CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Hiện nay thời tiết đang nắng nóng kết hợp có mưa giông, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, chính vì vậy, thời gian gần đây bệnh SXH nhiều địa phương có dấu hiệu tăng trở lại. Trong quý I/2020 cả nước đã có hơn 22.300 trường hợp mắc và 04 trường hợp tử vong. Tại Quảng Nam, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 5/2020 đã có 18 ổ dịch với 840 trường hợp mắc, tập trung tại một số nơi có ổ dịch cũ. Vì vậy việc chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết cũng là vấn đề cần được quan tâm.

Bệnh SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rut Dengue gây ra. Muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh.

Muỗi vằn Aedes aegypti có mặt trên khắp thế giới, chúng đốt máu người và các loại súc vật sống ở vùng nhiệt đới, làm lan truyền nhiều bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Khi bị bệnh SXH bệnh nhân có sốt cao (39-400C), đau đầu dữ dội, đặc biệt đau sau hố mắt, đau cơ, khớp, kèm theo đó là buồn nôn, nôn,… Nguy hiểm hơn, bệnh nhân có thể có dấu hiệu xuất huyết từ nhẹ đến nặng. Xuất huyết ngoài da (nốt, chấm, mảng xuất huyết), chảy máu chân răng, chảy máu cam... nặng hơn bệnh nhân có xuất huyết nội tạng cùng với những biểu hiện của hội chứng sốc, trụy tim mạch như: đau bụng, đau tức vùng gan, nôn mửa liên tục, nôn ra máu, tiểu ra máu, đi ngoài phân đen, chân tay lạnh, người vật vã, hoảng hốt... nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để cá ăn lăng quăng/bọ gậy.

+ Thường xuyên rửa sạch thay nước các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, xô, chậu…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thường xuyên thay nước bình hoa.

Để Phòng chống muỗi đốt:

+ Cần mặc quần áo dài tay.

+ Ngủ trong màn kể cả ban ngày.

+ Dùng bình xịt, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện để diệt muỗi...

- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi khi có bệnh sốt xuất huyết xảy ra.

- Khi có người nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay đến cơ sở Y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Khi mắc bệnh, người bệnh cần nằm trong màn để tránh muỗi đốt làm lây lan bệnh cho người khác

Không có lăng quăng, không có muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Nhà nhà diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Long Cảnh

Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở bất cứ tỉnh thành nào và vào bất cứ mùa nào trong năm. Khi bệnh chuyển đến giai đoạn biến chứng nghiêm trọng có thể gây tử vong cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết người lớn lẫn trẻ em để có cách phòng ngừa kịp thời.