Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm nghiện chích ma túy vẫn tăng nhanh.

Tại Quảng Nam đến tháng 6 năm 2019, tổng số huyện/thị/thành phố có người nhiễm HIV là 17/18, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV là 1.039, số bệnh nhân hiện đang còn sống 413, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV 349. Trong 6 tháng đầu năm 2019 phát hiện mới 14 trường hợp nhiễm HIV, 01 trường hợp tử vong do AIDS. Trong số 14 trường hợp nhiễm mới đa phần do tiêm chích ma tuý; còn lại do lây truyền qua đường tình dục và nhóm MSM; không có trường hợp nào lây truyền từ mẹ sang con. So sánh cùng kỳ năm 2018, giảm 02 trường hợp nhiễm mới và giảm 02 trường hợp tử vong do HIV/AIDS (6 tháng 2018 số nhiễm mới/tử vong HIV/AIDS là16/3).

Tuy nhiên, HIV/AIDS ở tỉnh ta đã có dấu hiệu chững lại nhưng chưa thật sự bền vững, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có giảm nhưng không nhiều. Virus HIV vẫn tiếp tục lây lan với sự thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm ở đối tượng vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai, công nhân,…Vì vậy HIV/AIDS hiện nay vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, trong khi độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao…

Trước thực trạng về sự nguy hiểm của HIV/AIDS, công tác phòng, chống tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đang được tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng dẫn của Ban quản lý dự án trung ương.  Hiện tại, công tác điều trị ARV cho người nhiễm HIV/AIDS đặt ở 02 cơ sở điều trị, 01 tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và 01 tại Bệnh viện Nhi Quảng Nam, có 349 người đang tham gia điều trị, trong đó tại bệnh viện đa khoa 335, bệnh viện Nhi Quảng Nam 14, phác đồ điều trị bậc1 là 317 người và phác đồ bậc 2 là 33 người, 90% người điều trị ARV tham gia BHYT. Dấu hiệu đáng mừng trong công tác điều trị ARV tại tỉnh ta hiện nay là chất lượng điều trị và sự tuân thủ của người nhiễm HIV ngày được cải thiện. Tỷ lệ người tham gia điều trị đạt 84,9% so với số người nhiễm HIV trên toàn tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay chưa có trường hợp nào chuyển phác đồ điều trị. Việc thanh toán thuốc ARV và các dịch vụ y tế khác qua BHYT tại bệnh viện triển khai thông suốt. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như xét nghiệm tải lượng HIV và CD4 chưa được thực hiện.

Song song công tác điều trị ARV, việc đẩy mạnh công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng được đẩy mạnh để hỗ trợ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay toàn tỉnh đang có 06 cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc, trong đó 01 đặt khoa phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 05 cơ sở cấp phát thuốc đặt tại Điện Bàn, Tiên Phước, Phước Sơn, Thăng Bình và Quế Sơn. Tổng số người đã tham gia điều trị 814, hiện đang có 432 người đang điều trị, đưa công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đạt 108% so với chỉ tiêu (Quyết định số 1008/QĐ-TTg năm 2014).

Để đảm bảo công tác phòng chống HIV/AIDS mang lại hiệu quả, trong thời gian tới cần triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo hướng dẫn của Ban quản lý dự án trung ương, ưu tiên bố trí các cán bộ chuyên môn làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục làm việc, củng cố Ban điều phối HIV/Lao, thành lập thêm cơ sở cấp phát thuốc tại huyện Núi Thành và nâng cấp Cơ sở cấp phát thuốc huyện Tiên Phước thành cơ sở điều trị Methadone. Công tác điều trị ARV cần tăng cường thu dung điều trị theo mục tiêu 90 thứ hai, triển khai thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV và CD4, triển khai tư vấn, khám, điều trị ARV và các dịch vụ y tế có liên quan đến HIV/AIDS qua BHYT. Chương trình điều trị Methadone, cần tiếp tục tăng cường thu dung điều trị, tuyên truyền giảm hại đối với bệnh nhân sử dung các chất gây nghiện khác như Metamphetamine. Đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm dựa vào cộng đồng, xét nghiệm theo dấu bạn tình, bạn chích chung. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông và thu hút bệnh nhân vào chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các các giải pháp giảm bỏ trị. Đẩy mạnh cung cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại như phát bơm kim tiêm và bao cao su cũng như tập trung chuyển đổi bảo hiểm y tế cho người điều trị HIV/AIDS. Tăng cường xét nghiệm tải lượng vi rút cho người điều trị ARV.

Trong bối cảnh HIV/AIDS mang tính toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động. Việc thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh ta không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Quảng Nam mà còn góp phần quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong cả nước, quan trọng nhất, đó là tiền đề để tiến tới thế giới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

TS. BS Trần Văn Kiệm