Theo các chuyên gia y tế, hiện nay thuốc lá điện tử được nhiều người xem như mốt dòng sản phẩm thay thế cho thuốc lá truyền thống đang là mối đe doạ khẩn cấp đối với sức khoẻ cộng đồng trên toàn cầu, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các chuyên gia cảnh báo khi sử dụng thuốc lá điện tử lâu dài, người nghiện sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong đó đáng chú ý là nguy cơ tổn thương phổi, mắc bệnh tim mạch và có thể ung thư,… bên cạnh đó thuốc lá điện tử còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

tam

Những tác hại với sức khỏe

Trước quảng cáo rầm rộ của ngành công nghiệp thuốc lá, “Thuốc lá điện tử là một sản phẩm giảm hại” và họ nỗ lực vì “một thế giới không khói thuốc”? làm nhiều người lầm tưởng.

Thực tế, các sản phẩm thuốc lá điện tử (thuốc lá thế hệ mới) có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của người sử dụng vì chứa nicotine - là chất gây nghiện cao, theo đó là các chất độc hại và các hương liệu gây hại đối với sức khỏe. Theo WHO, có đến hơn 15.000 loại hương vị khác nhau trong dung dịch điện tử được biết là có nhiều chất độc. Nếu hương liệu được trộn chung cùng các loại nguyên liệu khác nhau sẽ gây độc hơn. Bên cạnh đó, các chất độc được tìm thấy trong thuốc lá điện tử như: Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine… gây ra bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, viêm phổi cấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và gây ung thư,…

Ngoài ra, cũng như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử vẫn có rủi ro cho người dùng hoặc những người tiếp xúc với khói thuốc từ thuốc lá điện tử. Các kim loại cũng được tìm thấy ở mức độ cao trong khói thuốc như niken, chì,... Các hạt siêu mịn trong khí do khói thuốc lá điện tử có khả năng đi sâu vào phổi và có thể gây nguy cơ mắc các bệnh không thường gặp ở những người hút thuốc lá điếu thông thường. Trong đó, các ca viêm phổi cấp tính, thương tích phổi do bộ phận điện tử phát nổ là những tác hại chưa được biết đến ở thuốc lá điếu thông thường nhưng lại xuất hiện ở thuốc lá điện tử. Chưa dừng lại ở đó, khi một người tiếp xúc với nicotine, nhịp tim và huyết áp sẽ tăng lên bởi động mạch vành bị co lại, làm giảm lưu lượng máu và khí oxy. Qua thời gian, sự tiếp xúc với nicotine có thể dẫn đến bệnh về tim, đột quỵ và đau tim.

Bất lợi về kinh tế

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thuốc lá điện tử gây ra nhiều vấn đề xã hội, kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội, an ninh trật tự, kinh tế, môi trường và sự phát triển bền vững. Thuốc lá điện tử có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh, trật tự. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp và một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện.

Thiết bị điện tử để sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm,... Thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng 1 lần. Theo cáo cáo của WHO năm 2017 và một số nghiên cứu khác cho thấy: 2/3 lượng thuốc lá điếu bị vứt bừa bãi; chỉ riêng chi phí dọn sạch lượng thuốc lá bị vứt bừa bãi đã là 11 tỷ USD, chưa kể các chi phí môi trường khác trong cả chuỗi cung ứng thuốc lá ... Trong khi đó, thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có rất nhiều thành phần: nhựa, pin, bảng mạch điện, dung dịch…. Quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine...

Ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá

Trái với quảng cáo “có thể giúp cai nghiện thuốc lá”, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá do cung cấp thêm sự lựa chọn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá bên cạnh thuốc lá truyền thống, thúc đẩy cả người không hút thuốc lá hoặc đã bỏ và người đang sử dụng thuốc lá điếu chuyển sang sử dụng thuốc lá điện tử. Từ đó, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và ảnh hưởng đến nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Có nhiều bằng chứng cho thấy những người đang hút thuốc lá điếu thông thường có khả năng sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn, và thanh thiếu niên không hút thuốc lá vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu. Người trẻ tuổi sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường, bao gồm cả những người không sử dụng thuốc lá. “Đối với thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn tới 6 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử” - theo một báo cáo ở Anh. Các kết quả điều tra cũng cho thấy, tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng cao hơn so với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường,...

Từ những tác hại rất lớn, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến giới trẻ được xác định là nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá điếu thông thường. Việc cấm hoàn toàn dưới mọi hình thức mua bán, sản xuất, nhập khẩu đối với các sản phẩm mới này cần thiết. Tuy nhiên trước khi thuốc lá điện tử được cấm hoàn toàn mỗi chúng ta hãy hành động và kêu gọi một thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine.

Long Cảnh

Nước là một trong những thành phần cơ bản và cần thiết cho cơ thể con người. Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Con người có thể nhịn ăn một vài ngày, thậm chí một vài tuần, nhưng không thể thiếu nước. Người ta đã từng làm thí nghiệm chứng minh trên cơ thể con người, nếu chỉ uống nước mà không ăn thì vẫn sống được 7 ngày, nhưng nếu không ăn, không uống thì chỉ sau 3 ngày có thể chết (trừ trường hợp đặc biệt). Nước chính là một trong những yếu tố dinh dưỡng cơ bản nhất, rất cần thiết sự sinh tồn và sức khỏe con người.

co nen tai su dung nuoc thai tu may loc nuoc ro 5

Nước là chất quan trọng để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể. Nước là một dung môi, nhờ đó tất cả các chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể, sau đó được chuyển vào máu dưới dạng dung dịch nước. Nếu thiếu nước, sự chuyển hóa prô-tê-in và enzymer để đưa chất dinh dưỡng đến các bộ phận khác của cơ thể sẽ gặp khó khăn. Uống không đủ nước ảnh hưởng đến chức năng của tế bào cũng như chức năng các hệ thống trong cơ thể. Ngoài ra, nước còn có nhiệm vụ thanh lọc và giải phóng những độc tố xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa và hô hấp một cách hiệu quả. Uống không đủ nước sẽ làm suy giảm chức năng thận, thận không hoạt động hiệu quả, dẫn đến nhiều chất độc hại bị tích tụ trong cơ thể,…

Uống nước như thế nào?

Uống đủ nước: Một người khoẻ mạnh mỗi ngày cần bổ sung một lượng nước từ bên ngoài đưa vào khoảng 1,5 - 2,5 lít, trung bình là 2 lít là đủ. Nếu uống quá ít nước khiến cơ thể không đủ nước dẫn đến da khô, tóc dễ gãy, bị táo bón, bị sỏi thận... Có một số người cho rằng uống càng nhiều nước sẽ càng tăng cường thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Nhưng không phải vậy, nếu uống quá nhiều nước (4-5 lít/ngày) sẽ gây áp lực cho thận, kèm theo với thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc hại, cơ thể còn thải các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng.

Uống khi nào?: Uống nước thường xuyên, lượng nước cần chia đều trong ngày: uống vào mỗi buổi sáng khi thức dậy, uống nước trước và sau bữa ăn khoảng 30 phút để kích thích hệ tiêu hóa. Ngoài ra bạn cần uống nước trước khi vận động hay khi tập thể dục, vì trong quá trình tập, cơ thể  sẽ mất một lượng nước khá lớn do tiết mồ hôi, việc uống nước trước đó sẽ giúp cơ thể có được một lượng nước dự trữ, tránh tình trạng mệt mỏi, thiếu nước trong khi vận động. Lưu ý đừng để đến khi cảm thấy khát mới uống nước, vì khi thấy khát nước, lúc đó cơ thể bạn đã rơi vào tình trạng thiếu nước.

Chú ý: Khi uống nước nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200ml. Vào mùa nóng thì nên uống nước mát, còn vào mùa lạnh thì uống nước ấm. Nên uống nước sạch đã được đun sôi. Nếu dùng các lại nước tinh khiết đóng chai cần chọn nhà sản xuất có uy tín. Hạn chế sử dụng các loại nước có gas.  

BSCKI. Kim Vân

 

Quảng Nam đang triển khai tiêm phòng vắc-xin COVID-19, chúng ta đã rất nghiêm túc trong việc khám sàng lọc và theo dõi sát sức khỏe sau tiêm chủng một cách chủ động. Tuy nhiên phản ứng sau khi tiêm vắc-xin là điều khiến một số người còn băn khoăn với loại vắc-xin còn mới mẻ này. Sau ngày đầu tiên triển khai tiêm, một số người gặp tình trạng đau tại chỗ tiêm, sốt, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi...  Đây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn các loại vắc-xin và vắc-xin COVID-19 cũng không ngoại lệ.

tiem chung bs Quang

Triển khai tiêm vắc xin tại CDC Quảng Nam (ảnh T.Q)

Bản chất của vắc-xin và nguyên nhân các phản ứng là gì?

