Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh, ngày 19/02/2021 vừa qua, đơn vị này đã ghi nhận 03 trường hợp ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng: mệt, khó thở, ngứa toàn thân, nặng mi mắt, buồn nôn, nôn mửa do ăn Khoai Tây dây leo, loại khoai này đã được xác định là dương tính với chất Dioscorine - là chất độc thần kinh nhóm Alkaloid!

 “Khoai Tây dây leo” hay còn gọi là “Khoai Tây không khí” hoặc “Khoai Năm rừng” là một thành viên của gia đình khoai mỡ có nguồn gốc ở Châu Á và Châu Phi cận sa mạc Sahara. Giống khoai này giống như một loài khoai dại. Nhìn bề ngoài, chúng có hình dáng khá giống với khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy lớp vỏ bên ngoài của giống khoai này khá cứng, có thể lột ra được, sau đó đến lớp da có màu xanh và gọt lớp màu xanh đó thì có thể sử dụng được. Ở Việt Nam, giống khoai này xuất hiện nhiều nhánh ở bìa rừng các vùng đất bazan. Để nhận biết loại khoai này rất dễ, với lớp vỏ bên ngoài củ khoai có thể bóc ra. và bên trong lớp vỏ xanh có nhớt. Khoai tây dây leo có củ to đến 2kg, 3kg thậm chí 4kg. Khoai tây dây leo có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, chúng thường xuyên xuất hiện ở đất rừng, là giống cây thân leo cao và tán cây nhanh chóng trưởng thành. Một cây cho rất nhiều củ, chúng có thể phát triển nhanh chóng. Các cây mới có thể nảy mầm từ những củ rất nhỏ hay thậm chí là những củ đặt sát mặt đất. Khoai tây dây leo hiếm khi ra hoa, các củ mọc dọc theo thân leo và thường ra quả vào mùa thu và mùa đông. Loại khoai tây này có thể phát triển rất nhanh chóng, khoảng trên 20cm mỗi ngày. Mỗi cây có thể leo chiều dài tối đa tới 30 mét.

Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị Y tế địa phương tăng cường các biện pháp để phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra./.

Đinh Văn Thái 

Trung tâm Y tế huyện Nông Sơn