Thanh Hàng
Có thể nói BHYT là sự bảo đảm bền vững cho những người nhiễm HIV, bởi nếu không tham gia bảo hiểm Y tế thì người bệnh sẽ tự chi trả cho toàn bộ tiền dịch vụ HIV, cũng như thuốc ARV. Thuốc ARV là loại thuốc kháng vi rút nhằm làm giảm sự sinh sôi HIV trong cơ thể. Thuốc ARV được Việt Nam áp dụng rộng rãi năm 2004, được tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng trong điều trị HIV/AIDS từ những năm 1990 và được đánh giá là giải pháp bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS hữu hiệu nhất.
Điều trị HIV sớm có thể làm giảm 41% nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và do đó có thể làm giảm nguy cơ tử vong, giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con xuống 2%, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng. Phần lớn nguồn thu hút ARV chiếm khoảng 95% được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, các tổ chức này đã thực hiện lộ trình cắt giảm ARV và kết thúc hoàn toàn vào cuối năm 2017. Do vậy giải pháp lâu dài và bền vững cho việc điều trị ARV là thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (bao gồm cả ARV) thông qua BHYT, bất kỳ ai tham gia BHYT đều được chi trả một phần hoặc là toàn bộ chi phí khám chữa bệnh.
Từ năm 2019, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm nên chi phí thuốc ARV và xét nghiệm cho người nhiễm HIV không còn được miễn phí mà chuyển qua thanh toán thông qua Bảo hiểm y tế. Dù có những lo lắng ban đầu, song 368 người nhiễm ở Quảng Nam đang điều trị ARV tại 2 phòng khám ngoại trú đã được tiếp tục điều trị lâu dài và an toàn bằng ARV từ nguồn BHYT, bệnh nhân N.V.T chia sẻ: “ Mới đầu tôi cũng lo, lo vì phải tiết lộ danh tính, sợ mọi người biết sẽ kỳ thị xa lánh mình, rất khó khăn trong việc làm của tôi,v.v…. nhưng giờ tôi đã ổn”
Được biết, khi tham gia thẻ BHYT người bệnh không e ngại khi khai báo danh tính quê quán cũng như nghề nghiệp để có thể sử dụng BHYT một cách công khai tại các cơ sở tham vấn trong cộng đồng. Việc chi trả BHYT vừa xóa bỏ mối lo ngại lâu nay là danh tính cá nhân không được bí mật mà còn giảm lo lắng cho người nhiễm HIV về gánh nặng chi phí khi nguồn tài trợ cắt giảm
Anh Thái Văn Tấn đại diện cho người nhiễm HIV Quảng Nam cho biết “Đây là việc đánh dấu rất lớn cho cộng đồng người nhiễm HIV, bởi vì trước đây mà nghe cắt giảm là chúng tôi cảm thấy bất an nhưng bây giờ vẫn tiếp tục được điều trị bằng BHYT, chúng tôi lại có tinh thần hơn để thể tuân thủ điều trị một cách hiệu quả, lâu dài hơn. Nhờ vậy mà giảm được gánh nặng về chi phí điều trị cho gia đình,…”
Quảng Nam hiện có 368 người đang điều trị HIV, hầu hết các bệnh nhân đều được chăm sóc, điều trị miễn phí bằng nguồn viện trợ ở 2 phòng khám ngoại trú trên địa bàn. Tuy nhiên hiện chỉ có 81% người nhiễm dùng thẻ BHYT để điều trị, kiểm soát bệnh. Chính vì vậy, ngành Y tế và BHXH tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh và tăng cường công tác truyền thông đến người nhiễm HIV để họ hiểu và chủ động tham gia BHYT, tiếp tục hoàn thiện quy trình điều trị ARV bằng nguồn BHYT nhằm tiến tới đạt mục tiêu kết thúc đại dịch năm 2030 và trên hết là bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS. Do đó, vấn đề bao phủ BHYT là giải pháp hữu hiệu, quyết định sự thành công trong công tác phòng chống HIV/AIDS.

BSCKI. Đỗ Trường Lưu - Phó phụ trách, khoa Phòng chống HIV/AIDS

Thực hiện chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Sở Y tế Quảng Nam về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với bệnh nhân điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện bằng thuốc Methadone. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã chỉ đạo cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống nhằm mục đích không để nhiễm bệnh cũng như lây lan dịch, bệnh trong đối tượng bệnh nhân cũng như cộng đồng.  

