Ngày 29/7/2016, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 4128/QĐ-BYT về việc Phê duyệt tài liệu “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”

Tài liệu gồm 369 trang nội dung kèm theo Quyết định. Tài liệu “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” là cơ sở để các đơn vị y tế triển khai thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đính kèm: Hướng dẫn Chuẩn Quốc gia về CCSKSS

SKSS g

Tệp đính kèm
Download this file (Chuan Quoc gia SKSS 2016.pdf)Chuan Quoc gia SKSS 2016.pdf

BSCKI Nguyễn Á
Thuật ngữ “yếu thế” dùng để chỉ một số nhóm người "đặc biệt" trong xã hội, họ thường gặp các hoàn cảnh khó khăn, vị thế xã hội thấp kém hơn, có thể ở vào tình trạng chưa đủ kinh nghiệm sống, chưa đủ yêu cầu về thể lực, bệnh tật, sức khỏe, có sự thiếu hụt hay khiếm khuyết cơ thể…

KSK KT Hiep Duc 18

Khám sức khỏe sinh sản cho người khuyết tật tại huyện Hiệp Đức(Ảnh NA)

Nhóm yếu thế có thể gặp hàng loạt những thách thức, rào cản ngăn cản khả năng hòa nhập cộng đồng. Rào cản đó có thể liên quan đến thể chất (khuyết tật, bệnh tật…), việc làm/nghề nghiệp (di cư, người ăn xin, lang thang, cơ nhỡ …), rào cản do các yếu tố địa lý, môi trường (dân tộc ít người, người sống trong vùng thiên tai thảm họa…), hay rào cản từ hoàn cảnh sống, sự kỳ thị của xã hội (nạn nhân của buôn bán người, tù nhân, người chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người đồng tính, chuyển giới…).
Dịch vụ y tế/Chăm sóc sức khỏe (CSSK)/Sức khỏe sinh sản (SKSS) là 1 trong 4 loại dịch vụ xã hội cơ bản đối với con người, đặc biệt là nhóm yếu thế, bao gồm: 1) Dịch vụ đáp ứng nhu cầu vật chất cơ bản; 2) Dịch vụ y tế/CSSK/SKSS; 3) Dịch vụ giáo dục và 4) Dịch vụ thông tin và giải trí.
Bốn nhóm rào cản về dịch vụ CSSK đối với nhóm yếu thế:
1. Nhóm rào cản về sự sẵn có của dịch vụ xã hội (bao gồm cả việc làm, CSSK/SKSS…)
- Các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS đối với người yếu thế còn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
- Việc cung ứng các dịch vụ dự phòng, ngăn ngừa và giảm hại phù hợp với người yếu thế còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
- Dịch vụ tư vấn chưa phù hợp và chưa đáp ứng mong đợi về SKSS/Sức khỏe tình dục (SKTD) của người yếu thế.
- Các cơ sở y tế không sẵn có những dịch vụ trợ giúp mang tính liên kết, toàn diện như: trợ giúp nạn nhân của bạo hành, trợ giúp tâm lý, trợ giúp pháp lý, nơi lánh nạn…..
- Dịch vụ y tế khẩn cấp tại những vùng khó khăn, những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa còn chưa sẵn có, sự hạn chế về phương tiện và hệ thống các dịch vụ trợ giúp là rào cản lớn đối với người dân vùng bị nạn. Đặc biệt trong trường hợp này, các dịch vụ SKSS còn chưa được coi trọng và chưa được đầu tư phù hợp.
2. Nhóm rào cản về sự tiếp cận với dịch vụ (do chi phí, khoảng cách, thiếu thông tin/thiếu công khai…)
- Cơ sở y tế ít được nâng cấp; việc xây dựng bố trí chưa thật thuận lợi cho người yếu thế nói chung, đặc biệt chưa quan tâm đúng mức đối tượng người khuyết tật (NKT).
- Rào cản từ cán bộ cung cấp dịch vụ:
+ Thái độ: Còn chưa tích cực, thiếu ủng hộ, định kiến, không nhạy cảm, thiếu nhận thức thậm chí còn kỳ thị đối với các nhóm người yếu thế.
+ Kiến thức và kĩ năng: Tiếp cận và cung cấp dịch vụ SKSS cho nhóm người yếu thế đòi hỏi người cung cấp dịch vụ không chỉ có những kiến thức và kĩ năng về chăm sóc SKSS chung, mà còn cần rất nhiều kiến thức và kĩ năng chuyên biệt về làm việc với người yếu thế, kỹ năng xử lý các vấn đề sức khỏe liên quan đến khuyết tật, những hiểu biết và kĩ năng trong lĩnh vực xã hội (các hiểu biết về môi trường, di cư, các kĩ năng sống, cách sử dụng ngôn ngữ ký với nhóm khiếm thính, cách trợ giúp nạn nhân của bạo lực, nạn nhân buôn bán người…).
+ Chưa chú ý sắp xếp đủ thời gian và ưu tiên để có thể cung cấp dịch vụ thân thiện cho người yếu thế, đặc biệt nhiều nhóm yếu thế như: nhóm khuyết tật,…
- Rào cản về sự hạn chế về kiến thức và thái độ của chính NKT cùng gia đình về các vấn đề sức khỏe chung cũng như các dịch vụ: NKT có thể không biết các nơi cung cấp dịch vụ, rất nhiều NKT không có kiến thức về quyền lợi, các vấn đề sức khỏe cũng như dịch vụ nào có sẵn.
- Rào cản kinh tế: Các can thiệp y tế như việc đánh giá, điều trị và sử dụng thuốc thường đòi hỏi NKT phải tự trả thêm các khoản chi phí, gây khó khăn cho họ và gia đình, những người vốn thu nhập đã bị hạn chế
- Rào cản về địa lý và môi trường vật lý: Thiếu các phương tiện vận chuyển và các công trình xây dựng công cộng có điều kiện tiếp cận cho NKT là những ví dụ về các rào cản thường thấy, hay điều kiện hạn hẹp về nguồn lực y tế tại vùng nông thôn (nơi phần đa số NKT sống) và khoảng cách quá xa từ khu dân cư đến nơi cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn cũng là các rào cản quan trọng;
- Rào cản về thông tin và truyền thông: Việc liên hê và giao tiếp giữa NKT với nhân viên y tế có thể khó khăn, chẳng hạn, một người bị khiếm thính có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc và làm cho nhân viên y tế hiểu được cách ra dấu của mình, hay việc không có các bức tranh minh họa để giúp cho người có khuyết tật về trí tuệ có thể giao tiếp với cán bộ y tế;
3. Nhóm rào cản từ sự kỳ thị tại gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ, cộng đồng… cũng như vấn đề tự kỳ thị từ bản thân người yếu thế
- Kỳ thị từ gia đình: Nhiều gia đình của người yếu thế cảm thấy e ngại, thậm chí xấu hổ muốn giấu tình trạng của con em mình vì sợ gặp phải sự kỳ thị từ cộng đồng. Thêm vào đó, tâm lý của cha mẹ luôn cho rằng con mình là người thiệt thòi, yếu thế, do đó đã quên đi quyền của các em về SKSS/SKTD.
- Kỳ thị từ cộng đồng, từ người cung cấp dịch vụ: Chính sự thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về các nhóm yếu thế khiến bản thân người cung cấp dịch vụ cũng có cái nhìn còn chưa thật khách quan, có khi còn kỳ thị với một số nhóm yếu thế, nhất là các nhóm người khuyết tật, như đồng tính, …
