Bộ Y tế nêu rõ, khám sàng lọc trước tiêm chủng nếu trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng, trẻ suy hô hấp, suy giảm miễn dịch, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức... thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ emTheo Bộ Y tế hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở tiêm chủng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.

Tại quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ban hành, Bộ Y tế nêu rõ: Hướng dẫn này bao gồm các phần thăm khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, trẻ tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.

Theo đó, việc khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện như sau:

Đối với trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên. Các trường hợp chống chỉ định

Có tiền sử phản vệ độ III trở lên sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần).

Trường hợp có tiền sử lồng ruột: Chống chỉ định với vaccine Rota.

Trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh: Chống chỉ định với vaccine OPV.

Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Các trường hợp tạm hoãn

Có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức...). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.

Suy giảm miễn dịch: Trẻ nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng: tạm hoãn tiêm chủng các vaccine sống giảm độc lực và chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi trẻ được chẩn đoán suy giảm miễn dịch không thuộc thể nặng, ngoại trừ vaccine bại liệt uống (OPV).

Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ khi đủ 3 tháng tính từ ngày cuối cùng sử dụng sản phẩm.

Trẻ đang điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid toàn thân (uống/ tiêm) với liều cao (tương đương prednison ≥ 2 mg/kg/ngày), hóa trị (chất chống chuyển hóa, hoặc các kháng thể đơn dòng khác nhằm vào tế bào miễn dịch...), xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ sau khi kết thúc điều trị corticoid, hóa trị và xạ trị 14 ngày.

Bộ Y tế lưu ý:

Trẻ có cân nặng dưới 2000g: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Khi cân nặng trẻ từ 2000g trở lên thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện.

Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine (ví dụ: lần đầu không sưng tấy, lần sau viêm sưng tấy lan tỏa tại vị trí tiêm...): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi tình trạng bệnh của trẻ ổn định.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi

Tại hướng dẫn Bộ Y tế nêu rõ: Giai đoạn trẻ dưới 1 tháng tuổi khi thăm khám sàng lọc, cần chú ý đến tuần tuổi thai khi đẻ, tuổi thai hiệu chỉnh, cân nặng, các chức năng cơ quan, bệnh lý cấp tính, các nghi ngờ bệnh suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm HIV...

Một số các tình huống chống chỉ định, tạm hoãn cụ thể như sau:

Các trường hợp chống chỉ định theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Các trường hợp tạm hoãn, cụ thể:

Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức...). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.

Trẻ có cân nặng < 2000g: Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.

Nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng: tạm hoãn tiêm chủng vaccine phòng lao (BCG) và chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi trẻ suy giảm miễn dịch không thuộc thể nặng.

Chỉ định vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) thay thế vaccine bại liệt sống giảm độc lực dạng uống (OPV). Cùng đó cần xem thêm phụ lục về chỉ định, chống chỉ định, tạm hoãn tiêm chủng với trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh.

Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vaccine phòng lao (BCG). Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tuổi thai hiệu chỉnh).

Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần: Nếu mẹ có HBsAg (-) tạm hoãn tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh, tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tuổi thai hiệu chỉnh). Nếu mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong tuổi sơ sinh (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vacine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ khi đủ 3 tháng tính từ ngày cuối cùng sử dụng sản phẩm.

Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra một số lưu ý khi khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện

Trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV

Cơ sở quản lý, điều trị HIV/AIDS cần phối hợp đưa ra các thông số cơ bản (trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV, biểu hiện lâm sàng, tình trạng miễn dịch...) để cơ sở tiêm chủng sàng lọc và ra quyết định tiêm chủng cho trẻ. Đối với các vaccine không phải là vaccine sống giảm độc lực, chỉ định tiêm như trẻ bình thường.

Chống chỉ định vaccine sống giảm độc lực với trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV tương tự trẻ không nhiễm HIV.

Cần lưu ý một số tình huống chỉ định, tạm hoãn, thận trọng với vaccine sống giảm độc lực cho trẻ phơi nhiễm với HIV, trẻ nhiễm HIV như sau:

Phơi nhiễm với HIV nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng: Chỉ định tiêm chủng.

