Bộ Y tế rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các đối tác phát triển. Những hỗ trợ và hợp tác của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam vô cùng quý báu, giúp Việt Nam tăng cường năng lực về chuyên môn kĩ thuật, nguồn lực, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp với các vấn đề về y tế công cộng.
Đây là nhấn mạnh của Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế đầu năm 2024.
Dự cuộc họp về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Lê Đức Luận cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/ đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Về phía các đối tác quốc tế có sự hiện diện của bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam; bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam; ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế khác đang đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam; Các Ngài Đại sứ Cu Ba, Thụy Sĩ, Singapore; các Ngài Phó Đại sứ Lào, Nhật Bản, Ấn Độ cùng đại diện Đại sứ quán của nhiều nước tham dự cuộc họp.
Nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Phát biểu tại sự kiện, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan trân trọng cám ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác phát triển, các cơ quan, các bộ, ban ngành dành cho ngành y tế trong năm qua cũng như những sáng kiến, hỗ trợ và hợp tác trong thời gian tới; đồng thời mong muốn quan hệ hợp tác đối tác ngày càng phát triển sâu rộng và bền chặt hơn nữa.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lời cảm ơn sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của Tổ chức Y tế thế giới, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho việc duy trì và phát triển các hoạt động của diễn đàn Nhóm đối tác y tế.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Nhìn lại năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, sự phối hợp của các bộ, ngành và đặc biệt sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, ngành y tế đã đạt được những kết quả tích cực.
Toàn ngành đã hoàn thành 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao; Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế và địa phương.
Đại dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19. Các dịch vụ y tế về chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ.
Kỹ thuật y học tiên tiến được chuyển giao xuống tuyến dưới. Công tác khám, chữa bệnh từ xa, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ngày càng được đẩy mạnh ở các tuyến, cơ sở y tế; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển y tế cơ sở. Tập trung cho công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế…
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho hay, năm 2023, Bộ Y tế đã tham mưu trình Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật theo thẩm quyền trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, trình ban Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 25 về y tế cơ sở, khẳng định quan tâm và ưu tiên của Việt Nam trong tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới.
Các công tác về y tế dự phòng, khám chữa bệnh tiếp tục được hoàn thiện và triển khai trên cơ sở khung pháp lý dần hoàn thiện hơn. Chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng đặc thù được tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ và mức độ bao phủ. Các vấn đề về năng lực hệ thống y tế như nguồn nhân lực, tài chính, thuốc, vaccine, vật tư và trang thiết bị y tế đã được phần nào tháo gỡ khó khăn và tiếp tục đổi mới hoàn thiện về chính sách.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng cho hay, bên cạnh kết quả đạt được, ngành y tế vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng; mô hình bệnh tật kép, già hóa dân số nhanh, biến đổi khí hậu…
Tiếp tục tập trung xây dựng, ban hành các thể chế chính sách về y tế
Thông tin với các đối tác phát triển, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, trên cơ sở các kết quả đạt được trong năm 2023, sang năm 2024, ngành y tế sẽ tiếp tục kiên trì với mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên Bộ Y tế trú trọng, tập trung chỉ đạo, điều hành là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách với 2 văn bản luật quan trọng là Luật Dược sửa đổi và Luật BHYT sửa đổi, cùng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật khám chữa bệnh. Cùng đó, tiếp tục xây dựng Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh và Luật Dinh dưỡng...
Thứ hai, nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng; bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm;
Thứ ba, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân;
Thứ tư, triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành Y tế. "Hiện chúng tôi vẫn gặp khó khăn khi kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động của ngành, do đó mong các đối tác tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Bộ Y tế về nội dung này"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Thứ 5, phát triển nguồn nhân lực y tế;
Thứ sáu, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nghiên cứu sản xuất vắc xin, thuốc chữa bệnh và trang thiết bị y tế. Tăng cường công tác quản lý dược, thực phẩm, trang thiết bị y tế. Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, kiểm định thuốc, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế;
Thứ bảy, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới;
Thứ tám, tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác về y tế.
"Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với năng lực của ngành y tế và nguồn lực do Chính phủ phân bổ, ngành y tế rất cần sự đồng hành và hỗ trợ của các đối tác phát triển. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược với nhiều quốc gia trên thế giới và là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc. Tôi hy vọng hợp tác về y tế tiếp tục là một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác chiến lược song phương và đa phương của quốc gia"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Tại cuộc họp đại diện các đối tác phát triển bày tỏ đánh giá cao tinh thần khẩn trương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế về các hoạt động của ngành y tế năm qua. Đồng thời các đối tác đánh giá cao những kết quả ngành y tế Việt Nam đạt được năm 2023 cũng như các nhiệm vụ cụ thể của năm 2024.
Trên cơ sở những quan tâm mà ngành y tế tập trung triển khai thời gian tới, các nhóm đối tác đều bày tỏ cam kết tiếp tục đồng hành cùng ngành y tế và cũng đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất cho ngành.
Khoa TT - GDSK
Theo Suckhoedoisong.vn