mũi cho trẻ nhỏ.
- Thổi chậm, áp lực thấp đủ để làm dãn lồng ngực trẻ.
- Đánh giá hiệu quả bằng cách nhìn di động ngực bụng.
+ Bước C: Ép tim ngoài lồng ngực khi
- Không có dấu hiệu sự sống
- Không có mạch hoặc mạch chậm < 60 lần/phút
- Tỷ lệ ép tim/ thổi ngạt 15/2

 6. Sưởi ấm cho trẻ
- Cởi bỏ quần áo ướt, lạnh
- Lau khô toàn thân
- Đắp chăn ấm
- Dùng đèn, tấm sưởi để làm ấm
7. Dự phòng ngạt nước
- Cảnh báo và giáo dục trẻ .
- Phải có rào chắn các ao hồ, hố nước gần nhà.
- Tất cả các hồ bơi, các điểm có nước đều cần có rào chắn.
- Loại bỏ hoặc đậy kín mọi vật dụng chứa nước trong nhà.
- Trẻ nhỏ cần có người giám sát thường xuyên.
- Mọi sinh hoạt dưới nước đều cần mặc áo phao.
- Giáo dục trẻ biết tránh các vận động mạo hiểm nơi sông nước.
- Giáo dục trẻ biết bơi là 1 cách dự phòng tích cực.

 

Sự hình thành và phát triển hoạt động Công tác xã hội ở Việt Nam dựa trên cơ sở tình cảm tốt đẹp giữa con người và con người, tình làng nghĩa xóm, truyền thống Á đông,… tương tự như quy luật hình thành và phát triển ngành công tác xã hội trên thế giới nói chung.

   Khởi đầu từ cuối những năm 80, với việc Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển tại Việt Nam đề xướng việc phát triển công tác xã hội thông qua các nghiên cứu về nguồn nhân lực trong công tác xã hội, biên soạn tài liệu về công tác xã hội, cấp học bổng trong và ngoài nước cho những người làm việc trong lĩnh vực này và vận động Chính phủ trong việc xây dựng mã đào tạo ngành công tác xã hội; đến nay, ngành Công tác Xã hội ở Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhanh và quan trọng:

  • Ban hành mã ngành: năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định 35/2004/GDĐT ngày 11/10/2004 ban hành mã ngành và công nhận ngành công tác xã hội là một ngành đào tạo bậc đại học. Kể từ đó, nhiều trường Cao đẳng, Đại học đã tiến hành đào tạo ngành công tác xã hội; cho đến nay trên cả nước có hơn 38 trường tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công tác xã hội.
  • Thành lập các trung tâm Công tác Xã hội: năm 2009, Cục Bảo trợ Xã hội trình Chính phủ đề án phát triển ngành Công tác xã hội ở Việt Nam trong đó có việc ban hành mã nghề cho nghề Công tác xã hội. Việc Unicef cùng các tổ chức như: Cứu trợ Trẻ em, Plan, Child fund và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp tác về hệ thống bảo vệ trẻ em trên các tỉnh thành của Việt Nam trong đó vai trò của cán bộ xã hội là hạt nhân trong hệ thống cũng như thành lập các trung tâm Công tác Xã hội từ cấp tỉnh đến Trung ương.
  • Ban hành mã nghề: ngày 25/8/2010 Bộ Nội Vụ ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BNV qui định mã nghề công tác xã hội trong hệ thống ngành nghề tại Việt Nam.

   Dấu mốc quan trọng: ngày 25/3/2010 Phó Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 32/2010/QĐ - TTg phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (đề án 32), đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.

   Sau khi đề án 32 được ban hành, tháng 9/2010 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo triển khai đề án này cho tất cả các tỉnh thành trong cả nước, tới năm 2011 Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quyết  định số 2514/QĐ-BYT  ngày 15/7/ 2011 phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020 và tới năm 2015 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 30/2015/TTLT-BLĐTBXH-BNV ngày 19/8/2015 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công tác xã hội.

   Đối với ngành y tế, ngày 26/11/2015 Bộ Y tế có Thông tư số 43/2015/TT-BYT Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện, ngày 10/5/2016 Bộ Y tế ban hành công văn số 2633/BYT-TCCB hướng dẫn xây dựng đề án thành lập Phòng Công tác xã hội trong bệnh viện. 

   Có thể nói, cùng với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, chính những nỗ lực lớn lao của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội Vụ và các tổ chức trong nước và quốc tế đã góp phần to lớn trong việc hình thành một nghề mới ở đất nước ta, nghề Công tác xã hội. Trong qúa trình hình thành và phát triển của ngành Công tác xã hội thì việc phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 của Phó Thủ tướng Chính phủ là một dấu mốc cực kỳ quan trong, Chính vì vậy, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hàng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam như một hình thức vinh danh những người tham gia một công việc thầm lặng nhưng vô cùng cần thiết trong xã hội: nghề Công tác xã hội.

TS. BS. Trần Văn Kiệm - 

 

Gần đây thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nổi lên như một trào lưu, ngoài tác hại khôn lường với sức khỏe chưa được biết đến nhiều, thì các chấn thương nghiêm trọng do thiết bị điện tử mà nó mang lại đã là một thách thức, chỉ riêng báo cáo tại Hoa Kỳ từ năm 2015 đến 2017, ước tính có khoảng 2.035 vụ nổ thuốc lá điện tử và các tổn thương do bỏng tại các khoa cấp cứu của bệnh viện Hoa Kỳ. Các thiết bị trong thuốc lá điện tử có thể hỏng, lỗi và phát nổ gây ra các chấn thương, bỏng nghiêm trọng (miệng, mặt, cổ, mắt mũi, xương hàm, cổ).

thuoc la dien tu

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là gì?

Thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery Systems – ENDS), còn được gọi tên khác như E-cigarette hay Vape, là thiết bị điện tử cầm tay, sử dụng pin để làm nóng dung dịch điện tử có chứa nicotine và các chất hóa học khác, tạo ra các hạt khí dung (còn gọi là aerosol hay sol khí) cho người dùng hít vào. Thuốc lá điện tử hiện chưa được phép lưu hành chính thức tại Việt Nam, tuy nhiên, trên thị trường có rất loại nhiều thuốc lá điện tử với tên gọi, hình dáng và kích thước khác nhau. Dung dịch thuốc lá điện tử là hợp chất chứa nicotine, propylene glycol, glycerin, và chất tạo hương vị (có hơn 15.500 loại hương vị khác nhau, trong đó nhiều loại có chứa chất độc). Một số rất ít thuốc lá điện tử không chứa nicotine. Sol khí (khói thuốc lá điện tử) được tạo ra do quá trình làm nóng dung dịch thuốc lá điện tử, chứa nhiều hóa chất gồm Nicotine; hợp chất của cacbon; hợp chất hữu cơ formaldehyde; các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC); hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs); Nitrosamine đặc trưng của thuốc lá (TSNA); Kim loại gồm chì, crom, niken và fomandehit được tìm thấy trong khói của một số sản phẩm thuốc lá điện tử ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường; Chất tạo mùi hương: diacetyl and acetyl propionyl...

