Viêm gan vi-rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến chết người do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan.Viêm gan vi-rút đã trở thành “kẻ giết người thầm lặng”, khi số người chết do căn bệnh này đã vượt qua tổng số người chết vì lao, sốt rét cộng lại và nhiều hơn cả HIV/AIDS (WHO).

Với nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống bệnh viêm gan vi rút nói riêng nhằm mục tiêu giảm lây truyền vi rút viêm gan, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút, tiến tới loại trừ viêm gan vi rút, không còn là mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Quảng Nam đã triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống viêm gan vi rút theo Kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế đạt được những kết quả khả quan.

Công tác chỉ đạo, điều hành

Để triển khai các hoạt động ngay trong giai đoạn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã ban hành công văn chỉ đạo về việc tập trung, chủ động giám sát các trường hợp viêm gan vi rút cấp tính chưa rõ nguyên nhân cũng như song song với việc triển khai Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm hằng năm. Theo đó, Công tác giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT cũng được đẩy mạnh. Trung tâm đã chỉ đạo và hỗ trợ các trung tâm y tế huyện/ thị xã/ thành phố triển khai các hoạt động giám sát và phòng chống viêm gan vi rút theo quy định; phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và xác minh ca bệnh thông qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm hoặc báo cáo bằng văn bản theo qui định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về việc hướng dẫn chế độ thông tin và báo cáo bệnh truyền nhiễm để đề xuất các biện pháp phòng, chống phù hợp. Kết quả ghi nhận trên hệ thống quản lý và giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy trong 2 năm 2021, 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 không ghi nhận số ca mắc viêm gan vi rút A. Tuy nhiên, số ca mắc viêm gan B cao trong năm 2022 và giảm trong 7 tháng đầu năm 2023 (12 và 2 ca). Số ca mắc viêm gan vi rút khác giảm qua các năm từ 2021đến 2023 (lần lượt 157, 109 và 83 ca). Điều đáng mừng là không ghi nhận số ca tử vong do viêm gan vi rút.

VIEM GAN B

 Công tác tiêm chủng

Đẩy mạnh tiêm vắc xin Viêm gan B được duy trì là một biên pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Hằng năm Trung tâm đã chỉ đạo rà soát các đối tượng tiêm chủng, tổ chức triển khai tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ, đặc biệt là khu vực miền núi. Kết quả tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh và vắc xin 5in1 chứa thành phần viêm gan B đạt tỷ lệ cao qua các năm, Năm 2021 tỷ lệ tiêm Viêm gan B sơ sinh đạt 99%, tiêm DPT-VGB-Hib đạt 94,4%; năm 2022 mặc dù ảnh hưởng tình hình chung về tình hình tiêm chủng sau dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ tiêm Viêm gan B sơ sinh cũng đạt 71,8%, tiêm DPT-VGB-Hib đạt 80%%, 07 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ tiêm khả quan, Viêm gan B sơ sinh 51,3%, DPT-VGB-Hib đạt 32,5%. Công tác dự trù và cấp phát vắc xin hàng tháng, đảm bảo đầy đủ nhu cầu vắc xin Viêm gan B sơ sinh; thực hiện các hoạt động giám sát tiêm chủng các vắc xin trong chương trình TCMR; Thực hiện giám sát các hoạt động tiêm chủng mở rộng thường xuyên tại các buổi tiêm chủng trạm y tế xã/ phường/ thị trấn; Tổ chức hội thảo, tập huấn triển khai hoạt động tiêm chủng trường học cho cán bộ y tế và giáo dục.

Công tác truyền thông phòng chống bệnh viêm gan vi rút

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống bệnh viêm gan vi rút, trung tâm đã đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng: Với các nội dung về nhận biết, phòng bệnh và điều trị viêm gan vi rút. Để chuyển tải nội dung đến đại đa số người dân, trung tâm đã xây dựng những nội dung hướng dẫn, hỏi đáp, tin/bài để phát trên truyền hình, phát thanh, đồng thời tuyên truyền trên wedsite, fan page; đẩy mạnh truyền thông trực quan bằng băng rôn tại các tuyến đường chính để tuyên truyền nhân Ngày thế giới phòng chống viêm gan vi rút; tăng cường truyền thông trực tiếp lồng ghép tại các trường học và cộng đồng; xây dựng đĩa hình, đĩa tiếng về các biện pháp phòng, chống viêm gan vi rút để tuyên truyền và cung cấp cho các tuyến tuyên truyền.

Công tác phòng, chống viêm gan vi rút lây truyền từ mẹ sang con

Đây là một hoạt đông cùng được trung tâm đẩy mạnh, trung tâm đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn về phòng chống bệnh viêm gan vi rút theo lĩnh vực được phân công; triển khai các gói đẻ sạch, làm mẹ an toàn tới các đơn vị y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; Tổ chức triển khai lồng ghép nội dung tư vấn về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan vi rút, lợi ích của việc tiêm vắc xin và các biện pháp phòng chống trong tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và các bà mẹ trước sinh; tư vấn, khám và xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời trường hợp nhiễm vi rút viêm gan; Vận động bà mẹ sinh tại các cơ sở y tế, chỉ đạo các đơn vị y tế có phòng sinh trên địa bàn thực hiện tư vấn và tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đạt tỷ lệ trên 90%; Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và của địa phương về Loại trừ lây truyền HIV, VGB và giang mai từ mẹ sang con; Công tác phòng chống lây truyền bệnh từ mẹ sang con gồm: giang mai, HIV, viêm gan B. Trong đó số bà mẹ đi xét nghiệm viêm gan B trong thời kì mang thai như sau:

Công tác can thiệp giảm tác hại

Đẩy mạnh công tác xét nghiệm sàng lọc phát hiện bệnh nhân viêm gan B, viêm gan C tại cơ sở điều trị Methadone; Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động chuyên môn về phòng chống bệnh viêm gan vi rút theo theo lĩnh vực được phân công; triển khai lồng ghép các hoạt động truyền thông, khám sàng lọc phòng chống bệnh viêm gan vi rút vào các hoạt động phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS; Tổ chức kết hợp tư vấn, khám sàng lọc viêm gan vi rút cùng với khám sàng lọc HIV/AIDS cho các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời; Tham gia quản lý các đối tượng đồng nhiễm HIV/AIDS và viêm gan vi rút; tổng hợp giám sát tình hình bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh.

Với những hoạt động đồng bộ theo kế hoạch phòng, chống viêm gan vi rút giai đoạn 2021-2025, hy vọng thời gian tới tỷ lệ viêm gan trên người dân tại Quảng nam sẽ có chiều hướng tốt, góp phần giảm nhẹ gánh nặng bệnh truyền nhiễm nói chung trên địa bàn tỉnh.