SKĐS - Thuốc lá điện tử được thiết kế kiểu dáng giống đồ dùng như bút, thỏi son, hộp sữa, đồ chơi, có nhiều tính năng phát sáng, nghe nhạc, giá sản phẩm đa dạng, dễ tiếp cận… hương vị hấp dẫn, tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ, trong khi bằng chứng khoa học cho thấy thuốc lá điện tử có chứa thành phần độc hại.
Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hôm nay (12/10). Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ và Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Trong khi đó, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu.

Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.

Tại tọa đàm, các ý kiến đều chung nhận định đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine có thể làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần.

Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kì thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch…

Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử
Theo Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam Nguyễn Thị An, điều đáng lo ngại là thuốc lá điện tử và các sản phẩm tương tự dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng đã ở mức cao. Trong khi đó, chiến lược quảng cáo thuốc lá mới đang trực tiếp nhắm tới giới trẻ với các thiết kế đa dạng kiểu dáng, màu sắc theo đúng "thị hiếu" giới của đối tượng này.

Bà An cũng cho hay, thuốc lá điện tử dù mới xuất hiện trên thị trường và chưa được phép lưu hành nhưng tỷ lệ sử dụng đã ở mức cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống ở cả học sinh nam và nữ.

Trước thực trạng ngày càng nhiều đối tượng thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, cùng nhiều dạng thuốc lá mới khác, bà An cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Cần sớm ban hành chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, Ths Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên thực hiện cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc lá mới. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.

Phương án này sẽ tác động tích cực về kinh tế-xã hội-giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật: Nhà nước không phải bỏ kinh phí để thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giải quyết tệ nạn xã hội và gánh nặng bệnh tật; người dân được bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phòng tránh các bệnh tật do thuốc lá gây ra; giảm tải bệnh viện, tập trung khám, điều trị các bệnh khác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

hhfff

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, hiện nay các loại thuốc lá mới chưa nằm trong danh mục hàng hóa cấm. Trong khi đây là một sản phẩm nguy hại, rất gần với ma túy. Do vậy cần có những giải pháp kịp thời.

Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết sắp tới trước mắt, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhằm điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá mới.
Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu (IGTC) tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học Bang Portland đã chỉ ra mối liên hệ giữa các hóa chất hương vị có trong thuốc lá bán tại Việt Nam và sự hấp dẫn của các sản phẩm này đối với người tiêu dùng, bao gồm cả giới trẻ Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research và được giới thiệu trong một video đính kèm, là nghiên cứu đầu tiên phân tích thành phần hóa học có trong nhiều loại thuốc lá khác nhau hiện có bán tại Việt Nam.

Nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học của 180 loại hương vị có trong nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác nhau được bán ở Việt Nam và phát hiện ra 17 gói trên tổng số 35 gói thuốc lá được lấy mẫu (chiếm 49%) có chứa bạc hà — bao gồm các mức cao nhất trong số tất cả các loại thuốc lá (lên tới 16,6 mg/điếu). 20 gói trên tổng số gói thuốc lá mẫu (chiếm 57%) có dùng các "công nghệ" hương vị. Sự có mặt của "các hóa chất hương vị khác" (như hương trái cây) được tìm thấy trong 24 gói thuốc lá mẫu (chiếm 69%), trong đó có 16 gói có chứa bạc hà.

rthfgfgfg

Thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam đang gia tăng và chính các loại hương vị có thể thúc đẩy việc sử dụng và mở rộng số lượng người hút các sản phẩm thuốc lá độc hại. Các hương vị có thể làm cho điếu thuốc lá trở nên ngon miệng hơn và các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng các hương vị nói chung (đặc biệt là bạc hà) có thể góp phần làm giảm khả năng bỏ hút thuốc lá.

Các kết quả từ phân tích hóa học chỉ ra rằng các sản phẩm chứa hóa chất hương vị và công nghệ cung cấp hương vị bao gồm hương vị ở nhiều mức độ khác nhau (kể cả các mức độ cao) có thể thu hút nhiều người dùng.

Bà Lauren Czaplicki, nhà khoa học tại IGTC và đồng tác giả của bài nghiên cứu, giải thích: Các sản phẩm thuốc lá có hương vị là thủ phạm kéo dài đại dịch thuốc lá, làm thuốc lá trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng - bao gồm cả giới trẻ - và khiến việc bỏ hút thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Thật may mắn, bằng việc ban hành lệnh cấm và loại bỏ các sản phẩm thuốc lá có hương vị ra khỏi thị trường, các quốc gia có thể chống lại thành công các chiến thuật tiếp thị mật ngọt và mang tính săn mồi của ngành công nghiệp thuốc lá.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cấm các sản phẩm thuốc lá có hương vị, gồm cả hương bạc hà, có thể giúp giảm việc hút thuốc lá và gia tăng nỗ lực bỏ thuốc lá.

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống

SKĐS - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa công bố quyết định gia hạn giấy đăng ký lưu hành hơn 1.000 loại thuốc sản xuất trong nước phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch. Hiện nước ta có khoảng hơn 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành với khoảng 800 hoạt chất các loại...
TS Vũ Tuấn Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa ký quyết định công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc sản xuất trong nước. Theo đó trong số 1.017 thuốc được gia hạn số đăng ký lần này có 918 sản phẩm gia hạn 5 năm, 99 sản phẩm còn lại gia hạn trong thời gian 3 năm.

phan phoi thuoc 1696996027849710284056

Trao đổi với Sức khỏe & Đời sống, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, các sản phẩm thuốc được gia hạn số đăng ký lần này khá đa dạng về nhóm tác dụng dược lý gồm các thuốc điều trị ung thư, tim mạch, đái tháo đường, thuốc kháng virus cũng như các thuốc kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, kháng viêm thông thường khác... và các loại vaccine, sinh phẩm có nhu cầu sử dụng nhiều để phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh.

Cục Quản lý Dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc có trách nhiệm sản xuất thuốc theo đúng các hồ sơ, tài liệu đã đăng ký với Bộ Y tế và phải in số đăng ký được Bộ Y tế Việt Nam cấp lên nhãn thuốc. Chỉ được sản xuất, đưa ra lưu hành các thuốc kiểm soát đặc biệt khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phạm vi kinh doanh thuốc phải kiểm soát đặc biệt phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 143 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

Thực hiện việc cập nhật tiêu chuẩn chất lượng của thuốc theo quy định tại Thông tư số 11/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Cập nhật nhãn thuốc, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo quy định tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc trong thời hạn theo quy định.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, các thuốc được gia hạn giấy đăng ký lưu hành lần này được tiếp tục sử dụng số đăng ký đã cấp trước khi gia hạn trong thời hạn tối đa 12 tháng kể từ ngày được cấp số đăng ký gia hạn.

Cũng theo đại diện Cục Quản lý Dược, cùng với việc nhiều lần thực hiện cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành có hiệu lực 3 năm hoặc 5 năm theo quy định của Luật Dược 2016 cho nhiều mặt hàng thuốc, để thực hiện Nghị quyết số 80 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về gia hạn sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, Bộ Y tế đã nhiều lần công bố Danh mục thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine, sinh phẩm có giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 80. Tính đến nay Bộ Y tế đã có hơn 10 đợt công bố.

Tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở nước ta còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 loại khác nhau.

Báo Sức khỏe và đời sống

Ngày 10/10, Sở Y tế Quảng Nam phối hợp với Uỷ ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tổ chức Hội thảo xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Tham dự có, đại diện Uỷ ban Y tế Hà Lan; Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số (CCIHP); đại điện văn phòng UBND tỉnh;  Bs. CKII. Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam; đại diện lãnh đạo trường Cao đẳng y tế Quảng Nam; Lãnh đạo các Sở, ban, ngành; 18 văn phòng UBND, 09 bệnh viện tuyến tỉnh, 07 bệnh viện công lập và 18 trung tâm y tế huyện/thị xã/ thành phố.

 

8f59ce8e3115e54bbc04

Bs. CKII. Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam chủ trì Hội thảo

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe chia sẻ thông tin Dự án Hoà nhập 1; Báo cáo thực trạng công tác Phục hồi chức năng tại tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2020 và Trình bày Dự thảo Kế hoạch phát triển Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Quảng Nam 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Bên cạnh đó, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những khó khăn, thách thức trong việc triển khai dự thảo Kế hoạch nhằm củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở PHCN; tăng cường phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm và can thiệp sớm; bảo đảm người khuyết tật (NKT) và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ PHCN có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng qua đó phát huy tối đa năng lực của NKT; giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, cải thiện cuộc sống NKT về mọi mặt để NKT được hòa nhập và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Được biết, theo số liệu từ hệ thống DIS cho thấy tại tỉnh Quảng Nam có khoảng 5.200 người khuyết tật cần khám phục hồi chức năng (PHCN) và 5.900 người khuyết tật cần dịch vụ chỉnh hình, chân tay giả, dụng cụ trợ giúp nhưng chưa được tiếp cận dịch vụ.

Anh Thư

SKĐS - Chiều 9/10, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan – Chủ tịch Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã tiếp bà Betsy Fuller, Quản lý chương trình cao cấp Chương trình y tế công cộng Quỹ từ thiện Bloomberg và các thành viên của đoàn chuyên gia.
Cùng tham gia buổi tiếp với Bộ trưởng Đào Hồng Lan về phía Bộ Y tế có đại diện lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan; đại diện Quỹ Phòng chống tác hại (PCTH) của thuốc lá .

thlglgflf
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi tiếp.

Về phía các tổ chức quốc tế có bà Sandra Mullin, Phó Chủ tịch cao cấp Truyền thông và vận động chính sách Vital Strategies; Ông Gan Quan, Giám đốc và Bà Caitlin Meaghan Rideout, Phó Giám đốc Phòng Kiểm soát thuốc lá Liên minh quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi (the Union); Bà Lauren Czaplicki, Viện Kiểm soát thuốc lá toàn cầu; Ông German Rodriguez-Iglesias, Chuyên gia Kinh tế Trường đại học Illinois ở Chicago; Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam và bà Đoàn Thu Huyền, Phụ trách Việt Nam Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ (CTFK) cùng các thành viên tham gia đoàn.

1 nrrtkgkg

Tại buổi tiếp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan chào mừng đoàn chuyên gia của Quỹ từ thiện Bloomberg do bà Betsy Fuller dẫn đầu tới thăm và làm việc với Bộ Y tế. Cùng đó, Bộ trưởng trân trọng cám ơn Quỹ Bloomberg đã giúp đỡ và hợp tác với Bộ Y tế, các cơ quan, tổ chức của Việt Nam về PCTH của thuốc lá trong những năm qua.

Thông tin với các chuyên gia của Quỹ từ thiện Bloomberg, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau 10 năm thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tổ chức chính trị xã hội, đã triển khai nhiều hoạt động PCTH của thuốc lá hiệu quả. Cùng với sự nỗ lực, chung tay của các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các hoạt động PCTH của thuốc lá tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

"Tôi được biết, từ năm 2009 đến nay, Quỹ Bloomberg đã hỗ trợ cho Việt Nam trên 30 dự án để thực hiện các hoạt động PCTH của thuốc lá. Những dự án do Quỹ Bloomberg hỗ trợ đã góp phần vận động thành công việc xây dựng và ban hành Luật PCTH của thuốc lá và đặc biệt là chúng tôi cũng đã thành lập được Quỹ PCTH thuốc lá để hỗ trợ cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố thực hiện Luật PCTH thuốc lá hiệu quả" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, thuốc lá là một trong những nguyên nhân lớn gây bệnh nguy hiểm trong cộng đồng, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên 70% mô hình bệnh tật tại Việt Nam. Vấn đề thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, tiếp cận dễ dàng, thuế thuốc lá còn thấp... nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân đã và đang là những nội dung được nhà quản lý, các chuyên gia y tế công cộng cũng như nhiều người dân quan tâm.

Tại buổi làm việc, các chuyên gia đến từ Quỹ từ thiện Bloomberg cảm ơn Bộ trưởng Đào Hồng Lan và phía Bộ Y tế, Quỹ PCTH của thuốc lá đã dành thời gian trao đổi cùng các chuyên gia của Quỹ. Cùng đó, phía các chuyên gia của Quỹ từ thiện Bloomberg cũng đánh giá cao những kết quả Việt Nam đã đạt được trong công tác PCTH của thuốc lá.

Qua thảo luận, trao đổi giữa hai bên, các chuyên gia của Quỹ từ thiện Bloomberg cho rằng để nâng cao hiệu quả của công tác PCTH thuốc lá, Việt Nam cần thực hiện một số nội dung:

Thứ nhất là vấn đề tăng thuế thuốc lá. Có thể nói đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá hiện vẫn còn cao ở Việt Nam;

Thứ hai, cần tiếp tục nỗ lực vận động cấm sản phẩm thuốc lá mới vì rõ ràng đây là sản phẩm đặc biệt gây hại đến thế hệ trẻ.

Thứ ba, tăng cường thực thi Luật PCTH để Luật được thực thi bễn vững hơn nữa, trong đó cần đảm bảo Quỹ PCTH của thuốc lá được triển khai hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng để đảm bảo công tác PHTL trong thời gian tới được bền vững. Đây cũng là ưu tiên mà Quỹ từ thiện Bloomberg sẽ hỗ trợ Việt Nam thời gian tới.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao buổi làm việc hôm nay và nhấn mạnh: "Chúng ta có mong muốn và nhận thức chung về tác hại của thuốc lá với sức khỏe và cần có giải pháp mạnh mẽ trong thời gian tới từ thanh kiểm tra, kiểm soát thuốc lá gần trường học, truyền thông nâng cao nhận thức về PCTH thuốc lá của cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ...".

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Quỹ PCTH của thuốc lá làm việc kỹ với Quỹ từ thiện Bloomberg để bàn bạc những nội dung là thứ tự ưu tiên trong hợp tác giữa hai bên và cần Quỹ từ thiện Bloomberg hỗ trợ để có những giải pháp tháo gỡ tồn tại cụ thể trong công tác PCTH của thuốc lá hiện nay. "Từ đó mới có chuyển biến rõ rệt trong triển khai thực hiện"- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng bảy tỏ: Bộ Y tế cần có sự hỗ trợ, cần sự đồng hành của Quỹ từ thiện Bloomberg để giúp Bộ Y tế có thông tin sớm về PCTH thuốc lá nói chung, đặc biệt là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để Bộ Y tế có cơ sở thông tin, nhằm tăng tính thuyết phục khi báo cáo cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Về những ý kiến đề xuất của phía Quỹ từ thiện Bloomberg, Bộ Y tế tiếp thu và đề nghị Quỹ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2030 và Luật PCTH thuốc lá, đặc biệt là vấn đề tăng thuế thuốc lá; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực cho Quỹ PCTH của thuốc lá và mạng lưới cán bộ tham gia công tác PCTH thuốc lá của Việt Nam...


Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Sáng 6.10, Sở Y tế - Công đoàn ngành Y tế Quảng Nam đến thăm và trao tặng giống cây Sâm Ngọc Linh giống cho bà con nghèo xã Trà Tập, huyện Nam Trà My.

IJKJJJJK

Đại diện Công đoàn ngành Y tế Quảng Nam chụp hình lưu niệm với bà con nhân dân xã Trà Tập, Nam Trà My

Tại đây, đại diện Sở Y tế đã trao tặng 150 giống cây Sâm Ngọc Linh tròn 1 năm tuổi với tổng trị giá 45 triệu đồng cho 10 hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn trên địa bàn xã Trà Tập. Mỗi hộ được nhận 15 cây giống. Sau khi được nhận hỗ trợ, những hộ này sẽ trồng tập trung tại các khu vực trong xã. Các xã sẽ thành lập các tổ, nhóm hộ để cùng nhau quản lý, bảo vệ, chăm sóc và phát triển diện tích Sâm Ngọc Linh.

Đây là những hoạt động thiết thực nhằm tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nam Trà My.

Viết Thạnh

Ngày 5/10, tại TP.Hội An, Sở Y tế phối hợp Viện Pasteur Nha Trang và tổ chức PATH tại Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm triển khai Dự án "Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não nhật bản cho đối tượng bị bỏ lỡ tiêm vắc xin do đại dịch COVID-19 trong các năm 2020 - 2022". Tham dự có, Ths. Hoàng Tiến Thanh - Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Viện Pasteur Nha Trang; TS. Nguyễn Thị Thu Hương – cán bộ Chương trình tiêm chủng mở rộng miền Bắc; Ts. Nguyễn Tuyết Nga – Trưởng đại diện tổ chức PATH tại Việt Nam; đại diện Lãnh đạo Sở Y tế và CDC các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình; Sơn La;  đại diện Văn phòng UBND và các Sở Ban Ngành liên quan của tỉnh Quảng Nam; Ts.Bs Nguyễn Văn Văn – Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam; TS.BS Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam; đại diện 6 Trung tâm Y tế huyện thuộc Dự án (Bắc Trà My, Nam Trà My, Tiên Phước, Đông Giang, Phước Sơn, Đại Lộc).

1 ne

Tỉnh Quảng Nam báo cáo tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án “Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản trong thời gian đại dịch COVID - 19”


Dự án "Tăng cường tiêm chủng vắc xin Viêm não Nhật Bản (VNNB) cho đối tượng bị bỏ lỡ tiêm vắc xin JE do đại dịch COVID-19 trong các năm 2020 - 2022" là dự án thứ 3 Quảng Nam được tổ chức PATH tài trợ. Tại đây, tổ chức PATH đã hỗ trợ cán bộ y tế của 70 xã thuộc 6 huyện về giao ban kỹ thuật an toàn tiêm chủng; giám sát hỗ trợ chuyển đổi báo cáo điện tử sử dụng phần mềm tiêm chủng quốc gia (NIIS), quản lý và khắc phục sự cố dây chuyền lạnh cho tất cả cán bộ y tế ở 241 xã tại 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam.

2 ne
Ts.Bs. Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tặng quà kỉ niệm cho đại diện tổ chức PATH.

3 ne
Đại diện tổ chức PATH tặng quà cảm ơn đến các đơn vị hợp tác thực hiện.

4 ne
Đại diện tổ chức PATH tặng quà chúc mừng các huyện Tiên Phước, Đại Lộc (Quảng Nam), huyện Mường Nhé (Điện Biên) và huyện Tuần Giáo ( Điện Biên) đã có thành tích thực hiện tốt các chương trình Dự án.

Những hoạt động kể trên đã đưa tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cũng như vắc xin VNNB tại Quảng Nam đạt được kết quả tích cực. Ban đầu, từ 6 huyện dự án đã rà soát được 8.724 trẻ cần được tiêm chủng với tổng 10.858 mũi. Từ tháng 10/2022 đến 30/9/2023, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm 10.679 mũi/10.858, đạt 98,4%.

5 ne

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

Được biết, thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục duy trì thực hiện tiêm vét, tiêm bù cho đến hết tháng 12/2023, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tiêm chủng tại tỉnh, tập trung duy trì, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế các tuyến trong việc quản lý và sử dụng vắc xin, triển khai tiêm chủng an toàn hiệu quả, rà soát và quản lý các đối tượng tiêm chủng.

Anh Thư - Thuỳ An

Từ ngày 29/9 - 30/9, trong khuôn khổ thực hiện chương trình Quân - Dân Y kết hợp năm 2023, Sở Y tế Quảng Nam phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí, cập nhật hồ sơ sức khỏe cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và người dân tại xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Tham gia hoạt động lần này có Ths. Bs Trương Quang Bình – Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Quảng Nam, các bác sĩ từ các đơn vị Quân Y - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Bệnh viện Mắt; Bệnh viện Phụ Sản – Nhi; đoàn thanh niên Sở Y tế Quảng Nam và Trung tâm Y tế thành phố Hội An. 

ythigngb

Các cán bộ Quân - Dân y đến thăm hỏi, tặng quà và cấp phát thuốc cho gia đình người có công với cách mạng tại thôn bãi Ông, Cù Lao Chàm
Chương trình lần này thực hiện khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 38 hộ gia đình thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng và gần 250 người lớn và trẻ em trên địa bàn xã. Tại đây, người dân được khám sức khỏe tổng quát, mắt, răng hàm mặt.... cấp phát thuốc một số bệnh thường gặp về đường tiêu hóa, cơ xương khớp, các bệnh lí ngoài da; đau mắt đỏ, lắp ráp 22 bộ răng giả, nhổ răng sâu và vệ sinh răng miệng.

 Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, đoàn khám kết hợp tuyên truyền cho người dân về chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lí, phù hợp với thể trạng, đặc biệt hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng dịch, phòng chống các bệnh thường gặp như Cúm, Sốt xuất huyết, Đau mắt đỏ...

gtgngfmgb

thgnvcfgbgb

tgvbnfc

Đây là hoạt động thiết thực và mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với công tác chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đây cũng là dịp để Thanh niên, đoàn viên, cán bộ trẻ thể hiện trách nhiệm của mình với các thế hệ đi trước, các gia đình chính sách và tinh thần sẻ chia hướng về cộng đồng. Đồng thời thể hiện sự chung tay của các cấp, các ngành, hội đoàn thể cùng với chính quyền thực hiện công tác an sinh xã hội ở mỗi địa phương.

 

Trong 02 ngày 25 - 26/9, tại Hội trường 1 Trung tâm Văn Hóa tỉnh,  Đảng bộ Khối các cơ quan Quảng Nam, Khối thi đua số 1 tổ chức Hội thi Tuyên truyền viên giỏi năm 2023. 

Hội thi lần này thu hút 19 đơn vị tham gia bao gồm: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Tài chính; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; Văn phòng tỉnh ủy; Sở Y tế; Sở giao thông vận tải; Sở Công thương; Sở Nội vụ; Thanh tra tỉnh; Sở Tư pháp;Sở Xây dựng; Nông nghiệp và PTNT; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Lao động – Thương binh và xã hội; Liên đoàn lao động tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo. Các thí sinh trải qua 03 phần thi: Soạn nội dung thuyết trình; Thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Nội dung thi tập trung vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kì 2020 – 2025; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ chí Minh. 

thfhvcncdff

Đội thi tuyên truyền viên giỏi 2023 của Sở Y tế Quảng Nam.

Đây là dịp để các tuyên truyền viên các Đảng bộ trau dồi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực, kỹ năng thuyết trình, góp phần đổi mới phương thức tuyên truyền miệng; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đối với Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

tfhfnccffg

Qua 02 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, công tâm, khách quan của Ban tổ chức, Ban giám khảo và Tổ Thư ký Hội thi; đặc biệt là sự nỗ lực tranh tài của 19 thí sinh dự thi đến từ 19 Đảng bộ các ngành cơ quan cùng với tinh thần cổ vũ động viên, Hội thi tuyên truyền viên giỏi năm 2023 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ban Giám khảo đã chọn và tham mưu Ban tổ chức hội thi công nhận các giải thí sinh: 01 thí sinh đoạt giải Nhất thuộc về đ/c Phan Thị Ngọc Trâm - Đảng bộ Sở Tư pháp; 02 giải Nhì thuộc về đ/c Nguyễn Thị Thúy Hằng - Đảng bộ Văn phòng Tỉnh Ủy và đội tuyên truyền Đảng bộ Sở Văn hóa, thể thao và du lịch; đ/c Trịnh Thị Thanh Hải - Đảng bộ Sở Tài nguyên và môi trường; đ/c Phạm Thị Búp -  Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và xã hội và đội tuyên truyền Đảng bộ Sở Công Thương đạt giải ba và 13 giải khuyến khích.

 

SKĐS - TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đề nghị UBND TP Hội An giám sát chặt việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền.
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe&Đời sống, TS.BS Mai Văn Mười cho biết đã đề nghị UBND TP Hội An giám sát việc dừng hoạt động của cơ sở Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền.

Kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở gây ngộ độc thực phẩm (cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP) khi có kết luận vụ ngộ độc thực phẩm.

5F7fb6e00f35da6b8324

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế và Chi cục ATVSTP Quảng Nam làm việc với cơ sở bánh mì Phượng. Ảnh: Sở Y tế Quảng Nam.

TTYT TP Hội An khẩn trương phối hợp điều tra, rà soát tất cả trường hợp liên quan tới vụ ngộ độc thực phẩm tại cơ sở Bánh mì Phượng 2, tổng hợp thông tin ca bệnh đang điều trị tại các cơ sở trong và ngoài tỉnh.

Lãnh đạo Quảng Nam chỉ đạo Chi cục ATVSTP phối hợp các đơn vị liên quan tại TP Hội An điều tra nguyên nhân, lấy mẫu gửi Viện Pasteur Nha Trang để kiểm nghiệm.

Yêu cầu hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 tạm dừng hoạt động chế biến, kinh doanh để phục vụ công tác điều tra cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng; hướng dẫn cơ sở liên hệ với các cơ sở điều trị để chịu chi phí cho việc điều trị người bị ngộ độc, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm.

Ông Mai Văn Mười khuyến cáo, để chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, tích cực nghiên cứu để bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường, thực phẩm được chế biến, bày bán tại những cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân cần ăn chín, uống sôi. Cần tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng ngộ độc như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau bụng, đi ngoài nhiều lần... cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trước đó, như Báo Sức khỏe&Đời sống đã đưa tin, ngày 12/9/2023, trên địa bàn TP Hội An, tỉnh Quảng Nam ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến việc người dân, du khách có sử dụng Bánh mì Phượng của Hộ kinh doanh Bánh mỳ Phượng 2, địa chỉ: Số 02B, đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Số người ăn bánh mì vào ngày 11/9/2023 khoảng 1.900 người (số bánh mì cơ sở bán ra vào ngày 11/9/2023 là 1.920 ổ).

Tổng số người bị ngộ độc ghi nhận là 141 người (ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam). Ngoài ra có ghi nhận thông tin từ một số người dân, du khách khác qua điện thoại. Số người phải vào viện theo dõi sức khỏe là 141 người.

Số bệnh nhân người nước ngoài: 33 người (mang quốc tịch Australia, Anh, Nhật, Chi Lê) và 01 người Việt Nam mang quốc tịch Đức.

Triệu chứng lâm sàng của người bị ngộ độc thực phẩm: sốt cao, đau bụng, đi cầu lỏng nhiều lần, nôn, đau đầu.

Thức ăn nghi ngờ: Bánh mì (pa tê, thịt xíu gồm thịt và nước, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi (trứng gà + dầu ăn), dưa leo, đu đủ chua, chả heo.

 

Thanh Huyền - Báo Sức khỏe và đời sống

Sáng ngày 08.9, Chi bộ Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Quảng Nam tổ chức lễ trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tham dự có, Ts.Bs. Mai Văn Mười – Tỉnh Ủy viên, Bí thư Đảng Ủy Sở, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam; Bs CKII Nguyễn Đức Hùng Sơn – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bệnh viện; Bs CKII. Nguyễn Đình Thoại – Phó Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Bệnh viện cùng toàn thể Đảng viên trong Chi bộ.

muoii

Ts.Bs. Mai Văn Mười – Tỉnh Ủy viên, Bí thư Đảng Uỷ sở, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam phát biểu khai mạc buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Ts.Bs. Mai Văn Mười thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Y tế gửi lời thăm hỏi sức khỏe, chúc mừng đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu khách mời, đồng chí đảng viên Nguyễn Thị Điểm được vinh dự nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cùng toàn thể các đồng chí đảng viên Chi bộ. Việc trao Huy hiệu Đảng là sự ghi nhận của Đảng về những cống hiến, đóng góp to lớn của các đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ. Đây là lúc để các đảng viên cùng hướng về những tấm gương suốt đời tin tưởng, phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, không ngừng trau dồi, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, góp phần xây dựng Đảng bộ, chi bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời, cổ vũ, động viên các thế hệ đảng viên tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa năng lực, kinh nghiệm để đơn vị và ngành Y tế ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, nêu gương, giáo dục thế hệ đảng viên trẻ của Đảng bộ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn tư cách, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng; tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

thivb

Ts.Bs. Mai Văn Mười – Tỉnh Ủy viên, Bí thư Đảng Ủy Sở, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Thị Điểm - Khoa Cận Lâm sàng - Chẩn đoán hình ảnh - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Quảng Nam.

ghnhh

Đại diện các đồng chí lãnh đạo tặng hoa chúc mừng cho đồng chí Nguyễn Thị Điểm.

Ban Thường vụ Đảng ủy Sở mong muốn đồng chí đảng viên được nhận Huy hiệu 30 năm tuổi đảng đợt này tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiền phong gương mẫu trong công tác, sinh hoạt, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống; tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp sức xây dựng Đảng bộ Sở Y tế ngày càng trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy Chi bộ cùng với lãnh đạo Bệnh viện, nêu cao bản lĩnh chính trị, đoàn kết thống nhất, tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Chi bộ thật sự trong sạch vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể của Bệnh viện; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết thống nhất để xây dựng và phát triển Bệnh viện về mọi mặt.

Anh Thư - Ánh Minh

SKĐS - Bộ Y tế cho biết dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, tính đến thời điểm hiện tại số lượng thuốc đã nhập về là 12.550 túi, trong đó đã cung ứng cho các bệnh viện 5.118 túi, còn tồn 7.432 túi.
Bộ Y tế cho hay, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố, đặc biệt là tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội và tình hình bệnh tay chân miệng tại khu vực miền Nam.

Ngày 29/8, Bộ Y tế cho biết, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, cụ thể:

sot xuat huyet 1 1689602199971685341358

Bộ Y tế cho biết, theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng tại một số tỉnh, thành; Hiện còn tồn 7.432 túi dung dịch cao phân tử điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết Dengue nặng

Tiếp tục chỉ đạo địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo các văn bản của Bộ Y tế gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (Công văn số 1453/BYT-DP ngày 17/3/2023 về việc chủ động, tích cực phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; Công văn số 3463/BYT-DP ngày 05/6/2023 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; Công văn số 5103/BYT-DP ngày 12/8/2023 về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch).

Cùng đó chỉ đạo các cơ sở y tế dự phòng đảm bảo đủ nhu cầu về hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và máy phun hóa chất để thực hiện công tác xử lý ổ dịch trên địa bàn triệt để, hiệu quả.

Hiện tại các loại hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên thị trường đáp ứng được nhu cầu về phòng, chống dịch. Danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế được Bộ Y tế cấp phép đã được đăng tải, cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Môi trường y tế.

Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập đảm bảo sẵn sàng thiết bị, thuốc, đặc biệt là dịch truyền cao phân tử phục vụ công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Bộ Y tế cho biết đối với dịch truyền Dextran là dung dịch cao phân tử, được dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, Cục Quản lý Dược đã cấp phép các hồ sơ đề nghị nhập khẩu dịch truyền Dextran chưa có Giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Điều 68 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổng số lượng đã cấp phép nhập khẩu là 17.010 túi.

Theo báo cáo của cơ sở nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, số lượng thuốc thực tế đã nhập về là 12.550 túi, trong đó số lượng thuốc đã cung ứng cho các bệnh viện là 5.118 túi và số lượng thuốc còn tồn tại kho của cơ sở nhập khẩu là 7.432 túi.

Như vậy, hiện nay thị trường Việt Nam đã có nguồn cung ứng dịch truyền Dextran. Yếu tố cốt lõi quyết định việc đảm bảo cung ứng thuốc là các đơn vị chủ động đặt hàng trước các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quan tâm và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Thái Bình - Báo Sức khỏe và Đời sống