Thuốc lá nung nóng là thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng sợi thuốc lá tới nhiệt độ nhất định hoặc kích hoạt thiết bị có chứa sợi thuốc lá, tạo ra sol khí chứa nicotine và các chất phụ gia tạo hương vị cho người dùng hít vào. Nhiệt độ do thuốc lá nung nóng tạo ra (trực tiếp hoặc gián tiếp) có thể lên đến 350ºC, thấp hơn nhiệt độ cháy ở đầu điếu thuốc lá truyền thống (600ºC). Nguyên liệu thuốc lá sử dụng trong thuốc lá nung nóng là thuốc lá, các chất phụ gia không phải thuốc lá và các hương liệu. Thuốc lá có thể ở hình thức điếu hoặc ở các hình thức thiết kế đặc biệt khác như thanh, ngăn chứa thuốc lá băm nhỏ. Khói của thuốc lá nung nóng có chứa nicotine và các hóa chất độc hại khác. Ngoài các chất độc hại giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường, khói thuốc lá nung nóng có các hóa chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có hương vị. Các hóa chất trong thuốc lá nung nóng có khả năng gây hại cho sức khỏe gồm: kim loại nặng, formaldehyde, nicotin, hydrocarbon thơm đa vòng, cacbon monoxide, accetaldehyde, acrolein.

Tác hại đối với sức khỏe của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

Hầu hết thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng chứa thành phần nicotine và rất nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Tác hại của nicotine đã được chứng minh rõ ràng. Nicotine là một hợp chất hóa học gây nghiện cao có tác dụng hưng phấn thần kinh. Sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine đều có thể dẫn đến nghiện nicotine và các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khác.

Gây nghiện và ảnh hưởng tới hệ thần kinh: Nicotine trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là chất gây nghiện mạnh và rất độc hại, do đó gây hại như các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Nicotine làm cho người hút thuốc lá nhanh chóng bị nghiện thuốc lá (lệ thuộc vào nicotine) dù chỉ sau vài lần hút thuốc. Nicotine có thể vào não bộ từ 7 đến 10 giây sau khi hút thuốc lá điện tử, làm tăng lượng dopamine trong não và làm người hút thuốc cảm thấy sảng khoái. Khi đã bị nghiện thuốc lá, nếu thiếu thuốc lá hoặc dừng hút thuốc sẽ có biểu hiện thèm thuốc, cơ thể mệt mỏi, chán nản, hay cáu kỉnh. Để cai nghiện thuốc lá rất khó và mất nhiều thời gian và công sức. Sử dụng nitcotine liều cao có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Sử dụng nicotine lâu dài làm kìm hãm sự phát triển của não bộ, ảnh hưởng đến khả năng nhớ, tập trung chú ý và học tập, đặc biệt tác động đối với trẻ em, do não bộ của con người phát triển từ khi sinh ra cho đến khi 25 tuổi; thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử dễ dàng bị nghiện nicotine hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng xảy ra sớm hơn và trầm trọng hơn.

Bệnh lý đường hô hấp: Bệnh ‘phổi bỏng ngô’ (popcorn lung) hay còn gọi là viêm tiểu phế quản tắc nghẽn, một bệnh hiếm gặp được cho là do diacetyl, một trong các hóa chất tạo mùi hương trong khói thuốc lá điện tử có khả năng đi sâu vào phổi gây ra; các biểu hiện thường gặp là ho, thở khò khè, đau ngực và thở nông; hiện chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh này. Bệnh viêm phổi lipoid, có liên quan đến hút thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là hậu quả của việc hít các hợp chất dầu có trong dung dịch điện tử. Các axit béo bám dính vào phổi và gây ra phản ứng viêm tại phổi. Các triệu chứng thường gặp là ho mạn tính, thở nông, ho ra máu hoặc đờm có máu. Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này; Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (E-cigarette Acute Lung Injury Syndrome – EVALI), Vitamin E acetate có trong thuốc lá điện tử được cho là nguyên nhân gây hội chứng này, các triệu chứng thường gặp là khó thở, ho, đau ngực, sốt, ớn lạnh, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, thở nhanh và nông; Suy giảm chức năng phổi: Kim loại được giải phóng từ khói thuốc lá điện tử, tùy mức độ tiếp xúc, có khả năng gây ra khó thở, kích ứng phế quản và phổi, kích ứng màng nhầy ở mắt và đường hô hấp trên.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài có thể gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Triệu chứng thường gặp của bệnh là ho, khó thở kéo dài vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường. Phổi tắc nghẽn mạn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống.

Bệnh lý tim mạch: Nicotine làm tăng nguy cơ rối loạn tim mạch. Sử dụng
nicotine lâu dài có thể gây suy tim hoặc tử vong. Một số hóa chất độc hại như carbon monoxide trong khói thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối và xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ

Ung thư: Một số hợp chất có trong khói thuốc lá điện tử như: formaldehyd, acrolein, toluene, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamine và hydrocarbon thơm đa vòng, các kim loại nặng (như niken và chì) có thể gây các thay đổi tế bào liên quan đến ung thư tương tự như người hút thuốc lá điếu thông thường17,18. Ngoài việc gây nghiện cao, nicotine làm tăng nguy cơ gây ung thư thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy hóa, gây chết tế bào và đột biến DNA, cũng như sự phát triển của khối u.

Tác hại từ hút thụ động: Khói từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gây hại cho sức khỏe của những người xung quanh, nicotine từ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng phơi nhiễm ở những người tiếp xúc với khói. Các triệu chứng thường gặp ở người tiếp xúc thụ động với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng gồm khó thở, kích ứng mắt, nhức đầu, buồn nôn và đau họng hoặc kích thích họng; Hít phải các chất độc hại như nitrosamines, aldehydes, carbon monoxide... trong khói của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng cũng có nguy cơ mắc ung thư và tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ. Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất bởi khói thuốc lá điện tử và khói thuốc lá nung nóng. Bằng chứng cho thấy chỉ một lượng nhỏ khói thuốc lá điện tử và thuốc là nung nóng cũng tác động tới sự phát triển của não bộ và phổi của trẻ em. Phụ nữ có thai đặc biệt dễ bị tác động bởi nicotine trong khói thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Các nguy cơ có thể gồm: sinh thiếu tháng, trẻ sinh ra thiếu cân, thai lưu, dị dạng phát triển não và phổi, hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Sau thời gian dài đương đầu với dịch bệnh COVID-19, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động xã hội chuyển sang trạng thái bình thường mới. Được sự quan tâm chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Duy Xuyên, các chuyên khoa đầu ngành tuyến tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ các ban, ngành, đoàn thể của huyện, chính quyền địa phương các xã, thị trấn, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể viên chức, người lao động trong đơn vị Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Duy Xuyên từng bước ổn định và phát triển, các hoạt động của đơn vị thu được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt là công tác khám, chữa bệnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Duy xuyen8