- Tự kỳ thị: Bản thân người yếu thế cũng tự kỳ thị, tự tạo rào cản cho mình, sống khép kín, thiếu kĩ năng giao tiếp, thiếu cơ hội bày tỏ nhu cầu và điều đó càng khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn của bị kỳ thị và tự kỳ thị.
4. Nhóm rào cản thể chế, chính sách ở tất cả các cấp, các góc độ (từ Chính phủ, từ chương trình, các cơ quan/cơ sở cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội…)
Thiếu các chính sách hoặc các chính sách không phù hợp, ngay cả ở nơi chính sách được ban hành thì các chính sách cũng có thể không được triển khai thực hiện đúng, không có chế tài và vẫn có thể tồn tại sự phân biệt đối xử với NKT trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế;
- Chưa chú trọng đầu tư nghiên cứu, đưa ra các mô hình, các cách tiếp cận phù hợp trong chăm sóc SKSS đối với các nhóm yếu thế.
- Chưa có các kế hoạch, hướng dẫn mang tính tổng thể, thống nhất cả về cung cấp dịch vụ SKSS phù hợp riêng cho các em cũng như các kế hoạch, định hướng giáo dục dạy nghề, việc làm và phát triển... thiếu các cơ sở tư vấn, truyền thông, các trung tâm trợ giúp pháp lý, tâm lý….
- Việc định hướng xã hội tạo môi trường thuận lợi để đáp ứng nhu cầu chính đáng về chăm sóc SKSS cho nhóm người yếu thế còn hạn chế.
- Các chính sách xã hội hoá, chính sách mang tính ủng hộ, tạo điều kiện cho hệ thống các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp xã hội, các cơ sở y tế ngoài công lập… cùng tham gia tiếp cận và cung cấp dịch vụ SKSS cho người yếu thế còn có nhiều bất cập.
Chính từ 4 nhóm rào cản trên, để cung cấp dịch vụ SKSS với người khuyết tật, người yếu thế ngành Y tế cần có những giải pháp chính sau:
- Tại cơ sở nên trang bị sẵn một số thông tin cần thiết liên quan đến các nhóm yếu thế (Áp phích, tờ rơi, tài liệu tham khảo về các nhóm yếu thế, cuốn cẩm nang ngôn ngữ SKSS dành cho người khiếm thính, số điện thoại hỗ trợ của một số nhóm tình nguyện chuyên biệt…) để khi cần có thể tra cứu, sử dụng, tìm kiếm sự hỗ trợ.
- Tận dụng các điều kiện sẵn có để cải thiện và làm cho dịch vụ hiện có tại cơ sở mình trở nên thân thiện hơn, dễ tiếp cận hơn với các nhóm yếu thế, lấy ý kiến đóng góp của họ cho dịch vụ tại cơ sở.
- Người cung cấp dịch vụ cần tự tìm hiểu và trang bị cho mình các kiến thức và kĩ năng cần thiết về tâm sinh lý của từng nhóm người khuyết tật, nhóm người yếu thế.
- Cần trung thực và chia sẻ chân thành với nhóm người yếu thế.
- Cần tận dụng mọi cơ hội để tiếp cận và cung cấp dịch vụ lưu động, đưa dịch vụ đến gần hơn với các nhóm yếu thế, đặc biệt các dịch vụ y tế khẩn cấp tại những vùng khó khăn, những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa.
Bên cạnh đó cần có những chính sách phù hợp, không phân biệt đối xử với NKT trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế; nghiên cứu, đưa ra các mô hình, các cách tiếp cận phù hợp trong chăm sóc SKSS đối với các nhóm yếu thế và đặc biệt hơn là giảm và không còn sự kỳ thị của chính gia đình, cơ sở cung cấp dịch vụ, cộng đồng xã hội mà NKT, người yếu thế sinh sống./.

 

Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Tiền sản giật là một biến chứng thai kỳ được đặc trưng bởi huyết áp cao và có dấu hiệu tổn thương hệ thống cơ quan khác, thường là gan và thận. Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai ở những phụ nữ có huyết áp bình thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng - thậm chí gây tử vong cho mẹ và thai.
1. Triệu chứng:
Tiền sản giật đôi khi phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng. Huyết áp cao có thể phát triển chậm, hoặc nó có thể khởi phát đột ngột. Theo dõi huyết áp của mẹ là một phần quan trọng của chăm sóc trước sinh vì dấu hiệu tiền sản giật đầu tiên thường là tăng huyết áp. Huyết áp ≥ 140/90 mm Hg được ghi nhận trong hai lần, cách nhau ít nhất bốn giờ được xem là cao huyết áp.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của tiền sản giật có thể bao gồm:
• Protein niệu.
• Nhức đầu dữ dội.
• Thay đổi về thị lực, bao gồm mất thị lực tạm thời, mờ mắt hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
• Đau bụng trên, thường là hạ sườn phải.
• Buồn nôn hoặc nôn mửa.
• Lượng nước tiểu giảm.
• Giảm tiểu cầu trong máu.
• Giảm chức năng gan .
• Khó thở, có dịch trong phổi,
Tăng cân đột ngột và phù đặc biệt là ở mặt và tay có thể xảy ra với tiền sản giật nhưng cũng có thể xảy ra ở nhiều trường hợp mang thai bình thường, vì vậy dấu hiệu này không đáng tin cậy.
2. Dấu hiệu cần nhập viện
Khi có thai, phụ nữ cần đăng ký quản lý thai nghén tại trạm y tế cơ sở hoặc tại các phòng khám thai của các bệnh viện. Nhập viện ngay khi có các dấu hiệu: đau đầu dữ dội, mờ mắt hoặc rối loạn thị giác khác, đau bụng dữ dội hoặc khó thở nghiêm trọng.
Phụ nữ có thai lần đầu có thể phàn nàn các triệu chứng đau đầu, buồn do đó sẽ khó phân biệt đó là thay đổi bình thường khi mang thai hay là dấu hiệu nghiêm trọng báo trước tiền sản giật. Nếu bạn lo lắng về các triệu chứng của mình, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn.
3. Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật liên quan đến một số yếu tố. Các chuyên gia cho rằng nó liên quan đến các mạch máu của nhau thai. Khi có thai, các mạch máu vùng tử cung phát triển để đưa máu đến nhau thai một cách hiệu quả.
Ở phụ nữ bị tiền sản giật, những mạch máu này dường như không phát triển hoặc bất thường. Chúng hẹp hơn các mạch máu bình thường và phản ứng khác nhau với tín hiệu nội tiết tố làm hạn chế lượng máu trao đổi của nhau thai.
Nguyên nhân của sự phát triển bất thường này có thể bao gồm:
• Lưu lượng máu đến tử cung không đủ
• Tổn thương mạch máu
• Một vấn đề với hệ thống miễn dịch
• Một số gen nhất định
4. Rối loạn cao huyết áp khác khi mang thai
Tiền sản giật được phân loại là một trong bốn rối loạn cao huyết áp có thể xảy ra trong thai kỳ. Ba trường hợp khác là:
• Tăng huyết áp thai kỳ. Phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ có huyết áp cao nhưng không có protein trong nước tiểu hoặc các dấu hiệu tổn thương nội tạng khác. Một số phụ nữ bị tăng huyết áp thai kỳ cuối cùng phát triển tiền sản giật.
• Tăng huyết áp mãn tính. Tăng huyết áp mãn tính là huyết áp cao xuất hiện trước khi mang thai hoặc xảy ra trước 20 tuần của thai kỳ. Nhưng vì huyết áp cao thường không có triệu chứng, nên có thể khó xác định khi nào nó bắt đầu.
• Tăng huyết áp mãn tính với tiền sản giật chồng chất. Tình trạng này xảy ra ở những phụ nữ được chẩn đoán bị huyết áp cao mãn tính trước khi mang thai, nhưng sau đó bị tăng huyết áp và protein trong nước tiểu hoặc các biến chứng sức khỏe khác trong thai kỳ.
5. Các yếu tố nguy cơ
• Tiền căn tiền sản giật. Tiền sử cá nhân hoặc gia đình tiền sản giật làm tăng đáng kể nguy cơ tiền sản giật.
• Tăng huyết áp mãn tính. Nếu tăng huyết áp mãn tính có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn.
• Mang thai lần đầu. nguy cơ tiền sản giật cao trong lần mang thai đầu tiên.
• Bạn tình mới. Mỗi lần mang thai với một bạn tình mới làm tăng nguy cơ tiền sản giật nhiều hơn so với lần mang thai thứ hai hoặc thứ ba với cùng một người.
• Tuổi tác. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn đối với phụ nữ mang thai rất trẻ cũng như phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
• Chủng tộc. Phụ nữ da đen có nguy cơ mắc tiền sản giật cao hơn phụ nữ thuộc các chủng tộc khác.
• Béo phì. Nguy cơ tiền sản giật cao hơn nếu béo phì.
• Đa thai. Tiền sản giật phổ biến hơn ở những phụ nữ mang song thai, sinh ba hoặc đa thai.
• Khoảng thời gian giữa các lần mang thai. Có con cách nhau dưới hai năm hoặc hơn 10 năm dẫn đến nguy cơ tiền sản giật cao hơn.
• Một số bệnh mạn tính khác như cao huyết áp mãn tính, đau nửa đầu, tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, bệnh thận, có xu hướng phát triển cục máu đông hoặc lupus - làm tăng nguy cơ tiền sản giật.
