Theo tổ chức Y tế Thế giới, bệnh Lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Ước tính mỗi năm có khoảng 10 triệu bệnh nhân Lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do Lao trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành Y tế Quảng Nam, công tác phòng chống Lao, bệnh Phổi trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Quảng Nam tích cực đẩy mạnh công tác khám sàng lọc trong cộng đồng để phát hiện và điều trị kịp thời các trường hợp mắc Lao, bệnh Phổi, từ đó, góp phần cùng với cả nước hướng tới chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.

     Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 70 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú, 10 lượt bệnh nhân đến nhập viện điều trị nội trú. Tại đây, bệnh nhân được phát hiện chủ yếu là các bệnh về thể Lao như: Hen phế quản, viêm Phổi, viêm Phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và một số bệnh về đường hô hấp khác.

     Sau hơn 2 tuần đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam để chăm sóc cho mẹ đang điều trị viêm Phổi tại đây, cô Nguyễn Thị Yến (xã Điện Thắng, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nói: “Mẹ ở đây chữa  bệnh, bác sĩ  ở đây rất tận tình chữa trị cho mẹ. Mẹ cũng hết bệnh về chị cũng cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá đã tận tình giúp đỡ cho mẹ.”

     Còn bệnh nhân Trần Anh (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) sau thời gian điều trị viêm Phổi tắc nghẽn mãn tính sức khỏe của anh nay đã cải thiện, anh Anh chia sẻ: “Tôi vào đây điều trị ở bệnh viện Phạm Ngọc Thạch này là năm thứ 3, trải qua 4 lần nhập viện điều trị. Đến đây bác sĩ tận tình chăm sóc và điều trị thì bệnh tình của tôi cũng thuyên giảm so với ban đầu. Ở đây, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế nhiệt tình và chu đáo lắm.”

      Cứ mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 1500 bệnh nhân được khám, phát hiện và điều trị các bệnh liên quan đến Lao, bệnh Phổi, trong đó, phát hiện bệnh nhân Lao phổi chiếm 85%, Lao ngoài phổi chiếm 15%. Tỉ lệ điều trị thành công với bệnh nhân Lao đạt trên 90%. Tỷ lệ tử vong hàng năm khoảng 4%. Công tác khám sàng lọc cộng đồng đạt tỷ lệ cao, trong năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện khám sàng lọc cho 570 bệnh nhân/100.000 dân tại các huyện/Tp như: Núi Thành, Tp Hội An, Nam Giang, Thăng Bình, Phú Ninh,…

      BS.CKI Đinh Văn Tuyển, Trưởng phòng khám, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Quảng Nam cho biết: “Trong những năm gần đây được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và một số tổ chức. Đơn vị cũng tổ chức triển khai các hoạt động khám, phát hiện chủ động trong cộng đồng bằng phương pháp 2X, Xquang và Xpert, ban đầu, mang lại hiệu quả rất là cao.”

     Năm nay với chủ đề “Đồng hồ đã điểm”- toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh Lao. Với mong muốn các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc để chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Với tinh thần đó, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực tăng cường công tác giám sát, khám sàng lọc trong cộng đồng, qua đó, phát hiện và điều trị sớm cho những người mắc bệnh Lao, bệnh Phổi; tăng cường công tác tuyền thông tại các tuyến qua các hình thức trực tiếp, gián tiếp tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại bệnh viện,…

      Theo đánh giá chung của tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mắc Lao đang giảm nhưng không đủ mạnh để đạt mục tiêu năm 2020 là giảm 35% từ năm (2015-2020), mức giảm từ năm 2015 đến năm 2019 là 14%, chưa đạt đến một nửa so với mục tiêu đề ra. Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu và cột mốc đề ra về giảm gánh nặng Lao: tỷ lệ thất nghiệp cao làm tăng tỷ lệ mắc Lao trong cộng đồng; số ca tử vong do Lao trên toàn cầu tăng 0,2-0,4 triệu người chỉ riêng vào năm 2020. Bệnh Lao lây lan do vi khuẩn lao phát tán ra ngoài khi người bệnh ho, nói, hắt hơi, khạc nhổ mà vô tình người tiếp xúc có thể bị hít vào và gây bệnh tại phổi. Đặc biệt, những trường hợp mắc COVID-19 có các bệnh nền liên quan đến Lao, bệnh Phổi thường khó điều trị hơn bệnh nhân bình thường, khả năng tử vong cao. So với dịch bệnh COVID-19 thì bệnh Lao có cơ chế lây nhiễm nguy hiểm hơn vì vi khuẩn Lao có thể lây qua không khí với các hạt mịn có kích thước nhỏ 5 micro mét, có khả năng thích nghi với môi trường khắc nghiệt trong thời gian dài. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nguồn lây trong cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh Lao.

      BS.CKI Đinh Văn Tuyển nói: “Một số biện pháp để phòng trong cộng động đó là cần phải kiểm soát môi trường. Vi khuẩn lao sẽ chết dưới ánh nắng mặt trời trong vòng khoảng từ 60 đến 90 phút. Chính vì vậy, môi trường sống và làm việc cần phải được thông thoáng, có gió, có nắng. Mang khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Về việc điều trị dự phòng thì hiện nay có nhiều phát đồ điều trị dự phòng lao cho người nhiễm lao để giảm nguy cơ nhiễm lao chuyển sang bệnh lao. Tiêm phòng BCG hiện nay đang được thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, tiêm phòng BCG chỉ dự phòng ở những thể lao nặng cho trẻ em đến 16 tuổi. Đối với gia đình và người bệnh cần phải tuân thủ các hướng dẫn các phát đồ điều trị của thầy thuốc: tránh ngạt nhỗ bừa bãi, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người thân, khi nói chuyện, hắt- hơi. Thường xuyên phơi nắng quần, áo, chăn, màn,… Và cuối cùng khi người bệnh có những triệu chứng ho, khạt đờm kéo dài, đau tức ngực cần phải đến cơ sỡ y tế để được khám, phát hiện và điều trị sớm để giảm nguồn lây cho người thân, cho cộng đồng, giảm các chứng nguy hiểm do Lao.”

       Thời gian tới, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, khám phát hiện, phấn đấu hướng tới mục tiêu hằng năm phát hiện dưới 110 bệnh/10000 dân mắc Lao tiềm ẩn, từ đó, góp phần chung tay cùng với cả nước tiến tới đẩy lùi bệnh Lao vào năm 2030./.

Thùy An - Viết Thạnh