Ghẻ là bệnh ngoài da do ký sinh trùng (con ghẻ) Sarcoptes Scabiei homonis gây ra. Con ghẻ đào luống trong biểu bì da để đẻ trứng, gây ngứa về ban đêm, ngứa kéo dài và lây lan nhanh.
Bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người hoặc gián tiếp qua đồ dùng, khi tiếp xúc với môi trường ẩm ướt, thiếu vệ sinh,...
Dấu hiệu của bệnh là nổi các mụn nước rời rạc, màu trắng đục phân bố ở vùng da non như kẽ ngón, lòng bàn tay, cổ tay, bụng dưới, đùi. Ở trẻ em, thường thấy các sẩn cục hoặc sẩn kèm mụn nước ở nách và bìu. Vì vậy các tổn thương do ghẻ hay gặp ở kẽ tay, kẽ vú, núm vú, quy đầu, vùng bẹn, mông, gan bàn chân trẻ em.
Bệnh rất ngứa, đặc biệt là về đêm. Lâu ngày bệnh có thể gây các biến chứng nhiễm khuẩn như viêm da mủ, viêm nang lông, chốc nhọt. Ghẻ ở bộ phận sinh dục dễ viêm mủ hay hình thành vết loét dạng săng, giống như săng giang mai.
Vì vậy khi bị bệnh, người bệnh cần đi khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Việc điều trị chủ yếu là sử dụng thuốc bôi diệt cái ghẻ. Muốn trị dứt điểm bệnh này, nhất thiết phải trị cho người tiếp xúc mắc bệnh cùng một lúc với nhau, vệ sinh quần áo cá nhân và bôi thuốc đúng cách.
Có thể dùng một trong các thuốc như sau: DEP bôi lên vết ghẻ 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Eurax bôi một lần vào buổi tối. Trường hợp nhiễm khuẩn dùng dung dịch milian hay eosin phối hợp các thuốc bôi ngoài da và kháng sinh uống. Nếu bị bội nhiễm thì dùng kháng sinh.
Phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh: tắm hằng ngày, thay quần áo và luộc kỹ bằng nước sôi. Những nơi ở tập thể, trưởng học,... có nhiều người bị ghẻ thì phải điều trị đồng thời tất cả người bệnh để tránh lây lan bệnh.
TLTK: suckhoedoisong.vn
Khoa Truyền thông – Giáo dục sức khỏe