Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện ở bất cứ tỉnh thành nào và vào bất cứ mùa nào trong năm. Khi bệnh chuyển đến giai đoạn biến chứng nghiêm trọng có thể gây tử vong cho người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết người lớn lẫn trẻ em để có cách phòng ngừa kịp thời.

1. Sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào?

Sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên dịch sốt xuất huyết dễ dàng lây lan ra cộng đồng, nhất là các tỉnh phía Nam và miền Trung với đặc thù nóng ẩm quanh năm.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là loại bệnh mắc phải khi nhiễm virus Dengue do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII với số ca mắc bệnh liên tục tăng lên theo thời gian.

Đây cũng là căn bệnh được WHO xếp vào nhóm những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được quan tâm vì nó đã xảy ra trên 100 nước với số ca nhiễm bệnh lên đến 50-1000 ca mỗi năm.

Căn bệnh này đang có xu hướng xảy ra phổ biến hơn ở các quốc gia châu Á và thậm chí được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc nhập viện hoặc tử vong ở khu vực này.
Bệnh sốt xuất huyết lây truyền từ muỗi vằn

Sốt xuất huyết lây truyền sang người lành do họ bị muỗi Aedes aegypti đốt. Đây là loại muỗi hay đốt người vào ban ngày và chúng không tự mang virus Dengue một cách tự nhiên mà do chúng đốt người bệnh rồi từ đó truyền cho những người lành khác.

Hiện nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa hiệu quả. Y học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu để tìm ra loại vắc-xin đặc hiệu để phòng ngừa căn bệnh này. Hiện tại cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu với loại bệnh này, việc điều trị bệnh chủ yếu chỉ gồm những hoạt động theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.
2. Những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn cũng như trẻ em

Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn lây truyền thường khởi phát một cách rất đột ngột và tiến triển nhanh qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1:

Đầu tiên là giai đoạn sốt, trong 1 hoặc 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao một cách đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 40 độ C. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.

Nếu có nghi ngờ bị mắc sốt xuất huyết, cần phải đưa người bệnh đến các trung tâm y tế để làm xét nghiệm Dengue NS1 Ag ngay. Nếu nhận kết quả dương tính thì chắc chắn người bệnh đã mắc sốt xuất huyết và cần nhanh chóng điều trị.
Giai đoạn 2:

Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn rất nguy hiểm, trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của sốt xuất huyết bắt đầu được nhận thấy. Giai đoạn này thường bắt đầu từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt.

Vào thời điểm này có thể người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những vết xuất huyết dưới da thường xuất hiện ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi...

Những vết này là các đốm đỏ hoặc một mảng bầm tím tùy theo mức độ. Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.
Vết xuất huyết dưới da khi người bệnh mắc sốt xuất huyết
Vết xuất huyết dưới da khi người bệnh mắc sốt xuất huyết

Giai đoạn 3:

Sau giai đoạn nguy hiểm thì người bệnh sẽ bước vào giai đoạn hồi phục. Ở giai đoạn này người bệnh đã hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên. Người bệnh đã có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
3. Khi bị sốt xuất huyết cần làm những xét nghiệm gì?

Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần phải đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh tình sớm và có hướng điều trị kịp thời.

Đó là các xét nghiệm Dengue virus NS1 Ag test và xét nghiệm công thức máu. Xét nghiệm xác định sự tồn tại của virus Dengue giúp cho các bác sĩ chuẩn đoán xem người bệnh có mắc sốt xuất huyết hay không, từ đó có phác đồ điều trị kịp thời để đảm bảo sức khỏe người bệnh.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được xét nghiệm công thức máu để xác định số lượng hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu. Trong đó lượng tiểu cầu rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết. Nếu như lượng tiểu cầu giảm mạnh thì người bệnh cần phải nhập viện để điều trị và theo dõi còn nếu lượng tiểu cầu giảm ít thì người bệnh có thể được đưa về nhà để theo dõi tiếp.