Nhân ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5, thay mặt Hiệp hội Điều dững Việt Nam (AVN), tôi xin gửi tới tất cả quí vị lãnh đạo và hội viên lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và lời chào trân trọng nhất.
Xin gửi tới 130 ngàn hội viên AVN, những chiến sĩ “đánh giặc ốm” vì sức khỏe người bệnh (NB), “vì sự khang kiện của giống nòi” sự ghi nhận và lời cảm ơn về những đóng góp to lớn và những cống hiến thầm lặng của Điều dưỡng (ĐD) cho sức khỏe người dân và cho sự phát triển của Hệ thống Y tế.
Những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Y tế và các địa phương, Ngành điều dưỡng đã có những tiến bộ đáng tự hào. Trong vòng 30 năm chúng ta đã nâng cấp đào tạo điều dưỡng lên bốn cấp trình độ: cao đẳng, đại học, thạc sĩ/chuyên khoa I và từ 2019 đã đào tạo tiến sĩ điều dưỡng trong nước. Chức năng và phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng đã được mở rộng. Hệ thống quản lý điều dưỡng đã được thành lập từ BYT tới các SYT, các bệnh viện và tới tận các khoa phòng. Người bệnh đã được thụ hưởng chăm sóc ngày càng có chất lượng. Tuy nhiên so với các nước khu vực như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, công tác điều dưỡng ở nước ta cần phải tiếp tục được quan tâm đầu tư nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách với điều dưỡng các nước
Kỷ niệm ngày Điều dưỡng quốc tế 12/5 năm nay, Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) đưa ra Thông điệp “Điều dưỡng của chúng ta, tương lai của chúng ta. Hiệu quả kinh tế của chăm sóc điều dưỡng - Our Nurses, Our Future. Economic power of Care”. Bài viết này, chúng tôi xin trao đổi một số suy nghĩ nhằm làm sâu sắc thêm ý nghĩa Thông điệp của ICN như sau:
Thứ nhất, cùng đồng thuận với thông điệp của ICN “Điều dưỡng là của chúng ta”: thời chúng tôi vào nghề cách nay 52 năm nhiều người nói rằng “ĐD là cánh tay phải, là cánh tay nối dài của bác sĩ” đó là quan niệm cũ không còn phù hợp. Thiên chức nghề nghiệp của điều dưỡng là trợ giúp người bệnh cả về thể chất và tinh thần. Bản chất của hoạt động khám chữa bệnh là hợp tác giữa các ngành nghề liên quan. Hệ thống của bác sĩ đã có quá trinh phát triển lâu dài, còn hệ thống của điều dưỡng mới bắt đầu phát triển. Vì vậy chúng ta rất mong được các bác sĩ (BS) hỗ trợ và nhìn nhận ĐD là người cộng tác đặc biệt của bác sĩ. Bởi vì, công việc của BS và ĐD luôn gắn kết chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau và cùng giúp nhau hành nghề an toàn, cùng giúp nhau giảm stress trong môi trường CSSK đang có nhiều áp lực. Nhiều quan niệm trước nay lấy bác sĩ làm trung tâm, bác sĩ là thầy - điều dưỡng là thợ, bác sĩ là người ra y lệnh - điều dưỡng là người thực hiện, lấy bác sĩ làm chuẩn để tính biên chế điều dưỡng hộ sinh v,v.. Những quan niệm này cần phải thẩm định lại tính khoa học và tính thực tế vì chỉ còn đúng một phần, dễ làm cho chúng ta mơ hồ về ngành điều dưỡng và vai trò của điều dưỡng trong hệ thống y tế.

z4338234022620 9ac24fdc160bc1f5def5e4af61c76359 scaled
Nói về giá trị dịch vụ do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp: Trong cuộc đời hành nghề, mỗi ĐD từng chăm sóc cho hàng vạn NB (Ước tính 8 vạn), trực thức hàng ngàn đêm (Ước tính 2800 đêm) vì sức khỏe và tính mạng của NB. Những cống hiến không ngừng nghỉ của ĐD rất xứng đáng được ngành y tế, toàn xã hội ghi nhận và tôn vinh. Chúng ta hãy cùng nhau nói lời “Cảm ơn người Điều dưỡng - Thank to a nurse”.
Công việc của ĐD luôn gắn với phương chăm “Sức khỏe và sự hài lòng của người bệnh mỗi ngày là hạnh phúc của người điều dưỡng mỗi ngày”. Sự hồi phục của NB và sự an toàn của NB mỗi ngày là niềm vui của người ĐD mỗi ngày. Câu nó ĐD là công việc của trái tim “Nursing is the work of Heart” rất đúng với bản chất nghề ĐD. Chúng ta luôn ghi nhớ lời Bác Hồ căn dặn “ Y tá không chỉ là một nghề mà còn là một nghĩa vụ vinh quang”.
Mặc dù trong ngành y tế, các bác sĩ luôn đóng vai trò lãnh đạo nhưng cũng cần tiếp cận theo xu hướng đa ngành trong chăm sóc y tế, các thành viên trong ê kíp y tế cần được trao quyền để có tiếng nói bình đẳng. Trong họa động KCB, BS và ĐD cùng tương tác trên NB nhưng tiếp cận không hoàn toàn giống nhau. BS khám bệnh chẩn đoán, đưa ra phác đồ điều trị hay can thiệp điều trị. ĐD cũng cần biết khám bệnh để đưa ra can thiệp ĐD. BS là người lựa chọn thuốc, ĐD là người biết dùng thuốc sao cho hiệu quả nhất. Sự an toàn của NB không chỉ phụ thuộc vào người chỉ định mà còn phụ thuộc vào người dùng thuốc cho NB. Kết quả nghiên cứu của Hàn quốc công bố, hàng ngày người điều dưỡng phải thực hiện tới 49 đầu công việc. Nghiên cứu của Việt Nam công bố một ngày điều dưỡng phải thực hiện tới hơn 100 đầu công việc, do điều dưỡng Việt Nam được giao nhiều công việc hành chính phi chăm soc người bệnh trực tiếp. Như vậy, hoạt động chuyên môn của điều dưỡng có phạm vi rất rộng, chứ không bó hẹp trong việc thực hiện y lệnh BS. Vì vậy, ĐD cần được giao nhiệm vụ tập trung vào CSNB và nâng cao tính chủ động nghề nghiệp. Hơn nữa, ĐD là nghề có nhiều thách thức, nghề khó cân bằng giữa nghĩa vụ với gia đình và nghĩa vụ nghề nghiệp nhưng dù sao cũng cần duy trì sự yêu nghề. Vì sự yêu nghề luôn luôn tỷ lệ thuận với sự thành công và niềm vui do nghề mang lại.
Thứ hai: Điều dưỡng có phải là tương lai của chúng ta: Năm 2020, trong báo cáo về tình trạng điều dưỡng toàn cầu của WHO có đưa ra nhận định “Điều dưỡng là một bộ phận sống còn (Vital part) của Hệ thống y tế”. Trong tất cả các hệ thống y tế toàn cầu, ĐD luôn là lực lượng CBYT đông nhất (59%). Theo Niên giám Thống kê Y tế 2020, BYT công bố tỷ lệ Điều dưỡng chiếm (39%) nhân lực toàn ngành Y tế. Nếu tính CBYT trực tiếp với NB, ĐD chiếm gần 60%, ĐD có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế. Dịch vụ do ĐD và Hộ sinh cung cấp nhiều nhất, thường xuyên nhất, liên tục nhất. Nghiên cứu WHO công bố 88% thời gian NB của khoa chăm sóc tích cực (ICU) được tiếp xúc với NVYT là ĐD. Chỉ có 12% thời gian người bệnh ICU được tiếp xúc với BS và các nghề khác. Trong báo cáo của WHO đã khẳng định Dịch vụ do ĐD hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Đã có bậc thầy, học giả nêu quan điểm “Không có BS thì không có BN - không có ĐD thì không có BV” do bởi dịch vụ điều dưỡng 24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần như nhau.
Từ góc độ cá nhân, đời người ai cũng phải chịu sự chi phối của Quy luật Sinh Lão Bệnh Tử. Ai cũng sớm hay muộn có một lần hoặc nhiều lần sức khỏe và tính mạng của mình đặt trong sự chăm sóc của ĐD. Hãy tưởng tượng, nếu bạn là NB đang nằm viện ở Khoa chăm sóc tích cực ai sẽ là người CS, người trăn trở, người đảm bảo dinh dưỡng, người trấn an tinh thần cho bạn. Thông thường ĐD là người tiếp nhận NB đầu tiên, đôi khi ĐD là người duy nhất cấp cứu NB ở bệnh viện và ở các Trạm Y tế. Năng lực chuyên môn của ĐD ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng NB.
Từ góc độ hệ thống y tế: trước sự khủng hoảng thiếu ĐD toàn cầu, nhân lực ĐD trở nên khan hiếm trong dài hạn ở tất cả các quốc gia. Nước ta là 1 trong các quốc gia có tỷ lệ ĐD/vạn dân thuộc nhóm thấp nhất, mới bằng 1/8 các quốc gia phát triển. Thiếu ĐD, NB thiệt thòi, chúng ta thiệt thòi. Vì vậy ĐD là tương lai của chúng ta.
Nhìn lại từ cuộc chiến phòng chống đại dịch Covid 19 có bốn vấn đề từ góc độ điều dưỡng: (1) nhân lực điều dưỡng không đủ; (2) thiếu điều dưỡng chuyên khoa; (3) người bệnh nặng và tử vong chưa được thừa hưởng chăm sóc đầy đủ; (4) Điều dưỡng là lực lượng tuyến đầu dễ bị tổn thương phải là bài học đắt giá để định hướng phát triển Ngành điều dưỡng thời gian tới.
Thứ ba: Hiệu quả kinh tế của chăm sóc “Economic Power of Care”: Thách thức lớn của các hệ thống y tế là sự gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, không chỉ do nguyên nhân gánh nặng bệnh tật làm gia tăng nhu cầu CSYT mà còn nhiều yếu tố khác như: tăng sử dụng vật tư y tế đắt tiền, tăng áp dụng kỹ thuật cao, tăng chi phí đơn thuốc và tăng chi phí ngoài y tế. Mỹ là quốc gia chi phí y tế cao nhất thế giới nhưng tuổi thọ, tỷ lệ tử vong trẻ em và bệnh mạn tính không phải đứng hàng đầu thế giới. Vì vậy, WHO khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách y tế cần định hướng lại lĩnh vực đầu tư để tái cấu trúc hệ thống y tế, đảm bảo hiệu quả chi phí trong CSSK.
Dịch vụ CSSK do DD, HS cung cấp trực tiếp liên quan tới chất lượng KCB và ATNB, là xương sống của hệ thống dịch vụ y tế nhưng đầu tư cho lĩnh vực ĐD,HS chưa tương xứng đang phổ biến ở khắp mọi nơi và ở mọi cấp của hệ thống y tế, ảnh hưởng tới chất lượng CSNB, thiếu ĐD người bệnh là người đầu tiên bị thiệt thòi. Thiếu điều dưỡng là một trong nguyên nhân làm gia tăng bạo hành trong y tế vì dịch vụ không được cung cấp kịp thời làm NB, người nhà NB bức xúc . Vì vậy, WHO khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách y tế cần tăng cường đầu tư cho ĐD, HS trong cả ba lĩnh vực là: GIÁO DỤC, VIỆC LÀM VÀ TRAO QUYỀN CHO ĐD THAM GIA VÀO HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH Y TẾ. Không nghi ngờ gì, đầu tư cho ĐD là đầu tư cho sức khỏe, đầu tư cho NB, đầu tư cho tương lai của chúng ta.
Thông điệp của Hội đồng ĐD Quốc tế năm 2024, không chỉ nhằm tôn vinh mà còn định hình cho những bước đi tiếp theo của hệ thống y tế nói chung và ĐD nói riêng. Thông điệp, giúp người điều dưỡng hiểu thêm sứ mạng nghề nghiệp, giúp cộng đồng định hình rõ hơn về vai trò của ĐD và đặc biệt cung cấp thông tin để BYT và các nhà hoạch định chính sách y tế đưa ra những chính sách thiết thực tạo đòn bẩy cho Ngành Điều dưỡng Việt Nam phát triển và hội nhập./.

Theo Ths. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hiệp hội ĐDVN

BTV TTGDSK

          Sáng ngày 19/4, tại Quảng trường 26/3, thị trấn Đông phú huyện Quế Sơn, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND huyện Quế Sơn tổ chức Lễ phát động " Tháng hành động vì Vệ an toàn thực phẩm" năm 2024. Tham dự có TS.BS Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh cùng đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành có liên quan trên địa bàn tỉnh.

0f21ca566a4fc4119d5e

Toàn cảnh buổi Lễ phát động "Tháng hành động vì Vệ an toàn thực phẩm" năm 2024

          Tại Quảng Nam, trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh cũng như sự nỗ lực của các Sở, ban, ngành, UBND các cấp, sự hợp tác tuân thủ của những người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng thực phẩm nên công tác bảo đảm ATTP đã đạt được các kết quả đáng kể như sự phối hợp của các ngành thành viên Ban chỉ đạo ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm được tăng cường…

          Lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2024, với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới” nhằm tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm ATTP.

0e15a36f0376ad28f467

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết bảo đảm ATVSTP 

          Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 – 15/5/2024) nhiều hoạt động hưởng ứng được triển khai trên địa bàn tỉnh, như: Tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, ATTP; …

          Sau lễ phát động, đại diện các cơ quan, đơn vị và các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã tham gia diễu hành hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2024 trên các tuyến đường chính tại thị trấn Đông Phú.

Viết Thạnh

Sáng ngày 12.04, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam tổ chức lớp Tập huấn sử dụng Google form trong đánh giá chỉ số chất lượng chăm sóc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tham dự có TS.BS Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế; Phòng nghiệp vụ Y, các thành viên BCH Hội Điều dưỡng tỉnh Quảng Nam cùng các điều dưỡng đến từ các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.

hhgggg

Toàn cảnh lớp Tập huấn sử dụng Google form trong đánh giá chỉ số chất lượng chăm sóc tại các cơ sở khám chữa bệnh tại Hội trường Sở Y tế tỉnh Quảng Nam

Tại đây, các học viên được trang bị đầy đủ kiến thức về tính ưu việt của phần mềm Google và các ứng dụng tính năng của phần mềm; thực hành cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn của chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Y và thành viên BCH Hội Điều dưỡng tỉnh Quảng Nam; hoàn thành các mục tiêu cơ bản về thiết kế nội dung bảng kiểm quy trình kỹ thuật trên Google với các đặc tính cơ bản, đánh giá, thu thập kết quả và ứng dụng các tính năng cơ bản trong phân tích kết quả; sử dụng Google form trong đánh giá chỉ số chất lượng chăm sóc.

Chỉ số đánh giá chất lượng chăm sóc tại các cơ sở khám chữa bệnh là 1 công cụ để đo lường các khía cạnh chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thể hiện bằng con số, tỷ lệ, tỷ số, tỷ suất,... nhằm giúp các cơ sở khám chữa bệnh tiến hành theo dõi chất lượng công tác chăm sóc người bệnh, đồng thời là công cụ để các bệnh viện triển khai các hoạt động đánh giá chất lượng nhằm cung ứng dịch vụ y tế an toàn, chất lượng, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cao nhất cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.

 Viết Thạnh

Chiều ngày 10/4, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tăng cường phòng chống dịch bệnh. Tại điểm cầu tỉnh Quảng Nam có đại diện Phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bênh viện Đa khoa Quảng Nam cùng các cán bộ làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tham dự. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chủ trì hội nghị.

diem xca
Tại hội nghị, các Cục y tế Dự phòng, cục Quản lý khám chữa bệnh, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương; các Sở Y tế thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Nghệ An lần lượt báo cáo các nội dung như: tình hình bệnh Sốt xuất huyết, Tay chân miệng và một số bệnh có vắc xin dự phòng; công tác thu dung, điều trị các bệnh Truyền nhiễm; kết quả tiêm vắc xin giai đoạn (2013 - 2023) và các đề xuất giải pháp trong thời gian tới; các tham luận về công tác phòng chống Sốt xuất huyết, phòng chống bệnh Tay chân miệng, công tác phòng chống một số bệnh có vắc xin dự phòng (Sởi, ho gà,…)

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, công tác phòng chống Sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên, trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta một số bệnh có vắc xin phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc và có xu hướng tăng. Bệnh Sởi ghi nhận tại: Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh Ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, Hồ Chí Minh...; bệnh Tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, Sốt xuất huyết hàng năm vẫn ghi nhận số mắc cao với hàng trăm nghìn trường hợp mắc, hàng chục trường hợp tử vong; 1 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.

Cũng tại đây, các đơn vị chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh; hội nghị cũng đề cao vai trò và trách nhiệm của các địa phương, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; đề cao vai trò hiệu quả của thông tin, truyền thông nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh; triển khai thực chất và hiệu quả các biện pháp chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh./.

 Thùy An

Chiều ngày 28.3, Đoàn viện dinh dưỡng, Bộ Y tế do TS. Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế Quảng Nam về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) thuộc lĩnh vực Y tế. Tham dự có đại diện Văn phòng UBND tỉnh; Lãnh đạo Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng UBND các huyện, TTYT huyện được giao thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia.

vien dinh duong
TS. Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế phát biểu tại Sở Y tế Quảng Nam về Chương trình mục tiêu quốc gia

Tại đây, các đại biểu được nghe đánh giá về kết quả thực hiện năm 2023 và kế hoạch hoạt động năm 2024 như: hoạt động Cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; hoạt động dinh dưỡng thuộc chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi; nội dung Kế hoạch hoạt động cải thiện dinh dưỡng năm 2024;…

Qua đó, các đại biểu đã thảo luận chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như các văn bản hướng dẫn thông tư tài chính, thay đổi liên tục; chương trình mới nên đội ngũ cán bộ tham gia chương trình chưa nắm hết cách thức triển khai; công tác chỉ đạo chưa có sự phối hợp chặt chẽ; nhiều xã vùng sâu vùng xa đi lại khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhận thức về tình trạng dinh dưỡng trẻ nhỏ còn kém dẫn đến tỷ lệ suy dinh dưỡng cao;…

Kết luận tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế đã biểu dương những cố gắng, nỗ lực của Quảng Nam trong thời gian qua, đồng thời đề nghị trong thời gian tới Ngành Y tế Quảng Nam cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát tuyến cơ sở, tiếp tục có những giải pháp kịp thời để công tác phòng chống suy dinh dưỡng đạt hiệu quả cao hơn./.

Viết Thạnh

Sáng ngày 27/3, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến liên ngành Tăng cường công tác phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Tại điểm cầu Quảng Nam có đại diện lãnh đạo phòng Nghiệp vụ Y, các bệnh viện Chuyên khoa, Đa khoa tuyến tỉnh và Trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh tham dự. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì hội nghị. 

ghkkhhj

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế báo cáo các nội dung như: tình hình dịch bệnh trên động vật và các biện pháp phòng, chống một số bệnh lây truyền từ động vật sang người (Cúm gia cầm, bệnh Dại); tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống Cúm gia cầm và bệnh Dại trên người. 

          Tháng 3/2024 ghi nhận 1 trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tại Khánh Hòa, tích lũy đến nay Việt Nam ghi nhận 129 ca bệnh và 65 ca tử vong; bệnh Dại tại miền Trung ghi nhận số ca tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca), khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắc Lắc 4 ca, Long An 3 ca),100% số ca tử vong Dại do không đi tiêm vắc xin phòng Dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.

thhnnnm

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam

Để chủ động phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm, Dại,...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến qua hệ thống VAHIS; áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động phòng bệnh bằng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm; tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật; khẩn trương kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực thú y; chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh,…

Thùy An - Ánh Minh

Sáng ngày 22/3, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tỉnh Quảng Nam tổ chức truyền thông cổ động, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao (24/3) với chủ đề: “Đúng! Việt Nam có thể chiến thắng bệnh Lao!”. Tham gia cổ động diễu hành có hơn 20 cán bộ viên chức, người lao động thuộc Bệnh viện. Đoàn diễu hành qua các tuyến đường chính tập trung đông dân cư của Thành phố Tam Kỳ, huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh Lao.

lao

Đoàn diễu hành đi qua các tuyến đường chính đông dân cư của thành phố Tam Kỳ

Năm 2023, toàn tỉnh phát hiện 1.658 bệnh nhân lao các thể. Bệnh Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra, đường lây truyền chủ yếu qua không khí, hô hấp, đường tiêu hóa nếu ăn uống chung bát, thìa, đũa... với người bệnh. Vi khuẩn lao cũng truyền qua các vết cắt hoặc xây sát trên da, niêm mạc mắt, họng. Người mẹ truyền khuẩn lao cho thai nhi qua tĩnh mạch rốn (gây bệnh Lao bẩm sinh).
Để công tác phòng, chống lao triển khai có hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, các tổ chức chính trị và toàn xã hội tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống bệnh Lao; tiêm vắc xin phòng lao BCG cho trẻ dưới 1 tuổi; giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; phát hiện sớm người mắc bệnh điều trị kịp thời và đúng phác đồ để không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

Anh Thư - Viết Thạnh

Yêu cầu trên được UBND tỉnh đặt ra tại kế hoạch về Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Quảng Nam phấn đấu đưa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh năm 2024 ở dưới mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2020.

images.baoquangnam.vn storage newsportal 2024 1 4 154133 nho vitamin 01

Trong đó, kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

UBND tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, đặc biệt với các dịch bệnh nguy hiểm nhằm chủ động ứng phó trong các tình huống khác nhau. Thường xuyên nắm bắt và dự báo tình hình dịch bệnh từ cơ quan chuyên môn.

Đối với các chỉ tiêu về chuyên môn, kỹ thuật, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định. Phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan.

Triển khai nghiêm công tác kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, cảng biển Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà; tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua biên giới, chú trọng các đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly y tế theo quy định.
Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, yêu cầu thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng...

Được biết, năm 2023 Quảng Nam đã ghi nhận 3.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 6,94 lần so với năm 2022. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.183 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với năm 2022 (573 trường hợp).

Đối với các bệnh khác tuy chưa ghi nhận trên địa bàn tỉnh hoặc có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng các bệnh, dịch vẫn có nguy cơ xuất hiện và gia tăng trong năm 2024.

Bên cạnh đó, trong 3 năm đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt kết quả như mong muốn, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng.

Theo Baoquangnam.vn


Sáng ngày 14/3, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã có buổi làm việc với Sở Y tế để nghe báo cáo về công tác của ngành. Cùng tham dự có Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đơn vị Y tế trên địa bàn tỉnh.
dc lnmt

Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết - Bí thư tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Văn Mười - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo tình hình và kết quả thực hiện công tác Y tế giai đoạn vừa qua và những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới. Theo đó, nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh toàn tỉnh là 8.913 người, trong đó có 1.661 bác sỹ, 654 dược sỹ và 1.618 điều dưỡng; công tác khám chữa bệnh tại các tuyến cơ bản đáp ứng theo diễn biến mô hình bệnh tật tại địa phương và nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện đồng bộ, kiểm soát tốt, không có dịch lớn xảy ra. Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến cho tình hình thiếu thuốc, vật tư đã ảnh hưởng đến công tác thu dung điều trị của các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các đơn vị trung tâm Y tế đa chức năng; việc thu hút bác sỹ làm việc tại các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa có những chính sách hỗ trợ thu hút, giữ chân bác sỹ làm việc lâu dài; công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại các cơ sở y tế còn gặp khó khăn về mặt kinh phí hỗ trợ; cơ sở vật chất hiện nay vẫn chưa đáp ứng quy mô gường bệnh, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân; một số dự án đầu tư công của các đơn vị y tế đã được phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí, chủ trương đầu tư như: xây dựng Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật, xây dựng khoa HEN- COPD tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, hệ thống xử lý nước thải lỏng bệnh viện Da Liễu và Trung tâm Y tế Đại Lộc,… 

Tại đây, các đơn vị liên quan đã tham gia thảo luận, trao đổi và cùng tháo gỡ những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải, đồng thời, đưa ra góp ý, giải pháp tích cực để xây dựng phương hướng nhiệm vụ thực hiện của ngành Y tế trong thời gian đến, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt hơn

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra đối với công tác xây dựng Đảng; rà soát hạ tầng cơ sở vật chất của các đơn vị và đề xuất nhu cầu đầu tư; tập trung triển khai các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công; có kế hoạch đào tạo, sớm hoàn thiện bộ máy tổ chức, rà soát xây dựng đề án vị trí việc làm của toàn ngành./.

 

        Thùy An - Viết Thạnh

Ngay sau khi phát hiện 11 học sinh mắc bệnh thủy đậu, ngành y tế huyện Tây Giang khẩn trương triển khai các biện pháp khử khuẩn, ngăn chặn bệnh lây lan và hình thành dịch.
Từ ngày 27/2 - 5/3, huyện Tây Giang ghi nhận 11 ca mắc bệnh thủy đậu tại xã Tr’Hy, trong đó 10 ca tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tr’Hy và 1 ca tại Trường Mầm non liên xã (thuộc thôn Voòng).

Thầy Nguyễn Minh Châu - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tr’Hy nói, ngay khi phát hiện, nhà trường đã cho học sinh mắc bệnh nghỉ học, cách ly tại nhà. Đồng thời thông báo ngành y tế để thực hiện các biện pháp khử khuẩn.

“Những ngày qua, chúng tôi phối hợp Trạm Y tế xã tập trung tuyên truyền để học sinh nâng cao nhận thức phòng bệnh thủy đậu, nhất là việc giữ vệ sinh cá nhân. Đến nay chưa ghi nhận thêm học sinh trong trường mắc bệnh” - thầy Châu cho biết.

Theo ngành y tế huyện Tây Giang, hiện nay các trường hợp mắc bệnh thủy đậu được điều trị tại nhà dưới sự giám sát của Trạm Y tế xã Tr’Hy. Tình trạng sức khỏe các em đều chuyển biến tốt, không có biến chứng nặng xảy ra.
Ông Yđêl - công tác tại Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS - y tế công cộng - tư vấn điều trị nghiện chất - an toàn vệ sinh thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Tây Giang) cho biết, nguyên nhân bùng phát bệnh do thời tiết chuyển mùa, tiết trời nóng ẩm là môi trường phát triển của vi rút thủy đậu.

thuy dau 1

Ngành y tế Tây Giang phun thuốc khử khuẩn phòng bệnh thủy đậu. Ảnh: T.Q

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra tình trạng nhiễm trùng ngoài da với triệu chứng điển hình như phát ban, mụn nước, phỏng rộp chứa đầy dịch mủ gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Bệnh có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

“Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã triển khai phun hóa chất xử lý khu vực xuất hiện bệnh như lớp học, khuôn viên nhà trường và khu dân cư xung quanh.

thuy dau 2

Vệ sinh bếp ăn tập thể sạch sẽ là biện pháp ngăn ngừa bệnh thủy đậu lây lan. Ảnh: H.Q

Đồng thời theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh mắc bệnh; mở rộng xác minh các khu vực có khả năng xuất hiện và lây lan bệnh. Đến nay chưa ghi nhận thêm trường hợp tại thôn Voòng, xã Tr’Hy mắc bệnh” - ông Yđêl nói.

Cùng với khoanh vùng, ngăn chặn bệnh lây lan, ngành y tế huyện Tây Giang phối hợp các địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân thực hiện tốt vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn sạch, ở sạch.

Riêng với trường học cần giữ gìn đồ chơi cho trẻ sạch sẽ, đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, nhất là vệ sinh các dụng cụ ăn uống, khu vực ngủ nghỉ bán trú,…

Không để dịch bệnh thủy đậu bùng phát, lan rộng

Ngày 5/3, UBND tỉnh có công văn đề nghị các sở Y tế, GD-ĐT, TT-TT và UBND huyện Tây Giang chủ động kiểm soát, không để dịch bệnh thủy đậu bùng phát, lan rộng và diễn biến phức tạp trên địa bàn Tây Giang.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Tây Giang triển khai công tác phòng chống dịch bệnh thủy đậu; thực hiện giám sát chủ động, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi mắc bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời; xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh thủy đậu một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế; báo cáo tình hình dịch bệnh thủy đậu đang lây lan trong học sinh trên địa bàn huyện Tây Giang về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.

Sở GD-ĐT chỉ đạo Phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Tây Giang phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy đậu trong nhà trường; tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp cho giáo viên và học sinh…


Theo Baoquangnam.vn