• Thụ tinh trong ống nghiệm. Nguy cơ tiền sản giật của bạn tăng lên nếu em bé của bạn được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.
6. Biến chứng
Tiền sản giật của bạn càng nghiêm trọng và xảy ra càng sớm trong thai kỳ, nguy cơ cho mẹ và thai càng lớn. Tiền sản giật có thể cần khởi phát chuyển dạ. Sinh mổ đôi khi là cần thiết nếu dấu hiệu lâm sàng hoặc sản khoa đòi hỏi phải sinh nhanh.
Các biến chứng của tiền sản giật có thể bao gồm:
• Hạn chế tăng trưởng của thai nhi. Tiền sản giật ảnh hưởng đến các mạch máu đến nhau thai. Điều này có thể dẫn đến tăng trưởng chậm được gọi là hạn chế tăng trưởng của thai nhi, nhẹ cân hoặc sinh non.
• Sinh non. Nếu bạn bị tiền sản giật với các dấu hiệu nghiêm trọng, mẹ có thể cần được sinh sớm, để cứu mạng sống của mẹ và thai. Sinh non có thể dẫn đến hô hấp và các vấn đề khác cho sơ sinh. Các Bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc để chọn lựa thời điểm thích hợp chấm dứt thai kỳ.
• Nhau bong non. Tiền sản giật làm tăng nguy cơ nhau thai tách ra khỏi thành trong của tử cung trước khi sinh. Sự gián đoạn nghiêm trọng có thể gây chảy máu nặng, có thể đe dọa tính mạng cho mẹ và thai.
• Hội chứng HELLP. - viết tắt của tan máu (phá hủy tế bào hồng cầu), men gan cao và số lượng tiểu cầu thấp - đây là một dạng tiền sản giật nặng hơn và có thể nhanh chóng đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và thai.
Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm buồn nôn và nôn, đau đầu và đau bụng hạ sườn phải. Hội chứng HELLP đặc biệt nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến một số cơ quan. Đôi khi, nó có thể phát triển đột ngột, ngay cả trước khi huyết áp cao được phát hiện hoặc nó có thể phát triển mà không có bất kỳ triệu chứng nào.
• Sản giật. Khi tiền sản giật không được kiểm soát, sản giật - về cơ bản là tiền sản giật cộng với co giật - có thể phát triển. Rất khó để dự đoán bệnh nhân nào sẽ bị tiền sản giật đủ nghiêm trọng dẫn đến sản giật.
Thông thường, không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo để dự đoán sản giật. Bởi vì sản giật có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cả mẹ và thai, do đó việc chấm dứt thai kỳ là cần thiết, không tính đến tuổi thai.
• Tổn thương cơ quan khác. Tiền sản giật có thể dẫn đến tổn thương thận, gan, phổi, tim hoặc mắt và có thể gây đột quỵ hoặc xuất huyết não. Số lượng tổn thương các cơ quan khác phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật.
• Bệnh tim mạch. Bị tiền sản giật có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và mạch máu (tim mạch) trong tương lai. Nguy cơ thậm chí còn lớn hơn nếu bạn bị tiền sản giật nhiều lần hoặc bị sinh non. Để giảm thiểu rủi ro này, sau khi sinh hãy cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng của bạn, ăn nhiều loại trái cây và rau quả, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.
7. Phòng ngừa
Các nhà nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu các cách để ngăn ngừa tiền sản giật, nhưng cho đến nay, không có chiến lược rõ ràng nào được khuyến cáo. Ăn ít muối, thay đổi hoạt động, hạn chế calo hoặc tiêu thụ tỏi hoặc dầu cá không làm giảm nguy cơ tiền sản giật. Tăng lượng vitamin C và E không được chứng minh là có lợi.
Một số nghiên cứu đã báo cáo về mối liên quan giữa thiếu vitamin D và tăng nguy cơ tiền sản giật. Nhưng trong khi một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa việc bổ sung vitamin D và nguy cơ tiền sản giật thấp hơn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, bạn có thể giảm nguy cơ tiền sản giật bằng:
• Aspirin liều thấp. Nếu bạn gặp một số yếu tố nguy cơ - bao gồm tiền sử tiền sản giật, đa thai, cao huyết áp mãn tính, bệnh thận, tiểu đường hoặc bệnh tự miễn - bác sĩ có thể khuyên dùng aspirin liều thấp hàng ngày 81 mg sau 12 tuần mang thai .
• Bổ sung canxi. Trong một số quần thể, phụ nữ bị thiếu canxi trước khi mang thai - và không có đủ canxi trong thai kỳ thông qua chế độ ăn uống của họ - có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung canxi để ngăn ngừa tiền sản giật
Điều quan trọng là bạn không dùng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung nào mà không có ý kiến của Bác sĩ sản khoa. Trước khi bạn có thai, đặc biệt là nếu bạn đã bị tiền sản giật trước đó, nên điều chỉnh sức khỏe hợp lý. Giảm cân , và đảm bảo bệnh tiểu đường được quản lý tốt.
Khi có thai, hãy theo dõi thai kỳ thường xuyên thông qua chăm sóc trước khi sinh sớm. Nếu tiền sản giật được phát hiện sớm, Bác sĩ có thể đưa ra một phương án thích hợp để ngăn ngừa các biến chứng và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mẹ và thai.
Bs Nguyễn Thị Kiều Trinh - TK. Khoa Phụ Sản BV Đa khoa Quảng Nam

