“27 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều năm qua, với những hiệu quả từ công tác điều trị ARV, xét nghiệm, tuyên truyền vận động, tỉnh Quảng Nam đã và đang cùng với cả nước từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 cũng như hạn chế thấp nhất số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.”
Thực trạng
Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào tháng 4/1993 và đến tháng 8/1993 bệnh nhân AIDS đầu tiên được phát hiện. Từ đó, các trường hợp nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS liên tục được phát hiện ở các địa phương trên địa bàn tỉnh ta. Báo cáo mới nhất từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho thấy, hiện nay, toàn tỉnh hiện có 435 người nhiễm HIV, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV là 379 bệnh nhân. Trong đó, tỷ lệ nam giới nhiễm HIV chiếm đến 70%, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây.
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, mỗi năm có hàng chục ngàn du khách, công nhân đến các điểm du lịch (phố cổ Hội An, Mỹ Sơn), khu kinh tế mở Chu Lai, các khu công nghiệp Điện Nam, Điện Ngọc,…; nhà máy Thủy điện đang xây dựng; bãi đào vàng ở Phước Sơn, các huyện miền núi cao đã và đang thu hút nhiều người từ khắp các vùng miền, tỉnh thành đổ về. Một lượng quá lớn người dân di biến động hàng năm đến tỉnh ta tham quan du lịch, làm ăn sinh sống chính là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát và lây lan HIV trên diện rộng. Do vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS đòi hỏi có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa từ các cấp lãnh đạo, sự phối kết hợp mạnh mẽ của các ban/ngành/đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, hướng tới đẩy lùi HIV và chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
27 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều năm qua, với những hiệu quả từ công tác điều trị ARV, xét nghiệm, tuyên truyền vận động, tỉnh Quảng Nam đã và đang cùng với cả nước từng bước đẩy lùi, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 cũng như hạn chế thấp nhất số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.
Ths Võ Trung Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chúng ta đang triển khai các hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV cho những người có nguy cơ cao để phát hiện sớm tình trạng lây nhiễm HIV nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và có kế hoạch điều trị cho họ; thực hiện tư vấn xét nghiệm cho bà mẹ mang thai để phát hiện nhiễm HIV nhằm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tổ chức hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân AIDS trẻ em và người lớn nhằm mang lại niềm tin, hy vọng và chất lượng cuộc sống cho họ, tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS sống hoà nhập với cộng đồng, giúp ích cho gia đình và xã hội.”
Anh Nguyễn Văn C (bệnh nhân AIDS) phát hiện mình bị AIDS vào năm 2006, hiện tại anh C vẫn tham gia điều trị và duy trì sức khỏe tốt, anh C tâm sự: “Tôi là bệnh nhân AIDS, một căn bệnh mà khi nhắc đến là mọi người đều khiếp sợ, xa lánh, kỳ thị… Những ngày đầu phát hiện mình bị căn bệnh này tôi đã nghĩ rằng cuộc đời mình coi như chấm dứt, cũng sống không được bao lâu nữa. Nhưng tôi may mắn nhận được sự quan tâm và động viên của gia đình, bác sỹ, tôi bắt đầu tham gia điều trị và thấy tinh thần lạc quan hơn, sức khỏe, tinh thần ổn hơn trước đây.”
Theo đánh giá mới đây của Bộ Y tế, hiện nay số người nhiễm HIV trong nhóm từ 15 đến 16 tuổi đã tăng gấp ba lần so với trước đây. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV/AIDS từ 16 xuống 15 tuổi. Tại Quảng Nam, những đối tượng này được tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS ngay tại trường học bằng những buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, cuộc thi vẽ tranh cổ động, mitting,... Đặc biệt các em được cán bộ y tế địa phương phối hợp với nhà trường tổ chức những buổi mitting, nói chuyện sức khỏe để cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng chống HIV/AIDS, ma túy,…
Nguyễn Thị Ngọc Ánh (lớp 11/1 Trường THPT Nguyễn Khuyến), sau khi được tham gia buổi lễ mitting phòng chống HIV/AIDS do TTYT Điện Bàn phối hợp với trường THPT Nguyễn Khuyến tổ chức, em Ngọc Ánh chia sẻ: “Qua những buổi nói chuyện sức khỏe hay Mitting như vậy đã giúp em hiểu hơn về căn bệnh HIV/AIDS và những tác hại của HIV đã gây ra. Đồng thời, giúp em biết được về con đường lây truyền bệnh. Qua đó, chúng em hiểu hơn về cách phòng chống HIV đó là bằng việc sống tích cực, lành mạnh; nâng cao nhận thức không chỉ riêng em mà cho học sinh toàn trường đó là không được phân biệt kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm bệnh HIV.”
Chia sẻ về đợt miting tại thị xã Điện Bàn thầy Nguyễn Anh Tài - Hiệu trưởng THPT Nguyễn Khuyến (thị xã Điện Bàn) cho biết: “Đối với cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường thì những cuộc mitting, cuộc thi về bảo vệ sức khỏe trước HIV/AIDS, nói chuyện sức khỏe chính là một cơ hội để mọi cá nhân tự trao dồi kiến thức và các biện pháp để phòng chống ma túy cũng như HIV. Từ đó, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không những tự trang bị cho mình những kỹ năng để ứng phó với ma túy và HIV mà còn là tuyên truyền viên tốt cho cộng đồng, cho gia đình, cho toàn xã hội và cho nhà trường.”
Năm nay, với chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”, một chủ đề mang ý nghĩa hết sức quan trọng và là cơ hội để nhìn lại những thành quả nỗ lực của toàn xã hội, từ đó, khơi dậy lòng quyết tâm, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
Bác sỹ Trần Lộc Quang - Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS, Y tế công cộng, TTYT thị xã Điện Bàn nói: “Điện Bàn có 91 trường hợp nhiễm HIV, hiện tại thì còn 36 bệnh nhân còn sống và đang sử dụng thuốc ARV. Đối tượng ma túy trên Điện Bàn cũng rất cao, Hiện tại toàn thị xã có 57 đối tượng sử dụng Methadone thay thế Heroin. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo phòng chống ma túy, HIV của thị xã cũng như sự tích cực của cán bộ y tế của 20 xã, phường, cán bộ Trung tâm Y tế triển khai đồng bộ cho tất cả các xã, phường. Tất cả thành viên trong ban chị đạo xã, phường rà soát được đối tượng ma túy, cũng như tuyên truyền rộng rãi về nhóm đối tượng hành nghề nguy cơ cao, cũng như những nhóm đối tượng MSM (quan hệ tình dục đồng giới) nắm bắt được kiến thức và đến để được xét nghiệm.”
Để thực hiện đúng với tiêu chí cũng như chủ đề của năm 2020 đặt ra, đòi hỏi toàn xã hội cùng góp sức tiếp tục thực hiện tốt những mục tiêu quan trọng: 90% người nhiễm HIV trong cộng đồng biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng ARV; 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng HIV ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Với tinh thần đó, những buổi lễ mitting diễn ra như một lời kêu gọi mạnh mẽ đến cộng đồng hãy cùng chung tay góp sức, đẩy mạnh công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân./.
Thùy An - Ánh Minh