Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm thường quy được chỉ định trong nhiều trường hợp khám chữa bệnh. Xét nghiệm này giúp phát hiện các bệnh thông thường và còn được sử dụng trong các trường hợp tầm soát sớm các bệnh lý ung thư, khám tiền hôn nhân, khám sức khỏe tổng quát… nhưng không phải ai cũng biết những lưu ý trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác.
Do kết quả xét nghiệm có thể bị thay đổi do nhiều yếu tố tác động, nên người bệnh cần phải được chuẩn bị đúng. Có trường hợp chỉ cho kết quả chính xác nếu người bệnh không ăn uống gì trước khi làm xét nghiệm 6-8 tiếng hoặc không ăn sáng sau khi thức dậy. Do đó, nên tìm hiểu kỹ trước khi đi làm xét nghiệm. Các chỉ số sinh hóa máu của các xét nghiệm làm không đúng thời điểm, sau ăn hoặc sau khi dùng các chất kích thích sẽ cho kết quả không chính xác.
Vậy để không ảnh hưởng đết kết quả xét nghiệm, cũng như không mất thời gian khi đi xét nghiệm máu cần lưu ý những gì?
Không nên uống thuốc trước khi xét nghiệm
Không nên dùng thuốc khi đã có kế hoạch đi làm xét nghiệm vì thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Nếu đang dùng loại thuốc gì, phải thông báo cho thầy thuốc. Những thuốc có thể làm tăng amylase máu bao gồm: asparaginase, aspirin, thuốc cholinergic, corticosteroids, indomethacin, thuốc lợi tiểu thiazide, methyldopa, thuốc gây nghiện (codein, morphin), thuốc ngừa thai uống và pentazocin.
Nhiều người do không để ý nên trước khi đi làm xét nghiệm vẫn dùng thuốc theo thói quen mà không biết rằng việc dùng thuốc như thế có thể làm sai lệch kết quả xét nghiệm, hậu quả là việc điều trị bệnh không có kết quả, thậm chí ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Những xét nghiệm cần nhịn đói trước khi xét nghiệm
Có những xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác khi người bệnh nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi làm xét nghiệm hoặc không ăn sáng sau một đêm ngủ dậy. Do sau khi ăn, chất dinh dưỡng sẽ chuyển hóa thành đường glucose để ruột hấp thụ và biến đổi năng lượng nuôi cơ thể. Khi đó, lượng đường hoặc mỡ trong máu tăng lên rất cao, nếu tiến hành xét nghiệm, kết quả thu được sẽ không chính xác. Không chỉ nhịn đói, người làm xét nghiệm cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích (thuốc lá, cà phê...) vài giờ trước khi lấy máu để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác. Tuy nhiên, không phải bất kỳ xét nghiệm máu nào cũng cần nhịn đói. Chỉ một số bệnh cần kiểm tra đường huyết thì phải nhịn đói khi xét nghiệm: bệnh liên quan đến đường và mỡ (đái tháo đường), bệnh về tim mạch (mỡ máu...), bệnh về gan mật.
Còn lại những xét nghiệm bệnh khác (khoảng 300 xét nghiệm) như HIV, suy thận, cường giáp, Alzheimer (mất trí nhớ ở người già)..., không cần nhịn đói.
Những lưu ý khác khi đi xét nghiệm máu
Không riêng gì thức ăn mà tất cả các loại nước uống (ngoại trừ nước lọc) đều gây ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu. Chẳng hạn, xét nghiệm gamma - glutamyl transferase (GGT) là một xét nghiệm để đánh giá chức năng hoạt động của gan, nếu uống rượu bia hay hút thuốc lá sẽ làm tăng men gan. Vậy nên bệnh nhân phải lưu ý không sử dụng các chất trên trước khi xét nghiệm 24 giờ.
Tuy nhiên bệnh nhân vẫn có thể uống nước lọc trước khi xét nghiệm và điều này là cần thiết để cơ thể không bị mất nước. Vì trong khoảng thời gian chờ đợi, nhịn đói khiến bệnh nhân kiệt sức, chưa kể mất nước cũng có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm sai.
Thông thường, các xét nghiệm máu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện vào buổi sáng sớm, bệnh nhân sẽ được thông báo những yêu cầu cần thiết trước đó. Điều này nhằm đảm bảo thời gian nhịn ăn, nhịn uống mà không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào cho bệnh nhân, đồng thời cũng là thời gian thích hợp để đánh giá nồng độ một số chất vì vào những thời điểm khác nhau trong ngày, nồng độ một vài chất có thể thay đổi.
Trường hợp lỡ ăn hay uống một thứ gì đó trong khoảng thời gian được yêu cầu nhịn thì tốt nhất nên nói với bác sĩ để có thể dời lịch xét nghiệm nếu cần thiết.
Đối với trẻ em, cần phải chuẩn bị tâm lý cho trẻ thật đầy đủ trước khi tiến hành xét nghiệm hay bất kỳ thủ thuật nào, tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, trẻ đã trải qua xét nghiệm lần nào chưa và mức độ tin tưởng của trẻ.
Kết quả xét nghiệm máu bị sai lệch sẽ dẫn đến việc bác sĩ đánh giá sai tình trạng sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, điều quan trọng không chỉ đơn giản là trước khi đi xét nghiệm cần lưu ý những việc không nên làm mà còn có những kiến thức người bệnh cần trang bị cho chính mình.
CN. Hoàng Xuân Tư