Từ ngày 1 - 10.6, toàn tỉnh triển khai Chiến dịch bổ sung vitamin A cho trẻ từ đủ 6 - 60 tháng tuổi, tẩy giun cho trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi và cân đo trẻ từ 0 - 60 tháng tuổi.


Thanh Hàng
Có thể nói BHYT là sự bảo đảm bền vững cho những người nhiễm HIV, bởi nếu không tham gia bảo hiểm Y tế thì người bệnh sẽ tự chi trả cho toàn bộ tiền dịch vụ HIV, cũng như thuốc ARV. Thuốc ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi năm 2004, được tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS hữu hiệu nhất.
Điều trị HIV sớm có thể làm giảm 41% nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể làm giảm nguy cơ tử vong, giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con xuống 2%, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Phần lớn nguồn thu hút ARV chiếm khoảng 95% được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các tổ chức này đã thực hiện lộ trình cắt giảm ARV và kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017. Do vậy giải pháp lâu dài và bền vững cho việc điều trị ARV là thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả ARV) thông qua BHYT, bất kỳ ai tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc là toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Từ năm 2019, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm nên chi phí thuốc ARV và xét nghiệm cho người nhiễm HIV không còn được miễn phí mà chuyển qua thanh toán thông qua Bảo hiểm y tế. Dù có những lo lắng ban đầu, song 368 người nhiễm ở Quảng Nam đang điều trị ARV tại 2 phòng khám ngoại trú đã được tiếp tục điều trị lâu dài và an toàn bằng ARV từ nguồn BHYT, bệnh nhân N.V.T chia sẻ: “ Mới đầu tôi cũng lo, lo vì phải tiết lộ danh tính, sợ mọi người biết sẽ kỳ thị xa lánh mình, rất khó khăn trong việc làm của tôi,v.v…. nhưng giờ tôi đã ổn”
Được biết, khi tham gia thẻ BHYT người bệnh không e ngại khi khai báo danh tính quê quán cũng như nghề nghiệp để có thể sử dụng BHYT một cách công khai tại các cơ sở tham vấn trong cộng đồng. Việc chi trả BHYT vừa xóa bỏ mối lo ngại lâu nay là danh tính cá nhân không được bí mật mà còn giảm lo lắng cho người nhiễm HIV về gánh nặng chi phí khi nguồn tài trợ cắt giảm
Anh Thái Văn Tấn đại diện cho người nhiễm HIV Quảng Nam cho biết “Đây là việc đánh dấu rất lớn cho cộng đồng người nhiễm HIV, bởi vì trước đây mà nghe cắt giảm là chúng tôi cảm thấy bất an nhưng bây giờ vẫn tiếp tục được điều trị bằng BHYT, chúng tôi lại có tinh thần hơn để thể tuân thủ điều trị một cách hiệu quả, lâu dài hơn. Nhờ vậy mà giảm được gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình,…”
Quảng Nam hiện có 368 người đang điều trị HIV, hầu hết các bệnh nhân đều được chăm sóc, điều trị miễn phí bằng nguồn viện trợ ở 2 phòng khám ngoại trú trên địa bàn. Tuy nhiên hiện chỉ có 81% người nhiễm dùng thẻ BHYT để điều trị, kiểm soát bệnh. Chính vì vậy, ngành Y tế và BHXH tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông đến người nhiễm HIV để họ hiểu và chủ động tham gia BHYT, tiếp tục hoàn thiện quy trình điều trị ARV bằng nguồn BHYT nhằm tiến tới đạt mục tiêu kết thúc đại dịch năm 2030 và trên hết là bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Do đó, vấn đề bao phủ BHYT là giải pháp hữu hiệu, quyết định sự thành công trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

