Với sự phát triển của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, hiện nay tại Quảng nam người dân đã dễ dàng thực hiện các xét nghiệm và điều trị thành công các loại giun sán nguy hiểm mà không phải đi xa như trước đây. 

Trong các loại giun, sán được điều trị thành công tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng nam phải kể đến sán lá gan.

Đời sống ngày càng phát triển thì nhu cầu ăn uống của con người ngày càng tăng. Tuy nhiên, nếu việc ăn uống không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa là rất cao như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, lỵ, giun, sán, nguy hiểm hơn là bệnh sán lá gan. Sán lá gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Theo TS. BS. Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng nam, Sán lá gan là loại ký sinh sống trong ống mật và gan của người và động vật bị nhiễm bệnh. Những ký sinh trùng này gây ra bệnh ở người, gia súc và cừu. Nó có thể lây nhiễm ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng phổ biến nhất ở các nước đang phát triển.
- Bệnh sán lá gan là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do ăn phải thức ăn nhiễm ấu trùng sán lá gan. Bệnh SLG gồm có sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn.
Phương thức lây truyền
- Bệnh sán lá gan nhỏ: người hoặc động vật ăn phải ấu trùng nang chưa được nấu chín thì sau khi ăn ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan, phát triển thành sán lá gan trưởng thành ký sinh và gây bệnh ở đường mật.
- Bệnh sán lá gan lớn: người bị nhiễm bệnh do ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau ngổ điếc), rau cần, rau muống...) hoặc uống nước lã có nhiễm ấu trùng sán chưa nấu chín.
Triệu chứng
- Bệnh sán lá gan nhỏ: thường có triệu chứng đau tức vùng gan, rối loạn tiêu hóa (kém ăn, bụng ậm ạch khó tiêu); đôi khi có biểu hiện sạm da, vàng da và dấu hiệu gan to hay xơ gan tùy theo mức độ của bệnh.
- Bệnh sán lá gan lớn: thường có các triệu chứng đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị và mũi ức; tính chất đau không đặc hiệu, có thể âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, cũng có trường hợp không đau bụng. Bệnh nhân mệt mỏi, có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, có thể sốt hoặc đau khớp, đau cơ và mẩn ngứa...
Cách phát hiện và Điều trị
Nếu nghi ngờ bị nhiễm bệnh sán lá gan, người bệnh nên đến cơ sở Y tế để được tư vấn và xét nghiệm.
TS. BS. Trần Văn Kiệm cho biết, hiện nay phòng khám Đa khoa thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam tại 135, đường Trưng Nữ Vương TP. Tam Kỳ đã triển khai nhiều dịch vụ mới để phát hiện bệnh sán lá gan, cụ thể:
- Xét nghiệm máu bằng kỹ thuật ELISA: tìm thấy kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh bệnh nhân.
- Xét nghiệm công thức máu: nhằm đánh giá tỷ lệ bạch cầu ái toan trong máu.
- Xét nghiệm phân: nhằm phát hiện trứng sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ.
- Siêu âm: nhằm đánh giá tổn thương ở gan,...
* Điều trị:
- Điều trị sớm, đủ liều và dùng thuốc đặc hiệu.
- Điều trị hỗ trợ khi cần thiết để nâng cao thể trạng cho bệnh nhân.
- Tái khám lại sau 3 tháng, 6 tháng sau điều trị.
Phòng bệnh
- Không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
- Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.

Minh An

 

Chiều ngày 14.7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam (CDC Quảng Nam) tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tham dự có Lãnh đạo và đại diện các phòng ban Sở Y tế, lãnh đạo trung tâm, khoa/phòng CDC Quảng Nam, đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên trách thuộc 18 Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố trên địa bàn tỉnh. Ts.Bs Nguyễn Văn Văn - PGĐ Sở Y tế chủ trì và phát biểu chỉ đạo.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, CDC Quảng Nam cơ bản đã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh: dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt; không xảy ra các dịch bệnh nguy hiểm (Zika, Bạch hầu, Tả, dịch Hạch, A/H5N1,…); số ca mắc 28 bệnh truyền nhiễm giảm so với cùng kỳ năm 2019; tỷ lệ người nghiện các chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị Methadone đạt 125,5%, bệnh nhân có thẻ BHYT đạt 95%; số ca mắc Sốt xuất huyết giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2019; công tác Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Xét nghiệm được tăng cường, đáp ứng kịp thời trước tình hình dịch bệnh Covid-19; công tác Truyền thông GDSK phát huy hiệu quả, tập trung tuyên truyền các nội dung liên quan đến dịch bệnh Covid-19, Sốt xuất huyết, Bạch hầu và các ngày chủ đề trong năm,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, song vẫn còn những khó khăn tồn tại, nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, dẫn đến công tác tiêm chủng chưa đạt tiến độ đề ra; công tác An toàn vệ sinh lao động đạt tỷ lệ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái,…