Khác với những vắc-xin hiện nay, vắc-xin COVID-19 đang được tiêm chủng là loại vắc-xin dùng công nghệ mới nhất “vắc-xin véc-tơ”. Nguyên lý của loại vắc-xin này là sử dụng một loại virus gây cảm lạnh (Adeno virus) ở tinh tinh làm vật trung gian mang vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đến các tế bào của người. Sau khi tiêm chủng, virus Adeno sẽ tìm đến các tế bào đích và truyền vật liệu di truyền đó vào trong, tế bào có đoạn gene này sẽ tích cực sản xuất một loại protein gai của virus SARS-CoV-2 và từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy nên theo các thống kê, sau tiêm vắc-xin COVID-19 có trên 50% số người có đau tại chỗ tiêm, gần 50% các trường hợp ghi nhận sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn, một số ít gặp là tiêu chảy/đau bụng khoảng 10% xảy ra ở ngày thứ 2 sau tiêm.

Đâu là lý do khiến mọi người lo ngại!

Theo số liệu thống kê trên cả nước cũng như trải nghiệm thực tế của những cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã sử dụng vắc-xin đến thời điểm này là tích cực, tất cả đều ổn; hiện tại không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; chỉ có một số người có biểu hiện sốt, đau đầu, đau chỗ tiêm… và trở lại bình thường sau 1-2 ngày dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường.

Tuy nhiên, một số người đang do dự về vắc-xin COVID-19 từ những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phản ứng nặng, hiếm gặp đó là hiện tượng đông máu. Hiện tượng này có thể xảy ra với tỷ lệ rất thấp (khoảng 1 trường hợp/1 triệu người tiêm), xuất hiện 1-2 tuần sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, cơ thể có thể sinh ra kháng thể chống lại yếu tố 4 tiểu cầu (PF4). Phức hợp kháng thể này kích hoạt tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối, nhưng các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford - Anh đã đưa ra báo cáo rằng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (CVT), còn được gọi là hiện tượng đông máu hiếm gặp, nếu mắc COVID-19 lại cao hơn gấp khoảng 100 lần so với bình thường và cao hơn 40 lần vắc xin COVID-19 và các vắc xin khác.

Về điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Tại Việt Nam đến nay đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 ở các tỉnh, thành phố cho khoảng hơn 176.000  người mà chưa gặp trường hợp nào có biểu hiện phản ứng đông máu. Tuy nhiên, tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19” và Bộ Y tế đã ban hành, nên việc lo ngại phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 với lợi ích mà nó mang lại cần được xem xét và nên lựa chọn vắc xin.

Chỉ định, chống chỉ định và những lưu ý sau tiêm

Đối tượng đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 là những người trên 18 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần của vắc xin. Tuy nhiên cần phân loại các nhóm đối tượng hoãn tiêm, cân nhắc hoặc chống chỉ định tiêm bao gồm:

- Đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng: là những đối tượng hiện mắc bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có dùng chế phẩm miễn dịch trong vòng 90 ngày hoặc đã bị COVID-19 trong vòng 6 tháng. Những người có tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước cũng nằm trong nhóm này. Giai đoạn này cần thận trọng nên nhóm phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu cũng cần tạm hoãn.

- Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: là những người có tiền sử dị ứng, người có bệnh lý nền hoặc bệnh mạn tính cần giám sát sức khỏe, người mất tri giác và mất năng lực hành vi. Người có bệnh mạn tính kèm thêm bất thường dấu hiệu sống.

- Đối tượng chống chỉ định: là người có phản ứng mạnh với liều tiêm trước, phản ứng với các thành phần có trong vắc xin hoặc dị ứng mạnh với nhiều loại tác nhân khác nhau.

Lưu ý: sau khi tiêm đủ 02 liều vắc xin đúng thời gian quy định, cơ thể những người được tiêm sẽ sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số người dù đã được tiêm chủng vẫn có thể bị mắc bệnh, chỉ là không bị bệnh nặng. Do vậy, việc tiêm vắc xin COVID-19 kết hợp với thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng./.

TS.BS Trần Văn Kiệm

      Theo tổ chức Y tế Thế giới, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Ước tính mỗi năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân Lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do Lao trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Y tế Quảng Nam, công tác phòng chống Lao, bệnh Phổi trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Quảng Nam tích cực đẩy mạnh công tác khám sàng lọc trong cộng đồng để phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp mắc Lao, bệnh Phổi, từ đó, góp phần cùng với cả nước hướng tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.

     Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 70 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú, 10 lượt bệnh nhân đến nhập viện điều trị nội trú. Tại đây, bệnh nhân được phát hiện chủ yếu là các bệnh về thể Lao như: Hen phế quản, viêm Phổi, viêm Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và một số bệnh về đường hô hấp khác.

     Sau hơn 2 tuần đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam để chăm sóc cho mẹ đang điều trị viêm Phổi tại đây, cô Nguyễn Thị Yến (xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nói: “Mẹ ở đây chữa  bệnh, bác sĩ  ở đây rất tận tình chữa trị cho mẹ. Mẹ cũng hết bệnh về chị cũng cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá đã tận tình giúp đỡ cho mẹ.”

     Còn bệnh nhân Trần Anh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau thời gian điều trị viêm Phổi tắc nghẽn mãn tính sức khỏe của anh nay đã cải thiện, anh Anh chia sẻ: “Tôi vào đây điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch này là năm thứ 3, trải qua 4 lần nhập viện điều trị. Đến đây bác sĩ tận tình chăm sóc và điều trị thì bệnh tình của tôi cũng thuyên giảm so với ban đầu. Ở đây, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế nhiệt tình và chu đáo lắm.”

      Cứ mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 1500 bệnh nhân được khám, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến Lao, bệnh Phổi, trong đó, phát hiện bệnh nhân Lao phổi chiếm 85%, Lao ngoài phổi chiếm 15%. Tỉ lệ điều trị thành công với bệnh nhân Lao đạt trên 90%. Tỷ lệ tử vong hàng năm khoảng 4%. Công tác khám sàng lọc cộng đồng đạt tỷ lệ cao, trong năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc cho 570 bệnh nhân/100.000 dân tại các huyện/Tp như: Núi Thành, Tp Hội An, Nam Giang, Thăng Bình, Phú Ninh,…

      BS.CKI Đinh Văn Tuyển, Trưởng phòng khám, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam cho biết: “Trong những năm gần đây được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và một số tổ chức. Đơn vị cũng tổ chức triển khai các hoạt động khám, phát hiện chủ động trong cộng đồng bằng phương pháp 2X, Xquang và Xpert, ban đầu, mang lại hiệu quả rất là cao.”

     Năm nay với chủ đề “Đồng hồ đã điểm”- toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh Lao. Với mong muốn các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc để chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Với tinh thần đó, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực tăng cường công tác giám sát, khám sàng lọc trong cộng đồng, qua đó, phát hiện và điều trị sớm cho những người mắc bệnh Lao, bệnh Phổi; tăng cường công tác tuyền thông tại các tuyến qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bệnh viện,…

      Theo đánh giá chung của tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc Lao đang giảm nhưng không đủ mạnh để đạt mục tiêu năm 2020 là giảm 35% từ năm (2015-2020), mức giảm từ năm 2015 đến năm 2019 là 14%, chưa đạt đến một nửa so với mục tiêu đề ra. Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu và cột mốc đề ra về giảm gánh nặng Lao: tỷ lệ thất nghiệp cao làm tăng tỷ lệ mắc Lao trong cộng đồng; số ca tử vong do Lao trên toàn cầu tăng 0,2-0,4 triệu người chỉ riêng vào năm 2020. Bệnh Lao lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người bệnh ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Đặc biệt, những trường hợp mắc COVID-19 có các bệnh nền liên quan đến Lao, bệnh Phổi thường khó điều trị hơn bệnh nhân bình thường, khả năng tử vong cao. So với dịch bệnh COVID-19 thì bệnh Lao có cơ chế lây nhiễm nguy hiểm hơn vì vi khuẩn Lao có thể lây qua không khí với các hạt mịn có kích thước nhỏ 5 micro mét, có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt trong thời gian dài. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nguồn lây trong cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh Lao.

