Trong bối cảnh đang lưu hành các chủng virus cúm mùa cũng như virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, các trường hợp đồng nhiễm cả hai loại virus này là hoàn toàn có thể...
TS Vũ Ngọc Long – Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng đây không phải là sự bất thường vì hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

TS Long thông tin thêm, kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9). Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.
BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cho hay, hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền.

Các bác sĩ cho hay thông thường trẻ bị cúm A thường diễn biến nhẹ, phục hồi sau 5-7 ngày, tuy nhiên vối trẻ dưới 5 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hoá, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., cúm A có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như: suy hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, viêm cơ tim, viêm thanh khí phế quản, nhiễm khuẩn thứ phát và làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh nhi mắc bệnh nền, gia tăng nguy cơ tử vong.

Cũng theo các chuyên gia hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc người đã mắc COVID-19, sau đó khi mắc cúm A sẽ gây ra triệu chứng nặng hơn; tuy nhiên nếu cùng thời điểm mắc cả hai bệnh là COVID-19 và cúm A thì sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.

cum a2

Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang lưu hành các chủng virus cúm mùa cũng như virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 nên các trường hợp đồng nhiễm cả hai loại virus này là hoàn toàn có thể. Trên thực tế tại một số bệnh viện đã ghi nhận ca mắc đồng nhiễm cả cúm A và COVID-19. Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 66 tuổi vào nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho, sau 3 ngày bệnh không đỡ đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả mắc cả cúm A và COVID-19. Do có bệnh nền tiểu đường nên bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác được kiểm soát tốt. Một số bệnh như sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng có số mắc tăng tại một số địa phương. Cụ thể, trong năm ngoái, cả nước ghi nhận gần 100.000 ca mắc và 20 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy, từ đầu dịch đến nay cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu ca mắc, hơn 43.000 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, tình hình COVID-19 vẫn đang được kiểm soát. Số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.

Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19, giai đoạn 2023-2025, trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống.

Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có COVID-19, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:

- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;

- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.


TT-GDSK
Theo Báo suckhoedoisong.vn

 Cúm A (còn được gọi là cúm mùa, do virus cúm gây ra) là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm bởi các biến chứng của chúng.
Trên thế giới hiện nay, cúm A (còn được gọi là cúm mùa, do virus cúm gây ra) vẫn là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng bởi các biến chứng của chúng.

Diễn biến của bệnh cúm A
Mới đây, Bộ Y tế đã lưu ý người dân về dịch cúm gia cầm và bệnh hô hấp gia tăng ở một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia… Trong đó đáng chú ý Trung Quốc và Campuchia là hai nước có cùng biên giới với nước ta. Đặc biệt ở Campuchia đã có 3 trường hợp tử vong. Hiện tại thời tiết ở nước ta đang trong giai đoạn vào mùa Đông Xuân, chuyển mùa thay đổi thất thường. Đây chính là nguyên nhân xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, điển hình là cúm.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ghi nhận bệnh nhân mắc cúm A tăng cao tại Hà Nội. Cụ thể trong 2 tuần gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến khám, được xét nghiệm và chẩn đoán mắc bệnh cúm A. Đây là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

cum A m
Cúm A là gì?
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh Cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến thuốc điều trị. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện vì nhiễm virus này do cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu có sức đề kháng kém.

Đường lây truyền của virus cúm A từ người bệnh sang người lành rất đơn giản. Virus cúm A lan truyền chủ yếu từ người này sang người bởi các hạt bụi, các giọt nước bọt nhỏ li ti dính virus của người bệnh thông qua việc ho hoặc hắt hơi hoặc đôi khi người bệnh có thể bị nhiễm bệnh do chạm vào một bề mặt cứng như nắm đấm cửa, tay vịn cầu thang… có virus cúm sau đó chạm lại vào miệng hoặc mũi của họ.

Bệnh cúm A có thể lây truyền từ một ngày trước khi phát triển các triệu chứng đến 7 ngày sau khi bị bệnh. Trẻ em, người cao tuổi sức đề kháng kém có khả năng lây nhiễm trong thời gian dài hơn.

