Mặc dù nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ, đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó hiệu quả của hệ thống y tế đối với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nhưng nếu không có sự vào cuộc của toàn xã hội thì những nỗ lực của họ chẳng thấm vào đâu so với bản chất lây nhiễm của bệnh dịch cũng như gánh nặng tinh thần của việc tiếp xúc kéo dài với đau khổ và những cái chết không mong muốn. Chúng ta đã biết trong nhiều thế kỷ qua, việc đối mặt với các bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng tâm lý đáng kể đối với nhân viên y tế. Ví dụ, thế kỷ thứ XIV chứng kiến các nước châu Âu mất mát bác sĩ trong Cái chết đen (Black Death) không chỉ vì bác sĩ không chống chọi nổi với bệnh dịch hạch mà còn vì họ quá sợ hãi khi tiếp xúc với những bệnh nhân bị nhiễm bệnh này.
Dù đã có nhiều nghiên cứu về tác động tâm lý của việc lây lan các loại virus gây bệnh dịch, như COVID-19 chẳng hạn, nhưng phần lớn dữ liệu đều liên quan đến phản ứng của công chúng mà không tập trung vào những trải nghiệm của các bác sĩ và nhân viên y tế khác đang trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Khi thời gian chống chọi với đại dịch COVID-19 ngày càng dài ra và chưa biết khi nào đến hồi kết, vấn đề quan trọng là phải xem xét những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với bác sĩ và nhân viên y tế liên quan cũng như là hệ lụy của những hậu quả này.
Dữ liệu thu thập về vấn đề này từ các đại dịch trước đây và các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng khác có thể cung cấp một lăng kính nhỏ mà qua đó chúng ta có thể thu thập thông tin về thực tế tác động tâm lý của COVID-19 và trang bị những công cụ cần thiết để giảm nhẹ gánh nặng cho các bác sĩ, và hơn cả, cho toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Các đợt bùng phát dịch làm tăng các triệu chứng lo lắng và trầm cảm ở nhân viên y tế
Một số hiện tượng tâm lý được quan sát thấy ở các bác sĩ đối phó với đại dịch. Hầu hết các dữ liệu tâm lý cho thấy sự xuất hiện của các triệu chứng liên quan đến lo lắng và trầm cảm. Ví dụ, nhân viên phục vụ chống COVID-19 cảm thấy có lỗi do thường xuyên chứng kiến cảnh bệnh nhân chết một mình, và họ cũng phải thông báo tin tức cho những người thân yêu qua công nghệ chứ không thể gặp trực tiếp. Cảm giác có lỗi này có thể chuyển ngay lập tức hoặc cuối cùng thành lo lắng hoặc trầm cảm lâm sàng, điều này phù hợp với những phát hiện từ các đợt bùng phát trước đây.
Lo lắng: Một số nghiên cứu về phản ứng của nhân viên y tế đối với các đợt bùng phát dịch bệnh đã chỉ ra nguy cơ gia tăng sự lo lắng. Trong quá khứ, nhân viên y tế ở tuyến đầu của đợt bùng phát "hội chứng hô hấp cấp nặng"(SARS) đã phải chịu đựng các triệu chứng của sự lo lắng và báo cáo về cảm giác cực kỳ dễ bị tổn thương. Các triệu chứng của họ thậm chí bao gồm những thay đổi về nhận thức. Tương tự, một nghiên cứu ở Hy Lạp trong đợt cúm lợn năm 2009 (H1N1) đã chứng minh rằng, hơn một nửa số nhân viên y tế tại một bệnh viện cấp ba cho biết sự lo lắng của họ ở mức độ cao vừa phải. Một nghiên cứu cho thấy 30% bác sĩ và 42% điều dưỡng sợ cúm gia cầm (H5N1).