      BS.CKI Đinh Văn Tuyển nói: “Một số biện pháp để phòng trong cộng động đó là cần phải kiểm soát môi trường. Vi khuẩn lao sẽ chết dưới ánh nắng mặt trời trong vòng khoảng từ 60 đến 90 phút. Chính vì vậy, môi trường sống và làm việc cần phải được thông thoáng, có gió, có nắng. Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Về việc điều trị dự phòng thì hiện nay có nhiều phát đồ điều trị dự phòng lao cho người nhiễm lao để giảm nguy cơ nhiễm lao chuyển sang bệnh lao. Tiêm phòng BCG hiện nay đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, tiêm phòng BCG chỉ dự phòng ở những thể lao nặng cho trẻ em đến 16 tuổi. Đối với gia đình và người bệnh cần phải tuân thủ các hướng dẫn các phát đồ điều trị của thầy thuốc: tránh ngạt nhỗ bừa bãi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người thân, khi nói chuyện, hắt- hơi. Thường xuyên phơi nắng quần, áo, chăn, màn,… Và cuối cùng khi người bệnh có những triệu chứng ho, khạt đờm kéo dài, đau tức ngực cần phải đến cơ sỡ y tế để được khám, phát hiện và điều trị sớm để giảm nguồn lây cho người thân, cho cộng đồng, giảm các chứng nguy hiểm do Lao.”

       Thời gian tới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, khám phát hiện, phấn đấu hướng tới mục tiêu hằng năm phát hiện dưới 110 bệnh/10000 dân mắc Lao tiềm ẩn, từ đó, góp phần chung tay cùng với cả nước tiến tới đẩy lùi bệnh Lao vào năm 2030./.

Thùy An - Viết Thạnh

Theo một nghiên cứu so sánh về kết quả mang thai tại một bệnh viện ở London, tỷ lệ thai chết lưu đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.
Asma Khalil, MD, và cộng sự Đại học St George's London và các đồng tác giả đã báo cáo trong JAMA rằng sự gia tăng số thai chết lưu có thể là do các tác động gián tiếp như miễn cưỡng nhập viện khi cần thiết (ví dụ như cử động của thai nhi bị giảm), sợ nhiễm trùng hoặc không muốn thêm gánh nặng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia" .
Để đánh giá thêm những thay đổi được báo cáo về tỷ lệ thai chết lưu và sinh non trong đại dịch, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu một nghiên cứu hồi cứu về kết quả mang thai tại Bệnh viện Đại học St George ở London. Họ so sánh hai giai đoạn: từ ngày 1 tháng 10 năm 2019 đến ngày 31 tháng 1 năm 2020 là giai đoạn trước COVID-19 và từ ngày 1 tháng 2 năm 2020 đến ngày 14 tháng 6 năm 2020 là thời kỳ đại dịch. Tuổi trung bình của bà mẹ khi sinh cả hai thời kỳ là 33 tuổi. Thời kỳ trước đại dịch có 1.681 ca sinh và thời kỳ đại dịch có 1.718 ca sinh.
Mặc dù có ít phụ nữ sinh con so và ít phụ nữ bị tăng huyết áp hơn trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ thai chết lưu trong thời kỳ này vẫn cao hơn đáng kể (n= 16 [9/1.000 ca sinh]) so với thời kỳ trước đại dịch (n= 4 [ 2/1.000 ca sinh]) (chênh lệch, 7/1.000 ca sinh; khoảng tin cậy 95%, 1,83-12,0; P = 0,01). Tỷ lệ đại dịch vẫn cao hơn khi loại trừ những trường hợp chấm dứt thai kỳ muộn do bất thường của thai nhi (chênh lệch 6/1.000 ca sinh; KTC 95% 1,54-10,1; P = 0,01).
Không ai trong số những phụ nữ mang thai chết lưu có các triệu chứng COVID-19, và không có trường hợp nào trong số các lần khám thai cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng. Không có sự khác biệt đáng kể giữa hai thời kỳ liên quan đến sinh trước 37 tuần, sinh sau 34 tuần, nhập viện sơ sinh hoặc sinh mổ .
Shannon Clark, MD , thuộc Chi nhánh Y tế Đại học Texas ở Galveston cho biết: “Điều rất quan trọng là đại dịch đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ mang thai, ngay cả khi họ không bị nhiễm COVID-19” .
Bà lưu ý một số cân nhắc liên quan đến COVID có thể góp phần vào sự gia tăng này: sự miễn cưỡng của cả những bệnh nhân có nguy cơ thấp và nguy cơ cao vào bệnh viện trong thời kỳ đại dịch, cùng với những thay đổi tập trung vào an toàn được thực hiện trong các dịch vụ và chăm sóc trước sinh, bao gồm giảm số lần siêu âm và khám sàng lọc.
"Kiểm tra huyết áp của bệnh nhân, kiểm tra sự thay đổi cân nặng của họ, kiểm tra xem em bé đang phát triển như thế nào", cô nói. "Tất cả đều là những thứ đơn giản không thể thực hiện được bằng khám bệnh từ xa."
"Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những tác động tiềm ẩn của việc nhiễm COVID trong thai kỳ," cô ấy nói thêm, "nhưng điều quan trọng là phải nghĩ về những gì có thể xảy ra với những người không mắc bệnh này và được coi là có nguy cơ thấp."
Các tác giả đã lưu ý những hạn chế của nghiên cứu, bao gồm việc nó được hồi cứu, phân tích trong một khung thời gian ngắn và tập trung vào một trung tâm y tế duy nhất. Nó cũng không ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra thai chết lưu, cũng như không so sánh chính xác khoảng thời gian, mặc dù họ đã nói thêm rằng "không theo mùa đối với thai chết lưu ở Anh."

Bs Kiều Trinh

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, ngày 19/02/2021 vừa qua, đơn vị này đã ghi nhận 03 trường hợp ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: mệt, khó thở, ngứa toàn thân, nặng mi mắt, buồn nôn, nôn mửa do ăn Khoai Tây dây leo, loại khoai này đã được xác định là dương tính với chất Dioscorine - là chất độc thần kinh nhóm Alkaloid!

 “Khoai Tây dây leo” hay còn gọi là “Khoai Tây không khí” hoặc “Khoai Năm rừng” là một thành viên của gia đình khoai mỡ có nguồn gốc ở Châu Á và Châu Phi cận sa mạc Sahara. Giống khoai này giống như một loài khoai dại. Nhìn bề ngoài, chúng có hình dáng khá giống với khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy lớp vỏ bên ngoài của giống khoai này khá cứng, có thể lột ra được, sau đó đến lớp da có màu xanh và gọt lớp màu xanh đó thì có thể sử dụng được. Ở Việt Nam, giống khoai này xuất hiện nhiều nhánh ở bìa rừng các vùng đất bazan. Để nhận biết loại khoai này rất dễ, với lớp vỏ bên ngoài củ khoai có thể bóc ra. và bên trong lớp vỏ xanh có nhớt. Khoai tây dây leo có củ to đến 2kg, 3kg thậm chí 4kg. Khoai tây dây leo có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, chúng thường xuyên xuất hiện ở đất rừng, là giống cây thân leo cao và tán cây nhanh chóng trưởng thành. Một cây cho rất nhiều củ, chúng có thể phát triển nhanh chóng. Các cây mới có thể nảy mầm từ những củ rất nhỏ hay thậm chí là những củ đặt sát mặt đất. Khoai tây dây leo hiếm khi ra hoa, các củ mọc dọc theo thân leo và thường ra quả vào mùa thu và mùa đông. Loại khoai tây này có thể phát triển rất nhanh chóng, khoảng trên 20cm mỗi ngày. Mỗi cây có thể leo chiều dài tối đa tới 30 mét.

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị Y tế địa phương tăng cường các biện pháp để phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra./.

Đinh Văn Thái 

Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn

Đam mê, nhiệt huyết, đồng cảm, luôn trách nhiệm và hết lòng với nghề,… đó là những cảm xúc, chia sẻ đầy xúc động từ các đồng nghiệp cũ tại khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khi nói đến cựu bác sỹ Nguyễn Thị Kiều Trinh - người đã gắn bó với chuyên ngành Sản phụ khoa hơn 30 năm,... Và cho đến khi về hưu, chị vẫn không ngừng cống hiến và "truyền lửa” nghề cho những thế hệ sau này.