Trong 6 tháng tiếp theo của năm 2020, CDC Quảng Nam tiếp tục khắc phục những khó khăn tồn tại và đặt ra các mục tiêu quan trọng như: chủ động phòng, chống dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời không để dịch lớn xảy ra; giảm tỷ lệ mắc, tử vong một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; khống chế tốc độ gia tăng các bệnh không lây nhiễm phổ biến, bệnh tật lứa tuổi học đường; giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng,…

Thùy An

Theo báo cáo từ Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, tổng số phụ nữ nhiễm HIV trên toàn tỉnh được phát hiện là 145 bệnh nhân; tổng số phụ nữ nhiễm HIV đang điều trị ARV là 145/145 bệnh nhân, đạt 100%; trong 5 năm trở lại đây số bà mẹ nhiễm HIV có thai được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên toàn tỉnh là 09/09 bà mẹ đạt 100%;
Y sĩ Nguyễn Thị Nguyên Em, Nhân viên Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam là một trong những cán bộ y tế có thâm niên trong công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh. Bản thân chị đã nhiều lần tiếp xúc, tư vấn cho nhiều trường hợp bệnh nhân HIV nên chị hiểu, cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh của từng bệnh nhân. Chị tâm sự “Là bệnh nhân nhiễm HIV nhưng cũng như bao cặp vợ chồng bình thường khác, khát khao được làm cha, làm mẹ; khát khao được có đứa con bi bô mỗi ngày cho vui cửa, vui nhà là một mong ước bình thường và rất chính đáng của họ. Và việc điều trị ARV cho những phụ nữ nhiễm HIV đã mở ra cho họ cơ hội và cũng chính là giải pháp giúp họ thực hiện ước nguyện sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh”.
Chính nhờ sự thấu hiểu, chia sẻ đầy cảm thông, trách nhiệm của đội ngũ những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh nhà mà những bệnh nhân HIV đã bước qua được rào cản mặc cảm để bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình cho những y, bác sĩ – những “tri kỷ” mà họ tin tưởng, yêu quý. Bác sĩ CKI Đỗ Trường Lưu – Phó Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết: “Sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội đã làm cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS cảm thấy tự ti, mặc cảm, không dám công khai. Chính vì vậy mà nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng càng cao hơn. Nhưng khi đến với “ngôi nhà chung” - Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, nhận được tư vấn, điều trị về chuyên môn, sự đồng cảm về hoàn cảnh; họ đã bộc bạch, thổ lộ tất cả với chúng tôi. Chúng tôi hiểu họ, tôn trọng và sẻ chia với họ. Họ tin tưởng, và gửi gắm tâm tư, tình cảm nơi chúng tôi. Chính vì vậy mà số lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh tìm đến chúng tôi ngày càng nhiều. Đặc biệt, trong đó có nhiều phụ nữ nhiễm HIV cũng như phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đó là điều chúng tôi mong muốn cũng như vui mừng nhất vì một thế hệ mầm non không có HIV”.
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi
Thực hiện Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay (Từ ngày 01/6/2020 – 30/6/2020) với chủ đề “ Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - Sức khỏe cho con”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tổ chức các hoạt động truyền thông trực quan, cổ động… tại 18/18 huyện, thị, thành phố với các khẩu hiệu tuyên truyền như: “Không có vi rút HIV trong máu mẹ - Không lây truyền HIV cho con”; “Xét nghiệm HIV sớm - Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con”; “Bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị liên tục suốt đời!”; “Điều trị thuốc ARV sớm giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và giảm lây nhiễm HIV cho người khác!”…
Ts. Bs. Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam nhấn mạnh: “Nhằm thực hiện mục tiêu “Giảm tỉ lệ trẻ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm. Cũng như giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay, chúng tôi tăng cường các hoạt động truyền thông. Chúng tôi mong muốn cộng đồng xã hội có những nhận thức cũng như cái nhìn đúng đắn để bao dung hơn với bệnh nhân nhiễm HIV/ AIDS, đặc biệt là các bệnh nhân nữ bị nhiễm HIV, phụ nữ mang thai nhiễm HIV để họ bước qua được mặc cảm, tiếp cận các dịch vụ điều trị, dự phòng lây truyền HIV cho con”.

Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%.