Dữ liệu thu thập được trong năm nay về ảnh hưởng của COVID-19 đối với nhân viên y tế Trung Quốc cho thấy họ có nhiều khả năng mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn so với những nhân viên không chuyên về y tế cũng cùng làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Trầm cảm: Mặc dù đợt bùng phát dịch SARS có liên quan đến sự lo lắng của nhân viên y tế chỉ trong thời gian ngắn, nhưng phần lớn sự lo lắng đó cuối cùng đã chuyển thành trầm cảm. Nhân viên chăm sóc bệnh nhân trong đợt bùng phát dịch Ebola cũng đã trải qua cả lo lắng và trầm cảm, và họ đã mô tả cụ thể đó là sự cô đơn, sợ hãi và buồn bã, cũng như cảm giác bị bỏ quên, không được tôn trọng và không được yêu thương. Họ cảm thấy mất kết nối với xã hội và bị tác động tiêu cực bởi sự xói mòn lòng tin trong cộng đồng của họ.
Nghiên cứu cho đến nay về tác động tâm lý của COVID-19 đã cho thấy các dấu hiệu trầm cảm xuất hiện ở nhân viên y tế Trung Quốc. Các triệu chứng trầm cảm này thường đi kèm với mất ngủ và một số dấu hiệu lo lắng.
Các đợt bùng phát dịch làm tăng khả năng nhân viên y tế sẽ từ bỏ công việc của họ.
Mặc dù không rõ liệu đó có phải là do bệnh tật, nỗ lực tự bảo vệ hay lý do nào khác, nhưng một nghiên cứu về mức độ sẵn sàng làm việc của nhân viên y tế trong thời gian bùng phát dịch cúm gia cầm cho thấy có gần 1/4 nhân viên vắng mặt.
Dữ liệu không chỉ cho thấy bác sĩ và nhân viên y tế khác ít có mong muốn làm việc trong thời gian bùng phát dịch mà còn cho thấy, thực ra những người lao động khác cũng có dự liệu trước về hành vi này. Các nghiên cứu về ý định làm việc trong bối cảnh tương lai của đại dịch đã được thực hiện ở một số quốc gia, và cho thấy có từ 20% - 30% nhân viên y tế tỏ ra do dự về việc làm trong thời kỳ đại dịch bất kể vị trí công việc hay văn hóa.
Sau khi dịch SARS bùng phát, nghiên cứu về thái độ của bác sĩ, điều dưỡng, sinh viên y khoa và các quan chức bệnh viện ở Đức cho thấy, 28% trong số họ tin rằng việc nhân viên y tế từ bỏ công việc trong trường hợp có đại dịch trong tương lai là có thể chấp nhận được để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, gần 50% nhân viên y tế công cộng trong một nghiên cứu ở Maryland nói rằng họ khó có thể đi làm việc trong trường hợp có một đại dịch cúm khác.
Có thể làm gì để giảm nguy cơ tâm lý cho nhân viên y tế?
Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, nhân viên y tế có công việc liên quan đến y tế cộng đồng, cấp cứu, chăm sóc ban đầu và chăm sóc tích cực có nguy cơ đặc biệt cao xuất hiện các triệu chứng tâm lý liên quan đến đại dịch COVID-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chính thức thừa nhận nguy cơ này đối với nhân viên y tế, do đó, cần phải làm nhiều hơn nữa để xử lý sự lo lắng và căng thẳng (stress) ở nhóm dân số đặc biệt này, và về lâu dài, giúp ngăn ngừa kiệt sức, trầm cảm và rối loạn sau tổn thương do căng thẳng.
Dữ liệu về đại dịch cũng đã chỉ ra các yếu tố cụ thể làm tăng khả năng hủy hoại sức khỏe tâm thần ở những người lao động này. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần của bác sĩ có thể được bảo vệ bằng cách giúp họ cảm thấy an toàn cả về thể chất và tâm lý trong suốt đại dịch.
Có một số công việc có thể và cần được thực hiện ngay để giảm thiểu các tác động tâm lý và tâm thần của đại dịch COVID-19:
Thứ nhất, mặc dù có vẻ hợp lý khi triển khai các chuyên gia sức khỏe tâm thần tới làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khác, nhưng điều này nên tránh. Một động thái như vậy gần như chắc chắn sẽ làm kết quả tổng thể xấu đi và đặt những người yếu tâm lý vào nguy cơ suy giảm sức khỏe thể chất và tinh thần không tương xứng. Nếu có thể làm gì đó, nhóm người này cần được chăm sóc nâng cao vào lúc này.
Thứ hai, khuyến cáo cung cấp các can thiệp tâm lý cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, hỗ trợ cụ thể cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh tâm lý, nâng cao sự nhận biết và chẩn đoán các rối loạn tâm lý (đặc biệt tại các cơ sở chăm sóc ban đầu và khoa cấp cứu) và cải thiện khả năng tiếp cận các biện pháp can thiệp tâm lý (đặc biệt là những biện pháp được cung cấp trực tuyến và thông qua điện thoại thông minh). Những biện pháp này có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa bệnh tâm thần trong tương lai.
Và cuối cùng, cần đặc biệt tập trung vào các nhân viên tuyến đầu, nhưng không chỉ giới hạn ở nhân viên y tế. Tại Hoa Kỳ, Trung tâm kiểm soát và dự phòng bệnh tật (CDC) đã đưa ra lời khuyên có giá trị cho nhân viên y tế để giảm các phản ứng tổn thương thứ phát do căng thẳng, bao gồm nâng cao nhận thức về các triệu chứng, tạm nghỉ đi làm, tự chăm sóc bản thân, tạm ngưng hành vi đưa nhắn tin qua mạng viễn thông và yêu cầu giúp đỡ. Lời khuyên này cần phải được củng cố bằng nhận thức của người sử dụng lao động, tăng cường hỗ trợ đồng nghiệp và hỗ trợ thiết thực cho nhân viên y tế đang bị kiệt sức, căng thẳng và cảm thấy trách nhiệm cá nhân quá mức đối với các kết cục lâm sàng trong đại dịch có vẻ như là tệ nhất trong thời đại của chúng ta.
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng:
Nghiên cứu về ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của COVID-19 đối với nhân viên y tế đã chỉ ra rằng, họ cảm thấy bất lực trong việc tiếp cận PPE đủ để tự bảo vệ mình. Do sự an toàn của chính họ phụ thuộc vào mức độ phát triển và việc triển khai các biện pháp an toàn của các bệnh viện, các nhà quản lý y tế có thể giúp bác sĩ không chỉ cảm thấy an toàn về thể chất thông qua việc tiếp cận với thiết bị và các quy trình cập nhật mà còn được chăm sóc và hỗ trợ từ các đồng nghiệp của họ.
Hỗ trợ tâm lý:
Mặc dù bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về các khía cạnh lâm sàng trong công việc của họ, nhưng họ lại ít được hỗ trợ hơn trong việc học cách đối phó với căng thẳng cảm xúc. Trong trường hợp đại dịch như COVID-19, các bác sĩ thường phải vật lộn với những áp lực dường như không thể hóa giải được và buộc phải đưa ra những lựa chọn không lường trước được.
Mặc dù tất cả chúng ta đều phải gánh chịu những hậu quả tâm lý của sự giãn cách xã hội trong một đại dịch, nhưng đối với các bác sĩ, căng thẳng tâm lý này còn tăng hơn nữa do tổn thương liên quan đến công việc. Tuy nhiên, họ có thể được hưởng lợi từ sự hỗ trợ tâm lý thông qua công việc hoặc thông qua sự hỗ trợ của các nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần được đào tạo chuyên nghiệp.
Vấn đề cốt lõi:
Chi tiết về sức khỏe tâm thần của những người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 vẫn chưa được báo cáo, và các dữ liệu quan trọng có thể sẽ được thấy trong tương lai. Tuy nhiên, việc bảo vệ sức khỏe tinh thần của nhân viên y tế là điều quan trọng không chỉ để giảm bớt những gánh nặng tâm lý mà họ phải đối mặt mà còn bởi vì căng thẳng tâm lý đe dọa làm giảm sự sẵn sàng hoặc khả năng tiếp tục vai trò quan trọng của họ trên tuyến đầu.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất, ngoài việc tăng cường tinh thần sẵn sàng cho bác sĩ và các nhân viên y tế khác, các nhà quản lý cũng cần các công cụ tâm lý và có lẽ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tập trung vào tác động tâm lý của các mối đe dọa sinh học để giúp họ đối phó với căng thẳng và lo lắng khi đối mặt với đại dịch.
Hy vọng với việc giảm thiểu những tác động tâm lý có hại đối với bác sĩ, chúng ta sẽ bảo vệ hiệu quả những người lao động quan trọng này và tính toàn vẹn của hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Bs. Trần Lâm