Quảng Nam Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí từ 0 giờ ngày 29.7
Chiều 28.7, UBND tỉnh có Quyết định số 2014/QĐ-UBND về việc tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Đăng nhập với tài khoản Google.
Chiều 28.7, UBND tỉnh có Quyết định số 2014/QĐ-UBND về việc tạm dừng các hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Bước 1. Vào https://tokhaiyte.vn/
Bước 2. Chọn một trong các ô trên cùng: ô giữa nếu Khai báo y tế toàn dân, chọn ô bên phải nếu Khai di chuyển nội địa, chọn ô bên trái nếu khai Cho người nhập cảnh
Bước 3. Nhập số điện thoại
Bước 4. Nhập mã OTP gồm 6 chữ số vừa gửi về điện thoại của bạn
Bước 5. Nhập đầy đủ thông tin vào tờ khai, nhập mã bảo mật
Bước 6. Gửi tờ khai, chờ đến khi màn hình xuất hiện thông báo: Cảm ơn quý khách đã hoàn thành Khai báo y tế.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở Y tế Quảng Nam đã có Công văn khẩn số 1370/SYT-NVY ngày 26/7/2020 về việc tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch trong tình hình mới, trong đó đề nghị:
Đối với cán bộ công chức, viên chức, và toàn bộ người dân hạn chế di chuyển đến thành phố Đà nẵng với mục đích thăm quan, du lịch, thăm người thân, công tác và những việc không cần thiết khác.
Tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp bắt buột đeo khẩu trang tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, phương tiện giao thông công công cộng, rửa tay, sát khuẩn, đảm bảo vệ sinh cá nhân.
Toàn văn Công văn theo tập đính kèm.
Tối 26/7, Bộ Y tế phát đi thông báo khẩn số 16 đề nghị những người đã đến những địa điểm sau cần liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn hỗ trợ.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; đeo khẩu trang khi ra ngoài; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc; không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét khi tiếp xúc.
Thông tin từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên chiều ngày 12/7/2020 cho biết, trong năm nay đến thời điểm này trên địa bàn 4 tỉnh Đăk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai và Kon Tum đã ghi nhận 78 ca bệnh bach hầu. Trong đó, Đắk Nông là tỉnh ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum có 26 trường hợp, Gia Lai là 20 trường hợp và Đăk Lăk ghi nhận 3 trường hợp.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh. Bệnh thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi bệnh bạch hầu có thể xuất hiện, lây lan và bùng phát thành dịch làm nhiều người mắc và có thể tử vong.
Vì vậy, khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người dân phải nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để cách ly và điều trị kịp thời. Bệnh phải được điều trị ở các cơ sở y tế để có đủ điều kiện để dùng huyết thanh trung hòa độc tố Bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm,... Những trường hợp khó thở, bệnh nhân phải được kịp thời phẫu thuật mở khí quản để hỗ trợ hô hấp.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Hiện nay, vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch: trẻ 2 tháng tuổi tiêm mũi 1; trẻ 3 tháng tuổi tiêm mũi 2; 4 tháng tuổi tiêm mũi 3 và 18 tháng tuổi tiêm mũi 4.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Long Cảnh
COVID-19 là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Đến nay, 215 quốc gia/vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Ngày 26/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định rằng dịch COVID-19 đang bước vào giai đoạn mới, bùng phát nhanh và nguy hiểm hơn. Tại Việt Nam kể từ 16 tháng 4 đến nay không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Để bảo vệ thành quả chống dịch của Việt Nam, các chuyên gia cảnh báo, việc kiểm soát người nhập cảnh phải được đặt lên hàng đầu, tất cả các ca nhập cảnh phải được cách ly phù hợp, thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định, đảm bảo không để nguồn bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, Việt Nam thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế, việc bảo vệ sức khỏe nhân dân là rất cần thiết, việc mở cửa cho chuyên gia, lao động bậc cao, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Việt Nam và đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài cần giám sát, xử lý, giải quyết chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, phá đi thành quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động. Khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng thì phải tập trung khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời. Tiếp tục theo dõi, bám sát mọi diễn biến, kiên trì thực hiện 5 nguyên tắc: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly phù hợp, khoanh vùng, dập dịch. Tiếp tục siết chặt quản lý các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Để chủ động phòng bệnh, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiếp tục thực hiện 6 biện pháp bảo vệ như sau:
- Vệ sinh tay
- Che miệng và mũi khi ho và hắt hơi
- Không chạm tay lên mặt khi chưa rửa sạch tay
- Hạn chế ở những không gian kín hoặc nơi đông người.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m
- Thường xuyên làm sạch và khử trùng các vật dụng, bề mặt hay chạm vào.
