Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu. Tại Việt Nam, số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73% tổng số các ca tử vong, trong đó 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66%.

Xu hướng gia tăng bệnh không lây nhiễm

Theo TCYTTG các bệnh không lây nhiễm là các bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người thường diễn biến kéo dài, mạn tính. Một số bệnh không lây nhiễm thường gặp là nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư vú, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ, nhóm bệnh tâm thần phân liệt như trầm cảm, động kinh…

Hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia, các bệnh không lây nhiễm đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm, đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng mặc dù đã có những bước tiến lớn trong chẩn đoán, điều trị và nỗ lực trong quản lý.

Trong đó, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) số người mắc COPD sẽ tăng 3 - 4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Bên cạnh đó, đối với bệnh hen phế quản, theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2025, số người mắc bệnh hen trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Theo các chuyên gia y tế, COPD và hen phế quản đều là những bệnh lý mãn tính nhưng được kiểm soát tốt nếu phát hiện sớm, điều trị đúng cách.

Riêng tại Việt Nam, bệnh tim mạch là bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất, với 1/3 số ca tử vong hàng năm. Số liệu thống kê cho thấy, cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp và cứ trong 25 người thì có 1 người bị bệnh đái tháo đường. Trong nhóm tuổi từ 18 đến 69, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9%.  Đáng chú ý, trong số các trường hợp tăng huyết áp, chỉ có 43,1% từng được chẩn đoán bởi bác sĩ trước đó, đồng nghĩa 56,9% người bị tăng huyết áp không được phát hiện sớm. Tuy nhiên, mới chỉ có 14% số bệnh nhân tăng huyết áp và 29% số bệnh nhân đái tháo đường được điều trị, quản lý tại các cơ sở y tế.

Tăng cường hoạt động Y tế cơ sở

  1. Bs Nguyễn Văn Văn - Phó Giám Đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết: "Các bệnh không lây nhiễm là các bệnh có thể phát hiện, xử lý ngay tại tuyến YTCS nếu chưa có những biến chứng. Những Trạm y tế có đủ điều kiện thì có thể xử lý những tình huống sơ cấp cứu ban đầu". TS Văn cũng cho rằng, cần phải nâng cao năng lực, uy tín của các Trạm y tế xã để thu hút người dân đến với trạm, tin tưởng trạm.

Với chủ trương xây dựng Trạm Y tế xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, Sở Y tế cho biết, sắp tới, toàn bộ các các bộ y tế tại Trạm Y tế xã đều phải được tập huấn lại nhiều nội dung, trong đó chú trọng tập huấn lại nội dung liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, việc cung cấp các trang thiết bị xét nghiệm, xét nghiệm nhanh một số bệnh tại cơ sở như xét nghiệm đường huyết và một số kỹ thuật khác liên quan đến bệnh không lây nhiễm cũng sẽ được triển khai. Ts. Bs Văn nhấn mạnh: "Đặc biệt quan trọng là những thuốc điều trị các bệnh không lây nhiễm như Đái tháo đường, Hen phế quản...  thì hoàn toàn giống nhau từ trung ương đến cơ sở. Đối với những trường hợp người ta không có biến chứng, chưa có biến chứng thì việc giải quyết đều trong tầm tay giải quyết của tuyến YTCS. Đây sẽ là một trong những cơ sở để làm cho người dân tin tưởng hơn vào việc khám bệnh tại tuyến cơ sở" .

Dự phòng bệnh không lây nhiễm

Sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm chủ yếu do 4 yếu tố nguy cơ chính là: Sử dụng thuốc lá, không hoạt động thể lực, sử dụng rượu bia ở mức độ có hại và chế độ ăn uống không lành mạnh. Vậy nên để phòng bệnh không lây nhiễm, "Trước tiên mỗi người dân phải nhận thức như thế nào là bệnh không lây nhiễm, cần tăng cường nâng cao cán bộ Y tế cũng như hội đoàn thể; cần có chế độ ăn đúng, lành mạnh, giảm muối, ít muối, không đường, ăn ít thịt đỏ, nhiều rau quả, tăng cường thể lực; thực thiện 10 ngàn bước chân mỗi ngày; giảm lạm dụng rượu bia, thuốc lá phòng chống tác hại của rượu bia thuốc lá;..." - Bs Văn khuyến cáo.