Mo U xo tu cung nang 4800g

Bs. Nguyễn Thị Kiều Trinh cùng ekip thực hiện một trường hợp mổ cấp cứu lấy thai. Ảnh: A.M

Những năm tháng khó quên…

Tốt nghiệp năm 1988, đến tháng 1/1989, bác sỹ Kiều Trinh bắt đầu nhận nhiệm vụ tại khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, có không ít lần bác sĩ Kiều Trinh cùng đồng nghiệp đã cứu sống thành công nhiều trường hợp thai phụ, sản phụ vượt qua cơn nguy kịch.

Khi nhắc đến những câu chuyện nghề, chị say sưa kể,…   đó là một buổi tối, lúc chị đang dùng bữa cơm cùng gia đình thì nhận cuộc gọi từ cơ quan, một thai phụ nhau bong non, thai chết, mạch không, huyết áp không, được chuyển từ một bệnh viện tuyến huyện. Bs Kiều Trinh tâm sự: “Không chần chừ, khoát vội chiếc áo, tôi chạy lên khoa, sản phụ được chỉ định đưa ngay lên bàn mổ cấp cứu để bảo tồn tử cung, thắt động mạch tử cung 2 bên, bệnh nhân mất máu nhiều nên vừa mổ, vừa truyền máu để chống thiếu máu và tăng yếu tố cầm máu. Bệnh nhân được cứu sống, cả ekip mổ chúng tôi nhìn nhau mừng rỡ. Gia đình bệnh nhân bày tỏ lòng biết ơn chúng tôi, lúc đó tôi thấy mình đã làm được những điều ý nghĩa, xứng đáng với nghề mình đã chọn.”

“Cách đây hơn nửa năm, khi hay tin có trường hợp sản phụ P.T.L. (36 tuổi, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)  mang thai lần hai, 39 tuần, có vết mổ cũ vào viện với tình trạng mệt mỏi, da xanh tái, nhịp tim 200 lần/phút, huyết áp tụt còn 70/40 mmHg, được chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất. Ngay lập tức, chúng tôi chuyển bệnh nhân đến phòng mổ để gây mê, sốc điện, phối hợp mổ lấy thai cấp. Khi đó, chúng tôi chỉ biết rằng sẽ cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân, và điều kỳ diệu đã xảy ra, cả hai mẹ và con điều thoát khỏi "lưỡi hái tử thần" trong niềm vui khôn tả của các y bác sĩ và gia đình,…". Bs Trinh chia sẻ thêm.

Niềm vui của người thầy thuốc là vậy, cứu sống được bệnh nhân chính là động lực để họ có niềm tin vững chải với nghề. Ông bà ta thường ví rằng “cửa sinh là cửa tử”, chỉ có khi được chứng kiến, được nếm trải mới biết được những nỗi khổ, vất vả của người phụ nữ. Hiểu và thấu cảm được những khó khăn của người phụ nữ khi “vượt cạn”, nữ bác sỹ Kiều Trinh đã quyết tâm theo nghề này, để được cùng họ vượt qua những đau đớn, nguy hiểm và cùng họ chào đón những đứa con khỏe mạnh, “mẹ tròn con vuông”. Đáng nhớ nhất là hình ảnh một sinh linh nhỏ bé vừa mới ra đời đã bị cắt cụt cả chân và bộ phận sinh dục, nhưng như có một sức mạnh vô hình tiếp sức cho đứa trẻ vượt qua được nỗi đau thể xác, vết thương không bị nhiễm trùng nặng nề như tiên lượng. Và đúng vào ngày đầy tháng, cái tên chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân đã được các bác sĩ Khoa Phụ Sản đặt cho cậu bé với mong muốn con lớn lên sống đúng nghĩa của một con người tâm thiện.

Chúng tôi may mắn được tìm gặp lại người trong cuộc, đó là một trong những thai phụ xuất hiện trong những câu chuyện mà bác sỹ Trinh kể lại, thai phụ P.T.L đã được bác sỹ Trinh và ekip mổ cứu sống trong dịp tết Nguyên Đán năm 2020. Thai phụ P.T.L tâm sự: “Các bác sĩ ở đây đã cứu sống mẹ con tôi, không có họ thì tôi và con đã không còn nữa. Không biết dùng từ nào để diễn tả hết những cảm xúc khi vượt qua cửa tử. Các bác sỹ đã động viên và cùng tôi vượt qua cơn nguy kịch. Tôi mang ơn họ nhiều lắm”

Khi kể về những đồng nghiệp của mình, chị Kiều Trinh chia sẻ: “Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đầy cảm xúc khi các đồng nghiệp của tôi đã giành chiến thắng tử thần để giành lại tấm vé hồi sinh cho một sản phụ mổ nhau tiền đạo ngưng tim trên bàn mổ. Người cho máu, kẻ xoa bóp tim ngoài lồng ngực và sau khi tiêm hơn 150 ống Adrenalin, nhịp tim sản phụ đã trở lại. Chúng tôi lo lắng từng giờ, từng phút trong khoảng 30 tiếng đồng hồ để chờ đợi sự trở lại các dấu hiệu sinh tồn và chức năng sống của sản phụ. Ba ngày sau, sản phụ được cai máy thở, đứa trẻ được nhận những giọt sữa đầu tiên từ bầu sữa mẹ. Những giọt nước mắt sung sướng xen lẫn nụ cười mãn nguyện của người thân sản phụ đã làm cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc trào dâng”.

Có tận mắt chứng kiến mới thấy được hết những nỗi vất vả của các bác sỹ sản phụ khoa trải qua. Họ làm việc không kể ngày đêm, có những lúc, ổ bánh mì mang theo từ sáng cho đến trưa, rồi những bữa cơm trưa kéo dài qua tận 1,2 giờ chiều, miếng cơm cũng vội vã kèm những tiếng thở dài, thở dốc vì bệnh đông hay bệnh khó. Nhưng, bác sỹ Kiều Trinh cùng những đồng nghiệp của mình vẫn luôn cố gắng hết sức và mong muốn mang lại cho bệnh nhân, những điều tốt đẹp nhất cho bệnh nhân.

Tháng 01/2021 vừa qua, chị nhận được quyết định nghỉ theo chế độ, nhưng vì khoa thiếu người, thế hệ kế cận còn quá trẻ, chị được bệnh viện mong muốn ở lại hỗ trợ công tác chuyên môn. Mặc dù bao nhiêu dự định đang chờ chị, nhưng chị không nỡ lòng từ chối, vì hơn ai hết, chị hiểu ngành Phụ Sản là một chuyên ngành nhạy cảm bởi các tai biến sản khoa luôn rình rập, và điều quan trọng nhất là “ngọn lửa” nghề trong chị vẫn cháy mãi trong chị. Bác sỹ Trinh cho hay: "Vì lo với nỗi lo của sản phụ và người nhà trong hành trình vượt cạn nên tôi ở lại hỗ trợ đội ngũ bác sĩ trẻ trong công tác chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng mình đã gặp để giúp họ tự tin hơn trong xử trí cấp cứu sản khoa".

            Nói về người lãnh đạo vừa là đồng nghiệp của mình, bác sĩ Nguyễn Thế Tuấn - Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết: “Bác sĩ Trinh là người đầu tàu tâm huyết với nghề, vững vàng trong chuyên môn, giàu y đức. Người luôn truyền lửa, dìu dắt chúng tôi về chuyên môn trong điều trị nội khoa lẫn phẫu thuật, tạo được niềm tin của người bệnh và sự tin yêu của đồng nghiệp”.

            Vững chuyên môn, giàu y đức

          Khi còn đương nhiệm vai trò lãnh đạo khoa, chị thường xuyên cập nhật kiến thức và thực hành trong chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh như chăm sóc sơ sinh thiết yếu bằng phương pháp da kề da, triển khai thành công mô hình phòng sinh thân thiện, giảm tỷ lệ mổ lấy thai so với các bệnh viện cùng tuyến trong cả nước, từng bước đưa Bệnh viện Đa khoa tỉnh trở thành 1 trong 5 bệnh viện đầu tiên trong cả nước năm 2019 đạt danh hiệu BV tỉnh nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. Đặc biệt, việc thành lập Ngân hàng sữa mẹ vệ tinh Quảng Nam bảo đảm 100% trẻ sinh ra đủ tháng hay non tháng đều được hưởng nguồn dinh dưỡng quý giá của sữa mẹ. Chị là người đặt nền móng, xây dựng khoa Phụ sản thành khoa phòng "lấy người bệnh làm trung tâm", thay đổi tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh, là khoa phòng cam kết thực hiện tốt y đức, "nói không với phong bì", tạo niềm tin và đem lại uy tín cho bệnh viện.