BSCKI. Đỗ Trường Lưu - Phó phụ trách, khoa Phòng chống HIV/AIDS

Thực hiện chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Sở Y tế Quảng Nam về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với bệnh nhân điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã chỉ đạo cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống nhằm mục đích không để nhiễm bệnh cũng như lây lan dịch, bệnh trong đối tượng bệnh nhân cũng như cộng đồng.  

- Đối với phòng khám điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và Bệnh viện Phụ sản - Nhi: đã tổ chức việc thực hiện đón tiếp, sàng lọc và khám bệnh tránh làm lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.  Kê đơn và cấp thuốc ARV, thuốc dự phòng lao và thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội cũng được thực hiện kê đơn tối đa 90 ngày trong thời điểm dịch.

- Tại Cơ sở điều trị và các Cơ sở cấp phát thuốc Methadon Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

Đối với nhân viên y tế: Tuân thủ thực hành phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền, áp dụng các biện pháp dự phòng giọt bắn, dự phòng tiếp xúc, dự phòng lây truyền qua đường không khí (đeo khẩu trang, sử dụng găng tay y tế và các phương tiện hỗ trợ khác nếu cần) khi thực hiện các hoạt động chuyên môn tại cơ sở cấp phát thuốc theo đúng quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Đối với bệnh nhân: Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân đến uống thuốc hàng ngày thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào điểm uống; thực hiện giản cách 2m giữa các bệnh nhân, không để bệnh nhân tiếp xúc và nói chuyện khi đến uống thuốc tại cơ sở cấp phát thuốc. Tại khu vực cấp phát thuốc; tổ chức phân nhóm bệnh nhân đến theo nhiều thời điểm khác nhau trong ngày; để tránh tụ tập đông bệnh nhân.

Để thực hiện tốt việc này, ngay từ khi có chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức phân luồng cách ly đối tượng ngay khi vào cổng…. Tăng cường thêm đội ngũ bảo vệ, hướng dẫn; Tăng cường công tác truyền thông trực quan; Sắp xếp lại lịch khám bệnh nhân với tần suất ≥ tháng/lần; Giảm thăm khám, tư vấn, trao đổi trực tiếp; Tăng cường trao đổi thông tin với bệnh nhân qua điện thoại và các phương tiện liên lạc cá nhân khác; Không tổ chức tư vấn, sinh hoạt nhóm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong trong thời gian có dịch COVID-19.

 

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm nghiện chích ma túy vẫn tăng nhanh.

Tại Quảng Nam đến tháng 6 năm 2019, tổng số huyện/thị/thành phố có người nhiễm HIV là 17/18, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV là 1.039, số bệnh nhân hiện đang còn sống 413, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV 349. Trong 6 tháng đầu năm 2019 phát hiện mới 14 trường hợp nhiễm HIV, 01 trường hợp tử vong do AIDS. Trong số 14 trường hợp nhiễm mới đa phần do tiêm chích ma tuý; còn lại do lây truyền qua đường tình dục và nhóm MSM; không có trường hợp nào lây truyền từ mẹ sang con. So sánh cùng kỳ năm 2018, giảm 02 trường hợp nhiễm mới và giảm 02 trường hợp tử vong do HIV/AIDS (6 tháng 2018 số nhiễm mới/tử vong HIV/AIDS là16/3).

Tuy nhiên, HIV/AIDS ở tỉnh ta đã có dấu hiệu chững lại nhưng chưa thật sự bền vững, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có giảm nhưng không nhiều. Virus HIV vẫn tiếp tục lây lan với sự thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm ở đối tượng vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai, công nhân,…Vì vậy HIV/AIDS hiện nay vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, trong khi độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao…

Virus HIV có thể lây truyền ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình nhiễm bệnh và nó sẽ phá hủy dần hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy, việc phòng chống lây nhiễm HIV và điều trị sớm là rất quan trọng. Ở mỗi giai đoạn HIV lại có những biểu hiện bệnh khác nhau, chúng ta cần tìm hiểu để có phương pháp điều trị kịp thời.