CẦN NẮM RÕ BẢN CHẤT VẮC XIN COVID-19 VÀ NGUYÊN NHÂN CÁC PHẢN ỨNG
TS.BS Trần Văn Kiệm
Quảng Nam đang triển khai tiêm phòng vắc-xin COVID-19, chúng ta đã rất nghiêm túc trong việc khám sàng lọc và theo dõi sát sức khỏe sau tiêm chủng một cách chủ động.
Triển khai tiêm vắc xin tại CDC Quảng Nam (ảnh XH)
Tuy nhiên vẫn có một số người băn khoăn với loại vắc-xin còn mới mẻ này bởi các phản ứng sau tiêm. Sau tiêm vacccine COVID-19 sẽ có một số người có sốt, đau chỗ tiêm, đau cơ, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi... Đây là các triệu chứng thường gặp sau chủng ngừa của phần lớn các loại vắc-xin và vắc-xin COVID-19 cũng không ngoại lệ.
Bản chất của vắc-xin và nguyên nhân các phản ứng là gì?
Khác với những vắc-xin hiện nay, vắc-xin COVID-19 đang được tiêm chủng là loại vắc-xin dùng công nghệ mới nhất “vắc-xin véc-tơ”. Nguyên lý của loại vắc-xin này là sử dụng một loại virus gây cảm lạnh (Adeno virus) ở tinh tinh làm vật trung gian mang vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đến các tế bào của người. Sau khi tiêm chủng, virus Adeno sẽ tìm đến các tế bào đích và truyền vật liệu di truyền đó vào trong, tế bào có đoạn gene này sẽ tích cực sản xuất một loại protein gai của virus SARS-CoV-2 và từ đó cơ thể sẽ điều động các tế bào miễn dịch tới tiêu diệt, nhận diện và sinh ra kháng thể. Với công nghệ mới này, đáp ứng miễn dịch sẽ rất mạnh và khả năng tạo kháng thể tốt nhưng đi kèm với nó là phản ứng sau tiêm chủng cũng sẽ mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy nên theo các thống kê, sau tiêm vắc-xin COVID-19 có trên 50% số người có đau tại chỗ tiêm, gần 50% các trường hợp ghi nhận sốt, cảm giác ớn lạnh, đau cơ, đau đầu. Các triệu chứng ít gặp hơn như chóng mặt, buồn nôn, một số ít gặp là tiêu chảy/đau bụng khoảng 10% xảy ra ở ngày thứ 2 sau tiêm.
Đâu là lý do khiến mọi người lo ngại!
Theo số liệu thống kê trên cả nước cũng như trải nghiệm thực tế của những cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã sử dụng vắc-xin đến thời điểm này là tích cực, tất cả đều ổn; không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm; một số người có sốt, đau đầu, đau chỗ tiêm… và trở lại bình thường sau 1-2 ngày dùng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường.
Tuy nhiên, một số người đang do dự về vắc-xin COVID-19 từ những thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng về phản ứng nặng, hiếm gặp đó là hiện tượng đông máu. Hiện tượng này có thể xảy ra với tỷ lệ rất thấp (khoảng 1 trường hợp/1 triệu người tiêm), xuất hiện 1-2 tuần sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca, cơ thể có thể sinh ra kháng thể chống lại yếu tố 4 tiểu cầu (PF4). Phức hợp kháng thể này kích hoạt tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối, nhưng các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford - Anh đã đưa ra báo cáo rằng nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (CVT), còn được gọi là hiện tượng đông máu hiếm gặp, nếu mắc COVID-19 lại cao hơn gấp khoảng 100 lần so với bình thường và cao hơn 40 lần vắc xin COVID-19 và các vắc xin khác.
Về điều trị thì rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Tại Việt Nam đến nay đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 ở các tỉnh, thành phố cho khoảng hơn 176 nghìn người mà chưa gặp trường hợp nào có biểu hiện phản ứng đông máu. Tuy nhiên, tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc xin COVID-19” và đã trình Bộ Y tế ban hành, nên việc lo ngại phản ứng nặng sau tiêm vắc xin COVID-19 với lợi ích mà nó mang lại cần được xem xét và nên lựa chọn vắc xin.
Chỉ định, chống chỉ định và những lưu ý sau tiêm
Đối tượng đủ điều kiện tiêm vắc xin COVID-19 là những người trên 18 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh và không có tiền sử dị ứng, quá mẫn với bất kỳ tá dược nào được liệt kê trong thành phần của vắc xin. Tuy nhiên cần phân loại các nhóm đối tượng hoãn tiêm, cân nhắc hoặc chống chỉ định tiêm bao gồm:
- Đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng: là những đối tượng hiện mắc bệnh lý cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao có dùng chế phẩm miễn dịch trong vòng 90 ngày hoặc đã bị COVID-19 trong vòng 6 tháng. Những người có tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước cũng nằm trong nhóm này. Giai đoạn này cần thận trọng nên nhóm phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người trên 65 tuổi và người có bệnh lý giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu cũng cần tạm hoãn.
- Đối tượng cần thận trọng tiêm chủng: là những người có tiền sử dị ứng, người có bệnh lý nền hoặc bệnh mạn tính cần giám sát sức khỏe, người mất tri giác và mất năng lực hành vi. Người có bệnh mạn tính kèm thêm bất thường dấu hiệu sống.
- Đối tượng chống chỉ định: là người có phản ứng mạnh với liều tiêm trước, phản ứng với các thành phần có trong vắc xin hoặc dị ứng mạnh với nhiều loại tác nhân khác nhau.
Lưu ý: sau khi tiêm đủ 02 liều vắc xin đúng thời gian quy định, cơ thể những người được tiêm sẽ sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số người dù đã được tiêm chủng vẫn có thể bị mắc bệnh, chỉ là không bị bệnh nặng. Do vậy, việc tiêm vắc xin COVID-19 kết hợp với thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng./.