SKĐS - Đội ngũ bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ làm công tác dự phòng đối với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng. Vì vậy, việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng ngày càng phải nâng cao để đáp ứng tình hình mới
Những năm qua, lĩnh vực y tế dự phòng đã có nhiều kết quả đáng mừng. Việt Nam đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, như: dịch SARS năm 2003, dịch Cúm A/H5N1, H1N1 năm 2009... và đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Ngoài ra, ngành y tế dự phòng cũng đã thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt; giảm mắc hàng trăm đến hàng nghìn lần các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin; duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt >90%...

y te du phon 17024737902751169699439

Tại Hội thảo về công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực bác sĩ y học dự phòng do Bộ Y tế tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y Tế đã phát biểu rằng, công tác đào tạo, sử dụng nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ y học dự phòng vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như chưa xác định rõ vai trò, vị trí việc làm; chế độ chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ còn thấp so với lĩnh vực khám, chữa bệnh; điều kiện làm việc còn khó khăn... Vì vậy làm cho số sinh viên học bác sĩ y học dự phòng và chọn làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng có xu hướng giảm.

Có được thành tích lớn lao trong công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và các lĩnh vực dự phòng bệnh nói chung, chúng ta không thể quên công tác đào tạo nhân lực khối y tế dự phòng. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ trung ương đến tuyến huyện đáp ứng khoảng 42% nhu cầu nhân lực cần có.
Hàng năm có một số lượng lớn nhân lực y tế dự phòng được đào tạo, tốt nghiệp, tuy nhiên số lượng nhân lực cán bộ làm trong lĩnh vực này chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực ở cả trung ương và địa phương do một số bác sĩ sau khi tốt nghiệp làm trái ngành nghề đào tạo, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế làm trong lĩnh vực dự phòng còn chưa thỏa đáng với khối lượng và tính chất công việc…

Nguồn nhân lực y tế dự phòng vừa thiếu vừa yếu, nhiều bác sĩ hệ y tế dự phòng từ hệ điều trị chuyển sang, thiếu những người được đào tạo chính quy. Chương trình đào tạo chưa có sự thống nhất, chậm đổi mới. Cơ sở vật chất trang thiết bị cho đào tạo còn thiếu và lạc hậu…

Theo quy định của Chính phủ, hiện không còn bằng bác sĩ y học dự phòng. Dù đào tạo 6 năm lại chưa được quy định văn bằng bác sĩ y học dự phòng trong Nghị định 99/2019/NĐ-CP (tại Điều 15 Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù chỉ có bằng: bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học học cổ truyền, bằng dược sĩ). Việc không còn quy định bằng bác sĩ y học dự phòng dẫn đến nguy cơ các sinh viên đang theo học ngành bác sĩ y học dự phòng tại các cơ sở đào tạo từ năm 2020 đến nay sẽ có thể không được cấp bằng sau khi tốt nghiệp.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, trong bối cảnh tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng, tình trạng già hóa dân số, Việt Nam cần xây dựng nguồn nhân lực y tế dự phòng phù hợp với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao. Điều này đòi hỏi đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nước ta cần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đào tạo y tế dự phòng bằng cách thu hút người học, vạch rõ lộ trình phát triển nghề nghiệp, cơ hội việc làm sau khi đào tạo xong. Từ đó người học sẽ yên tâm học và phát triển nghề nghiệp. Cùng với đó có chế độ đãi ngộ, nguồn đầu tư thỏa đáng vào nhân lực y tế dự phòng.

 Báo Sức khỏe và Đời sống

SKĐS - Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 129/NQ-CP liên quan đến BHYT.

kcb bhyt 1688149086140498161512

Theo Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT...