            Những năm qua, chị là thành viên trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở của bệnh viện và Ban chấp hành công đoàn ngành y tế. Chị luôn thay đổi sáng tạo trong các hoạt động như tổ chức các hội thi tiểu phẩm về quy tắc ứng xử, phong trào tái chế rác thải nhựa, phong trào nữ công gia chánh. Tận dụng nguồn kinh phí thu được từ tổ chức bán đấu giá gây Quỹ từ thiện tại bệnh viện, chị vận động đoàn viên công đoàn tổ chức phát cháo tình thương cho bệnh nhân. Là thành viên trong Ngân hàng máu sống của bệnh viện, chị sẵn sàng hiến máu để cứu sống bệnh nhân, bởi chị luôn nhắn nhủ đồng nghiệp của mình “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Chị là người tiên phong, đi đầu trong các hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng như khám sức khỏe miễn phí và tặng quà cho đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa,… Với trái tim nhân hậu và tình yêu thương con trẻ, hằng tháng, chị ghé thăm Làng Hòa Bình và trại trẻ mồ côi xã Tam Đàn để động viên, chia sẻ những mảnh đời bất hạnh, trận quý chị, trẻ em từ cơ nhỡ đến khuyết tật ở đây đều gọi chị là “mẹ Trinh” đầy yêu thương. Chị tự nguyện trích một khoản tiền tiết kiệm hàng tháng để thăm nuôi một cụ già ở xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình.

32 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều áp lực, vất vả của nghề Y nhưng bác sỹ Kiều Trinh luôn giữ được sự nhiệt huyết, tận tâm, yêu nghề. Những cống hiến của bác sỹ Trinh thật đáng trân trọng, không chỉ là một bác sĩ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, giàu về y đức mà còn là một tấm gương sáng cho những lớp trẻ tiếp bước, noi gương.

Ánh Minh

Hiến máu nhân đạo là nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”. Trong những năm vừa qua, hiến máu nhân đạo ngày càng phát triển mạnh, lan rộng trong toàn bộ cộng đồng, được xã hội ủng hộ, tôn vinh, và đã thu được nhiều thành tựu đáng kể cũng như cứu sống được rất nhiều bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo.

hinh ánh nhan vien bv tham gia hien mau

Nhân viên  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam tham gia hiến máu tại Lễ hội Xuân Hồng. Ảnh: T.T

Máu và chế phẩm máu rất cần thiết để duy trì hoạt động sống bình thường của con người. Với sự tiến bộ vượt bậc của nền y học thế giới cũng như nước nhà, rất nhiều phương tiện chẩn đoán hiện đại và phương pháp điều trị tiến bộ đã được phát minh và ứng dụng thành công trong thực hành khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa có dược phẩm nào thay thế máu được. Nguồn máu dành cho cấp cứu và điều trị vẫn là nguồn máu từ các tình nguyện viên.

Đại dịch Covid-19 do tác nhân là virus SARS-COV-2 khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc đã ảnh hưởng đến mọi mặt của các quốc gia trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Lĩnh vực y tế cũng không nằm ngoài cục diện trên. Đại dịch này đã làm cho lượng máu hiến từ các tình nguyện viên giảm đáng kể, gây khó khăn trong công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân. Trước tình hình đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ tình nguyện tham gia hiến máu vào tháng 4 năm 2020. Đồng thời, rất nhiều lãnh đạo các cấp cũng đi đầu tham gia hiến máu. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cũng vận động toàn bộ nhân viên tham gia hiến máu qua các đợt Lễ hội Xuân Hồng, “Giọt máu nghĩa tình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam”, và cũng thu được số lượng lớn máu và chế phẩm máu phục vụ cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân.

Đại dịch Covid–19 làm cho nhiều người ngại đến Bệnh viện hoặc các địa điểm khác để hiến máu do họ lo sợ nguy cơ lây nhiễm bệnh hoặc muốn đảm bảo sức khỏe tốt nhất để chiến đấu với dịch. Nhưng rất nhiều anh chị em tình nguyện viên khác đã không ngần ngại các lo sợ trên mà đến cứu giúp những bệnh nhân đang cần sự san sẻ. Đối với những bệnh nhân này, những giọt máu nghĩa tình ấy giống như những sức mạnh to lớn giúp họ giành lại sự sống từ tay tử thần, cũng giống như hạn hán lâu ngày gặp mưa rào.

Hiện nay các Bệnh viện đã tổ chức các địa điểm hiến máu với phương châm: “Hiến máu an toàn – Đừng ngại Covid”, đồng thời đảm bảo an toàn cho người hiến máu, an toàn cho nhân viên y tế và an toàn cho người bệnh nhận máu. Đó là sự thành công rất lớn để tăng thêm tự tin và số lượng người hiến máu.

Hi vọng những tấm gương cao đẹp đó sẽ được nhân rộng nhiều hơn nữa để cứu giúp được nhiều hơn những bệnh nhân đang chờ những giọt máu quý giá, để tiếp cho họ sức mạnh chiến đấu trên bờ tử sinh, và cho họ cảm nhận được hơi ấm của cuộc sống tươi đẹp đầy tình thương này. Lời cuối cùng, chúng ta hãy “Hiến máu cứu người – Xin đừng ngại covid!”.

Bs Trần Thị Thảo

Bệnh viện đa khoa Quảng Nam

Ngày thế giới phòng chống Lao hay còn gọi là ngày Lao thế giới là ngày 24/3 hằng năm, nhằm nhắc nhở cộng đồng về mối nguy hại của bệnh Lao. Trên thế giới, bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ hai. Tại Việt Nam, bệnh Lao là một bệnh thường gặp nhất.

Bệnh Lao do một loại vi khuẩn gây ra có tên khoa học là Mycobacterium Tuberculosis, là một vi khuẩn rất nhỏ không thể nhìn bằng mắt thường, nó tấn công vào cơ thể ở nhiều bộ phận khác nhau như (lao xương, lao hạch, hoặc lao ở não), nhưng thông thường nhất vẫn là phổi, cơ quan hô hấp. Vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra, lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này sang người kia do tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tiếp xúc với chất thải có chất chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho hắt hơi hoặc do thường xuyên hoạt động ở những nơi bị ô nhiễm, nhiều khi uế, nơi ẩm ướt tối tăm, bụi bẩn tạo điều kiện để vi khuẩn lao phát triển gây bệnh. Ngoài ra có thể do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc chúng bị cào xước,.. thì cũng dễ mắc lao da, lao ống tiêu hóa, lao dạ dày,...

Bệnh lao hoàn toàn điều trị được nếu tuân thủ phác đồ điều trị bệnh do Bộ Y Tế đưa ra. Do điều trị phác đồ trong thời gian dài 6- 8 tháng, bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ, tránh trường hợp bỏ trị sẽ dẫn đến tình trạng bệnh lao kháng thuốc.

tiem phong BCG cho tre em

Tiêm phòng BCG cho trẻ em. Ảnh: T.S

Các dấu hiệu cần chú ý để phòng chống bệnh lao hiệu quả

Người mắc bệnh lao ban đầu thường có các triệu chứng như ho khạc kéo dài trên 2 tuần uống thuốc vẫn không khỏi bệnh, chán ăn, mệt mỏi, da xanh, thiếu máu. Nếu bệnh tiến triển nặng  người bệnh thường xuyên bị đau ngực và khó thở, sốt cao trong 2 tuần liền, về buổi chiều thường hay sốt nhẹ, gầy yếu sút cân 1 cách nhanh chóng, ra mồ hôi về đêm,...

Người bệnh lao nên làm gì?

Khi phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ về bệnh lao nên đi khám bác sỹ ngay để có biện pháp phù hợp; tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc; không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói; người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu; người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn; điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.

Cách phòng và chữa bệnh lao tại cộng đồng

Điều trị bệnh lao đúng cách, sẽ giảm lây một cách nhanh chóng, thường chỉ 2 tuần lễ. Biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất là điều trị khỏi cho những bệnh nhân lao phổi. Tiệt trùng chăn, màng, ra, gối, chiếu,.. bằng cách nhúng trong nước sôi, phơi dưới ánh nắng mặt trời để tiêu diệt vi khuẩn lao. Vệ sinh môi trường: nhà cửa thông thoáng, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn giấy gom đờm đốt đi.

