"Trúc của mình" là cái tên thân thương mà dân bản gọi y sĩ Nguyễn Văn Trúc sau 14 năm anh thầm lặng mang đến sự đổi thay lớn lao cho y tế vùng cao Quảng Nam.
Từ bị xua đuổi
Tốt nghiệp y sĩ Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam năm 2011, Nguyễn Văn Trúc tình nguyện đến nhận công tác tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, Quảng Nam.
Ngày ấy, Phước Thành là một “xã trắng về y tế”, với hơn 2.500 nhân khẩu (95% là đồng bào dân tộc thiểu số), bệnh tật hoành hành và điều kiện y tế vô cùng thiếu thốn. Nhiều người dân vẫn tin vào thầy cúng, thầy mo hơn là đến trạm y tế chữa bệnh.
Anh Trúc kể, ngày mới về nhận công tác, trạm y tế chỉ là một căn nhà nhỏ mái tôn, vách gỗ ọp ẹp, trang thiết bị y tế sơ sài. Mỗi tháng, anh phải cuốc bộ gần 60km đường rừng về Trung tâm Y tế huyện để lĩnh thuốc, rồi tự mình “cõng” thuốc trở về trạm để phục vụ bà con.
Năm 2020, trận bão lũ kinh hoàng quét qua xã Phước Thành, cuốn trôi ngôi nhà nhỏ mà hai vợ chồng anh chắt chiu xây dựng. Trạm y tế thì bị sạt lở, những nhà dân xung quanh trạm bị cuốn trôi… Đường đi từ xã đến thôn bản bị chia cắt có khi cũng cả tuần mới về được.

Anh Nguyễn Văn Trúc có 14 năm gắn bó với y tế vùng cao Quảng Nam, trong đó 11 năm làm Trưởng trạm Y tế xã Phước Thành
Gian khổ, thiếu thốn, nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ, bởi anh hiểu rằng, nếu mình rời đi, người dân sẽ không còn ai chăm sóc.
Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành - cho biết, cách đây hơn 10 năm, Trạm y tế xã được làm bằng gỗ chỉ có 2 gian, thiếu cán bộ, thiếu trang thiết bị, thuốc men. Nên mỗi khi có bệnh xảy ra, thì dễ bùng phát thành dịch, nhất là dịch dễ lây lan như: Sốt rét, bạch hầu.
“Ban đầu, khi y sĩ Trúc đến thăm bệnh, không ít lần bị dân bản từ chối, thậm chí bị xua đuổi. Nhưng với lòng kiên trì, sự tận tâm và cả những lần mạo hiểm mạng sống để cứu chữa bệnh nhân, anh dần dần chiếm được lòng tin của người dân.
Cùng với người vợ - cũng là đồng nghiệp tại trạm y tế, họ ngày ngày bám bản, bám làng, đi từng nhà vận động người dân khám bệnh, tiêm chủng, phòng chống dịch” - ông Phức nói.
Đến người con của bản
Không chỉ chữa bệnh, y sĩ Trúc còn là người tiên phong tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con về y tế, giúp bà con dần bước qua lời nguyền của thần linh, vượt qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.
Nếu trước đây, phụ nữ trong bản ngại đến trạm y tế khi mang thai, thì nay họ đã chủ động khám thai định kỳ, sinh con tại trạm với sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Trẻ em từng bị bỏ quên tiêm chủng, nay các bậc cha mẹ đã tự giác đưa con đi tiêm phòng đầy đủ.
“Những thay đổi ấy không chỉ là thành quả của một người mà là cả quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của tôi và đồng nghiệp” - anh Trúc chia sẻ.
“Y sĩ Trúc là người con ưu tú của bản làng. Ngày mới về, anh còn bị xa lánh, nhưng giờ đây, bà con đều tin yêu, trông cậy vào anh. Anh không chỉ là thầy thuốc mà còn là người anh, người con trong gia đình của chúng tôi” - già làng Hồ Văn Xuyên xúc động chia sẻ.

Trưởng trạm y tế xã Phước Thành - anh Nguyễn Văn Trúc (thứ 3, từ trái sang) - nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Bác sĩ Nguyễn Hữu Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn - cho hay, nhiều lần muốn cử y sĩ Trúc đi học nâng cao hoặc chuyển về công tác tại huyện để bớt khó khăn nhưng chính quyền địa phương và bà con yêu mến, tha thiết giữ anh lại. Chính anh cũng mong muốn được gắn bó lâu dài với mảnh đất này, bởi với anh, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai.