Thời gian qua Bộ Y tế đã gia hạn, cấp mới khoảng 16.000 thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế; Cùng đó Bộ đã công bố gần 50.000 hồ sơ trang thiết bị các loại A và B. Bộ Y tế phấn đấu đến cuối năm 2024 giải quyết chấm dứt tình trạng tồn đọng các hồ sơ đã tiếp nhận.
Báo cáo của Bộ Y tế tại hội nghị triển khai công tác năm 2024 diễn ra hôm nay- 9/1, cho biết Bộ Y tế đã tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về công tác mua sắm thuốc, thiết bị y tế để các đơn vị nghiên cứu, áp dụng thực hiện.
Gia hạn, cấp mới khoảng 16.000 loại thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế
Theo Bộ Y tế để đảm bảo nguồn cung thuốc cho nhu cầu dự phòng, điều trị của nhân dân, ngành đã kịp thời giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt và thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo, thuốc phòng chống dịch bệnh (dịch COVID-19, huyết thanh kháng bạch hầu, giải độc tố Botulium). Chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường công tác đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn đối với thuốc/thuốc dạng phối hợp/nguyên liệu dùng làm thuốc là dược chất gây nghiện, hướng thần, tiền chất, dùng làm thuốc.
Tính đến ngày 20/11/2023, Bộ Y tế đã có 8 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2024 với tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố là: 11.703 (9.163 thuốc trong nước, 2.296 thuốc nước ngoài, 244 vaccine, sinh phẩm); thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo luật Dược 2016: 4.087 thuốc;
Hiện Bộ Y tế đang trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp cho gần 1.200 thuốc, giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung; các hồ sơ mới tiếp nhận đã được rà soát kịp thời chuyển đi thẩm định.
Từ ngày 01/01/2023 đến nay, Bộ Y tế đã công bố được 09 đợt thông tin giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế với tổng số lượt mặt hàng được tổng hợp và công bố là 52.674 lượt mặt hàng thuốc trúng thầu của hơn 250 cơ sở y tế.
Trên 64.000 hồ sơ thiết bị đã được gia hạn, cấp phép đang còn hiệu lực
Về trang thiết bị y tế, ngành đã tập trung hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến về quản lý trang thiết bị y tế, bảo đảm vận hành hiệu quả; xử lý hồ sơ tồn đọng, đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ cấp lưu hành trang thiết bị y tế. Hiện nay, cơ bản các bệnh viện đã chủ động tổ chức mua sắm thiết bị y tế phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh theo các quy định. Tuy nhiên một số bệnh viện vẫn còn tình trạng thiếu thiết bị y tế, doanh nghiệp không tham gia đấu thầu, bỏ thầu, hoặc do giá cả thị trường tăng quá cao và tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện mua sắm, đấu thầu.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, Bộ Y tế thường xuyên nắm bắt tình hình, vướng mắc trong thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi triển khai công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đồng thời giúp cán bộ y tế yên tâm triển khai thực hiện.
Ngành đang tiến hành sửa đổi Luật Dược 2016 (dự kiến trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội XV); Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP; xây dựng, trình ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh; tham gia xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu.
Cùng đó ngành y tế đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 03/2019/TT-BYT về danh mục thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp và Thông tư số 15/2020/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư hướng dẫn mua sắm tập trung, đàm phán giá thiết bị y tế và ban hành danh mục thiết bị y tế mua sắm tập trung, danh mục thiết bị y tế đàm phán giá theo Luật Đấu thầu (dự kiến ban hành cuối năm 2023 để bảo đảm đồng bộ với Luật Đấu thầu năm 2023); Thông tư hướng dẫn thông tin kê khai giá y tế; xây dựng phương án dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung...
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua đã công bố 32.108 hồ sơ trang thiết bị loại A; 17.538 hồ sơ trang thiết bị loại B; tiếp nhận 12.011 hồ sơ trang thiết bị loại C,D (xử lý xong 3.710 hồ sơ). Đến nay, có trên 64.000 hồ sơ (trên 100.000 chủng loại) thiết bị đã được gia hạn, cấp phép đang còn hiệu lực. Bộ Y tế phấn đấu đến cuối năm 2024 giải quyết chấm dứt tình trạng tồn đọng các hồ sơ đã tiếp nhận.
TT-GDSK
Theo Suckhoedoisong.vn