Ngày 21/9/2023, Bộ Y tế đã có Công văn số 6037/BYT- KHTC về việc triển khai Nghị quyết số 129/NQ-CP của Chính phủ. Để làm rõ thêm việc áp dụng liên quan đến BHYT, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc thanh quyết toán đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch COVID-19 khi sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, cụ thể:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định của pháp luật về BHYT. Giá thanh toán thuốc, vật tư, sinh phẩm, thời điểm áp dụng giá thanh toán được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 6037/BYT-KHTC của Bộ Y tế.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp chi phí tiền thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT vào bảng tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hằng tháng; tổng hợp báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hàng quý, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán, quyết toán theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật BHYT.

Số tiền thu được do quỹ BHYT chỉ trả và số tiền cùng chỉ trả của người bệnh có thẻ BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh toán, quyết toán và nộp ngân sách nhà nước số tiền thu được theo đúng quy định; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Nghị quyết 129 của Chính phủ cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.

Nghị quyết giao Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát lại số lượng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua nhưng chưa sử dụng hết từ nguồn ngân sách nhà nước để ưu tiên phục vụ công tác chống dịch, dự phòng chống dịch và điều chuyển sử dụng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng, chống dịch COVID19, hạn chế tối đa lãng phí; Hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh, quyết toán theo quy định và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được.

Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện liên quan đến giá, thanh quyết toán, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện Nghị quyết này.

Nguồn Báo Sức khỏe và Đời sống

Ngày 13/9/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam ban hành Quyết định số 198/QĐ-KSBT về việc thành lập Hội đồng thẩm định Chương trình và Tài liệu đào tạo liên tục về phòng chống dịch và an toàn sinh học trong lấy mẫu, đóng gói vận chuyển mẫu thuộc Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Chi tiết nhấn vào link bên dưới để xem:

Viêm gan vi-rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến chết người do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.Viêm gan vi-rút đã trở thành “kẻ giết người thầm lặng”, khi số người chết do căn bệnh này đã vượt qua tổng số người chết vì lao, sốt rét cộng lại và nhiều hơn cả HIV/AIDS (WHO).

Với nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh viêm gan vi rút nói riêng nhằm mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút, tiến tới loại trừ viêm gan vi rút, không còn là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam đã triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút theo Kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế đạt được những kết quả khả quan.

Công tác chỉ đạo, điều hành

Để triển khai các hoạt động ngay trong giai đoạn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã ban hành công văn chỉ đạo về việc tập trung, chủ động giám sát các trường hợp viêm gan vi rút cấp tính chưa rõ nguyên nhân cũng như song song với việc triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm hằng năm. Theo đó, Công tác giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT cũng được đẩy mạnh. Trung tâm đã chỉ đạo và hỗ trợ các trung tâm y tế huyện/ thị xã/ thành phố triển khai các hoạt động giám sát và phòng chống viêm gan vi rút theo quy định; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và xác minh ca bệnh thông qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm hoặc báo cáo bằng văn bản theo qui định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về việc hướng dẫn chế độ thông tin và báo cáo bệnh truyền nhiễm để đề xuất các biện pháp phòng, chống phù hợp. Kết quả ghi nhận trên hệ thống quản lý và giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy trong 2 năm 2021, 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 không ghi nhận số ca mắc viêm gan vi rút A. Tuy nhiên, số ca mắc viêm gan B cao trong năm 2022 và giảm trong 7 tháng đầu năm 2023 (12 và 2 ca). Số ca mắc viêm gan vi rút khác giảm qua các năm từ 2021đến 2023 (lần lượt 157, 109 và 83 ca). Điều đáng mừng là không ghi nhận số ca tử vong do viêm gan vi rút.