Có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm HIV: Tạm hoãn tiêm chủng cho đến khi khẳng định tình trạng nhiễm HIV.

Được chẩn đoán xác định nhiễm HIV: cần phân loại mức độ miễn dịch ở trẻ nhiễm HIV, sau đó xác định các tình huống có chống chỉ định, tạm hoãn/thận trọng tiêm chủng một số loại vaccine sống giảm độc lực.

Lưu ý theo dõi trẻ sau tiêm vaccine BCG để phát hiện phản ứng sau tiêm vaccine BCG như loét vị trí tiêm, viêm hạch, bệnh BCG lan tỏa (suy mòn, gan lách hạch to).

Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng ở cơ sở ngoài bệnh viện cần chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện

Trẻ mắc suy giảm miễn dịch nếu tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực:

Trẻ nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc đã được chẩn đoán suy giảm miễn dịch thể nặng cần khám tại bệnh viện có chuyên khoa miễn dịch để chẩn đoán xác định bệnh hoặc thay đổi mức độ bệnh.

Trẻ có biểu hiện lâm sàng nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm HIV: Để chẩn đoán xác định và mức độ suy giảm miễn dịch.

Trẻ có cân nặng dưới 2000g.

Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine.

Trẻ có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần)

Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định.

Trẻ có tiền sử phản ứng với thuốc, sữa, thức ăn hoặc các loại dị nguyên khác.

Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đã hướng dẫn về khám sàng lọc tại bệnh viện được thực hiện cho các trường hợp chuyển đến từ cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện và các trẻ đang điều trị tại bệnh viện như nhóm trẻ sơ sinh, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ bệnh mạn tính ổn định, bệnh lý cấp tính trước khi ra viện...

tiem phong lao 16716752866691183838243.

THEO BÁO SỨC KHỎE VÀ ĐỜI SỐNG

Sáng ngày 30/03, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam phối hợp với tổ chức PATH tổ chức giao ban quý Dự án “Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản trong thời gian đại dịch COVID-19” tại tỉnh Quảng Nam. Tham dự có Bà Farzana Muhib - Chuyên gia cao cấp về Vắc-xin và Tiêm chủng, PATH Mỹ; Ts. Thẩm Chí Dũng, Ths. Phạm Trung - Tổ chức PATH; Ths. Hoàng Tiến Thanh - Viện Pasteur Nha Trang; Ts.Bs. Nguyễn Văn Văn- PGĐ Sở Y tế Quảng Nam, đại điện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam và đại điện lãnh đạo 06 Trung tâm y tế dự án.

Phát biểu tại cuộc họp, Ts.Bs. Nguyễn Văn Văn đã ghi nhận những kết quả đạt được và đóng góp của dự án trong 07 tháng qua. Dự án đã góp phần trong công tác nâng cao năng lực lập kế hoạch, tổ chức điều hành tiêm chủng tại các huyện/thị xã/thành phố, nâng cao năng lực thống kê báo cáo; nâng cao tỉ lệ tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản (JEVAX) cho đối tượng từ 1-5 tuổi bị bỏ lỡ tiêm vắc xin do đại dịch COVID-19 trong năm 2020-2022; nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc xin đặc biệt là vắc xin Viêm não Nhật Bản (VNNB) vì đặc điểm dịch tễ tại Việt Nam vẫn còn nhiều nguy cơ đối với bệnh; lịch tiêm chủng kéo dài, nhiều mũi khiến việc tiêm nhắc lại chưa đầy đủ; gián đoạn do dịch COVID-19.... điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại nếu không được can thiệp tiêm chủng kịp thời.