Triệu chứng khi mắc cúm A
Triệu chứng ban đầu của bệnh nhân nhiễm cúm A tương tự như những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các tác nhân khác, đó là sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, chảy nước mũi), đau họng và sốt. Đặc biệt bệnh nhân mắc cúm A thường sốt cao 39-40°C, da sung huyết, họng đỏ sung huyết toàn bộ.

Đối với trẻ em còn có mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, các trường hợp nặng có thể có khó thở và kèm theo các biến chứng khác. Đại đa số bệnh nhân sẽ được khám bệnh, kê đơn thuốc cho về điều trị ngoại trú, tuy nhiên những trường hợp có biểu hiện biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản… sẽ có chỉ định nhập viện để điều trị.

Biến chứng của bệnh cúm A
Cúm A có thể gây biến chứng, thậm chí biến chứng nguy hiểm, trong có một số trường hợp dễ gặp phải biến chứng cúm A như trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi, nhất là người có sức đề kháng kém. Do đó, trẻ em và người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc phải nhiều biến chứng khi mắc bệnh.

Một đối tượng khác nếu mắc cúm A cũng có thể gặp nguy hiểm, đó là phụ nữ mang thai. Khi mang thai, cơ thể bà bầu cũng bị suy giảm hệ miễn dịch nên rất dễ bị các loại virus, vi khuẩn tấn công, gây bệnh, trong đó bao gồm virus cúm A.

Bệnh cúm A có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan. Cần lưu ý ở một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể tiến triển nặng biểu hiện như sốt cao, khó thở, tím tái do suy đa tạng và có nguy cơ tử vong cao. Đặc biệt đối với phụ nữ đang mang thai có thể gây ra biến chứng viêm phổi và những dị tật thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch hay bệnh lý van tim, sẩy thai...

Ngoài ra, bệnh cúm A còn có thể gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu và một số triệu chứng như sốt cao, khó thở, phủ phổi, tím tái. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng có tỷ lệ tử vong cao.

Nguyên tắc chẩn đoán bệnh cúm A
Khi thấy sốt, đau họng, chảy mũi nước, nhất là đang ở trong vùng có dịch cúm hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán kịp thời. Theo thường quy khi nghi bị cúm A, tại phòng khám bệnh viện người bệnh sẽ được lấy bệnh phẩm là chất ngoáy họng, nếu có điều kiện sẽ nuôi cấy xác định virus cúm, song song sẽ lấy máu người bệnh để xét nghiệm huyết thanh nhanh nhằm phát hiện kháng nguyên của virus cúm, đặc biệt là tiến hành thực hiện phản ứng sinh học phân tử như PCR hoặc RT-PCR hoặc miễn dịch huỳnh quang. Đây là những phương pháp khá chuẩn xác để xác định và phân loại virus cúm.
Nguyên tắc điều trị cúm A
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh cúm A. Tuy vậy, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc hạ sốt, vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng. Lưu ý những loại thuốc, vitamin này cần được kê đơn từ bác sĩ khám bệnh cho người bệnh, tránh trường hợp tự ý mua thuốc để tự điều trị.

Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp tại nhà nhằm phục hồi sức khỏe nhanh hơn như nghỉ ngơi, thư giãn trong môi trường sạch sẽ, an toàn. Cần được bổ sung nhiều nước, uống thêm các nước hoa quả như canh, cam, dưa hấu...

Một số biện pháp phòng tránh biến chứng của cúm A
Để phòng tránh nguy cơ xảy ra biến chứng cúm A, sau khi đã được chẩn đoán bệnh, bệnh nhân và người nhà người bệnh nên tuân thủ theo những chỉ định, tư vấn của bác sĩ khám bệnh, đồng thời tiến hành cách ly để tránh lây nhiễm bệnh cho những người xung quanh.

Những trường hợp bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được xử trí kịp thời, hạn chế biến chứng, đặc biệt là biến chứng nặng.


TT-GDSK
Theo báo suckhoedoisong.vn

Lần đầu tiên tại Việt Nam, trẻ đến độ tuổi đi học sẽ được rà soát tiền sử tiêm chủng, nếu chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi sẽ được tiêm bù liều, giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh. Năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện kế hoạch này.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một điểm mới trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng là triển khai rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ em nhập học mầm non, tiểu học.

Trong năm 2023, hoạt động này được triển khai trên quy mô nhỏ tại 12 tỉnh, thành của 4 khu vực gồm Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Cần Thơ, Kiên Giang, Lâm Đồng.

Đây là hoạt động trong Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học do liên bộ Y tế cùng Giáo dục và Đạo tạo ban hành. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam rà soát tiêm chủng, tiêm bù liều cho nhóm trẻ này trên toàn quốc.

s1

Năm 2024, mở rộng rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi vaccine cho trẻ mầm non, tiểu học.

Dự kiến đến năm 2024, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ mở rộng phạm vi triển khai thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng, tiêm bù mũi cho trẻ nhập học mầm non, tiểu học tại trường học sang 30% số tỉnh thành, từ năm 2025 sẽ triển khai trên toàn quốc.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết việc triển khai tiêm tại trường học nhằm tiêm vét, bù mũi cho các cháu bị hoãn hoặc bỏ lỡ các mũi tiêm chủng đầu đời. Điều này giúp thu hẹp khoảng trống miễn dịch, chủ động phòng dịch, tiết kiệm nguồn nhân lực so với triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt.

Theo các chuyên gia dịch tễ, cơ sở giáo dục là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau, nguy cơ lây truyền dịch bệnh là không nhỏ. Vì vậy mục tiêu của Kế hoạch kiểm tra tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học đề ra có ít nhất 90% trẻ được xác định chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi vaccine sởi, sởi-rubella, vaccine bại liệt và viêm não Nhật Bản được tiêm chủng bù liều để phòng bệnh.

Các bệnh được chú trọng tiêm bù vaccine gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm não Nhật Bản B, sởi-rubella, bại liệt.

Theo thống kê của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, ước tính với từng loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia trung bình hàng năm có 100.000-200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vaccine.

Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến tỷ lệ tiêm chủng nhiều vaccine mức thấp trong vòng hơn 30 năm qua. Việc tích luỹ gia tăng số trẻ không có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi qua các năm là yếu tố quan trọng gây dịch nếu có sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh.

Dịch sởi trên toàn quốc vẫn diễn ra theo chu kỳ 3-4 năm với hàng chục ngàn ca mắc. Đối với bệnh bại liệt, nguy cơ virus hoang dại xâm nhập vào Việt Nam trong bối cảnh căn bệnh này chưa được thanh toán trên toàn cầu đồng thời với nguy cơ virus vaccine biến đổi di truyền quay trở lại độc tố là hiện hữu trong khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine bại liệt trong cộng đồng bị giảm xuống. Dịch các bệnh bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản B… có nguy cơ tái diễn, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em còn ở mức cao.

Vì vậy, cần có các biện pháp can thiệp nhằm làm giảm số trẻ cảm nhiễm trước khi dịch bùng phát để chủ động phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe trẻ em, duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, viêm gan B.

Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung vaccine tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ nhỏ.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia triển khai kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ bước vào độ tuổi đi học trong chiến lược tiêm chủng trọn đời, để đạt các mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella, viêm gan B và nhiều bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng.

Đến nay, việc kiểm tra tiền sử và tiêm chủng cho trẻ khi nhập học đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...

Với cách tiếp cận này nhiều quốc gia đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi, rubella và ghi nhận những hiệu quả tích cực trong phòng ngừa dịch bệnh cũng như tiết kiệm nguồn lực so với việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung đồng loạt cho tất cả trẻ em trong cộng đồng.

 

TT-GDSK

Theo suckhoedoisong.vn

Cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp đang tăng số ca mắc, nhiều địa phương bùng phát dịch cúm trong trường học, tỷ lệ trẻ em, người già, người có bệnh nền nhập viện điều trị biến chứng do bệnh hô hấp cũng tăng báo động.
Những ngày qua, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Tại Mỹ, ba dịch bệnh cùng lúc gia tăng gồm Covid-19, cúm và bệnh do virus hợp bào hô hấp RSV. Chỉ tính riêng Covid, tuần qua nước này ghi nhận hơn 20.000 ca nhập viện. Tình hình cũng tương tự tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Campuchia.

Tại Việt Nam, thống kê 10 tháng đầu năm 2023 từ 4 bệnh viện (BV) ở TP HCM gồm BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành Phố cho thấy có 223 ca đã tử vong do bệnh lý hô hấp. Các BV, trường học đang ghi nhận nhiều trẻ em nghỉ học, ca bệnh nhập viện điều trị do bệnh viêm đường hô hấp do cúm, adeno virus, RSV…

Nửa tháng trở lại đây, nhiều học sinh ở Hà Nội phải nghỉ học vì sốt, ho do mắc cúm A và B. Ở quận Tây Hồ, giáo viên chủ nhiệm một vài lớp cho biết học sinh nghỉ học quá nửa vì cúm.

Tại BVĐK Tâm Anh TP HCM, BS.CKII Nguyễn Thị Hạnh Lê, Phó khoa Nhi thông tin gần đây số ca mắc viêm phổi, viêm phế quản do các loại vi khuẩn, virus như cúm nhập viện tăng cao. Nhiều bệnh nhi có diễn tiến ban đầu là nhiễm siêu vi, cảm, sốt thông thường nhưng bội nhiễm thêm các loại virus, vi khuẩn khác gây nhiễm trùng, viêm phổi, phải nhập viện, thậm chí thở oxy.
Tương tự, các bệnh viện ở khu vực phía Bắc cũng ghi nhận tăng cao số người già, người có bệnh lý nền nhập viện vì viêm đường hô hấp cấp tính, viêm phổi. Nhiều trường hợp trở nặng do tự điều trị tại nhà.

thumb benh nhi den tham kham tai bvdk tam anh tphcm 1702092385718587326293

Các chuyên gia cảnh báo có nhiều nguyên nhân "cộng hưởng" khiến tình hình dịch bệnh hô hấp diễn biến phức tạp như thời tiết lạnh và giao thương, du lịch cuối năm tăng cao là điều kiện thuận lợi lây lan mầm bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bị gián đoạn, nhiều trẻ em chưa tiêm đầy đủ các loại vaccine quan trọng nên rất dễ mắc bệnh khi tiếp xúc mầm bệnh. Sởi, bạch hầu, ho gà là 3 bệnh có nguy cơ bùng phát lại nếu tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm. Thống kê từ hệ thống giám sát dịch bệnh cho thấy số ca mắc bạch hầu, ho gà, sởi đang gia tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 với 48 ca mắc và 3 ca tử vong do bạch hầu, 31 ca mắc ho gà và 350 ca sốt phát ban nghi sởi.

Do đó, người dân không nên lơ là. Phòng các bệnh đã có vaccine là biện pháp hiệu quả, tiết kiệm, tạo miễn dịch chéo, tránh dịch chồng dịch.

Đến tiêm vaccine cúm lần 4 tại VNVC Hoàng Văn Thụ (TPHCM), ông Bùi Văn Thanh (67 tuổi) cho biết từ khi tiêm vaccine sức khoẻ ông tốt lên hẳn, giảm các triệu chứng thường gặp mùa lạnh như mệt mỏi, khò khè, ho về đêm.