Long Cảnh
Hoa An
Năm trường hợp mắc bệnh Bạch hầu được phát hiện tại 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên) hồi giữa tháng 10/2019 vừa qua đã gây ra lo lắng trong nhân dân, ngành Y tế Quảng Nam cũng đã khẩn trương thực hiện điều tra và triển khai nhiều biện pháp phòng chống nhằm kiểm soát, ngăn chặn bệnh Bạch hầu lây lan trong cộng đồng. Sau 2 đợt tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 phòng bệnh Bạch hầu được thực hiện hồi đầu năm 2020, TTYT huyện Duy Xuyên tiếp tục tổ chức tiêm chắc lại mũi 3 vắc xin Td (Uốn ván - Bạch hầu) cho các đối tượng từ 5-40 tuổi tại 2 xã này.
Ts. Bs Nguyễn Văn Văn - PGĐ Sở Y tế dẫn đầu Đoàn công tác của Sở Y tế đi kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng Bạch hầu mũi 3 cho học sinh và nhân dân 2 xã Duy Nghĩa, Duy Hải huyện Duy Xuyên.
Mới hơn 7h sáng, các cán bộ Y tế huyện, xã và Ban giám hiệu trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Duy Nghĩa đã chuẩn bị sẵn sàng, bố trí hợp lý bàn khám sức khỏe, bàn tiêm nhằm đảm bảo cho công tác tiêm chủng nhanh, gọn, an toàn. Mỗi bàn tiêm bố trí 4 cán bộ y tế phụ trách tiêm chủng, 2 cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe tim mạch, huyết áp,… Công tác chuẩn bị cung ứng vắc xin dây chuyền lạnh, bơm kim tiêm, hộp chống sốc, bông, banh, kẹp nhiệt, cồn sát khuẩn và các dụng cụ phục vụ bàn tiêm đều đảm bảo an toàn, chu đáo.
Tham gia đợt tiêm chủng lần này, Ys Phạm Văn Xuân - khoa dịch tễ - Trung tâm y tế huyện Duy Xuyên cho biết: "Các cháu trước khi tiêm được nhà trường nhắc nhở phải ăn sáng để đảm bảo sức khỏe. Quy trình được thực hiện đầy đủ: từ khám sàng lọc, đo thân nhiệt, tiêm, và ngồi lại 30 phút sau tiêm. Các cháu nào đang bị bệnh và đang dùng thuốc thì ngưng tiêm, đồng thời lưu danh sách tiêm cho đợt sau. Quy trình tiêm thực hiện đúng, đúng liều lượng vắc xin, bảo quản theo yêu cầu. Nhà trường hỗ trợ rà soát từng lớp học để nắm danh sách không để tiêm thiếu cho em nào,.."
Sau khi được tiêm chủng đảm bảo an toàn cho sức khỏe, em Châu Hoàng Yến – học sinh trường THCS Nguyễn Văn Trỗi phấn khởi chia sẻ: "Trước khi tiêm chủng, con đã được các bác sỹ đo nhiệt độ, huyết áp, tim mạch. Các y bác sỹ rất quan tâm đến sức khỏe học sinh. Sau tiêm con được các bác sỹ tư vấn ngồi tại chỗ 30 phút để ổn định sức khỏe, bây giờ con rất yên tâm về sức khỏe của mình".
Dự kiến đợt tiêm mũi 3 Bạch hầu này sẽ tiêm cho 8.275 đối tượng (từ 5 – 40 tuổi) thuộc 2 xã Duy Hải, Duy Nghĩa huyện Duy Xuyên, trong đó đối tượng học sinh chiếm 2500 em. Hôm nay chúng tôi tập trung tiêm cho đối tượng học sinh từ 5-15 tuổi mẫu giáo, cấp 1, Tấp 2, với 1500 đối tượng. Còn đối tượng 16-40 tuổi thì sẽ tiêm vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này. Bs. Trịnh Minh Dũng - Phó trưởng khoa Y tế Dự phòng huyện Duy Xuyên cho biết.
Như vậy, chỉ trong 02 ngày của trung tuần tháng 6 này, TTYT huyện Duy Xuyên đã chỉ đạo các Trạm Y tế xã phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ với các Trường trên địa bàn 2 xã Duy Nghĩa và Duy Hải triển khai 10 điểm tiêm với 15 bàn tiêm. Nhờ làm tốt từ khâu tiếp đón, ghi phiếu cho đến kiểm tra sức khỏe, tiêm chủng, theo dõi sau tiêm, và thậm chí chuẩn bị sẵn sàng đội cấp cứu lưu đông để xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm nên hoạt động tiêm chủng mũi 3 đợt này diễn ra an toàn, suôn sẻ.
Qua kiểm tra, giám sát 2 đợt chiến dịch tiêm chủng bạch hầu mũi 3 lần này, Bs CKI. Huỳnh Công Quang - PGĐ CDC Quảng Nam khuyến cáo: "Bệnh Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp. Biểu hiện của bệnh là có giã mạc và viêm các hạch. Bệnh được phòng đặc hiệu bằng vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện tại thì bệnh xảy ra rải rác ở các tỉnh Tây Nguyên. Để phòng bệnh Bạch hầu, thứ nhất tất cả những trẻ dưới 1 tuổi, bà con hãy đưa trẻ tới tiêm được ba mũi vắc xin Quinvaxem, bây giờ là SII. Khi trẻ 18 tháng thì cha mẹ hãy đưa trẻ đến tiêm mũi DPT4. Dự kiến quý 4 năm 2020 này, Quảng Nam là một trong 35 tỉnh sẽ triển khai tiêm vắc-xin Td cho trẻ 7 tuổi (tương đương với trẻ học lớp 2). Khi tiêm nhắc những mũi này thì sẽ miễn dịch được Bạch hầu sẽ kéo dài, giúp trẻ không bị mắc bệnh Bạch hầu".
NGÀNH Y TẾ QUẢNG NAM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT SỐT XUẤT HUYẾT
Ánh Minh - Thùy An
Theo nhận định từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Nam), tình hình Sốt xuất huyết (SXH) sắp bước vào giai đoạn cao điểm, nguy cơ dịch có thể bùng phát và kéo dài. Hiện nay, qua các đợt kiểm tra và giám sát đã phát hiện một số ổ dịch nhỏ tại các địa phương như: Điện Bàn, Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên,… Để chủ động phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH), ngành Y tế Quảng Nam đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại nơi xuất hiện và có khả năng khởi phát ổ dịch, qua đó kịp thời phát hiện ổ dịch, ca bệnh cũng như nhắc nhở người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, chủ động phòng SXH.
Công tác giám sát SXH diễn ra từ ngày (27/5-28/5) và (11-12/6) tại huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên, Tp Tam Kỳ. Theo đó, Đoàn kiểm tra đã khảo sát thực địa tại các khu dân cư, đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh giúp bà con biết cách vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy và muỗi truyền bệnh với phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tận tình hướng dẫn cho bà con cùng thực hiện, với quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch, kịp thời giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, khống chế ổ dịch ngay khi mới xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên. Theo báo cáo mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 18 ổ dịch SXH với 840 ca mắc, số ca mắc giảm 15,2 % so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thị xã Điện Bàn là nơi xuất hiện nhiều ổ dịch nhất, với 8 ổ dịch, Phú Ninh 4 ổ dịch. Tuy nhiên các ổ dịch này đã được khống chế hoàn toàn. Hiện nay, còn 4 ổ dịch mới xuất hiện và hoạt động tại huyện Đại Lộc, Thăng Bình và Duy Xuyên đang được theo dõi chặt chẽ, khống chế tránh tình trạng bùng phát trong cộng đồng.
Bs.CKI Huỳnh Công Quang - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Qua buổi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy công tác chuẩn bị của tuyến huyện, tuyến xã tương đối tốt, đặc biệt UBND các xã vận động bà con tham gia diệt muỗi, phòng bệnh. Tuy nhiên, còn một số điểm khi đi vào kiểm tra thực địa người dân vẫn còn chủ quan chưa xem công tác diệt bọ gậy là công tác chính trong phòng chống SXH. Khi kiểm tra thì chỉ số bọ gậy vẫn còn cao trong các hộ gia đình, và đây là nguyên nhân gây SXH, do vậy, đối với những khu dân cư này, chúng tôi vẫn tiếp tục kiểm tra, giám sát, nhắc nhở bà con thường xuyên, để bà con thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng bệnh SXH.”
Đánh giá đợt điều tra thực địa lần này, đoàn công tác cho biết, chỉ số dụng cụ chứa nước có lăng quăng và bọ gậy ở một số hộ gia đình còn ở ngưỡng cao. Tại một số điểm giám sát, bên cạnh khuyến cáo, tuyên truyền kiến thức về phòng chống sốt xuất huyết, đoàn kiểm tra, giám sát đã hướng dẫn trực tiếp cho bà con các biện pháp phòng bệnh như: không để các dụng cụ chứa đọng nước, lật úp các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, diệt lăng quăng bọ gậy, ngủ màn, dọn vệ sinh sạch sẽ, giữ môi trường thông thoáng, mặc quần áo dài tay,… Chị Đoàn Thị Lệ, (Phường An Mỹ, Tp Tam Kỳ) cho biết:“Gia đình tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng bệnh như ngủ màn, dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, nhất là mảnh sành bể, chai lọ vỡ lật úp hết để bọ gậy không sinh sôi nảy nở nữa.”
Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, Ngành Y tế đã thực hiện các biện pháp tuyên truyền thông qua loa đài địa phương, pano, tờ rơi, phối hợp chính quyền địa phương vận động bà con chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (Tam Phú, huyện Phú Ninh) chia sẻ: “Lâu nay Đài phát thanh địa phương cũng có tuyên truyền về dịch SXH, Trạm y tế xã đã phát tờ rơi tuyên truyền nên gia đình tôi cũng hiểu rõ về tác hại của bệnh SXH. Những ngày trước, cán bộ xã vận động các hộ gia đình tham gia dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm, dọn hết các rác bẩn, chai lọ quanh khu ở, bà con chúng tôi tranh thủ buổi chiều đi làm về cùng nhau tham gia dọn dẹp tích cực, nên mấy hôm nay muỗi cũng ít hơn hẳn.”
Bs.CKI Huỳnh Công Quang cho biết thêm, mỗi người dân chúng ta cần chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy thường xuyên mới hạn chế được số mắc SXH. Thời gian đến, chính quyền địa phương và ngành Y tế triển khai chiến dịch phun hóa chất cho vùng trọng điểm xã nguy cơ, chúng tôi đề nghị bà con hưởng ứng. Đặc biệt, mỗi người dân phải tự vận động, huy động mọi người hủy bỏ các dụng cụ chứa nước, thau rửa dụng cụ thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần, với phương châm: “Không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH.
SXH là bệnh phổ biến, có thể phòng và điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu chủ quan bệnh sẽ rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong. Do vậy, để phòng ngừa SXH, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp khuyến cáo phòng bệnh: phối hợp với chính quyền, ngành Y tế để diệt muỗi, hạn chế sinh sôi lăng quăng, bọ gậy; hạn chế xuất hiện ổ dịch mới; hạn chế số ca mắc SXH trong cộng đồng./.
CẦN BIẾT VỀ NHIỄM COVID-19 KHÔNG TRIỆU CHỨNG
TS.BS Trần Văn Kiệm
Thời gian qua, bằng sự đồng lòng của toàn dân cùng niềm tin và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam chúng ta đã có được thành công trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dịch COVID -19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nguy cơ vẫn còn đe dọa với chúng ta, nguy hiểm nhất là những trường hợp nhiễm covid-19 không triệu chứng.
Biểu hiện các triệu chứng lâm sàng chính của COVID-19 ngay từ đầu đã được xác định như sốt, ho, tức ngực, khó thở... nhưng đến nay nhiều nước kể cả tại Việt Nam đã có công bố về người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng.
Người mang mầm bệnh không triệu chứng là gì?
Nói đến mang mầm bệnh không triệu chứng, người ta muốn ám chỉ mầm bệnh ở đây là vi sinh vật (virrus, vi khuẩn) gây bệnh. Người mang mầm bệnh không có triệu chứng, có nghĩa là người đang mang mầm bệnh trong cơ thể nhưng vẫn khỏe mạnh hoặc đã bị nhiễm mầm bệnh, nhưng không có dấu hiệu cũng như triệu chứng nào. Mặc dù không bị ảnh hưởng bởi chính mầm bệnh nhưng người mang mầm bệnh vẫn có thể truyền bệnh cho người khác hoặc phát triển các triệu chứng ở giai đoạn sau của bệnh. Vì vậy, đã từ lâu “người mang mầm bệnh không triệu chứng” đã được các nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rất quan tâm. Hay gặp nhất người lành mang mầm bệnh không triệu chứng như vi khuẩn (thương hàn, tả, lỵ, bạch hầu...), virus (cúm, HIV, SARS...). Những người mang mầm bệnh không triệu chứng này sẽ gieo rắc mầm bệnh ra môi trường, làm cho nhiều người bị lây nhiễm và mắc bệnh, thậm chí bùng phát thành dịch, đại dịch (dịch tả, dịch lỵ, dịch bạch hầu, dịch cúm A...). Do mang mầm bệnh không có triệu chứng nên bản thân người mang mầm bệnh cũng như những người xung quanh và cả cán bộ y tế cũng không thể nào nắm bắt được, chỉ trong trường hợp nghi ngờ mới tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết mới hy vọng phát hiện được.
Một số người mang mầm bệnh không triệu chứng
Người mang mầm bệnh không triệu chứng là người đã bị vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể nhưng do cơ thể có sức đề kháng mạnh sẽ ức chế được sự phát triển của vi sinh vật (không cho chúng nhân lên) cho nên không thể gây bệnh nên không có triệu chứng lâm sàng. Hoặc do số lượng vi sinh vật xâm nhập cơ thể với số lượng ít chưa thể gây bệnh được nên không có triệu chứng nào xuất hiện. Với dạng này, mầm bệnh vẫn tồn tại trong cơ thể và chưa gây bệnh nhưng khi sức đề kháng của cơ thể vì một lý do nào đó suy giảm, vi sinh vật sẽ phát triển nhanh chóng và gây bệnh. Dạng người lành mang mầm bệnh không triệu chứng này hết sức nguy hiểm dù chưa mắc bệnh nhưng có thể đào thải ra môi trường bên ngoài làm cho nhiều người có thể phơi nhiễm, mắc bệnh và nguy cơ thành dịch, thậm chí đại dịch.
Trường hợp người mang mầm bệnh không triệu chứng nữa là những bệnh nhân mầm bệnh đã xâm nhập cơ thể, chúng đang ở giai đoạn thích nghi với điều kiện mới để nhân lên và gây bệnh, gọi là thời kỳ ủ bệnh. Ở giai đoạn này hầu hết các bệnh nhiễm trùng đều chưa có triệu chứng lâm sàng nào. Giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độc lực của vi sinh vật gây bệnh, số lượng vi sinh vật xâm nhập, sức đề kháng của cơ thể... Tương tự, trong trưởng hợp này cả người bệnh, người xung quanh và cán bộ y tế cũng không thể biết được nên điều nguy hiểm nhất là mầm bệnh rất dễ lây lan ra xung quanh, lây cho những người giao tiếp, đặc biệt là những người tiếp xúc gần.
Bên cạnh đó còn có một số trường hợp người mang mầm bệnh không triệu chứng nữa là người mang vi sinh vật trên da, tay, chân, quần áo... mà chưa xâm nhập vào trong nên chưa làm tổn thương cơ thể nên không có triệu chứng. Trong trường hợp này, vi sinh vật gây bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào và có khả năng làm lây lan ra môi trường xung quanh rất lớn.
COVID-19 không triệu chứng
Ðối với COVID-19 cũng không nằm ngoài quy luật “người mang mầm bệnh không triệu chứng” như trên nhưng mức độ của người mang SARS-CoV-2 không triệu chứng này nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi dịch bệnh đã diễn ra khắp toàn cầu, đã có hàng trăm ngàn người tử vong và nguy cơ hàng triệu người nhiễm SARS-CoV-2, trong khi đó sự giao lưu, đi lại giữa các châu lục bằng nhiều phương tiện khác nhau lại rất dễ dàng, thuận tiện, vì vậy, mức độ tiếp xúc là cực kỳ lớn và mức độ lây lan mầm bệnh là khó tiên đoán cụ thể được. Thêm vào đó phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là dùng vắc-xin để phòng SARS-CoV-2 chưa có và thuốc điều trị hữu hiệu cũng đang trong giai đoạn nghiên cứu.
Vậy đứng trước nguy cơ diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, đặc biệt là vấn đề nhiễm covid-19 không triệu chứng, đòi hỏi vấn đề chống dịch sang giai đoạn mới vẫn còn phải cảnh giác cao. Các cấp, các ngành, các địa phương phải luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, quyết không để dịch bệnh trở lại. Trong đó kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ nước ngoài. Tất cả người nhập cảnh đều phải được cách ly tập trung 14 ngày; trừ các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia, lao động tay nghề cao thì có biện pháp cách ly phù hợp, chủ doanh nghiệp, cơ quan y tế địa phương chịu trách nhiệm giám sát việc cách ly các trường hợp này.
Hiện nay cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh đồng thời với khôi phục, phát triển nền kinh tế. Từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, doanh nghiệp đều cần xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế - xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế vừa chống dịch hiệu quả.
