Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão.

           Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện giám sát hoạt động đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa bão tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì; đồng thời thực hiện giám sát khu vực ổ dịch sốt xuất huyết tại hai quận Ba Đình và Hai Bà Trưng.

Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 1.

Nhân viên y tế Quận Hoàn Kiếm phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường tại khu vực trường Tiểu học Phúc Tân. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

             Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực có nguy cơ cao và khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt; phối hợp với ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại khu vực có nguy cơ sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường.

             Các đơn vị tiếp tục tổ chức giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để, kịp thời ca bệnh, ổ dịch trong và sau ngập lụt như: Sốt xuất huyết, tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, thương hàn… Đồng thời, tăng cường truyên truyền, hướng dẫn người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của ngập lụt về nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ và ngập lụt theo khuyến cáo của ngành Y tế.

             Theo số liệu của CDC Hà Nội, từ ngày 6/9 đến ngày 13/9, toàn thành phố ghi nhận 227 ca mắc sốt xuất huyết, 52 ca mắc tay chân miệng, 1 ca sởi, 3 ca mắc ho gà, 1 ca liên cầu lợn. Đối với bệnh sốt xuất huyết, toàn thành phố tăng 37 trường hợp, bệnh nhân phân bố tại 27 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Thạch Thất, Thanh Oai, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Phúc Thọ.

Giám sát xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ- Ảnh 2.

Nhân viên y tế rắc vôi bột xử lý môi trường sau ngập lụt tại phường Chương Dương. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

               Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân gồm: Tân Hội, Đồng Tháp, Phương Đình thuộc huyện Đan Phượng; Dương Nội, Hà Đông; Hữu Bằng, Thạch Thất; Đông La, Hoài Đức; Phụng Thượng, Phúc Thọ.

               Chín ổ dịch sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần qua tại Ba Đình, Đan Phượng, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Oai, Thạch Thất, giảm 1 ổ dịch so với tuần trước. CDC Hà Nội nhận định, dịch sốt xuất huyết hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của dịch hằng năm (tháng 9 đến tháng 11), với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của muỗi truyền bệnh. Đồng thời, kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

               CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực ca bệnh, ổ dịch. Giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết tại Thường Tín, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh khu vực ngập lụt do mưa lũ tại Chương Mỹ, Thạch Thất, Đông Anh, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai.

Theo suckhoedoisong.vn

 

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế (PHEIC) đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ, trước diễn biến của dịch bệnh này và nguy cơ lây lan sang các quốc gia khác.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị tăng cường công tác phòng chống dịch, chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập. Kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong.

Cụ thể đối với UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đề nghị tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, hướng dẫn giám sát, phòng bệnh, chẩn đoán...

dau mua khi

Đồng thời tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu; giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đặc biệt lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng chống, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo kịp thời trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ qua hệ thống giám sát bệnh tật. Kịp thời phát hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ mới, bất thường.

Đối với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur, bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế yêu cầu phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có). Chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó rà soát, sẵn sàng các thiết bị, sinh phẩm, kỹ thuật xét nghiệm phục vụ chẩn đoán, điều trị. Tiếp tục tổ chức tập huấn, hỗ trợ địa phương về giám sát, xử lý ổ dịch, điều trị các trường hợp mắc bệnh; hỗ trợ công tác lấy mẫu, kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận hơn 100 trường hợp mắc đậu mùa khỉ, chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%), nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm tỷ lệ cao nhất.

Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm phát ban có thể kéo dài 2-4 tuần, sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết. Phát ban trông giống như mụn nước hoặc vết loét và có thể xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, háng, bộ phận sinh dục và hoặc hậu môn.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Người dân chú ý khi phát hiện triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Theo VOV

Quảng Nam ơi! PrEP đến rồi!
Bạn có biết rằng PrEP, biện pháp điều trị trước phơi nhiễm giúp phòng ngừa HIV, đã chính thức có mặt tại Quảng Nam? Đây là cơ hội vàng cho cộng đồng chúng ta bảo vệ sức khỏe và an toàn tình dục của mình. PrEP, viết tắt của Pre-Exposure Prophylaxis, là thuốc uống hàng ngày giúp ngăn ngừa HIV lên đến 99% nếu sử dụng đúng cách.

PrEP
Hãy đến ngay phòng khám PrEP của chúng tôi để được tư vấn miễn phí và nhận thông tin chi tiết về PrEP. Đội ngũ y tế tận tâm của chúng tôi sẽ hỗ trợ bạn mọi bước từ xét nghiệm, tư vấn đến theo dõi sức khỏe trong quá trình sử dụng thuốc.
Không còn phải lo lắng về nguy cơ lây nhiễm HIV, hãy chủ động bảo vệ bản thân và người thân yêu. PrEP không chỉ dành cho người có nguy cơ cao mà dành cho tất cả mọi người mong muốn một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.
Hãy chia sẻ thông tin này đến bạn bè, người thân và cùng nhau xây dựng một cộng đồng Quảng Nam khỏe mạnh, an toàn hơn.
Quảng Nam ơi, hãy nắm bắt cơ hội này và đừng để HIV làm giảm đi niềm vui cuộc sống!
---------------------------------------------------
Để biết thêm chi tiết và nhận sự hỗ trợ xin liên hệ: Hot line: 02353506152

#PrEP #QuangNam #PhongNguaHIV #SucKhoeCongDong #TuVanPrEP #BaoVeBanThan

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tại tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) vừa ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu và trường hợp mắc bệnh tại tỉnh Bắc Giang (huyện Hiệp Hòa) có tiếp xúc gần với trường hợp tử vong này.

Tình hiểu về Bệnh hầu

       Bác sĩ CKI Huỳnh Công Quang – Phó Giám đốc CDC Quảng Nam cho biết  Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

        Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có sốt nhẹ, có hạch góc họng, đặc biệt nuốt đau nuốt vướng. Khi khám họng lúc đầu thấy giả mạc màu trắng sau chuyển màu ngà, khi bóc tách niêm mạc này chảy máu. Giả mạc có thể ở hầu họng, thanh quản, ở da, niêm mạc, mắt. Sự nguy hiểm của bạch hầu chính là do ngoại độc tố, có thể gây viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh bạch hầu thật sự nguy hiểm nhưng là 1 trong 10 bệnh đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi, nên biện pháp phòng chống bạch hầu tốt nhất là chủ động tiêm vaccin để phòng bệnh. Vì vậy, bà con nên đưa trẻ tiêm theo lịch sau:

Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi

Mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng

Mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng

Mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.

Đặc biệt ở 1 số tỉnh trong đó có Quảng Nam, triển khai tiêm Td khi trẻ 7 tuổi, vào lớp 2

Ngoài tiêm phòng đặc hiệu, chúng ta nên:

       - Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch.   

       - Không khạc nhổ bừa bãi

       - Nơi ở thông thoáng, sạch sẽ

       - Khi phát hiện sốt ho, nuốt khó nên đưa đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bach Hau

Tăng cường phòng chống bệnh

Với trường hợp tử vong và mắc bệnh bạch hầu vừa ghi nhận tại Nghệ An và Bắc Giang, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Ngành Y tế của 2 tỉnh này chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện một số nội dung nhằm chủ động tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng.

Cụ thể, tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.

Bên cạnh đó, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống, để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.

Tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.

Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch...

Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh./.

Khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe