Mọi người thường hay sử dụng các đụng cụ khác nhau để lấy ráy tai. Tuy nhiên đây là việc làm khá nguy hiểm nếu không cẩn thận.
Theo tin từ báo sức khỏe đời sống, ngày 17/9, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cấp cứu kịp thời một nữ bệnh nhân (25 tuổi, Lâm Đồng) bị dụng cụ ráy tai bằng kim loại đâm thủng màng nhĩ trái đi vào hòm nhĩ, gần chạm đến động mạch cảnh trong. Được biết tại nạn xảy ra là do người vợ đang nằm trên giường lấy ráy tai bằng dụng cụ kim loại thì người chồng ở bên cạnh quay sang ôm, va vào tay khiến dụng cụ đân sâu vào tai xuyên thủng mãng nhĩ. Rất may, nữ bệnh nhân giữ nguyên hiện trạng đến bệnh viện cấp cứu và được các bác sĩ xử lý kịp thời, không để lại các di chứng.
Nữ bệnh nhân bị dụng cụ lấy ráy tai đâm thủng màng nhĩ do va chạm. Ảnh: BVCC
Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân, BSCKI Ngô Hoàng - Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho biết: Qua thăm khám, nội soi, bác sĩ phát hiện dị vật là dụng cụ ráy tai bằng kim loại nằm dọc trong ống tai trái, xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ, ống tai ngoài và màng nhĩ trái sung huyết phù nề.
Điều nguy hiểm ở trường hợp này là dị vật gần chạm đến động mạch cảnh trong, nếu động mạch này vỡ thì máu chảy rất nhiều, cấp cứu không kịp thời có thể gây ra tử vong.
"Nếu bệnh nhân tự tìm cách lấy dị vật ra ngoài có thể vô tình đẩy dị vật sâu vào bên trong gây vỡ động mạch cảnh trong thì vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi tiến hành nội soi lấy dị vật ra ngoài thành công, thính lực đồ trái bệnh nhân đã trở nên bình thường, không ảnh hưởng đến sức nghe", bác sĩ Ngô Hoàng chia sẻ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Ngô Hoàng khuyến cáo: Một số người có thói quen lấy ráy tai bằng các vật dụng khác nhau, điều này không cần thiết và có thể dẫn đến một số rủi ro về tai.
Không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc nhọn để lấy ráy tai, không nên đưa cây ngoáy tai, gồm cả bông tăm, sâu vào trong ống tai.
Nếu làm vệ sinh tai ngoài hoặc lấy ráy tai thì nên giữ cơ thể ở tư thế ít chuyển động, tránh xa người và vật để không bị va chạm dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
Trong trường hợp không may bị sự cố, chấn thương khi lấy ráy tai thì không nên tìm cách lấy dị vật ra ngoài vì có thể làm tăng thêm các tổn thương bên trong tai mà giữ nguyên hiện trạng đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
Nữ bệnh nhân được bác sĩ thăm khám tai trước khi xuất viện. Ảnh: Xuân Dự
Làm rõ hơn về một số tổn thương tai có thể xảy ra, TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh – Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng - cho biết, ráy tai không có nguy hại đối với tai, là lớp bảo vệ ống tai ngoài.
Trong các hoạt động của cơ thể cũng như trong chuyển động nhai, tai tự đẩy ráy tai ra ngoài. Việc lấy ráy tai không đúng cách có thể gây ra các tổn thương tai.
Trong tai có nhiều cơ quan thực hiện chức năng thính lực, nếu dị vật xuyên qua màng nhĩ có thể làm giảm sức nghe. Các xương con bên trong tai nếu bị chấn thương cũng ảnh hưởng nặng nề đến sức nghe. Chuỗi xương con nếu bị lún vào bộ phận tiền đình có thể gây ra viêm màng não, để lại nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, đầu móc ống tai nằm sát động mạch cảnh trong, nếu động mạch này bị dị vật làm vỡ thì bệnh nhân bị mất nhiều máu có thể dẫn đến tử vong. Các cơ quan nằm sâu bên trong tai bị dị vật làm tổn thương có thể gây ra tình trạng điếc vĩnh viễn.
Phía sâu bên trong tai là các dây thần kinh, trong đó có dây thần kinh số 7, nếu bị tổn thương có thể dẫn đến bị liệt mặt.
Theo suckhoedoisong.vn