Hình ảnh 1 trường hợp phẫu thuật tại TTYT Duy Xuyên (Ảnh VN)

 Công tác cải tiến chất lượng bệnh viện: Năm 2022 TTYT huyện Duy Xuyên được Sở Y tế đánh giá, xếp loại chất lượng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Bệnh viện đạt loại Khá, đạt mức 3.08 trong Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện Phiên bản 2.0 (ban hành kèm theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 của Bộ Y tế), tăng 0,19 so với năm 2021 và 0,24 so với năm 2020. Tỷ lệ khảo sát hài lòng chung là: 93,36 %; hài lòng người bệnh ngoại trú 88,09 %; mức độ an toàn phẫu thuật: đạt 92,5/110 điểm loại tốt. Tại các trạm y tế đã đảm bảo nhân lực theo cơ cấu để các Trạm y tế xã, thị trấn hoạt động một cách có hiệu quả. Làm tốt các chương trình Y tế Quốc gia, trong năm chưa có sai sót lớn xảy ra, tuyến y tế cơ sở góp phần lớn vào công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân.

Phát triển các dịch vụ kỹ thuật: Danh mục kỹ thuật triển khai tại đơn vị còn hạn chế do biến động thiếu hụt nhiều về nhân lực, nhất là bác sỹ. Vừa qua đơn vị đang đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phê duyệt gần 3.500 danh mục kỹ thuật mới, hy vọng sang ngay từ đầu năm 2023 sẽ triển khai đa dạng các danh mục kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong và ngoài huyện.

Công tác khám, chữa bệnh BHYT: Tại đơn vị chủ yếu khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT 96%. Việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh thanh toán BHYT có sự hướng dẫn và chỉ đạo của Sở Y tế và BHXH Quảng Nam.

Công tác khám chữa bệnh YHCT - Phục hồi chức năng năm 2022: Tổng số bệnh Ngoại trú: 17.338 lượt, tổng số bệnh nội trú: 1.004 lượt.

Công tác Y tế dự phòng: Công tác phòng chống dịch, cơ bản khống chế được các dịch, bệnh trên địa bàn, triển khai và hoàn thành các chương trình quản lý như Y tế trường học, VSATTP, vệ sinh lao động,… Tổng số ca mắc Sốt xuất huyết trong năm là 1.881 ca. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tăng cao từ đầu tháng 6, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2021 (38 ca mắc). Hơn 40 ổ dịch Sốt xuất huyết xuất hiện ở tất cả các xã, tập trung nhiều như Duy Trinh, Duy Sơn,… hiện đang xử lý và tình hình số ca mắc Sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm dần.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Chú trọng công tác TCMR, triển khai đúng lịch, đúng vắc xin và đúng đối tượng, chưa có sự cố xảy ra trong quá trình TCMR. Tiêm chủng đầy đủ: 1921/2110 đạt tỷ lệ 91%.

Công tác Dân số và Truyền thông giáo dục sức khỏe: Năm 2022 phòng Dân số tích cực tham mưu cho UBND huyện, Trung tâm Y tế hỗ trợ một phần kinh phí và tạm giao chỉ tiêu kế hoạch chuyên môn cho 14 xã, thị trấn, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức các Chiến dịch truyền thông lồng ghép các gói dịch vụ chăm sóc SKSS chất lượng cao và KHHGĐ, xây dựng các mô hình không sinh con thứ 3+, duy trì các hoạt động của các xã ven biển và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được triển khai thực hiện thường xuyên, phối hợp với Đài Truyền thanh- Truyền hình huyện và 14 Trạm truyền thanh xã, thị trấn với các nội dung chăm sóc dịch bệnh, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, phòng bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường và nhất là đại dịch Covid-19 có hiệu quả cao.

Công tác điều dưỡng:Cùng với hệ điều trị trong công tác chăm sóc sức khỏe, hệ điều dưỡng là một hệ thống chiếm đến 2/3 khối lượng công việc trong bệnh viện. Ngoài việc chăm sóc thể chất, tinh thần, tư vấn, hướng dẫn người bệnh, đội ngũ điều dưỡng Trung tâm Y tế Duy Xuyên đã không ngừng nâng cao tinh thần thái độ phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tổ chức các buổi họp Hội đồng Người bệnh cấp khoa 01 lần/tuần, cấp bệnh viện 01 tháng/lần. Kết hợp với Tổ kiểm soát nhiễm khuẩn trong việc đánh giá công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị.

Ngoài ra, Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; Công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816; Công tác Dược; Công tác tài chính, hành chính đơn vị cũng được tổ chức tốt; hoạt động tuyến Y tế Cơ sở, các Trạm Y tế làm tốt các chương trình Y tế Quốc gia, đảm bảo phần lớn về công tác Y tế cơ sở. Phần lớn nhân lực được đảm bảo theo vị trí việc làm. Chưa có sự cố lớn về chuyên môn xảy ra, hạn chế được sai sót, dần tạo điều kiện cho bệnh nhân vùng xa được hưởng lợi các dịch vụ y tế.

Kết quả ngày hôm nay, thật sự là một bước chuyển mình của trung tâm y tế huyện Duy xuyên. Có được kết quả này, một phần nhờ sự đóng của Bác sĩ chuyên khoa II Trần Đỗ Nhân.
Tháng 4 năm 2022, bác sĩ chuyên khoa II Trần Đỗ Nhân được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên. Đây là một nhiệm vụ nặng nề của một người đứng đầu một đơn vị y tế tuyến huyện, chăm lo sức khỏe nhân dân cho hơn 100 ngàn dân huyện Duy Xuyên. Nhận nhiệm vụ bác sỹ Trần Đỗ Nhân bắt tay ngay vào việc nâng cao công tác tổ chức, triển khai thực hiện công tác chuyên môn.

Xuất thân chuyên khoa ngoại, đây là một lợi thế trong công tác, khi nhận nhiệm vụ mới bác sỹ Nhân luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Khi đã là giám đốc TTYT, ông vừa đảm trách công việc của một phẫu thuật viên như chuyên môn vốn có, ông vừa phải tìm tòi học hỏi cách lãnh đạo ở một TTYT tuyến huyện. Vẫn duy trì việc công việc chuyên môn theo sở trường: chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời, không gây bất kì phiền hà cho bệnh nhân, hết lòng tận tình cứu chữa cho người bệnh. Trong công tác lãnh đạo, ông luôn lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và đặc biệt quan tâm đào tạo nguồn nhân lực kế cận,… với ông công khai, minh bạch, dân chủ là phương châm trong công tác lãnh đạo.

Từ những nỗ lực của bác sỹ Nhân, từ những tháng đầu năm 2022, số lượt khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên tăng mạnh, điều trị nội trú khoảng 400-450 người bệnh/ngày, có ngày tăng lên đến trên 500 người/ ngày, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú 12.201 người, đạt tỉ lệ 152.93%, thời điểm đông bệnh phải kê thêm giường ngoài kế hoạch. Công tác khám bệnh ngoại trú cũng tăng lên 450 đến 500 bệnh nhân/ngày, có ngày trên 600 lượt. Đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới về hệ Ngoại- Sản và các Cận lâm sàng như mổ bằng phương pháp nội soi nhiều ca khó, phức tạp lâu nay chưa được thực hiện; nhiều dịch vụ mới như Phục hồi chức năng, triển khai Nội soi đường tiêu hóa bằng phương pháp gây tê, gây mê, Siêu âm tim, đo Điện não đồ… hỗ trợ tốt cho công tác điều trị.

Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên đang đón nhận được nhiều sự tin tưởng của người dân huyện nhà và các địa phương khác. Bước chuyển mình này là sự quyết tâm đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên,… và đặc biệt là sự đồng lòng, cố gắng trao dồi nâng cao tay nghề, thái độ phục vụ của của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động TTYT Duy xuyên, trong đó có sự đóng góp của bác sĩ chuyên khoa II Trần Đỗ Nhân.

Để ngày càng nâng cao về quy mô cũng như chất lượng trong công tác, trong thời gian tới BS Trần Đỗ Nhân cùng tập thể lãnh đạo và toàn đơn vị có kế hoạch xin đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại hơn như máy CT-Scan, các thiết bị hỗ trợ cận lâm sàng khác nhằm nâng cao chất lượng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân Duy Xuyên nói riêng và nhân dân các vùng lân cận.

Châu Long - Cẩm Vân

SKĐS - Nếu như các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở nước ngoài thuần vitamin, khoáng chất hoặc chỉ dược liệu thì các sản phẩm này của Việt Nam có sự phối kết hợp của vitamin, chất khoáng, hoạt chất sinh học, thảo dược. Tỷ lệ tiếp cận của người dân Việt Nam với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%.

tpccnn 1666874193657223219944

Nghiên cứu các thành phần trong sản phẩm thực phẩm chức năng tại Viện thực phẩm chức năng


Thông tin tại lễ ra mắt giai đoạn 1 của Viện Thực phẩm chức năng (VIDS), dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là dược liệu, hoạt chất sinh học có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

"Nếu như các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe ở nước ngoài thuần vitamin, khoáng chất hoặc chỉ dược liệu thì các sản phẩm này của Việt Nam có sự phối kết hợp của vitamin, chất khoáng, hoạt chất sinh học, thảo dược"- Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng nói.
Kể từ khi có Hiệp hội Thực phẩm chức năng, tỷ lệ tiếp cận của người dân Việt Nam với các thực phẩm bảo vệ sức khỏe lên tới 80%. Nếu như công nghiệp dược hiện nay nhập khẩu tới 99%, Việt Nam chỉ gia công đóng gói thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe hiện chỉ nhập khẩu 40%, điều đó cho thấy chúng ta đã chủ động về nguyên liệu.

Hiện cả nước có hàng trăm doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 sản phẩm. Tuy vậy, người dân vẫn còn mơ hồ đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng là do các sản phẩm thật - giả tràn lan trên thị trường, một số cá nhân thổi phồng lợi ích sản phẩm, lừa dối người tiêu dùng...

Để dẹp loạn tình trạng các sản phẩm nhái nhãn mác, nhái công nghệ sản xuất các sản phẩm có uy tín, hiện Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo quy chuẩn đối với giới hạn các chất ô nhiễm có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tới đây, Bộ Y tế có thể đặt ra quy định tiêu chuẩn về chất ô nhiễm, lấy mẫu kiểm nghiệm, phương pháp thử, đăng ký công bố sản phẩm... với sản phẩm bảo vệ sức khoẻ sẽ tương tự như sản phẩm thuốc.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ đến năm 2030, một trong những định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ là việc nghiên cứu phát triển nguồn thảo dược, sản xuất các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Viện Thực phẩm chức năng ra mắt là minh chứng cho quá trình nỗ lực vươn mình phát triển, để có thể trở thành 1 trong 5 viện khoa học hàng đầu ASEAN về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên và đặc biệt là nguyên liệu có nguồn gốc công nghệ sinh học.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang hy vọng Viện Thực phẩm chức năng sẽ là một trong những cơ sở hàng đầu trong cả nước triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng, các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên và các hoạt chất công nghệ sinh học; chuyển giao công nghệ cho các đơn vị và doanh nghiệp trong và ngoài nước, kết nối các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Viện Thực phẩm chức năng hoạt động đa lĩnh vực, gồm có: Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; Dịch vụ khoa học công nghệ; Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm là kết quả của quá trình nghiên cứu.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời điểm giữa năm 2022, số ca COVID-19 trên toàn cầu tăng 30%. Nguyên nhân là do 2 dòng biến thể phụ BA.4, BA.5 gây ra làn sóng bùng phát mới.

Việt Nam Kể từ đầu dịch đến nay đã vượt qua con số 10 triệu ca nhiễm, (bình quân cứ 1 triệu người có hơn 100.000 ca nhiễm).

Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Vậy làm thế nào để phòng dịch bệnh COVID-19 hiện nay?

TS 10 tiêm M4

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19

Bộ Y tế nhấn mạnh, vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch. Đến tháng 2/2022, Việt Nam gần như đã bao phủ được hết các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 cơ bản cho người 12 tuổi trở lên.

Đến nay, sau 4 đến 6 tháng, miễn dịch đối với người tiêm đã giảm. Đặc biệt, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi còn giảm nhiều hơn.

Do đó, cần tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tiêm mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi để duy trì miễn dịch cộng đồng.

Vì sao cần phải tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3, mũi 4?

Theo các chuyên gia y tế, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, tuy nhiên, ở một số khu vực dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay nhiều quốc gia đã dỡ bỏ một phần hoặc hoàn toàn các biện pháp phòng chống dịch nên nguy cơ dịch quay trở lại là rất lớn.

Tại Việt Nam, hiện nay đã kiểm soát tốt sự lây lan dịch bệnh COVID-19, cuộc sống người dân trở lại bình thường nên nhiều người xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, bệnh, kể cả việc tiêm vắc xin nên cũng đang tiềm ẩn nguy cơ dịch quay trở lại.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm vi rút SARS-COV-2.

Kết quả nghiên cứu tại Pháp cho thấy nếu được tiêm liều nhắc, những người này được bảo vệ khỏi tái nhiễm virus lên đến 81%. Kết quả nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy, những người từng mắc COVID-19 nếu chỉ tiêm 2 liều thì hiệu quả phòng nhập viện do tái nhiễm là 34,6%, nhưng nếu được tiêm liều nhắc thì hiệu quả này lên đến 67,6%. WHO khuyến cáo sau 4-6 tháng cần tiêm liều tăng cường trong đó ưu tiên cho những đối tượng nguy cơ cao. WHO nhấn mạnh. "Chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả tiêm vaccine rồi vẫn mắc bệnh. Trong khi đó các quốc gia vẫn đang lưu hành các biến thể mới. Trên toàn cầu các biến thể mới ngày càng gia tăng làm tăng số mắc trên toàn cầu".

Vì vậy, việc cần thiết phải tiêm vắc xin để phòng chống dịch bệnh  COVID-19 trong giai đoạn này là rất quan trọng. Người dân cần thực hiện tiêm liều tăng cường để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước các biến chủng mới của vi rút SARS-COV-2.

Tại Quảng Nam, hiện nay ngành Y tế đang triển khai tiêm mũi nhắc, tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5-11 tuổi. Để tiêm vắc xin phòng COVID-19, mọi người dân đến điểm tiêm của các cơ sở y tế được tổ chức vào các ngày trong tuần để được tiêm.

TT-GDSK (tổng hợp)

 

Bảo đảm an toàn thực phẩm được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tháng Hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022 diễn ra từ ngày 15/04 đến 15/05 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm với những điểm mới:

An toàn thực phẩm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát

hinh kt ATTP

Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị hạn chế. Đây là cơ hội cho những nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên đây cũng là thách thức về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là thời điểm vào hè, điều kiện khí hậu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân thay đổi.

Hưởng ứng Tháng Hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành TW về An toàn thực phẩm đã ký, ban hành kế hoạch Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 diễn ra từ ngày 15/4-15/5. Theo kế hoạch này, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.  Do vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.  Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Những thông điệp đáng chú ý

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, thích ứng dịch COVID-19 trong tình hình mới. Hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.

Người sản xuất kinh doanh nuôi trồng cần:

+ Tăng cường phát triển các vùng chuyên canh sản xuất an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực

+Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm

+Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn.

+Không sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm sai quy định trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản

Người tiêu dùng:

+ Lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn

+Không sử dụng thực phẩm đã ôi, thiu, hỏng, mốc

Lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị:

+ Chủ động, tích cực, trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.

+ Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn

Vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vì sức khỏe cộng đồng hãy:

“Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.

Tài liệu tham khảo: suckhoedoisong.vn

Long Cảnh

 

TS.BS Mai Văn Mười – TUV, Giám đốc Sở Y tế

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 510.587.373 ca COVID-19, trong đó có 6.248.113 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 586.990 và 2.536 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 463.955.742 người, 41.412.967 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 42.693 ca nguy kịch. Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 135.699 ca; Pháp đứng thứ hai với 97.498 ca; tiếp theo là Hàn Quốc (80.301 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 451 người trong ngày; tiếp theo là Đức 307 ca và Nga với 176 ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.757.704 người, trong đó có 1.018.730 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.065.666 ca nhiễm, bao gồm 522.374 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.378.061 ca bệnh và 662.866 ca tử vong.

Tiem Vac Xin Ngua Co 01

Tuy dịch COVID-19 thế giới vẫn còn nhiều biến động, Việt nam ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và trở về trạng thái bình thường mới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho biết, đến 6 h ngày 27/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới tại 56 tỉnh, thành phố (có 6.341 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.212 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam chỉ đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.582.620), TP. Hồ Chí Minh (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281). Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là 9.116.225 ca. Số ca tử vong giảm, trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua (kể từ ngày 19/4) là 8 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Quảng Nam, cho đến nay (27/4/2022) toàn tỉnh có 49.149 ca mắc COVID-19, tuy nhiên số ca mắc giảm mạnh trong thời gian gần đây, mỗi ngày chỉ từ hàng chục ca (từ 16h00 ngày 26/4/2022 đến 16h00 ngày 27/4/2022, Quảng Nam ghi nhận 29 ca mắc mới (giảm 06 ca so với hôm qua), trong đó: 28 ca cộng đồng và 01 ca đã được giám sát, cách ly từ trước). Bên cạnh đó số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tăng đáng kể (155 ca khỏi bệnh trong ngày 27/4).

Như vậy, dịch COVID-19 tại Quảng Nam cơ bản được kiểm soát, đưa tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội,… trên địa bàn toàn tỉnh về trạng thái bình thường mới.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế Quảng Nam - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, đặc biệt là quyết liệt chỉ đạo phân bổ, và tiêm chủng vắc xin theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp,... ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Quảng Nam.

Kết quả cho đến nay, Quảng Nam có 1.103.795 người trên 18 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19; số người được tiêm ít nhất 1 mũi: 1.103.795 người tiêm, đạt tỷ lệ 100% số người cần tiêm; Số người đã tiêm đủ liều cơ bản: 1.077.143 người tiêm, đạt tỷ lệ: 98,3% số người cần tiêm; Số người đã tiêm mũi nhắc lại, bổ sung: 795.700 người, đạt tỷ lệ: 72,6%.

Về tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Quảng Nam có 133.495 trẻ có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng COVID-19. Kết quả số trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi: 132.608 mũi, đạt tỷ lệ 99,3%; số trẻ được tiêm đủ liều cơ bản: 130.377 mũi, đạt tỷ lệ 97,7%.

Thời gian tới, công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Quảng Nam cần đẩy mạnh với những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Thực hiện tốt Công văn số 2007/BYT-DP ngày 20/4/2022 của Bộ Y tế, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin; đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên (hoàn thành trong tháng 4/2022).

- Triển khai thực hiện Công văn số 1815/BYT-CNTT ngày 08/4/2022 của Bộ Y tế, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được phân bổ vắc xin; triển khai tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học với phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

- Toàn ngành Y tế nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và tiêm chủng “vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”.

- Các bệnh viện tích cực tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trình, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Công an, các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin”; thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID19, khẩn trương cập nhật đối tượng tiêm chủng các mũi tiêm còn thiếu lên phần mềm https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thời gian hoàn thành trước ngày 05/5/2022 theo yêu cầu tại Công văn số 1975/BYT-CNTT ngày 19/4/2022 của Bộ Y tế.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo quy trình của Bộ Y tế tại Công văn số 9458/BYT-CNTT ngày 08/11/2021; bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của đối tượng tiêm chủng phòng COVID-19 trên “Nền tảng tiêm chủng” và thực hiện ký số chứng nhận tiêm chủng vắc xin trên “Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19” theo Công văn số 1908/BYT-CNTT ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2022.

- Phòng Nghiệp vụ Y theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.

Ts.Bs Mai Văn Mười - TUV, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam

Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi con người và là mối quan tâm của toàn xã hội. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là đơn vị đi đầu, đóng vai trò là nòng cốt. Xác định được vai trò, nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, ngành y tế Quảng Nam đã nỗ lực hết mình trong điều kiện có thể, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, các giải pháp chuyên môn phù hợp. Thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực y tế.

Ts. Bs Mai Van Muoi bao cao cong tac nganh y te

Báo cáo UBND tỉnh về công tác y tế trong Hội nghị tình hìnhKinh tế - Xã hội 6 tháng đầu năm 2021 tỉnh Quảng Nam (ảnh TT)

Kết quả đạt được

Công tác phòng, chống dịch COVID-19: Năm 2021, một năm đương đầu với đại dịch, cùng với cả nước, ngành y tế tỉnh Quảng Nam đang từng bước nỗ lực khống chế, ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công, bảo đảm chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong năm qua, các đợt dịch COVID-19 được phát hiện tại Quảng Nam đều cơ bản được khống chế thành công. Ngành Y tế cũng đã kịp thời tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV2 để truy vết thần tốc, tầm soát diện rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có 5 cơ sở xét nghiệm bằng phương pháp PCR, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV2. Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch các cấp, tăng cường năng lực các Tiểu ban giúp việc cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh. Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các khu cách ly tập trung, các cơ sở khám chữa bệnh và các khu công nghiệp. Tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh và đã kiểm soát được dịch bệnh,…
Đặc biệt, Công tác tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo đạt kế hoạch theo số lượng vắc xin cung ứng thực tế về tỉnh. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 đã trên 71% số người cần tiêm. Tháng 11/12/2021, Quảng Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, bước đầu đã triển khai tiêm có hiệu quả.

Một số công tác khác: Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp, bên cạnh công tác chống dịch, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân càng được chú trọng hơn, Ngành y tế Quảng Nam quyết tâm không để dịch chồng dịch. Vì vậy trong năm 2021, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm như Sốt xuất huyết, Sốt rét, Lao, Sức khỏe tâm thần giảm so với cùng kỳ 2020. Công tác khám chữa bệnh ở các tuyến được nâng cao về chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ,… Đặc biệt, trước đại dịch đối tượng là người già, người có bệnh nền đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn, trẻ em, người khuyết tật, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ mang thai được cán bộ y tế tư vấn, quan tâm, chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe và giúp họ vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Theo đó, kết quả phòng chống các dịch, bệnh nguy hiểm đạt tốt; không có ca tử vong do HIV/AIDS, Sốt xuất huyết,… Công tác thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm được tăng cường, người mắc bệnh nền được cán bộ y tế hỗ trợ tiêm vắc xin phòng COVID-19, bệnh nhân đi lại khó khăn, điều trị tại nhà được cán bộ y tế thăm khám tư vấn chế độ dinh dưỡng, sử dụng thuốc tận tình, chu đáo,…

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian đến

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 thích ứng, linh hoạt:  Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến, số ca mắc tăng hằng ngày, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam. Sở Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch cũng như công tác điều trị, giảm tối đa ca bệnh nặng và tử vong, giảm tải áp lực đối với bệnh viện tuyến tỉnh, phân tầng, phân luồng cụ thể nhằm đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 một cách tốt nhất. Dự báo đến những tình huống xấu như có thể xuất hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, độc lực không thấp hơn đáng kể so với các chủng virus hiện tại, thậm chí có những biến chủng có thể “lẩn tránh” vắc xin, thuốc điều trị.
Tiếp tục tập trung ưu tiên công tác điều trị tầng 2, tầng 3, giảm tối đa bệnh nặng và tử vong do COVID-19; công tác chuyển tuyến, bố trí bệnh nhân vào các tầng điều trị phù hợp, khoa học, linh hoạt, đúng quy định, quy trình và đúng với mức độ, tình trạng của bệnh.
Cụ thể:
- Tầng 1 (thể nhẹ, không triệu chứng): điều trị tại nhà, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 do BCĐ phòng, chống dịch cấp huyện chỉ đạo và quản lý.
- Tầng 2: điều trị tại: Bệnh viện/Trung tâm Y tế cấp huyện, thị xã, thành phố; các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19.
- Tầng 3: thực hiện điều trị tại 03 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.
Tổng hợp đánh giá, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh banh hành Kế hoạch Phân tầng thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới. Tiếp tục chỉ đạo công tác điều tiết nhân lực cán bộ y tế từ các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện ngoài công lập/Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cho các Trạm y tế lưu động để triển khai điều trị F0 tại nhà đạt hiệu quả cao nhất. Tăng cường nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các cơ sở điều trị COVID-19 bệnh nặng, các bệnh viện/Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố theo Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 của Bộ Y tế bằng cách đào tạo Ê kíp chuyên sâu. Hoàn thiện hệ thống oxy y tế cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Quyết định số 4308/QĐ-BYT ngày 07/9/2021 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp tục triển khai, sử dụng thuốc Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tại cơ sở thu dung điều trị và tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Các trường hợp bệnh nhân thể nặng, nguy kịch dương tính với COVID19 vượt khả năng điều trị của các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh thì kịp thời chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế. k) Kịp thời ban hành hướng dẫn điều trị F0 tại nhà và thực hiện quy trình xử lý thi hài do nhiễm COVID-19 tử vong tại nhà để thực hiện thống nhất trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị COVID-19 mọi lứa tuổi theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế. Làm việc và ký phụ lục hợp đồng với BHXH giải quyết những vướng mắc trong thanh toán kinh phí khám, chữa bệnh từ nguồn bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19; đối với bệnh nhân nhiễm COVID-19 có bệnh nền. Củng cố hạ tầng kỹ thuật về ô xy y tế để bảo đảm cung cấp ô xy y tế tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và hệ thống ô xy trung tâm để cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

Công tác trọng tâm 2022

Về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân: Ngành Y tế phấn đấu giảm tỷ lệ tử vong do bệnh và dịch, bệnh gây ra, góp phần tăng tuổi thọ, nâng cao các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số trong tình hình mới.

Theo đó, tỷ lệ xã có bác sỹ làm việc là 58,5%, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em giảm từ 22% xuống còn 21,4%, tỷ xuất tử vong trẻ em giảm từ 23,6% xuống còn 23,2%,… Tập trung phát triển mạnh y tế cơ sở và y tế dự phòng. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ thông tin, trong khám, chữa bệnh, Nâng cao chất lượng công tác dự báo, giám sát, phát hiện, khống chế, ngăn chặn hiệu quả không để dịch bệnh lớn xảy ra. Phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm HIV, cùng với cả nước tiến tới chấm dứt bệnh dịch AIDS trước năm 2030. Thực hiện đào tạo chuyên sâu và sửa đổi bổ sung nghị quyết 01/2021/NQ-HĐND. Rà soát, củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc ngành y tế theo quy định.

Sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, điều kiện để đảm bảo hoàn thành tiêm mũi vắc xin cho trẻ em và tiêm mũi 3 có người từ 18 tuổi trở lên. Đẩy nhanh tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Thực hiện tiêm chủng vắc xin tại các Trạm y tế xã/phường/thị trấn. Rà soát số đối tượng chưa tiêm vắc xin để tiêm.

Về tiếp tục công tác phòng chống dịch COVID-19: tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch trong tình hình mới, thích ứng, linh hoạt, an toàn phòng chống dịch theo Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế và chỉ đạo của Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam. Tiếp tục mở rộng sử dụng cơ sở vật chất hiện có để thành lập cơ sở cách ly tập trung tiếp nhận, điều trị bệnh nhân F0 thể nhẹ, không triệu chứng tại tuyến huyện/xã/thành phố. Xây dựng kịch bản điều trị F0 thể nhẹ tại nhà đồng thời xây dựng quy trình hướng dẫn, chăm sóc người mắc COVID-19 chủ động trong mọi tình huống dịch bệnh. Xây dựng các phương án khuyến khích người dân chủ động tự xét nghiệm tại nhà, cơ quan, đơn vị. Xây dựng và hướng dẫn sử dụng gói thuốc an sinh sử dụng cho điều trị F0 tại nhà nếu dịch bệnh bùng phát và đảm bảo tinh thần “F0 phải được điều trị sớm nhất, không phải đi viện sớm nhất”,…

Với những kết quả đạt được thời gian qua và mục tiêu, định hướng đặt ra trong năm 2022, Ngành Y tế tỉnh Quảng Nam tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh “Chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân” tỉnh nhà được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, quyết tâm khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mạng và sức khoẻ của người dân. Đặc biệt, qua những đợt đối phó với “giặc” COVID-19, sẽ là những bài học, kinh nghiệm quý báu để rút ra và từ đó có những định hướng đúng đắn trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với cả nước, Ngành Y tế Quảng Nam quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, tăng cường bao phủ vắc xin COVID-19, giúp nhân dân Quảng Nam có thể yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế và ổn định cả đời sống vật chất lẫn tinh thần./.

Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng mùa xuân là nhiệm vụ mới của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam hiện nay về phòng, chống dịch COVID-19 trong điều kiện thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19. Hơn 2 năm chiến đấu với dịch COVID-19, CDC Quảng Nam đã trãi qua một chặng đường dài với nhiều gian nan và thử thách.

xe tiem vx

CDC tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động bằng xe tiêm tại các khu công nghiêp trên địa bàn tỉnh (ảnh VT)

Hoàn thành nhiệm vụ của những cuộc chạy đua thần tốc

Từ đẩy nhanh truy vết: 2020, đỉnh cao là 2021 trong lúc COVID-19 trong và ngoài nước liên tục có những diễn biến hết sức phức tạp, khó dự báo, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của Nhân dân và ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội. CDC Quảng Nam đã tham mưu Sở Y tế, UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định, giải pháp kịp thời nhằm thực hiện quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Trong những thời điểm căm go, Chiến lược thần tốc trong phòng chống COVID-19 của tỉnh Quảng Nam đã phát huy hiệu quả; các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm được phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng kịp thời. Trong sự nỗ lực chung của toàn tỉnh có sự đóng góp của cán bộ, y bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam), nơi được xem là lực lượng tuyến đầu trong phòng chống COVID-19 của tỉnh nhà. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Quảng Nam đã trải qua 2 đợt bùng phát dịch lớn tại các huyện miền núi, giữa lúc mà độ bao phủ vắc xin COVID-19 toàn tỉnh vẫn còn mức rất khiêm tốn. Xuyên suốt công tác phòng, chống dịch, CDC Quảng Nam là 06 đội cơ động và hơn 150 cán bộ y, bác sĩ lưu động thực hiện hàng triệu ca xét nghiệm để phát hiện, bóc tách F0 khỏi cộng đồng; qua đó góp phần cùng toàn tỉnh khống chế thành công đại dịch COVID-19, ngăn ngừa sức tàn phá của đại dịch khi chưa bao phủ được vắc xin trên địa bàn tỉnh.

Đến duy trì công tác giám sát ca bệnh xâm nhập: cũng trong thời điểm nguy cơ tử vong của dịch bệnh khi chưa có sự bảo vệ của vắc xin, đứng trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh thành trên cả nước. CDC Quảng Nam đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nắm bắt thông tin các ca bệnh, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh; tiếp tục tăng cường giám sát, nhất là trong việc giám sát các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh dương tính, các trường hợp F1, F2; khoanh vùng, xử lý triệt để theo quy định. Chỉ đạo, hỗ trợ giám sát và xem xét lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp tiếp xúc/có liên quan khác với các ca dương tính để có hướng xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế; tiếp tục duy trì các Tổ truy vết, lấy mẫu COVID-19 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh trong mọi hoàn cảnh, kể cả ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, kêu gọi sự hỗ trợ sinh viên tình nguyện của trường Cao đẳng Y tế và Phan Châu Trinh hỗ trợ. Chỉ đạo và thực hiện công tác điều tra giám sát dịch; Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tham mưu chỉ đạo về chuyên môn trong công tác xử lý dịch; Thần tốc, truy vết, giám sát, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nếu có tại các khu công nghiệp; nhanh chóng truy vết tất cả các trường hợp F1, F2, không bỏ sót bất cứ đối tượng nào; thực hiện cách ly tập trung, cách ly tại nhà/nơi lưu trú, giám sát y tế theo quy định lúc bấy giờ.

Kết thúc những cuộc chạy đua thần tốc, CDC Quảng Nam nói riêng, các CDC trên cả nước nói chung đã để lại trong lòng người dân những ấn tượng tốt đẹp về tinh thần hy sinh cao cả, vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân tỉnh nhà.

Tiếp tục sứ mệnh kiểm soát bệnh tật, phòng, chống dịch COVID-19

Hiện nay cả nước đã bước sang giai đoạn bình thường mới, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, CDC với vai trò tư vấn của nhằm tham mưu, giúp ngành y tế tiếp tục vững vàng triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trước tình hình số ca mắc cộng đồng và tử vong do COVID-19 tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. CDC tham mưu ngành y tế tiếp tục nâng mức cảnh giác cao nhất đối với dịch COVID-19, tiếp tục phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch ngay từ những ngày đầu năm 2022, không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm là nhiệm vụ trọng tâm.

Tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, chú trọng tập trung đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022; rà soát, tiêm vét các đối tượng nguy cơ cao, không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine; bảo đảm an toàn tiêm chủng. Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine mũi 3 (mũi bổ sung/mũi nhắc lại) cho người dân từ 18 tuổi trở lên, đẩy mạnh tiêm cho trẻ em. Tiếp tục rà soát, đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 218/QĐ-BYT ngày 27/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ để tổ chức các biện pháp đáp ứng dịch phù hợp,...

Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao ý thức người dân thực hiện triệt để 5K, tiêm vắc xin phòng bệnh, truyền thông về công tác điều trị, chăm sóc F0 theo hướng dẫn của Bộ y tế,.. truyền thông thống nhất nhận thức thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, CDC Quảng nam tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động y tế và các nhiệm vụ chuyên môn được giao, nỗ lực kiểm soát chặt chẽ các bệnh theo mùa, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch. Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh không lây nhiễm; phòng, chống tác động của các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe; quản lý sức khỏe cộng đồng, tiêm chủng mở rộng; truyền thông giáo dục sức khỏe; khám phát hiện; điều trị dự phòng được duy trì...

Hơn 2 năm trôi qua, cả hệ thống chính trị cùng nhân dân tỉnh nhà đương đầu với đại dịch COVID-19, CDC Quảng Nam là một trong những lực lượng tuyến đầu, đã phải trãi qua hành trình căm go, phức tạp nhưng cũng đã khẳng định một chặng đường dài, mang lại những thành công nhất định. Kết quả có được trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của CDC Quảng Nam thời gian qua có sự đóng góp tích cực, sự đồng lòng chung sức của đội ngũ cán bộ, nhân viên CDC toàn đơn vị. Với sự nỗ lực không ngừng, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, CDC tiếp tục cùng các lực lượng chức năng kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 diện rộng; đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn,… góp phần kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong tình hình mới.

Long Cảnh

Không có thành công nào mà không trải qua quá trình phấn đấu, rèn luyện. Mỗi khó khăn đều là thử thách và cơ hội để bản thân khẳng định được mình. Đó là quan điểm sống và công tác của Bác sĩ nội trú Nhãn khoa Nguyễn Khoa Vỹ - công tác tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam. Dù ở lĩnh vực nào, là công tác chuyên môn hay công tác Đoàn, Hội anh cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID – 19, anh là người xung phong tình nguyện dẫn đầu đoàn công tác vào hỗ trợ tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Là một bác sĩ trẻ, sau khi tốt nghiệp tại trường Đại học Y dược Huế, năm 2018 anh về nhận nhiệm vụ công tác tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam. Trong suốt quá trình làm việc, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và không ngừng nổ lực hoàn thành tốt công tác khám, chữa bệnh và phẫu thuật mắt tại đây. Bên cạnh đó, anh cũng dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu tài liệu, trao dồi những đồng nghiệp đi trước. Anh còn là một trong những người hăng hái đi đầu trong các hoạt động từ thiện của đơn vị như khám, tư vấn và cấp phát thuốc điều trị các bệnh về Mắt miễn phí cho người dân trên địa bàn Quảng Nam, tham gia giúp đỡ các trường hợp khó khăn, tặng quà, bánh trung thu cho các em thiếu nhi, …

Với vai trò là Phó Bí thư Đoàn Sở Y tế Quảng Nam, anh còn cùng tập thể Ban thường vụ Đoàn Thanh niên tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu niên và người dân chủ động phòng, chống dịch qua 3 đợt cao điểm hướng dẫn các biện pháp phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang, … bằng các phương pháp trực quan, thông qua tờ rơi, pano cho bệnh nhân đến khám, chữa bệnh hoặc khách đến liên hệ công tác tại đơn vị. Ngoài ra, còn tổ chức cuộc thi "Xung kích – Phòng COVID" trên mạng xã hội bằng mã QR – Code thông qua ứng dụng Google Form, đồng thời triển khai đồng loạt "Ngày chủ nhật xanh", “Giờ làm việc thứ 9” thực hiện 7000 “Mũ chống giọt bắn”, 1.500 “Tai giả”, 20.000 que tăm bông lấy dịch ngoáy mũi ủng hộ tuyến đầu chống dịch và vận động Đoàn viên, thanh niên xung kích tình nguyện tham gia lực lượng phòng, chống dịch. Nhờ đó, Đoàn thanh niên Sở Y tế đã nhận được 01 Bằng khen của BCH Tỉnh Đoàn Quảng Nam về công trình thanh niên "Mũ chống giọt bắn" và 01 Bằng khen của BCH Tỉnh Đoàn Quảng Nam về phòng, chống dịch COVID-19.

BAC SI VY CUNG DONG NGHIEP NOI TUYEN DAU CHONG DIVCH 1

 Bác sĩ nội trú Nhãn khoa Nguyễn Khoa Vỹ cùng đồng nghiệp của mình nơi tuyến đầu chống dịch 

Đặt biệt, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tuy không phải đơn vị trực tiếp tuyến đầu chống dịch, song hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, với tinh thần xung kích của thanh niên, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tấm lòng của người thầy thuốc. Anh đã viết đơn tình nguyện xin được tham gia hỗ trợ chống dịch, được sự tin tưởng của Lãnh đạo tỉnh và Ngành anh được giao trách nhiệm là trưởng đoàn cùng với 30 cán bộ gồm bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên có trình độ, năng lực và lòng nhiệt huyết lên đường chi viện tại Bệnh viện Dã chiến quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh.

Trực tiếp tham gia vào vùng tâm dịch, nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhất, đồng nghĩa bản thân phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro. Chống dịch không chỉ là cuộc chiến với vi rút, anh cùng đồng nghiệp còn phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn, vất vả, áp lực đè nặng lên vai nhưng vượt lên trên tất cả vẫn là trách nhiệm của người thầy thuốc với Nhân dân, với người bệnh. Chính vì lẽ đó, khi được giao nhiệm vụ giám sát quản lý, theo dõi cách ly, truy vết các ca bệnh dương tính với COVID-19, anh luôn thực hiện nghiêm công tác vô khuẩn, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Bộ Y tế để phòng tránh lây nhiễm vì sự an toàn của người bệnh và cộng đồng. Nhờ vậy, sau gần 2 tháng tham gia hỗ trợ chống dịch, anh cùng đồng nghiệp đã điều trị thành công và cho xuất viện 1.324 bệnh nhân COVID-19. Tổ chức đảm bảo thực hiện tốt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cho tất cả thành viên trong đoàn không bị lây nhiễm SARS – CoV-2. Song song với đó, anh còn tham gia một số hoạt động thiện nguyện tại chỗ như giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và tặng quà cho các em thiếu nhi trong khu phố tại nơi Đoàn lưu trú. Tại đây, anh và các thành viên trong Đoàn đều được Sở Y tế và người dân Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận và đánh giá cao.

Chính nhờ những cố gắng, nỗ lực từ bản thân, cũng trong năm 2021, anh đã có 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được nghiệm thu. Tại đơn vị, anh còn đạt giải nhất hội thi nghề và được khen thưởng đột xuất quý 1 của bệnh viện. Niềm vui lại còn trọn vẹn hơn khi anh được đơn vị đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được bằng khen chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Với tinh thần xung kích, nhiệt tình, trách nhiệm, hết mình trong công tác chống dịch, anh đã nhận được bằng khen của UBND thành phố Hồ Chí Minh, huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh cùng giấy khen của UBND tỉnh Quảng Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ TP HCM phòng, chống dịch COVID-19 và tham gia điều trị bệnh nhân COVID- 19 tại Quảng Nam. Đây là sự ghi nhận, đóng góp cho những cố gắng, cống hiến của người bác sĩ trẻ vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Viết Thạnh