Tiêm phòng vắc xin BCG nhằm giúp cho cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao. Để vắc xin phát huy được tác dụng cần lưu ý: tiêm đúng kỹ thuật, đúng liều lượng; vắc xin phải được bảo quản đúng, đảm bảo chất lượng trong toàn bộ dây truyền đến từng liều sử dụng cho trẻ. Tiêm hiệu quả là khoảng 3 đến 4 tuần sau tiêm, tại chỗ tiêm sẽ có một nốt sưng nhỏ. Vết sưng hóa mủ và rò dịch trong vài tuần rồi kín miệng đóng vảy. Khi lớp vảy bong ra sẽ để lại một sẹo nhỏ, màu trắng, có thể hơi lõm. Đó là dấu hiệu nhận biết một người đã được tiêm phòng lao. 

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi hoặc trẻ từ 0-14 tuổi mà sống cùng nhà với người bệnh lao phổi. Hoặc với người lớn nhiễm HIV hiện không mắc lao cần được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc isoniazid. Thời gian uống đối với người lớn là 9 tháng, trẻ em là 6 tháng.

Hiện nay, bệnh lao vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Do tỷ lệ lưu hành cao cũng như khả năng kháng thuốc của vi khuẩn lao. Vì thế mỗi người dân cần có kiến thức để bảo vệ mình và người thân để phòng chống lây nhiễm bệnh lao phổi ra cộng đồng xung quanh. Năm 2021 là năm then chốt trong cuộc chiến chấm dứt bệnh Lao. Hàng triệu mạng sống phụ thuộc vào sự thành công của những nỗ lực tập thể nhằm tăng cường công tác phòng chống Lao hướng tới đạt được mục tiêu toàn cầu năm 2022 như cam kết của các nguyên thủ quốc gia trong Tuyên bố chính trị tại Hội nghị cấp cao của Liên Hợp Quốc về bệnh Lao năm 2018. Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay là – “Đã đến lúc”, nhấn mạnh  toàn bộ các cấp, các ban ngành của chính phủ, các đối tác, xã hội dân sự, cộng đồng và các cá nhân, gia đình bị ảnh hưởng bởi bệnh Lao cần cấp bách thực hiện những hành động nhằm chấm dứt sự chịu đựng nỗi đau bệnh tật không đáng cóvà các ca tử vong do bệnh Lao gây ra.

Ở cấp độ quốc gia, chúng ta cần làm gì trong năm 2021 để thay đổi tình hình?

Thứ nhất, cần phải thấy rằng nếu chỉ có ngành y tế tham gia, chúng ta không thể chiến thắng bệnh Lao. Chấm dứt bệnh Lao đòi hỏi toàn bộ các ban ngành và toàn thể xã hội cùng phối hợp hành động để có thể cung cấp dịch vụ phù hợp, hỗ trợ và tạo ra một môi trường an toàn ở đúng nơi và đúng thời điểm. Mỗi cá nhân, cộng đồng,  doanh nghiệp,  chính phủ và cả xã hội đều có vai trò của mình trong cuộc chiến này..  

Thứ hai, tất cả bệnh nhân Lao cần được tiếp cận xét nghiệm chẩn đoán nhanh bệnh Lao bằng kỹ thuật sinh học phân tử và điều trị - bao gồm liệu trình điều trị hoàn toàn bằng thuốc uống cho bệnh nhân Lao kháng thuốc và các chăm sóc cần thiết. Đây là vấn đề về công bằng xã hội, là nền tảng của mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO. Nhằm nhanh chóng cải thiện việc tiếp cận với dịch vụ y tế và san bằng khoảng cách trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Tổng Giám đốc WHO, Ts Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra sáng kiến - tầm soát. Điều trị tất cả bệnh nhân để Chấm dứt bệnh Lao - hiện đang được phối hợp thực hiện cùng với Liên minh phòng chống Lao toàn cầu  và Quỹ Toàn cầu. Cùng đóng góp chung vào nỗ lực này còn có những sáng kiến khác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Sáng kiến Chiến lược của Quỹ Toàn Cầu.

Thứ ba, chúng ta cần khẩn cấp ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế công cộng về bệnh Lao đa kháng thuốc (MDR-TB). Hiện nay chỉ 1 trong 3 người cần điều trị Lao đa kháng thuốc có thể tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế này. Việc này ảnh hưởng vô cùng lớn đến bệnh nhân Lao đa kháng thuốc và gia đình của họ cũng như cộng đồng. Để giải quyết vấn đề này, WHO đã ban hành hướng dẫn điều trị Lao đa kháng thuốc và các khuyến nghị kịp thời nhằm hỗ trợ điều trị tốt hơn cho bệnh nhân Lao đa kháng thuốc và cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. WHO đang cùng phối hợp với Chương trình phòng chống Lao quốc gia để áp dụng các hướng dẫn này tại Việt Nam.

Thứ tư, chúng ta cần cải thiện tiếp cận điều trị dự phòng nhằm ngăn chặn chuyển từ Lao tiềm ẩn sang mắc bệnh Lao. Ước tính khoảng một phần tư dân số thế giới bị nhiễm Lao tiềm ẩn. Mặc dù số người tiếp cận với điều trị dự phòng Lao đã gia tăng trong những năm gần đây nhưng độ bao phủ còn thấp. WHO đã đặc biệt khuyến nghị  điều trị Lao tiềm ẩn trong hai nhóm ưu tiên: những người sống cùng nhà hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân Lao bao gồm cả trẻ em dưới 5 tuổi, và người sống chung với HIV. Hiện tại đã có nhiều lựa chọn điều trị dự phòng an toàn trong  thời gian ngắn hơn với chi phí thấp phải chăng. Chúng ta cần tận dụng những cơ hội này để bảo vệ người dân khỏi bệnh Lao.

Thứ năm, chúng ta cần thực hiện các chính sách riêng cho người nghèo nhằm giảm phân biệt đối xử. Việc này sẽ giúp đảm bảo người dân cảm thấy thoải mái và thuận tiện  khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe một cách kịp thời.

Thứ sáu, cần thúc đẩy hơn nữa các nghiên cứu chuyên sâu về Lao. Chúng ta cần thêm nhiều phương pháp chẩn đoán mới, thuốc điều trị và vắc xin mới từ công tác nghiên cứu nếu muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030. Vai trò của các nghiên cứu về bệnh Lao rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh Lao. Xin hoan nghênh Việt Nam đã thành lập trung tâm nghiên cứu bệnh Lao.

Thông điệp gửi tới mọi người:

Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Chữa khỏi bệnh lao là cách phòng bệnh tốt nhất!”

Những điều nên và không nên làm đối với thầy thuốc:

Không nên: không bao giờ chữa người nghi lao mà không xét nghiệm đàm; không bao giờ kê đơn dùng một loại thuốc đơn độc; không bao giờ bổ sung thêm chỉ một loại thuốc vào một phác đồ đã tỏ ra không kết quả; không bao giờ bỏ theo dõi bệnh nhân, cần đảm bảo bệnh nhân đã điều trị đủ thời gian quy định; không bao giờ phối hợp Streptomycin và Penicilline trong trường hợp chưa rõ mắc Lao; không bao giờ chữa bệnh mà chỉ dựa vào lời quảng cáo của Công ty dược phẩm.

Nên: làm xét nghiệm đàm; chỉ điều trị bằng các phác đồ đã được quy định; phải thiết phục bệnh nhân và gia đình điều trị cho đủ thời gian; cần có thái độ gần gũi, chân tình với bệnh nhân; người dân cần chủ động tiếp cận các dịch vụ y tế để được khám, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao.

Nguyễn Thị Sương

Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam

  Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh xây dựng “Bệnh viện an toàn”, qua đó hạn chế, sàng lọc tối đa nguồn bệnh COVID-19 có thể phát tán trong bệnh viện và thiết lập Bệnh viện an toàn cho bệnh nhân khi đi khám chữa bệnh.