Ngày 18 và 19/6/2020 Ban QLDA RAI2E Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy nhơn đã phối hợp thực hiện giám sát các hoạt động Dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc artemisinin, giai đoạn 2018-2020” và công tác phòng chống loại trừ sốt rét năm 2020 của tỉnh Quảng Nam.
Trong 2 ngày làm việc, đoàn công tác giám sát tình hình sốt rét của tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My, đánh giá hoạt động của Ban QLDA RAI2E tỉnh Quảng Nam và huyện Nam Trà My trong 5 tháng đầu năm 2020; bàn biện pháp thúc đẩy hoạt động phòng chống sốt rét và các hoạt động của Dự án.
Qua giám sát Đoàn công tác của các Viện đã đánh giá cao hoạt động của Ban quản lý Dự án tỉnh với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch tại các huyện dự án, đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ sử dụng lam và test xét nghiệm tăng 1,17% so với cùng kỳ 2019.
Tại buổi họp tổng kết công tác giám sát, TS. Hồ Đắc Thoàn - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn đề nghị Ban QLDA tỉnh cần tăng cường kết nối thông tin, chủ động nắm bắt điểm nóng đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ thêm hóa chất, bình phun cho dự án tại Quảng Nam.
Cũng tại buổi tổng kết, PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - Giám đốc dự án RAI2E cho rằng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã nắm chắc tình hình, kiểm soát tốt công tác phòng chống sốt rét, kiên trì nhiều năm và duy trì được các kết quả tốt. Trong thời gian tới Ban QLDA tỉnh cần cập nhật liên tục hàng tuần số liệu sốt rét, tăng cường tập huấn mới cho cán bộ P/C sốt rét, đẩy mạnh truyền thông trực quan bằng pano, poster, truyền thông cho người dân thưc hiện ngủ màn, dùng kem xua muỗi,…tổ chức tốt công tác điều trị theo phác đồ chuẩn,... Đồng thời cần có kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh hoạt động của dự án về giám sát, sử dụng thuốc, truyền thông, tích cực xử lý điểm nóng, làm test nhanh, phát biện ca bệnh,…
Nhất trí với ý kiến đánh giá của đoàn giám sát, TS BS. Trần Văn Kiệm -Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, công tác phòng chống sốt rét của tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm và thế mạnh và khắc phục các tồn tại trong hoạt động động PCSR nói chung và hoạt động của dự án RAI2E nói riêng tại Quảng nam để duy trì thành quả phòng chống sốt rét qua nhiều năm của tỉnh, tiến đến mục tiêu thanh toán bệnh sốt rét vào năm 2030.
PGS. TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và TS. Hồ Đắc Thoàn - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn tại buổi họp tổng kết công tác giám sát
Long Cảnh
Trong 2 ngày 11&12.6, Sở Y tế Quảng Nam tổ chức 2 đoàn công tác do Ts. Bs Nguyễn Văn Văn làm trưởng đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác phòng chống Sốt xuất huyết tại 2 huyện Duy Xuyên và Thăng Bình.
Kiểm tra chỉ số loăng quoăng, bọ ậy phòng chống Sốt xuất huyết tại nhà dân
Tính đến nay, Quảng Nam ghi nhận có 869 trường hợp mắc Sốt xuất huyết (SXH) tại 16/18 huyện/thị xã/thành phố, trong đó Thăng Bình có 172 trường hợp mắc, phát hiện 2 ổ dịch mới tại xã Bình Phục và Bình Dương; Duy Xuyên có 136 trường hợp mắc với 2 ổ dịch.
Bs Huỳnh Công Quang - PGĐ CDC Quảng Nam cho biết: "Hiện nay tình tình hình dịch bệnh SXH sắp bước vào giai đoạn cao điểm, nguy cơ bùng phát dịch SXH lan rộng và kéo dài tại các khu vực trên sẽ rất cao nếu không có các biện pháp chủ động phòng chống".
Đoàn đã đi thực địa kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các địa phương, hướng dẫn, vận động nhân dân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, lật úp các lu nước, lốp xe, vật phế thải,…
Làm việc với xã Duy Nghĩa, Bình Phục, Bình Dương, Bình Hải, đoàn công tác đã kiểm tra, đánh giá các hoạt động truyền thông, giám sát và xử lý ổ dịch SXH tại địa phương, thảo luận và hỗ trợ địa phương giải quyết những khó khăn tồn tại trong phòng chống dịch SXH nhằm chủ động khống chế không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Trưởng Hoa - Thùy An
NHỮNG LƯU Ý VỀ CHĂM SÓC PHỤ NỮ MANG THAI KHI PHẢI CÁCH LY Y TẾ
Ngày 29/5/2020, Quảng Nam tiếp nhận cách ly 343 công dân Việt Nam từ Đài Loan về nước trong đó có 243 phụ nữ có thai.
Với những người tiền sử dịch tễ có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, cách ly y tế là giải pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus ra cộng đồng. Với phụ nữ có thai (PNCT), khi cách ly các dịch vụ chăm sóc trước sinh sẽ bị gián đoạn, vì thế khi cách ly PNCT có những điều cần chú ý đặc biệt.
Vệ sinh phòng dịch
Virus SARS-CoV-2 lây từ người sang người qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với đồ vật nhiễm giọt bắn đường hô hấp của người nhiễm, do vậy, trong thời gian cách ly, đặc biệt là khi cách ly tại nơi tập trung hoặc ở cơ sở y tế, nên bố trí PNCT được ở phòng riêng. Nếu phòng có nhiều người thì cần bố trí các giường cách nhau tối thiểu 2m, có chỗ treo quần áo, tư trang riêng của mỗi người, có rèm hoặc vách ngăn để PNCT có không gian riêng tư.
Phòng ở của PNCT cần đảm bảo thoáng khí và có nhiều ánh sáng. Ánh sáng vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa giúp cho cơ thể tự tổng hợp vitamin D. Nếu không thể mở cửa (vì lý do nào đó như thời tiết chẳng hạn), nên dùng quạt thông gió để thông khí. Phòng của PNCT cần đảm bảo tính riêng tư, an toàn và có thể dễ dàng tìm kiếm sự hỗ trợ của những người xung quanh trong trường hợp cần thiết. Tốt nhất trong phòng có khu vệ sinh khép kín với đầy đủ nước sạch, xà phòng, nước rửa tay, dụng cụ và chất tẩy rửa, chỗ treo khăn tắm, khăn mặt riêng.
Nền, tường nhà cần được lau hằng ngày bằng dung dịch nước lau sàn có chứa xà phòng. Đồ vật, nhất là những đồ vật nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, công tắc điện, điều khiển TV, điện thoại bàn, vòi nước... cần được khử trùng ngày tối thiểu 2 lần bằng các dung dịch có chứa tối thiểu 70% cồn y tế. PNCT nên tránh tiếp xúc trực tiếp với các hoá chất khử khuẩn có chứa clo hoạt tính vì có có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Thiết bị vệ sinh cần được cọ rửa hàng ngày bằng xà phòng hoặc chất tẩy, xả kỹ bằng nước sạch. Trong trường hợp không có khu vệ sinh riêng, cần làm sạch bằng xà phòng, khử trùng thiết bị vệ sinh bằng dung dịch chứa tối thiểu 70% cồn y tế trước và sau khi sử dụng.
PNCT tại nơi cách ly cần có một chế độ ăn riêng, đảm bảo đầy đủ và cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, phù hợp cho mỗi giai đoạn phát triển của thai, trong đó đặc biệt chú ý tới các khoáng chất, vi chất cần thiết như canxi, sắt, axit folic (vitamin B9), vitamin C...
Đặc biệt, do phải hạn chế ra ngoài nên những PNCT đang phải cách ly cần được bổ sung thêm vitamin D - một loại viamin cần thiết cho sự hình thành hệ xương của thai nhi.
Chăm sóc về tinh thần
Trong điều kiện cách ly, nhất là cách ly xa gia đình, PNCT rất dễ bị tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, chăm sóc tinh thần đối với PNCT trong hoàn cảnh này là rất quan trọng. Nhân viên y tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các cơ sở cách ly, đặc biệt là gia đình cần quan tâm đặc biệt đến PNCT, thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ, phát hiện các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thông báo cho các cơ sở y tế để có những xử trí hoặc trị liệu phù hợp. Đặc biệt, các cơ sở cách ly cần giúp PNCT giữ mối liên hệ với gia đình, người thân, điều đó rất quan trọng.
Những dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thời gian cách ly
Khám thai định kỳ có thể bị gián đoạn trong thời gian cách ly, do vậy, PNCT và gia đình cần tự theo dõi để phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm ở bà mẹ và thai nhi để kịp thời báo cho nhân viên y tế. Dưới đây là một số dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra trong thai kỳ:
Đau bụng: Nếu đau bụng dưới trong những tuần đầu sau khi mất kinh, đau âm ỉ tăng dần, có thể kèm theo ra máu âm đạo thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Nếu đau dữ dội, vã mồ hôi thì có thể là thai ngoài tử cung doạ vỡ hoặc đã vỡ. Đây là một cấp cứu sản khoa, đe doạ đến tính mạng và cần được phẫu thuật kịp thời.
Đau bụng cũng có thể là dấu hiệu của doạ sẩy thai, sẩy thai hoặc đẻ non. Nếu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, bạn thấy đau bụng từng cơn, tăng dần (có kèm theo ra máu, ra nước âm đạo hoặc không), thì cần báo ngay cho nhân viên y tế.
Ra máu, ra nước: Ra máu, ra nước âm đạo (có thể kèm theo đau bụng hoặc không) trong thời gian mang thai có thể là dấu hiệu của một số tình trạng bệnh lý như thai ngoài dạ con, chửa trứng, thai lưu hoặc sảy thai, rau tiền đạo, rau bong non, rỉ ối... Mỗi một bệnh lý sẽ có những tính chất ra máu, ra nước và các triệu chứng kèm theo khác nhau và cần phải được thăm khám chuyên khoa mới xác định được.
Đau đầu, nhìn mờ: Đau đầu và/hoặc nhìn mờ, nhiều khi có buồn nôn, nôn kèm theo có thể là dấu hiệu của tăng huyết áp thai kỳ hoặc tình trạng bệnh lý tiền sản giật, nặng hơn có thể là sản giật (co giật toàn thân). Đây là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và thai nhi. Do vậy, nếu thấy có đau đầu và/hoặc nhìn mờ, PNCT cần được đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và thăm khám kịp thời.
Lưu ý đối với phụ nữ có thai 3 tháng cuối
Việc khám thai trong 3 tháng cuối rất quan trọng, vì vậy PNCT cần nói với nhân viên y tế phụ trách việc cách ly liên hệ giúp với cơ sở chăm sóc sản khoa để đặt lịch thăm khám phù hợp. Tuỳ theo từng điều kiện cách ly và tình trạng của PNCT, việc thăm khám có thể thực hiện tại nơi cách ly hoặc tại cơ sở y tế, nhưng dù thực hiện ở đâu cũng cần tuân thủ đầy đủ các quy định về vận chuyển người nghi nhiễm SARS-COVI-2 và áp dụng các biện pháp phòng hộ cần thiết, an toàn cho sản phụ và người thực hiện khám thai.
Ngoài việc tự phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm như đã nêu ở phần trên, PNCT 3 tháng cuối cần tự theo dõi dấu hiệu cử động thai (thai máy, thai đạp): Thai máy xuất hiện vào khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, cảm giác như “tôm búng” trong buồng tử cung; thai đạp thường xuất hiện từ tháng thứ 7. Nếu thai đạp nhiều hơn mọi ngày, có thể do người mẹ mệt mỏi, thiếu ô xy. Nhiều khi thai “ngủ quên” không đạp khiến bà mẹ lo lắng. Bạn cần liên hệ với nhân viên y tế để kiểm tra nếu theo dõi liền trong 6h không thấy thai cử động.
PNCT 3 tháng cuối cũng cần theo dõi để tự phát hiện dấu hiệu chuyển dạ. Nếu có dấu hiệu đau bụng từng cơn tăng dần, kèm theo có ra dịch hồng, ra nước hoặc chất nhầy (như nhựa chuối), có thể bạn đã chuyển dạ, khi đó cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Gần đến ngày sinh, PNCT đang trong thời gian cách ly nên được chuyển đến cơ sở sản khoa có đủ năng lực xử trí chuyển dạ cho sản phụ nghi mắc COVID-19 để theo dõi và chuẩn bị cho cuộc đẻ. Do các nhân viên y tế tham gia xử trí ca đẻ (hoặc mổ đẻ) cũng sẽ phải cách ly cùng với bà mẹ và sơ sinh nghi nhiễm cho đến khi khẳng định chắc chắn không bị nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nên cơ sở y tế cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nhân lực và trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế trong cuộc đẻ và chăm sóc bà mẹ, sơ sinh sau đẻ.
Tóm lại, cách ly y tế bắt buộc là một giải pháp cần thiết, áp dụng với tất cả mọi đối tượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 để đề phòng lây lan ra cộng đồng, PNCT đang trong thời gian cách ly cần được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, bản thân mỗi PNCT khi phải thực hiện cách ly cũng cần tự tìm hiểu các biện pháp bảo vệ sức khoẻ cho mình và cho thai nhi.
BS Trần Thị Ngà
Theo sukhoedoisong.vn