5f9b43a7c1ce1d9044df

Ts.Bs. Nguyễn Văn Văn- Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc giao ban quý Dự án “Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản trong thời gian đại dịch COVID-19” tại tỉnh Quảng Nam

Theo báo cáo của CDC Quảng Nam, kết quả tiêm chủng vắc xin VNNB cho trẻ bị bỏ lỡ trong thời gian đại dịch COVID-19 như sau: Tính từ 1/10/2022-30/3/2023 tỷ lệ tiêm 3 mũi chung của 6 huyện đạt 76,7% (8.332 trẻ/10.858 mũi). Đối với mũi 1: Tỷ lệ tiêm M1 chung của 6 huyện đạt 93,6% (1.997/2.134 mũi), 6/6 huyện đều đạt tỷ lệ > 90%. Đối với mũi 2:  Tiến độ tiêm M2 chung của 6 huyện đạt 74,6% (2.594/3.478 mũi), 6/6 huyện đều chưa đạt tiến độ đề ra (< 90%), 03 huyện tỷ lệ tiêm M2 còn thấp: Bắc Trà My, Đại Lộc, Nam Trà My. Đối với mũi 3: Tỷ lệ tiêm M3 chung của 6 huyện đạt 71,3% (3.741/5.246 mũi), 6/6 huyện tiến độ tiêm M3 còn thấp do trẻ chưa đủ khoảng cách tiêm M3.

10d7046c86055a5b0314

Bs CK1. Huỳnh Công Quang- PGĐ CDC Quảng Nam báo cáo kết quả tiêm chủng vắc xin VNNB cho trẻ bị bỏ lỡ trong thời gian đại dịch COVID-19 tại 06 huyện dự án

Dự án PATH tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản (VNNB) trong thời gian đại dịch COVID - 19 nhằm hỗ trợ kỹ thuật triển khai tiêm chủng vắc xin VNNB cho đối tượng bị bỏ lỡ tiêm vắc xin do đại dịch COVID-19 trong 12 tháng (từ 01/8/2022- 31/7/2023) tại 6 huyện, gồm huyện Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Nam Trà My, Phước Sơn và Tiên Phước. Dự án tập trung chủ yếu vào các hoạt động: Lập kế hoạch chi tiết; Điều tra rà soát đối tượng; Hỗ trợ hoạt động tiêm chủng; Giám sát hỗ trợ và đánh giá; Thống kê, báo cáo thông qua Google form.Tổ chức PATH mong muốn sẽ đồng hành cùng 06 huyện dự án đến 30/10/2023.

 

 ÁNH MINH - THƯ NGUYỄN

Cập nhật đến sáng nay, 24-3, ba bệnh nhân nặng nhất trong vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua ở tỉnh Quảng Nam đã tiến triển tốt, các bệnh nhân đã tỉnh táo và cai máy thở.

Sáng 24-3, liên quan các bệnh nhân trong vụ ngộ độc cá chép muối ủ chua xảy ra tại tỉnh Quảng Nam, TS.BS. Tô Mười – Giám đốc Bệnh viện ĐKKVMN Phía Bắc Quảng Nam cho biết sức khỏe các bệnh nhân đang bình phục rất tốt. 

Có 3 trường hợp tiên lượng nặng đã được chỉ định truyền Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT), thuốc giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. 

Cập nhật đến sáng nay, 24-3, sức khỏe của 2 trong số 3 bệnh nhân ngộ độc nặng đã hồi phục khá tốt, rút được ống thở. Trong đó, bệnh nhân H.V.Đ (26 tuổi) đã tỉnh, tiếp xúc được, thực hiện được y lệnh, đã ngưng an thần, sức cơ 5/5 và rút được ống thở. Bệnh nhân H.T.T (37 tuổi) đã tỉnh táo, tiếp xúc được, sinh hiệu ổn, sức cơ 5/5.

Riêng bệnh nhân H.V.Đ 57 tuổi, được truyền thuốc giải tối 18/3. Trước truyền thuốc, người bệnh lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không tự thở, có nhịp tự thở rất yếu. 

Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu. 

Đến ngày 23/3, người bệnh lơ mơ, vẫn còn phải dùng thuốc an thần, nhiệt độ cao, vẫn thở máy, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5, tiên lượng dè dặt. Bác sĩ khoa HSTC-CĐ Hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy và đưa ra hướng xử trí tiếp theo: Khai khí quản, điều trị thêm chống phù nề. Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất hiện tại. 

Sáng ngày 24/3, Bệnh nhân có cải thiện, đã cai thở máy vào lúc 18h ngày 23/3, hiện tại đang thở HFNC và tiên lượng tốt lên.

tải xuống

Bệnh nhân H.V.Đ đã cai thở máy vào lúc 18h ngày 23/3, hiện tại đang thở HFNC và tiên lượng tốt lên

Theo TS.BS Tô Mười, trong 5 lọ thuốc giải độc cực hiếm với giá 8.000 USD/lọ đã được đoàn bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mang ra tỉnh Quảng Nam cứu người, có 3 lọ đã được sử dụng, còn 2 lọ dự phòng được mang về lưu kho để điều trị những trường hợp khác. Hiện cả nước chỉ còn 2 lọ dự trữ này.

 


TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin, bệnh nhân H.V.Đ  (57 tuổi) là trường hợp duy nhất còn thở máy do ngộ độc cá chép ủ chua, hiện tại các chỉ số sinh tồn đã ổn định.

Chiều 21/3, trả lời với Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện tại tình hình 8 bệnh nhân đã ổn định, trong đó 3 nạn nhân nặng phải thở máy có 2 người là H.T.T. (37 tuổi) và H.V.Đ (26 tuổi) đã được rút máy thở, duy nhất chỉ còn một người thở máy nhưng các chỉ số sinh tồn đã ổn. 

Trước đó,  từ ngày 7 đến 17/3, liên tiếp các trưởng hợp ngộ độc cá chép muối ủ chua tại huyện Phước Sơn khiến 10 người nhập viện, trong đó có một trường hợp tử vong.

NGo do tho may

Bệnh nhân H.T.T (37 tuổi)- Một trong 9 bệnh nhân bị ngộ độc đang được điều trị hiện tại sức khỏe đã ổn định. Ảnh: SYT

Cụ thể, trường hợp vẫn còn thở máy là bệnh nhân H.V.Đ. (57 tuổi), được truyền thuốc giải tối 18/3. Trước truyền thuốc, người bệnh lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không tự thở, có nhịp tự thở rất yếu. Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu. Ngày 20/3, người bệnh lơ mơ, vẫn còn phải dùng thuốc an thần, nhiệt độ cao, vẫn thở máy, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5, tiên lượng dè dặt. "Đây là người bệnh bị ngộ độc nặng nhất, tuy nhiên các chỉ số sinh hiệu hiện tại của bệnh nhân đến nay đã ổn định", TS.BS. Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin.

ngo doc het tho may

Bệnh nhân H.V.Đ (26 tuổi) - Một trong 9 bệnh nhân ngộ độc đang điều trị hiện tại đã cai thở máy và ngồi dậy tự thở được. Ảnh: SYT

Cũng theo thông tin từ TS.BS Mai Văn Mười, để đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam vẫn thường xuyên hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng thời, luôn sẵn sàng đảm bảo đáp ứng đủ về thuốc và các vật tư y tế cho bệnh nhân. Các chuyên gia y tế đều hài lòng về tình hình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam và thống nhất dùng thuốc kháng sinh Meronem để chống nhiễm trùng đa kháng kịp thời cho người bệnh.

Theo đó, kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy các mẫu thức ăn từ cá chép ủ chua dương tính với Clostridium Botulinum type E, ngày 18/3, Nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn cho các ca bệnh ngộ độc món cá chép muối ủ chua đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) ra Quảng Nam. Đây là loại thuốc quý hiếm, có giá thành hơn 8.000 USD/lọ. Sau khi được truyền thuốc giải độc, tình hình của các bệnh nhân đều đã được cải thiện cho đến nay.

Theo suckhoedoisong.vn

SKĐS - Viện Pasteur Nha Trang, Khánh Hòa đã có kết luận chính thức nguyên nhân làm nhiều người dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam ngộ độc thực phẩm do ăn cá chép ủ chua, dương tính với vi khuẩn Clostridium botulinum type E.
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở 2 xã Phước Đức và Phước Kim thuộc huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam phải nhập viện cấp cứu do ăn cá chép ủ chua theo kiểu truyền thống. Các vụ ngộ độc thực phẩm này đã làm 1 người tử vong, 10 người hiện đang phải thở máy.

Trước đó, ngày 10/3, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền múi phía Bắc tiếp nhận 5 bệnh nhân đầu tiên, trong đó có 1 người tử vong, 3 người nguy kịch.

Đến ngày 16/3, thêm 5 người dân ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn bị ngộ độc thực phẩm phải đi cấp cứu liên quan đến món cá chép ủ chua, món ăn truyền thống của người dân địa phương.

Theo nhiều người dân kể lại, 5 người dân tổ chức ăn trưa tại rẫy keo. Bữa trưa của họ gồm cơm, cá chép ủ chua và chim nướng.

Đến 19 giờ ngày 16/3, một người trong nhóm kêu đau đầu, buồn nôn, nôn, bụng chướng, choáng, chóng mặt. Tiếp đó, ba người khác cũng có biểu hiện tương tự, họ được đưa đến Bệnh viện đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc Botulism. Riêng một người trong nhóm này vẫn bình thường và cho biết không ăn món cá ủ chua.

Được biết, những người ngộ độc thực phẩm đều là người dân tộc Gié Triêng.

ngo doc 1679141760026417034494 1

TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam thăm hỏi người dân ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện.


Trước tình hình trên, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam phối hợp với các đơn vị điều tra nguyên nhân và khảo sát các yếu tố liên quan để tìm nguồn lây, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang và Viện Kiểm nghiệm An toàn viện sinh thực phẩm quốc gia kiểm nghiệm.

Đồng thời, tham mưu Sở Y tế Quảng Nam chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tuyên truyền cho dân về vệ sinh ăn uống, về phòng chống ngộ độc thực phẩm, ngộ độc Clostridium botulinum.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, ngay khi nắm được sự việc đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn tiếp tục ra soát các trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm để phát hiện sớm, tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời. Trường hợp có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.

Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc, Quảng Nam sẵn sàng phối hợp hội chẩn từ xa, tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu trường hợp diễn biến nặng, tử vong xảy ra.
Đề nghị UBND các huyện, đặc biệt là vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm.

TS.BS Mai Văn Mười cho biết, thời gian gần đây, tại một số địa phương khu vực miền Trung liên tục xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm do nghi ăn các món ăn mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân:
- Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.

- Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng,...; cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương như món cá chép ủ chua, ….

- Tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng...; không ăn thử nấm, dứt khoát loại bỏ nấm khi còn nghi ngờ; không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc; không ăn nấm đã bị dập nát, hư hỏng.

- Tuyệt đối không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.

- Kiên quyết tẩy chay các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

- Người dân cần có thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm có độc tố có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, khi có các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Nguồn : Báo Sức khỏe - Đời sống

 

Ngày 16/03/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam tổ chức họp về dự án "Hỗ trợ kỹ thuật tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi kết hợp với tiêm chủng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Quảng Nam" Tham dự có Ths. Bs Hoàng Tiến Thanh, đại diện Viện Pasteur Nha Trang; cán bộ dự án PATH; TS, Bs Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; đại diện lãnh đạo CDC Quảng Nam cùng đại diện lãnh đạo Trung tâm y tế, chuyên trách tiêm chủng và chuyên trách dược của 07 huyện: Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang. 

thanh

Ts.BS Nguyễn Văn Văn phát biểu khai mạc buổi họp về dự án "Hỗ trợ kỹ thuật tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi kết hợp với tiêm chủng thường xuyên trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Quảng Nam"
Phát biểu khai mạc, Ts.Bs Nguyễn Văn Văn, phó giám đốc Sở Y tế đã đánh giá việc tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi và tiêm chủng thường xuyên cho trẻ dưới 1 tuổi là cần thiết, cấp bách trong tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự án đã góp phần không nhỏ trong công tác nâng cao tỉ lệ tiêm chủng ở các vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn qua đó góp phần thực hiện mục tiêu chung phát triển kinh tế xã hội các đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tại buổi họp, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các hoạt động của dự án, thống nhất kế hoạch và lộ trình thực hiện hoạt động như: tăng cường sự đồng thuận tiêm chủng COVID-19 cho trẻ dưới 12 tuổi thông qua hỗ trợ rà soát và điều chỉnh kế hoạch truyền thông kết hợp với tiêm chủng thường xuyên; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và ngoài y tế (giáo viên, cộng tác viên...), cách sử dụng, bảo quản vắc-xin, quản lý phát hiện và khắc phục sự cố dây chuyền lạnh thường gặp ...; nâng cao tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi ở các xã khó khăn tại tỉnh Quảng Nam; chia sẻ kinh nghiệm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi kết hợp với tiêm chủng thường xuyên cho trẻ tại tỉnh tham gia dự án cho các đơn vị khác.

Dự án MOMENTUM 2 sau khi thống nhất sẽ được triển khai từ tháng 03/2023 đến 09/2023 tại 58 xã thuộc 07 huyện (Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang),

 

Sáng ngày 16.03, Đoàn công tác Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Học viện YDHCT Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Quảng Nam nhằm hợp tác toàn diện giữa Học viện với Sở Y tế tỉnh. Tham dự buổi làm việc có TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; đại diện lãnh đạo các Phòng chức năng Sở Y tế; đại diện Lãnh đạo Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các đồng chí đại diện các khoa, phòng của hai bệnh viện này.

GGDFGHD

Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện đã giới thiệu đôi nét về hoạt động của Học viện; chủ trương hợp tác giữa học viện với các đơn vị liên quan;công tác đào tạo nhân lực y tế trình đạo đại học, sau đại học và đào tạo liên tục; nghiên cứu khoa học;... Mong muốn Sở Y tế cùng các đơn vị y tế tại tỉnh Quảng Nam tiếp tục tạo điều kiện cho học viên, sinh viên tham gia học tập, Học viện sẽ cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đồng thời, các đại biểu cùng nhau tham gia trao đổi, thảo luận, đề ra giải pháp nhằm tăng cường hoạt động phối, kết hợp giữa Học viện Y - Dược cổ truyền Việt Nam với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh trong việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Y - Dược cổ truyền trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền trong các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Viết Thạnh

Sáng ngày 8/3, Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Sở Y tế để nghe báo cáo kết quả công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Tham dự có lãnh đạo ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành và các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tham dự. Đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND chủ trì hội nghị.

ghhb

Đồng chí Trần Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị

Tại hội nghị, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo các nội dung như: công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy, nhân sự ngành y tế; việc thu hút, tuyển dụng bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh; tình hình thiếu, thừa bác sĩ ở từng cơ sở; công tác đấu thầu: tiến độ đấu thầu hoá chất và vật tư y tế tiêu hao trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, vướng mắc trong công tác đấu thầu,… ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và lập hồ sơ quản lý sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; tình hình đầu tư nâng cấp, sửa chữa các Bệnh viện, TTYT trên địa bàn tỉnh; tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập của ngành; vướng mắc trong công tác thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiến độ các công trình, dự án đã được UBND tỉnh, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, Công tác phòng, chống dịch bệnh; tình hình thực hiện Đề án bố trí trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh,…

Hiện nay, toàn ngành có 6.206 người, trong đó, nhân viên y tế là 5.294 người, đạt 36 nhân viên y tế/vạn dân, bác sĩ: 1.152 người, đạt 7,68 bác sĩ/vạn dân; dược sĩ: 440 người, đạt 2,93 dược sĩ/vạn dân; điều dưỡng: 1.556 người, đạt 10,37 điều dưỡng/vạn dân. 

Tại đây, đại diện đơn vị Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chia sẻ về tình hình khó khăn, vướng mắc tại đơn vị như: thiếu thuốc, hóa chất, thiếu vật tư y tế; thiếu kinh phí, cơ sở vật chất và hạ tầng xuống cấp,… ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh. 

ết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của Ngành Y tế trong thời gian qua, đánh giá cao tinh thần của các cán bộ y tế đã đoàn kết, đồng lòng vượt qua những khó khăn để kịp thời chăm sóc, điều trị cho người bệnh. Qua báo cáo của Sở Y tế và những đề xuất, kiến nghị của các đơn vị y tế, Phó Chủ tịch cho rằng, trước mắt cần làm rõ những vướng mắc từ các chính sách, xuống cấp cơ sở hạ tầng, công tác đấu thầu, chuyển đổi số trong y tế,… Sở Y tế phải tham mưu UBND tỉnh để đăng ký cuộc làm việc với bộ ngành liên quan để giải quyết các vướng mắc về chính sách; Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thành lập tổ tư vấn về đấu thầu thiết bị thuốc và vật tư để hỗ trợ triển khai thủ tục đấu thầu theo đúng pháp luật; về xây dựng cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế thì ban quản lý dự án sớm có báo cáo về các công trình thuộc lĩnh vực y tế, các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin và yêu cầu các địa phương báo cáo nhanh tình hình tiến độ để có biện pháp đẩy nhanh tiến độ; Sở Y tế phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để xây dựng các phần mềm cần thiết để đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh,...

 

Chiều 27.02, UBND huyện Tiên Phước tổ chức chương trình gặp mặt kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/02/1955 – 27/02/2023). Đến dự có TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam; đại diện Lãnh đạo Trung tâm Kiểm Soát Bệnh tật Quảng Nam cùng UBND huyện và tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động TTYT huyện Tiên Phước.

 

e265cbe08c7c56220f6d

Toàn cảnh chương trình gặp mặt kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/02/1955 – 27/02/2023) tại UBND huyện Tiên Phước

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại lịch sử của Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.02; tổng kết về những kết quả mà  Y tế huyện Tiên Phước đã đạt được trong năm qua; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian đến; cùng xem phóng sự “ Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước nổ lực để tạo sự hài lòng”;…

5685b066eefa34a46deb

 TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tặng hoa chúc mừng TTYT huyện Tiên Phước nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/02/1955 – 27/02/2023)

Phát biểu và tặng hoa chúc mừng đơn vị, TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế huyện nhân kỷ niệm 68 năm ngày truyền thống của ngành; ghi nhận và biểu dương những kết quả mà đơn vị đạt được trong thời gian qua. Đồng  chí nhấn mạnh cần phát huy truyền thống quý báu của ngành Y, thực hiện lời Bác Hồ dạy “Lương y phải như từ mẫu” và 12 điều y đức khi thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào thi đua yêu nước, cống hiến sức mình vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân.

00009.00 01 35 06.Still022

TS. BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đại diện tặng hoa cho các cá nhân, tập thể  TTYT huyện Tiên Phước có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ nhân dân huyện nhà

fcd8d05d97c14d9f14d0

Tập thể đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế huyện chụp ảnh lưu niệm nhân Kỷ niệm kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam ( 27/02/1955 – 27/02/2023)

Dịp này, UBND huyện Tiên Phước cũng đã tuyên dương, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể TTYT huyện có thành tích xuất sắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân huyện nhà./.

Viết Thạnh - Anh Thư

Sáng ngày 27/2, các cán bộ hưu trí đã từng công tác trong lĩnh vực y tế tại huyện Thăng Bình đã có dịp gặp mặt, giao lưu nhằm ôn lại kỷ niệm với nghề nhân dịp ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2023). Ts.Bs. Mai Văn Mười - TUV, BT Đảng bộ, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam; đại diện lãnh đạo Huyện ủy huyện Thăng Bình, Uỷ ban Nhân dân huyện Thăng Bình, lãnh đạo TTYT huyện cùng các cán bộ hưu trí qua các thời kì tham dự.

Huu
Buổi gặp mặt lần này với sự tham gia của 240 cán bộ hưu trí đã từng công tác trong lĩnh vực y tế tại huyện Thăng Bình từ năm 1963 đến nay. Nhân dịp này, Ts.Bs Mai Văn Mười cũng bày tỏ sự trân trọng, lòng tri ân đối với những cống hiến của các thế hệ đi trước; đồng thời, gửi hoa và lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ hưu trí luôn dồi dào sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc; luôn dõi theo sự phát triển của Ngành Y tế; là chỗ dựa vững chắc về tinh thần để các thế hệ sau tiếp nối vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

HUU TRI TBINH61a
Gặp mặt, tri ân các cán bộ hưu trí là hoạt động có ý nghĩa là dịp để thành viên hội hưu trí qua các thời kì có cơ hội gặp mặt, giao lưu, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm qua các thời kỳ công tác; giáo dục lớp trẻ hướng về cội nguồn với truyền thống quý báu “Uống nước nhớ nguồn”; bày tỏ lòng biết ơn với những đóng góp của các thế hệ đi trước, những người đã dành cả cuộc đời và sự nghiệp của mình để cống hiến cho sự lớn mạnh, phát triển của công tác y tế huyện Thăng Bình nói riêng và Ngành Y tế Quảng Nam nói chung./.
Thùy An

Sáng 27.02, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Quảng Nam tổ chức buổi tọa đàm nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023). Tham dự có Lãnh đạo đơn vị, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên và toàn thể viên chức, người lao động trong đơn vị.

CDC toa damg

TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam phát biểu nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023)

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam; ý nghĩa và sự ra đời ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2; đọc thư Bác Hồ gửi Hội nghị cán bộ Ngành Y tế 27/2/1955, Thư Bộ trưởng Bộ Y tế gửi Ngành Y tế nhân 27/2/2023; tham luận Gương thầy thuốc Bác sĩ Đặng Thùy Trâm; tham luận ôn lại 12 điều y đức;…

CDC toa dam vvvg

Chụp ảnh lưu niệm toàn đơn vị nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023)

Đây là dịp để tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị cùng nhau ôn lại truyền thống của Ngành Y tế. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ, khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động tiếp tục nỗ lực, cống hiến vì sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tác giả: Viết Thạnh

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955- 27/2/2023), sáng ngày 24/2, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh (UBND) Lê Trí Thanh đã đến thăm, động viên các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế thuộc các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh: Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm thần. Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh tham dự.

Tại Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y bác sĩ trong thời gian qua. Đồng chí mong rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể bệnh viện, thời gian đến, bệnh viện Phụ Sản - Nhi sẽ nâng cao chất lượng chuyên môn, thu hút được nhiều bác sỹ có đức có tài về công tác tại bệnh viện.

Nhi g
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Phụ Sản - nhi

Tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Lê Trí Thanh đã gửi lời động viên đến các cán bộ y tế bệnh viện đã vượt qua những khó khăn, trở ngại về cơ sở vật chất, kinh phí cũng như tình trạng thiếu nhân lực thời gian qua và cam kết Quảng Nam sẽ có những đầu tư thích đáng để Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch phát triển xứng tầm với chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho người bệnh.

PN THach
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Bà Trần Thị Bích Thu-Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ts.Bs Mai Văn Mười-Giám đốc Sở Y tế tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch

Trong cùng ngày, đồng chí Lê Trí Thanh cũng đến thăm và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tâm Thần. Tại đây, đồng chí cũng hoan nghênh tinh thần vượt qua khó khăn trở ngại và gửi lời động viên tình thần đến các cán bộ, y bác sỹ tại bệnh viện đã tận tình điều trị, chăm sóc cho người bệnh.

Mătg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Mắt.

TTg

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ts.Bs Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế tặng hoa chúc mừng Bệnh viện Tâm Thần

Trong thời gian đến, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cam kết sẽ có lộ trình, kế hoạch để phát triển các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; Sở Y tế cần có tham mưu để có những giải pháp đầu tư thích hợp; các bệnh viện chuyên khoa cần đẩy mạnh chất lượng khám chữa bệnh song song với công tác nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật trong công tác điều trị và chăm sóc người bệnh được tốt hơn./.