- Đối với phòng khám điều trị HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và Bệnh viện Phụ sản - Nhi: đã tổ chức việc thực hiện đón tiếp, sàng lọc và khám bệnh tránh làm lây nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.  Kê đơn và cấp thuốc ARV, thuốc dự phòng lao và thuốc dự phòng nhiễm trùng cơ hội cũng được thực hiện kê đơn tối đa 90 ngày trong thời điểm dịch.

- Tại Cơ sở điều trị và các Cơ sở cấp phát thuốc Methadon Trung tâm Kiểm soát bệnh tật:

Đối với nhân viên y tế: Tuân thủ thực hành phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa dựa theo đường lây truyền, áp dụng các biện pháp dự phòng giọt bắn, dự phòng tiếp xúc, dự phòng lây truyền qua đường không khí (đeo khẩu trang, sử dụng găng tay y tế và các phương tiện hỗ trợ khác nếu cần) khi thực hiện các hoạt động chuyên môn tại cơ sở cấp phát thuốc theo đúng quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Đối với bệnh nhân: Nhân viên y tế hướng dẫn bệnh nhân đến uống thuốc hàng ngày thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào điểm uống; thực hiện giản cách 2m giữa các bệnh nhân, không để bệnh nhân tiếp xúc và nói chuyện khi đến uống thuốc tại cơ sở cấp phát thuốc. Tại khu vực cấp phát thuốc; tổ chức phân nhóm bệnh nhân đến theo nhiều thời điểm khác nhau trong ngày; để tránh tụ tập đông bệnh nhân.

Để thực hiện tốt việc này, ngay từ khi có chỉ đạo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam và các đơn vị liên quan đã tổ chức phân luồng cách ly đối tượng ngay khi vào cổng…. Tăng cường thêm đội ngũ bảo vệ, hướng dẫn; Tăng cường công tác truyền thông trực quan; Sắp xếp lại lịch khám bệnh nhân với tần suất ≥ tháng/lần; Giảm thăm khám, tư vấn, trao đổi trực tiếp; Tăng cường trao đổi thông tin với bệnh nhân qua điện thoại và các phương tiện liên lạc cá nhân khác; Không tổ chức tư vấn, sinh hoạt nhóm cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong trong thời gian có dịch COVID-19.

 

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên, hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan ngại, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nhóm nghiện chích ma túy vẫn tăng nhanh.

Tại Quảng Nam đến tháng 6 năm 2019, tổng số huyện/thị/thành phố có người nhiễm HIV là 17/18, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV là 1.039, số bệnh nhân hiện đang còn sống 413, số bệnh nhân đang tham gia điều trị ARV 349. Trong 6 tháng đầu năm 2019 phát hiện mới 14 trường hợp nhiễm HIV, 01 trường hợp tử vong do AIDS. Trong số 14 trường hợp nhiễm mới đa phần do tiêm chích ma tuý; còn lại do lây truyền qua đường tình dục và nhóm MSM; không có trường hợp nào lây truyền từ mẹ sang con. So sánh cùng kỳ năm 2018, giảm 02 trường hợp nhiễm mới và giảm 02 trường hợp tử vong do HIV/AIDS (6 tháng 2018 số nhiễm mới/tử vong HIV/AIDS là16/3).

Tuy nhiên, HIV/AIDS ở tỉnh ta đã có dấu hiệu chững lại nhưng chưa thật sự bền vững, số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm có giảm nhưng không nhiều. Virus HIV vẫn tiếp tục lây lan với sự thay đổi đáng lưu ý như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm ở đối tượng vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai, công nhân,…Vì vậy HIV/AIDS hiện nay vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ nguy hiểm, trong khi độ bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao…

Virus HIV có thể lây truyền ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình nhiễm bệnh và nó sẽ phá hủy dần hệ thống miễn dịch của cơ thể. Do vậy, việc phòng chống lây nhiễm HIV và điều trị sớm là rất quan trọng. Ở mỗi giai đoạn HIV lại có những biểu hiện bệnh khác nhau, chúng ta cần tìm hiểu để có phương pháp điều trị kịp thời.