  Những ngày này, ngay khi vừa vào cổng Bệnh viện đa khoa tỉnh, tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều được đo thân nhiệt và được chỉ dẫn phân luồng. Người có biểu hiện ho, sốt, khó thở và nghi ngờ nhiễm virus đường hô hấp sẽ được đưa đến bàn sàng lọc ngay ở khu sảnh cấp cứu của bệnh viện để khai báo y tế, đăng kí khám bệnh, nhận tài liệu truyền thông về dịch bệnh. Những người không có biểu hiện nghi ngờ sẽ di chuyển từ cổng số 3 vào khu khám bệnh và cung cấp thông tin trong phiếu khai dịch tễ.

nek

Hướng dẫn thực hành rửa tay, mang khẩu trang, che miệng cho các NVYT, nhân viên vệ sinh, vệ sĩ. Ảnh: K.P

  Tại đây, tiếp tục sàng lọc một lần nữa, những trường hợp nghi ngờ sẽ được chuyển xuống khu khám sàng lọc và cách ly. Trong khuôn viên bệnh viện, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều phải đeo khẩu trang, giãn cách theo quy định, có lực lượng bảo vệ và cán bộ y, bác sĩ điều dưỡng thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân thực hiện quy định này. Bên cạnh đó, bệnh viện còn yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất người nhà vào trong bệnh viện, khuyến cáo một bệnh nhân chỉ có một người nhà đi cùng và phải có vòng tay ra vào để kiểm soát, hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

  Bên cạnh việc chủ động kiểm soát để hạn chế và sàng lọc tối đa nguồn bệnh. Bệnh viện đã xây dựng các phương án phân công đội ngũ y, bác sĩ cụ thể cho từng tình huống dịch bệnh, thiết lập khu cách ly độc lập với đầy đủ các buồng thủ thuật, buồng khám, buồng cách ly, dự trù đầy đủ các loại thuốc, vật tư y tế và hàng trăm bộ đồ bảo hộ, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm SARS-CoV2. Với sự bố trí khoa học, chặt chẽ và chủ động, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam là một trong những bệnh viện trong được Sở Y tế đánh giá đạt các tiêu chí bệnh viện an toàn theo quy định của Bộ Y tế.

  Thực hiện Quyết định số 1125/QĐ-BYT ngày 08/02/2021 của Bộ Y tế Ban hành Hướng dẫn chăm sóc người bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bệnh viện triển khai tập huấn lại cho toàn thể nhân viên bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý cũng như nhân viên vệ sinh và vệ sĩ công tác tại Bệnh viện về các nội dung liên quan đến tình hình dịch bệnh, phương thức lây truyền, các biện pháp phòng tránh.

  Nội dung tập huấn đã được cụ thể hóa bằng hình ảnh thực hành thế nào là rửa tay đúng cách, mang khẩu trang đúng cách, khi nào thì cần mang khẩu trang y tế, khi nào thì chỉ cần mang khẩu trang thông thường (khẩu trang vải), che miệng đúng cách khi ho/hắt hơi… để các nhân viên y tế đặc biệt hộ lý, nhân viên vệ sinh, vệ sĩ biết rõ hơn về các kiến thức này nhằm mục đích trang bị kiến thức phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, giúp mỗi cán bộ yên tâm và chủ động biết cách phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời buổi tập huấn cũng chi tiết hóa những công việc cần làm cho mỗi nhân viên để từ đó tất cả các thành viên đều có thể thực hiện tốt hơn, cùng chung tay trong chiến dịch phòng và kiểm soát dịch bệnh tại Bệnh viện nói riêng và cộng đồng nói chung.

  Các điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý, nhân viên vệ sinh và vệ sĩ tham gia tập huấn đã tham gia hỏi đáp về các chủ đề tập huấn, thể hiện tinh thần ham học hỏi, tiếp thu hiệu quả các kiến thức, sẵn sàng tham gia nhiệm vụ chủ động phòng dịch, tư vấn, hướng dẫn, truyền thông cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.

CN Ngô Thị Kim Phượng

   Theo một nghiên cứu so sánh về kết quả mang thai tại một bệnh viện ở London, tỷ lệ thai chết lưu đã tăng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

   Asma Khalil, MD, và cộng sự Đại học St George's London và các đồng tác giả đã báo cáo trong JAMA  rằng sự gia tăng số thai chết lưu có thể là do các tác động gián tiếp như miễn cưỡng nhập viện khi cần thiết (ví  dụ như cử động của thai nhi bị giảm), sợ nhiễm trùng hoặc không muốn thêm gánh nặng cho Dịch vụ Y tế Quốc gia" .

   Để đánh giá thêm những thay đổi được báo cáo về tỷ lệ thai chết lưu và sinh non trong đại dịch, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu một nghiên cứu hồi cứu về kết quả mang thai tại Bệnh viện Đại học St George ở London. Họ so sánh hai giai đoạn: từ ngày 1 tháng 10 năm 2019 đến ngày 31 tháng 1 năm 2020 là giai đoạn trước COVID-19 và từ ngày 1 tháng 2 năm 2020 đến ngày 14 tháng 6 năm 2020 là thời kỳ đại dịch. Tuổi trung bình của bà mẹ khi sinh cả hai thời kỳ là 33 tuổi. Thời kỳ trước đại dịch có 1.681 ca sinh và thời kỳ đại dịch có 1.718 ca sinh.

   Mặc dù có ít phụ nữ sinh con so và ít phụ nữ bị tăng huyết áp hơn trong thời kỳ đại dịch, tỷ lệ thai chết lưu trong thời kỳ này vẫn cao hơn đáng kể (n= 16 [9/1.000 ca sinh]) so với thời kỳ trước đại dịch (n= 4 [ 2/1.000 ca sinh]) (chênh lệch, 7/1.000 ca sinh; khoảng tin cậy 95%, 1,83-12,0; P = 0,01). Tỷ lệ đại dịch vẫn cao hơn khi loại trừ những trường hợp chấm dứt thai kỳ muộn do bất thường của thai nhi (chênh lệch 6/1.000 ca sinh; KTC 95% 1,54-10,1; P = 0,01).

   Không ai trong số những phụ nữ man thai chết lưu có các triệu chứng COVID-19, và không có trường hợp nào trong số các lần khám thai cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng. Không có sự khác biệt đáng kể giữa hai thời kỳ liên quan đến sinh trước 37 tuần, sinh sau 34 tuần, nhập viện sơ sinh hoặc sinh mổ .

   Shannon Clark, MD , thuộc Chi nhánh Y tế Đại học Texas ở Galveston cho biết: “Điều rất quan trọng là đại dịch đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ mang thai, ngay cả khi họ không bị nhiễm COVID-19” .

   Bà lưu ý một số cân nhắc liên quan đến COVID có thể góp phần vào sự gia tăng này: sự miễn cưỡng của cả những bệnh nhân có nguy cơ thấp và nguy cơ cao vào bệnh viện trong thời kỳ đại dịch, cùng với những thay đổi tập trung vào an toàn được thực hiện trong các dịch vụ và chăm sóc trước sinh, bao gồm giảm số lần siêu âm và khám sàng lọc.

  "Kiểm tra huyết áp của bệnh nhân, kiểm tra sự thay đổi cân nặng của họ, kiểm tra xem em bé đang phát triển như thế nào", cô nói. "Tất cả đều là những thứ đơn giản không thể thực hiện được bằng khám bệnh từ xa."

   "Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những tác động tiềm ẩn của việc nhiễm COVID trong thai kỳ," cô ấy nói thêm, "nhưng điều quan trọng là phải nghĩ về những gì có thể xảy ra với những người không mắc bệnh này và được coi là có nguy cơ thấp."

    Các tác giả đã lưu ý những hạn chế của nghiên cứu, bao gồm việc nó được hồi cứu, phân tích trong một khung thời gian ngắn và tập trung vào một trung tâm y tế duy nhất. Nó cũng không ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra thai chết lưu, cũng như không so sánh chính xác khoảng thời gian, mặc dù họ đã nói thêm rằng "không theo mùa đối với thai chết lưu ở Anh."

Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có công tác khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Chất lượng KBCB tại các cơ sở y tế đồng nghĩa với chất lượng bệnh viện là vấn đề được cộng đồng xã hội hết sức quan tâm, bởi nó tác động trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Cùng với sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực y khoa; cuộc cách mạng 4.0, chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; yêu cầu chuyên môn kỹ thuật y tế ngày càng phải được chuẩn hóa theo các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của Quốc gia và hội nhập với Quốc tế; yêu cầu về môi trường an toàn sinh học... đòi hỏi hệ thống y tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phải hoàn thiện, đổi mới và phát triển là xu thế tất yếu.
Ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã và đang có nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng bệnh viện như: Tăng cường chuyển giao kỹ thuật trong các đề án giảm quá tải bệnh viện; cải tiến quy trình cung ứng dịch vụ KBCB, đổi mới thái độ và phong cách phục vụ của nhân viên y tế; nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm; quản lý chặt chẽ hoạt động hành nghề; thanh toán bảo hiểm y tế; khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập; phát triển y học chuyên sâu; ứng dụng công nghệ cao trong KBCB…. Việc cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân là yêu cầu cấp thiết của ngành y tế; mục đích cuối cùng của nâng cao chất lượng dịch vụ y tế là đảm bảo đáp ứng được các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ, đảm bảo người bệnh được an toàn và hài lòng, đồng thời thông qua đó cũng giúp đáp ứng nhu cầu của người cung cấp dịch vụ. Trước yêu cầu cấp thiết về nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, việc xây dựng chiến lược quản lý chất lượng để cải tiến chất lượng bệnh viện, an toàn người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, xác định các khoảng trống trong quản lý chất lượng bệnh viện và các ưu tiên trong xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm cải thiện chất lượng là mục tiêu hướng đến và là hoạt động hết sức thiết yếu của tất cả bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
1. Nhóm giải pháp về hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý chất lượng
Củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và mạng lưới quản lý chất lượng, đẩy mạnh công tác xây dựng, triển khai cải tiến chất lượng bệnh viện, xây dựng các kế hoạch, chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng bệnh viện tập trung vào các tiêu chí ở mức 1, mức 2; đo lường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm công tác quản lý, cải tiến chất lượng bệnh viện.
2. Nhóm giải pháp về ứng dụng chuẩn chất lượng
Tích cực triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo Thông tư số 19 và các văn bản liên quan của Bộ Y tế; rà soát 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện để nâng cao toàn diện các mặt hoạt động của từng bệnh viện, phấn đấu mỗi năm tăng 10% mức điểm, lưu ý cải tiến đồng bộ cả 05 phần, tập trung những phần còn ở mức điểm thấp
3. Nhóm giải pháp về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực
Đào tạo bổ sung hoàn thiện quản lý Nhà nước, quản lý bệnh viện, quản lý chất lượng bệnh viện; chuyên môn, ngoại ngữ; tin học để đảm bảo theo khung năng lực quy định. Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phát triển nguồn nhân lực hàng năm nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kỹ năng tay nghề cho đội ngũ cán bộ y để nâng cao chất lượng KBCB tại các đơn vị; xây dựng lộ trình đăng ký mã ngành đào tạo y khoa liên tục thuộc các lĩnh vực trong ngành y tế; Thực hiện công tác thu hút, tuyển dụng, đào tạo đội ngũ Bác sĩ đủ theo đề án việc làm, theo các tiêu chuẩn quy định.
4. Nhóm giải pháp về nâng cao chất lượng chuyên môn
Tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật triển khai phương pháp mới, kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu để nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng bệnh viện; Xây dựng Kho dữ liệu quy trình, phác đồ điều trị của ngành y tế, thường xuyên cập nhật bổ sung từ Bộ Y tế và các đơn vị tuyến trung ương, tuyến tỉnh; Thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo sai sót chuyên môn, sự cố y khoa và quy trình đánh giá sai sót chuyên môn, sự cố y khoa theo Thông tư 43/2018/TT-BYT
5. Nhóm giải pháp về đổi mới phong cách, nâng cao y đức và giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế
Tích cực triển khai Thông tư số 07/2014/TT-BYT Quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Đẩy mạnh các hoạt động “chăm sóc khách hàng” và “Tiếp sức người bệnh” nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, người thân trong quá trình thực hiện KBCB hoặc khách đến liên hệ công tác; Tổ chức việc đánh giá sự hài lòng của bệnh nhân, và nhân viên y tế ở tất cả các khâu, các đối tượng một cách thường xuyên hàng quý và khi cần, để có những điều chỉnh phù hợp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử…khen thưởng động viên kịp thời về tinh thần và vật chất cho cá nhân và tập thể tiêu biểu, điển hình.
6. Nhóm giải pháp về đầu tư trang thiết bị và dược
Để nâng cao chất lượng KBCB, triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu cần đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị y tế có chất lượng, hiện đại để phục vụ công tác chuyên môn; Tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án tài trợ phi chính phủ, các công ty cung ứng trang thiết bị, thuốc và vật tư tiêu hao để triển khai các hình thức hỗ trợ đặt máy móc thiết bị khi sử dụng sản phẩm; Tổ chức tốt hoạt động dược của bệnh viện theo quy chế, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho hoạt động chuyên môn thông qua việc đấu thầu mua sắm theo quy định, tích cực thực hiện công tác theo dõi, báo cáo tác dụng có hại của thuốc, công tác dược lâm sàng.
7. Nhóm giải pháp về cải tạo cơ sở vật chất và điều kiện phục vụ khách hàng
Triển khai sửa chữa, cải tạo, nâng cấp xây mới cơ sở hạ tầng các bệnh viện trong đề án phát triển ngành y tế 2021-2025, ưu tiên các khu kỹ thuật, các khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng tiết chế; Khẩn trương cải tạo đưa vào hoạt động hệ thống xử lý chất thải lỏng cho một số bệnh viện đã xuống cấp. Cải tạo hệ thống sân vườn, giao thông trong theo tiêu chuẩn chất lượng hiện hành. Đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng ngừa trượt ngã và tăng khả năng tiếp cận cho đối tượng bệnh nhân là người khuyết tật
8. Nhóm giải pháp về quản lý kinh tế y tế và xã hội hóa
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bệnh nhân, song song với việc thực hiện tốt việc quản lý kinh tế y tế, đầu tư cải tạo cơ sở vật chất và trang thiết bị từ nguồn ngân sách, các bệnh viện chủ trương huy động thêm các nguồn lực tài chính khác để triển khai các hoạt động xã hội hóa, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống cho CBVC.
9. Nhóm giải pháp về Công nghệ thông tin, Cải cách hành chính
Tích cực ứng dụng công tác cải cách hành chính vào hoạt động của các bệnh viện góp phần giảm các bước, các giấy tờ, thủ tục rườm rà, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân và khách đến giao dịch; Xây dựng bộ quy trình các hoạt động sự nghiệp tại các đơn vị để thống nhất và chuẩn hóa theo đề án cải cách thủ tục hành chính của tỉnh, của ngành ở tất cả các khâu như hành chính, kế toán, kế hoạch tổng hợp v.v…; Đầu tư các thiết bị phần cứng cho hệ thống công nghệ thông tin của Bệnh viện, trong đó đặc biệt là máy chủ và hệ thống mạng nội bộ đủ dung lượng , đảm bảo duy trì hoạt động 24/7. Đầu tư cải tiến hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện với các tiện ích thông minh, phục vụ công tác quản lý điều hành và chuyên môn của tất cả bệnh viện. Triển khai dịch vụ đăng ký khám bệnh từ xa, bệnh án điện tử, hội chẩn từ xa để nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cho người bệnh; phần mềm quản lý các tiêu chí chất lượng bệnh viện (QHSE).
10. Nhóm giải pháp về nghiên cứu, sáng kiến và hợp tác
Để cập nhật kiến thức, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và tranh thủ các nguồn lực ngoài ngân sách, cần triển khai mạnh mẽ các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
11. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, truyền thông
Đa dạng các loại hình truyền thông trong bệnh viện, kết hợp giữa truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi có lợi cho người bệnh.
12. Nhóm giải pháp về kiểm tra, giám sát, thi đua khen thưởng
Thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng bệnh viện tại các cơ sở KBCB tỉnh Quảng Nam sẽ là cơ hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế của ngành. Tăng cường công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính theo lộ trình của ngành, của tỉnh. Tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ KBCB, đặc biệt các dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu, giúp cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo được KBCB tại tỉnh; tránh tình trạng vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải cho tuyến trên, rút ngắn được thời gian, chi phí KBCB mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội;
Việc triển khai cải tiến chất lượng bệnh viện là rất cần thiết, nó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KBCB và nâng cao sự hài lòng của người bệnh; từng bước xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân và người bệnh vào hệ thống KBCB tại hệ thống y tế trong tỉnh, tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội, những mặt trái trong môi trường bệnh viện; là cơ hội để các cơ sở KBCB tìm kiếm sự hỗ trợ hợp tác quốc tế và nguồn vốn xã hội hoá để nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện điều kiện làm việc và thu nhập chính đáng cho CBVC và người lao động, giúp ngành y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

BSCKI Nguyễn Á