Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh (SLTS&SLSS) để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Trước đây, một số người dân thực sự vẫn chưa hiểu rõ một cách cặn kẽ về SLTS&SLSS, để triển khai có hiệu quả người truyền thông phải đưa ra những khái niệm cơ bản để người dân hiểu như: SLTS&SLSS là gì? Đặc biệt, tư vấn làm sao để mọi người dân hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của việc SLTS&SLSS. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe về tầm quan trọng và lợi ích của chương trình SLTS&SLSS, tư vấn và theo dõi các trường hợp có nguy cơ cao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi truyền thông, tư vấn, nói chuyện chuyên đề....; phối hợp với các đơn vị chuyên môn xây dựng, nhân bản và cung cấp các sản phẩm truyền thông về nội dung SLTS&SLSS. Điều quan trọng nhất là các sản phụ cần có kiến thức tốt về thai nghén và thái độ đúng đắn trong sàng lọc. Đặc biệt, cần nâng cao kiến thức và thái độ của người dân, cộng đồng về việc khám sức khỏe của mình và trách nhiệm với cả những đứa trẻ sẽ được sinh ra. Tăng cường, nâng cao hiệu quả việc sản xuất các sản phẩm truyền thông để phục vụ truyền thông và cung cấp cho các nhóm đối tượng; chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp với các nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận ở các vùng khó khăn; chú trọng phát triển số lượng và chất lượng các sản phẩm truyền thông; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông. Cung cấp trang bị, dụng cụ, phương tiện truyền thông cho tuyến huyện và xã.

Bác sĩ CKII Phan Đình Nhân – Chi cục trưởng, Phụ trách Chi cục DS – KHHGĐ cho biết: “Một số bệnh nếu được phát hiện và điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh có thể giúp cho trẻ phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất, trí tuệ. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thực hiện xét nghiệm để phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) cho cộng đồng cũng là vấn đề chúng ta cần quan tâm”. Cũng theo bác sĩ Nhân, “Việc SLTS sẽ giúp các cặp vợ chồng biết chính xác 80-90% thai nhi của mình khỏe mạnh hay có vấn đề gì bất thường. Bên cạnh đó, việc SLSS bằng phương pháp lấy máu gót chân trẻ trong vòng 48 giờ sau sinh có thể tầm soát được bệnh suy giáp trạng bẩm sinh (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến trẻ bị đần độn, chân tay không phát triển, thường tử vong trước tuổi trưởng thành), bệnh tăng sản tuyến thượng thận (một kiểu thiếu hụt enzyme gây sản xuất hormone nam bất thường, khiến trẻ có bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ) và bệnh thiếu men G6PD (bệnh huyết tán bẩm sinh do hồng cầu bị vỡ gây ra vàng da, thiếu máu). Nhân hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới (08/5/2020), với thông điệp: “Cha mẹ hãy thực hiện tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai giống nòi”, mong rằng mọi người hãy cùng chúng tôi thực hiện tốt thông điệp trên và cũng là để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi”.

Để công tác truyền thông về SLTS&SLSS trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, cần phải tập trung làm tốt một số nội dung như: Tổ chức truyền thông, tư vấn nhóm, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các Ban, ngành đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ để tuyên truyền cho hội viên, đồng thời tạo điều kiện cho cán bộ y tế cơ sở tham gia các lớp tập huấn thực hành lấy máu gót chân.

Rà soát, quản lý đối tượng phụ nữ mang thai có nguy cơ bị dị tật, các trẻ sơ sinh được chẩn đoán và xác định mắc một số bệnh di truyền, chuyển hóa bẩm sinh để can thiệp kịp thời, góp phần cho ra đời những em bé khỏe mạnh, không dị tật. Chỉ đạo mạng lưới chuyên trách, cộng tác viên dân số cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại hộ gia đình cho các bà mẹ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về mục đích, ý nghĩa, quy trình cũng như những tác dụng của việc sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh…

Thu Trang