VIEM GAN B

 Công tác tiêm chủng

Đẩy mạnh tiêm vắc xin Viêm gan B được duy trì là một biên pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Hằng năm Trung tâm đã chỉ đạo rà soát các đối tượng tiêm chủng, tổ chức triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ, đặc biệt là khu vực miền núi. Kết quả tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và vắc xin 5in1 chứa thành phần viêm gan B đạt tỷ lệ cao qua các năm, Năm 2021 tỷ lệ tiêm Viêm gan B sơ sinh đạt 99%, tiêm DPT-VGB-Hib đạt 94,4%; năm 2022 mặc dù ảnh hưởng tình hình chung về tình hình tiêm chủng sau dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ tiêm Viêm gan B sơ sinh cũng đạt 71,8%, tiêm DPT-VGB-Hib đạt 80%%, 07 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ tiêm khả quan, Viêm gan B sơ sinh 51,3%, DPT-VGB-Hib đạt 32,5%. Công tác dự trù và cấp phát vắc xin hàng tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu vắc xin Viêm gan B sơ sinh; thực hiện các hoạt động giám sát tiêm chủng các vắc xin trong chương trình TCMR; Thực hiện giám sát các hoạt động tiêm chủng mở rộng thường xuyên tại các buổi tiêm chủng trạm y tế xã/ phường/ thị trấn; Tổ chức hội thảo, tập huấn triển khai hoạt động tiêm chủng trường học cho cán bộ y tế và giáo dục.

Công tác truyền thông phòng chống bệnh viêm gan vi rút

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh viêm gan vi rút, trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: Với các nội dung về nhận biết, phòng bệnh và điều trị viêm gan vi rút. Để chuyển tải nội dung đến đại đa số người dân, trung tâm đã xây dựng những nội dung hướng dẫn, hỏi đáp, tin/bài để phát trên truyền hình, phát thanh, đồng thời tuyên truyền trên wedsite, fan page; đẩy mạnh truyền thông trực quan bằng băng rôn tại các tuyến đường chính để tuyên truyền nhân Ngày thế giới phòng chống viêm gan vi rút; tăng cường truyền thông trực tiếp lồng ghép tại các trường học và cộng đồng; xây dựng đĩa hình, đĩa tiếng về các biện pháp phòng, chống viêm gan vi rút để tuyên truyền và cung cấp cho các tuyến tuyên truyền.

Công tác phòng, chống viêm gan vi rút lây truyền từ mẹ sang con

Đây là một hoạt đông cùng được trung tâm đẩy mạnh, trung tâm đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn về phòng chống bệnh viêm gan vi rút theo lĩnh vực được phân công; triển khai các gói đẻ sạch, làm mẹ an toàn tới các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; Tổ chức triển khai lồng ghép nội dung tư vấn về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan vi rút, lợi ích của việc tiêm vắc xin và các biện pháp phòng chống trong tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và các bà mẹ trước sinh; tư vấn, khám và xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời trường hợp nhiễm vi rút viêm gan; Vận động bà mẹ sinh tại các cơ sở y tế, chỉ đạo các đơn vị y tế có phòng sinh trên địa bàn thực hiện tư vấn và tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đạt tỷ lệ trên 90%; Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và của địa phương về Loại trừ lây truyền HIV, VGB và giang mai từ mẹ sang con; Công tác phòng chống lây truyền bệnh từ mẹ sang con gồm: giang mai, HIV, viêm gan B. Trong đó số bà mẹ đi xét nghiệm viêm gan B trong thời kì mang thai như sau:

Công tác can thiệp giảm tác hại

Đẩy mạnh công tác xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C tại cơ sở điều trị Methadone; Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn về phòng chống bệnh viêm gan vi rút theo theo lĩnh vực được phân công; triển khai lồng ghép các hoạt động truyền thông, khám sàng lọc phòng chống bệnh viêm gan vi rút vào các hoạt động phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; Tổ chức kết hợp tư vấn, khám sàng lọc viêm gan vi rút cùng với khám sàng lọc HIV/AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời; Tham gia quản lý các đối tượng đồng nhiễm HIV/AIDS và viêm gan vi rút; tổng hợp giám sát tình hình bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh.

Với những hoạt động đồng bộ theo kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025, hy vọng thời gian tới tỷ lệ viêm gan trên người dân tại Quảng nam sẽ có chiều hướng tốt, góp phần giảm nhẹ gánh nặng bệnh truyền nhiễm nói chung trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, trên thị trường đã và đang xuất hiện các sản phẩm mới, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Hiện nay Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

TLĐT

1. Về đặc tính của sản phẩm

Thuốc lá điện tử (ENDs) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị.
Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Các chất độc hại được tìm thấy trong sol khí của thuốc lá điện tử như Ethylene Glycol, Diethylene Glycol, aldehydes, hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs), hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) như toluene, nitrosamine, hydrocarbon thơm đa vòng, chất đặc biệt gây ung thư nitrosamines, acrolein, Formaldehyde, Hydrooxycarbonyls, Acetaldehyde, Polycyclic Aromatic Hydrocarbons, phân tử Ultrafine,... Một số kim loại như chì, bạc, crom, nikel, formaldehyde có hàm lượng tương đương hoặc cao hơn so với thuốc lá thông thường.
Để tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: bạc hà, táo, cam, chanh….trong thuốc lá điện tử. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng 20,000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe. Những hương vị này có thể che giấu độ gắt của nicotin làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn. Một số hương liệu được sử dụng trong ENDS đã được chứng minh là làm tăng độc tính của sản phẩm. Ngoài ra, việc làm nóng các cuộn dây kim loại trong ENDS sẽ tạo ra nhiều kim loại nặng trong sol khí ENDS như cadmium, chì, niken, thiếc, mangan, selen, kẽm và đồng.
Thuốc lá nung nóng (HTPs): là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.
Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo: Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

2. Một số ảnh hưởng tới sức khoẻ của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng là những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, rất nhiều các nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng ENDS ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Hậu quả nổi bật nhất của ENDS là EVALI. Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2 năm 2020. Một số ảnh hưởng cụ thể của Thuốc lá điện tử, Thuốc lá nung nóng đối với sức khoẻ đã được ghi nhận qua các báo cáo, cụ thể:
2.1. Tác hại đến hệ hô hấp
Tác động của ENDS đối với chức năng phổi đã được báo cáo. Chức năng phổi giảm và sức cản hô hấp tăng ở người sử dụng thuốc lá điện tử so với những người không sử dụng. Một nghiên cứu cắt ngang khác trên 44.817 người trưởng thành ở Canada cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến tỷ lệ suy giảm chức năng phổi do tắc nghẽn. Tỷ lệ này cao hơn gấp đôi ở người dùng ENDS so với những người không hút thuốc và không sử dụng thuốc lá điện tử. Sử dụng thuốc lá điện tử được phát hiện liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp (EVALI). Năm 2019 tại Mỹ, một loạt trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng ở những người sử dụng thuốc lá điện tử không có tiền sử bệnh phổi đã được ghi nhận. Số ca bệnh tiếp tục tăng và đạt đỉnh 2.807 ca nhập viện vào tháng 2 năm 2020, trong đó có đến 68 ca tử vong. Ngoài EVALI, các nghiên cứu cho thấy ENDS có khả năng liên quan đến sự gia tăng mức độ nghiêm trọng của các rối loạn hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đặc biệt ở những người hút đồng thời cả thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử.
Giống như người lớn, trẻ em và thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh hô hấp có liên quan đến thuốc lá điện tử. Một nghiên cứu dựa trên 5 cuộc khảo sát lớn trên học sinh trung học ở Hàn Quốc, Hồng Kông và Mỹ báo cáo rằng tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn, ho mãn tính hoặc viêm phế quản mãn tính ở những học sinh từng sử dụng thuốc lá điện tử cao hơn so với học sinh chưa từng sử dụng.
2.2. Tác hại đối với tim mạch
Do mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại nên các tác động lâu dài của thuốc lá điện tử đối với sức khoẻ chưa được đánh giá đầy đủ, tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng chứng minh rằng sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Thuốc lá điện tử có thể dẫn đến rối loạn chức năng mạch máu, thậm chí là hít phải trong thời gian ngắn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng ENDS có liên quan đến việc tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu, huyết khối, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, bệnh động mạch vành, tăng huyết áp và tiền sử đột quỵ.
2.3. Nguy cơ ung thư
Những bằng chứng gần đây chỉ ra rằng thuốc lá điện tử có nguy cơ gây ung thư. Sol khí sinh ra từ thuốc lá điện tử có thể tăng cường hoạt động các enzym gây ung thư, dẫn đến tổn thương DNA và ung thư sau khi hút trong thời gian dài.
Không chỉ có sol khí, mà cả việc tiếp xúc với kim loại trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ ung thư.
Bằng chứng gần đây đã chỉ ra rằng END gây tổn thương DNA, làm tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, việc sử dụng ENDS có thể làm tăng khả năng kháng hóa trị, tăng khả năng sống sót của tế bào ung thư và yêu cầu liều hóa trị cao hơn.
2.4. Bệnh về răng miệng
Đối với sức khỏe răng miệng, các nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, mất xương quanh răng, các bệnh nha chu khác, tổn thương niêm mạc miệng, nhiễm trùng cao hơn nhiều so với những người không bao giờ sử dụng.
2.5. Các nguy cơ sức khỏe khác
Thuốc lá điện tử có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, sau đó là tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Một số trường hợp viêm loét đại tràng đã được ghi nhận. Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm...
Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.

3. Ảnh hưởng của việc tiếp xúc thụ động với sol khí/khói toả ra của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng

Hệ thống cung cấp dung dịch điện tử làm nóng và hóa hơi dung dịch tạo nên sol khí/khói vẫn thải ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các nơi trong nhà. Các nghiên cứu cho thấy nồng độ nicotin, hoá chất, và các chất gây ung thư trong sol khí thuốc lá điện tử thụ động vượt quá mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, phơi nhiễm nicotine tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng kéo dài đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên. Nicotine có thể đi qua nhau thai và tác động lên sự phát triển của thai nhi và trẻ nhỏ. Do đó, phơi nhiễm với nicotin ở phụ nữ có thai có thể dẫn đến nhiều hậu quả, bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hay những dị tật thính giác và béo phì. Ngoài ra, việc thuốc lá điện tử không có mùi thuốc lá đặc trưng có thể làm người tiếp xúc thụ động chủ quan, giảm nhận thức về tác hại và làm tăng khả năng chịu đựng với sol khí này.

4. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh thiếu niên

Nicotin ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên như: làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai.

5. Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội

Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh Viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới. Một số trường hợp điển hình theo phản ánh của các cơ quan báo chí như:
Ngày 26/7/2022, một nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, tổn thương não lan tỏa các vị trí, tổn thương gan... Nguyên nhân được xác định là do bệnh nhân bị ngộ độc với một loại ma túy thế hệ mới được tìm thấy trong thuốc lá điện tử.
Ngày 17/8/2022, Bệnh viện 199 - Bộ Công an (đóng tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân nghi ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu. Bệnh nhân được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng choáng váng, hồi hộp, tay chân run, sau đó rơi vào hôn mê.
Ngày 22/8/2022, bảy học sinh trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu thuốc lá điện tử rồi cùng nhau hút sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu Trung tâm Y tế TX Quảng Yên.
Ngày 31/8/2022, 2 nam sinh lớp 12 của Cao Đẳng Tiếng Việt Hà Tĩnh- Đức Công nghệ có biểu hiện trợn mắt, la hét và có những hành động mất kiểm soát ngay trong lớp học. Sau đó, các em nói rằng đã sử dụng thuốc lá điện tử.
Ngày 01/10/2022, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Saint Paul tiếp nhận bệnh nhân sinh năm 2006 ở Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, đồng tử giãn tối đa, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản. Sau khi tỉnh, bệnh nhân đã nói là hút thuốc lá điện tử được bơm tinh dầu mua trên thị trường.
Vào ngày 9 tháng 11 năm 2022, một nam sinh 12 tuổi hút thuốc lá điện tử đã được đưa đến bệnh viện. Sau khi hút, xuất hiện các cơn run, chóng mặt, khó thở và co giật. Các bác sĩ đã lấy mẫu thuốc lá điện tử sử dụng, gửi Viện pháp y quốc gia để xét nghiệm độc tố. Kết quả, trong thuốc có thành phần của một số chất gây nghiện và đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị ngộ độc.
Ngày 5/12/2022, 7 học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội được đưa vào khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, đau đầu. Nguyên nhân là do các em đã thử hoặc hít phải thuốc lá điện tử.
Ngày 7/12/2022, bé trai 5 tuổi ở Hà Nội uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng của thuốc lá điện tử, 15 phút sau có biểu hiện co giật, nôn ói rồi hôn mê được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy cháu bé dương tính với ADB-BUTINACA, một loại ma túy tổng hợp mới. Sau vài ngày điều trị, cậu bé đã xuất viện nhưng vẫn phải được theo dõi sát sao để tránh biến chứng.
Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) vừa tiếp nhận 4 học sinh (sinh năm 2008) nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử. Thông tin ban đầu được biết trước khi vào viện khoảng một giờ, các nam sinh có sử dụng thuốc lá điện tử, nhưng chưa rõ chủng loại và chưa rõ nguồn gốc. Sau đó, bệnh nhân xuất hiện cảm giác choáng váng, khó chịu toàn thân, bủn rủn, run tay chân, tức ngực, khó thở, buồn nôn, nôn số lượng nhiều.

6. Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện”. Bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử không những không giúp cai thuốc lá mà còn khiến người chưa hút thuốc trở thành nghiện nicotin. Những người trẻ chưa từng hút thuốc lá điếu thông thường nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ nghiện thuốc lá điếu thông thường cao gấp 2-3 lần so với những người chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

7. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường

Theo Tổ chức Y tế thế giới, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, vẫn là sản phẩm gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2 là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Nicotine còn là chất độc hại, gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa...
Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.
Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

Theo Vinacosh

Khoa Truyền thông GDSK - CDC Quảng Nam

Ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng (con ghẻ) Sarcoptes Scabiei homonis gây ra. Con ghẻ đào luống trong biểu bì da để đẻ trứng, gây ngứa về ban đêm, ngứa kéo dài và lây lan nhanh.

Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng, khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh,...

Benh ghe la tinh trang ngua da do mot loai rep nho co ten la Sarcoptes scabiei gay ra

Dấu hiệu của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi. Ở trẻ em, thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu. Vì vậy các tổn thương do ghẻ hay gặp ở kẽ tay, kẽ vú, núm vú, quy đầu, vùng bẹn, mông, gan bàn chân trẻ em.

Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm. Lâu ngày bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm khuẩn như viêm da mủ, viêm nang lông, chốc nhọt. Ghẻ ở bộ phận sinh dục dễ viêm mủ hay hình thành vết loét dạng săng, giống như săng giang mai.

Vì vậy khi bị bệnh, người bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ. Muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc mắc bệnh cùng một lúc với nhau, vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách.

Có thể dùng một trong các thuốc như sau: DEP bôi lên vết ghẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Eurax bôi một lần vào buổi tối. Trường hợp nhiễm khuẩn dùng dung dịch milian hay eosin phối hợp các thuốc bôi ngoài da và kháng sinh uống. Nếu bị bội nhiễm thì dùng kháng sinh. 

Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh: tắm hằng ngày, thay quần áo và luộc kỹ bằng nước sôi. Những nơi ở tập thể, trưởng học,... có nhiều người bị ghẻ thì phải điều trị đồng thời tất cả người bệnh để tránh lây lan bệnh.

TLTK: suckhoedoisong.vn

Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe

Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 và được tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hàng năm. Đến nay, chiến dịch đã trở thành một sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 180 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên đang là những vấn đề mang tính toàn cầu, là thách thức lớn nhất với nhân loại trong thế kỷ XXI. 

1 MT

Theo cảnh báo của Ngân hàng Thế giới, khối lượng chất thải rắn toàn cầu đang gia tăng nhanh, từ hơn 3,5 triệu tấn mỗi ngày trong năm 2010, dự báo lên tới hơn 6 triệu tấn mỗi ngày vào năm 2025 (tăng 70% trong giai đoạn này). Diễn đàn kinh tế thế giới cũng đưa ra nhận định, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương sẽ bị ô nhiễm rất nặng nề.

Tại Việt Nam, với dân số hơn 96 triệu người, hàng năm, lượng rác được thải ra là rất lớn, trung bình có hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi ngày. Nguồn thải lớn nhưng khoảng hơn 70% lượng rác thải được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp đã gây lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất, nếu không kiểm soát tốt có nguy cơ gây ô nhiễm tới môi trường đất, nước, không khí. Hiện nay, phần lớn rác thải sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng rác thải gia tăng trung bình từ 10 - 16%/năm, gây áp lực lớn cho việc xử lý rác thải và ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.
Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” được tổ chức thường niên tại Việt Nam thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tỉnh, thành phố và mọi tầng lớp nhân dân. Chiến dịch là dịp để tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp, cá nhân và toàn thể cộng đồng tham gia các hoạt động cải thiện và bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, từ chối sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó phân huỷ.

Năm 2022, chiến dịch tiếp tục với chủ đề: "Cùng hành động để thay đổi thế giới" nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, đồng thời, kêu gọi các cá nhân, tập thể và cộng đồng cùng chung tay có những hành động thiết thực để giảm bớt gánh nặng cho thiên nhiên và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Vì vậy, để làm cho thế giới sạch hơn, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và cả cộng đồng cùng chung tay với các hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, như: Tăng cường kiểm soát, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, các chất thải nguy hại; tập trung giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe Nhân dân; tổ chức các hoạt động dọn dẹp, vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tạo cảnh quan tại nơi sinh sống, cơ quan, trường học; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường… 

Thông điệp làm cho thế giới sạch hơn:

Tất cả vì môi trường xanh sạch đẹp

Môi trường hôm nay - Cuộc sống ngày mai

Môi trường là cuộc sống - Cuộc sống là môi trường

Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn;

Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của mỗi công dân và trách nhiệm của toàn xã hội

Sống tốt cho môi trường là sống tốt cho chính mình

Chúng ta cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu.

 TTGDSK - Tổng hợp

.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế đến ngày 29/6,cả nước có tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 232.125.960 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 205.781.475 liều: Mũi 1 là 71.498.080 liều; Mũi 2 là 68.869.739 liều; Mũi 3 là 1.509.790 liều; Mũi bổ sung là 14.835.919 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 44.977.655 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 4.090.292 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.378.314 liều: Mũi 1 là 8.996.756 liều; Mũi 2 là 8.643.990 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 737.568 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 7.966.171 liều: Mũi 1 là 5.889.467 liều; Mũi 2 là 2.076.704 liều.

anh tiem VX

                                            Nhân viên CDC Quảng Nam tiêm vắc xin phòng COVID-19

Vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế cho đến nay Tổ chức y tế thế giới và các quốc gia đều xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch COVID-19.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân, hơn 80 quốc gia đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân, trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc điều hành, chỉ đạo, giao chỉ tiêu tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 mũi nhắc lại cho từng huyện, xã tại địa phương để khẩn trương hoàn thành triển khai tiêm nhắc vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho đối tượng trên 18 tuổi và tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 12-17 tuổi theo chỉ đạo của Chính phủ.

Khẩn trương tiếp nhận vaccine đã được phân bổ để triển khai tiêm chủng, nếu địa phương nào không nhận vaccine trong khi vẫn còn đối tượng tiêm chủng sẽ chịu trách nhiệm và có văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp đối tượng và đề xuất nhu cầu tiêm mũi 4 vaccine phòng COVID-19 (mũi nhắc lại lần 2) cho người từ 18 tuổi trở lên và báo cáo về Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch và phân bổ kịp thời.

Tích cực triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 liều nhắc lại mũi 4 cho các đối tượng người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch và người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19; cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu;

Cùng đó, các địa phương phải chủ động rà soát khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ trên địa bàn, ưu tiên triển khai sớm cho đối tượng công nhân, có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được chỉ đạo để đạt độ bao phủ trên 90% ở những nhóm đối tượng này để đảm bảo miễn dịch cộng đồng chủ động phòng chống COVID-19 trong thời gian tới.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đã mắc COVID-19 đặc biệt là người đã tiêm mũi bổ sung sau đó mắc COVID-19 tham gia tiêm chủng mũi nhắc lại để tăng miễn dịch cộng đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhấn mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 để đảm bảo yêu cầu của công tác phòng chống dịch, vì vậy người dân cần đi tiêm đúng lịch, đủ liều./.

Theo suckhoedoisong.vn

Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã liên tục cập nhật và ban hành các văn bản hướng dẫn tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên cơ sở hướng dẫn của nhà sản xuất, khuyến cáo của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế. Để thuận lợi trong quá trình tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng và trên cơ sở các hướng dẫn đã ban hành, ngày 23/6/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn số 3309/BYT-DP nhằm tiếp tục khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi bổ sung, mũi nhắc lại (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8 năm 2022, bảo đảm an toàn, hiệu quả. 

TIÊM ĐỦ LIỀU VẮC XIN PHÒNG COVID 19

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên

1. Tiêm liều bổ sung (Liều này không phải Mũi 3)

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên, bao gồm:

+ Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người đang điều trị ung thư tích cực đối với các khối u hoặc ung thư máu; người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T (một loại điều trị giúp hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư) hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng (ví dụ hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich); người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ứng chế miễn dịch liều cao.

+ Người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin Sputnik V.

- Loại vắc xin: cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca đối với người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell).

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

- Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. - Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

2. Tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 3) (không tính liều bổ sung)

- Đối tượng: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (đủ 1 hoặc 2 hoặc 3 tùy theo loại vắc xin và mũi bổ sung nếu có)

- Loại vắc xin: cùng loại vắc xin với liều cơ bản hoặc vắc xin mRNA; hoặc vắc xin Astrazeneca nếu tiêm liều cơ bản bằng vắc xin Sinopharm (Vero cell) hoặc vắc xin mRNA.

- Khoảng cách: tiêm 01 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản.

- Liều lượng: theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Đối với vắc xin Moderna tiêm liều 0,25ml (1/2 liều cơ bản).

- Người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo qui định.

3. Tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4)

- Đối tượng: người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.

- Loại vắc xin: vắc xin mRNA (vắc xin Pfizer hoặc Moderna); vắc xin AstraZeneca; vắc xin cùng loại với mũi 3 (mũi nhắc lần 1);

- Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3 (mũi nhắc lần 1).

- Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách ít nhất 4 tháng sau mũi 3.

Tiêm liều nhắc lại (mũi 3) vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 12 đến 17 tuổi

- Đối tượng: trẻ từ 12 tuổi đến 17 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (Mũi 1 và Mũi 2)

- Loại vắc xin: vắc xin Pfizer đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này.

- Liều lượng: liều 0,3 ml tương tự liều cơ bản của người từ 12 tuổi trở lên hanhntm.dp_Nguyen Thi My Hanh_24/06/2022 17:25:56 3

- Khoảng cách: ít nhất là 5 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản (Mũi 2)

- Người đã mắc COVID-19: tiêm sau khi mắc COVID-19 3 tháng và đảm bảo khoảng cách với mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 5 tháng.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi

- Loại vắc xin: vắc xin cùng loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng theo độ tuổi tương ứng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong đó:

+ Đối với vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi

+ Đối với vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi - Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19: tiêm sau khi mắc bệnh 3 tháng.

Theo Cục Y tế Dự Phòng - Bộ Y tế