"Tôi bắt đầu tiêm vaccine cúm khi dịch Covid-19 bùng phát và thấy đỡ bệnh vặt hẳn. Trước đó bị cảm sốt, tôi phải mất 2 tuần mới hết nay chỉ 1-2 ngày là khỏi", ông Thanh kể.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết nhiều người vẫn còn quan niệm tiêm chủng chỉ dành cho trẻ em mà bỏ qua cơ hội phòng bệnh cho thanh thiếu niên, người lớn, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền tim mạch, thận, phổi… Các loại vaccine hô hấp đã có vaccine cần tiêm là cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, sởi, rubella…

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tiêm vaccine phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng bệnh đơn giản và tiết kiệm. Vaccine giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh, giảm 60% biến chứng và giảm 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm.

Phế cầu là tác nhân hàng đầu gây viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm tai giữa ở cả trẻ em và người lớn. Các nghiên cứu chỉ ra vaccine phế cầu không chỉ giúp phòng bệnh, biến chứng mà còn giảm viêm phổi do nhiễm các virus khác.

Ho gà thường gây bệnh nặng, biến chứng tổn thương não và tử vong cao cho trẻ dưới 1 tuổi. 80% người tiếp xúc cùng hộ gia đình với người bệnh có thể bị lây.

Sởi có thể gây biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm não sau sởi. Thai phụ mắc sởi tăng nguy cơ tử vong, thai chết lưu, đẻ non.

Thai phụ mắc rubella khiến bé sinh ra nguy cơ cao mắc rubella bẩm sinh làm chậm phát triển trí tuệ, dị tật bẩm sinh.

Theo bác sĩ Chính vaccine phế cầu và cúm tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi và 6 tháng tuổi. Vaccine có thành phần bạch hầu - ho gà tiêm cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vaccine sởi đơn hoặc sởi - quai bị - rubella tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi.

Phụ nữ mang thai cần tiêm sởi - quai bị - rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng; vaccine phế cầu tiêm trước khi mang thai, không cần ngừa thai sau tiêm; vaccine cúm, bạch hầu - ho gà - uốn ván tiêm vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ.

Sau lịch tiêm cơ bản, người dân cần chú ý tiêm nhắc nhằm tăng cường kháng thể. Vaccine phế cầu, người từ 2 tuổi trở lên chỉ cần tiêm một mũi. Vaccine bạch hầu - ho gà - uốn ván cần tiêm nhắc mỗi 10 năm. Người chưa rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm 2 mũi vaccine sởi - quai bị - rubella.

Hiện, gần 150 trung tâm tiêm chủng VNVC đã có mặt trên cả nước, sẵn sàng các vaccine chất lượng, trong đó có các vaccine phòng bệnh hô hấp kể trên. Tất cả vaccine đều được bảo quản trong hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn quốc tế đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người tiêm.

VNVC đang miễn phí vaccine lao cho trẻ sơ sinh, áp dụng chương trình "tiêm ngừa trước, trả tiền sau" không lãi suất cho các gói vaccine.

TT-GDSK
Theo suckhoedoisong.vn

Hôm nay 14/11 - Ngày thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường. Việt Nam đang có khoảng 7 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Nhiều bằng chứng từ các nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng.
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại Việt Nam, tỉ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Bệnh gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi người bệnh thường được chẩn đoán, điều trị muộn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, kết quả điều tra cho thấy hiện nay Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng với 34% là biến chứng tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Cũng liên quan đến bệnh đái tháo đường, các chuyên gia cho hay theo điều tra năm 2012 của Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới đưa ra con số có khoảng hơn 4% dân số Việt Nam mắc đái tháo đường, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã lên đến gần 7,3%. Như vậy gần 10 năm, tỷ lệ dân số mắc đái tháo đường ở nước ta tăng gần gấp đôi.

tac hai cua do uong co duong 167984758590785013667

Tac hại của đồ uống có đường với sức khoẻ

Không chỉ người trưởng thành mắc đái tháo đường ngày càng gia tăng, số trẻ mắc đái tháo đường ở nước ta cũng tăng. Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, chục năm trước chỉ tiếp nhận khoảng 10 ca mỗi năm nhưng những năm gần đây có hàng trăm ca mỗi năm. Trong 1.000 ca bệnh viện đang theo dõi, điều trị, chỉ có khoảng 30% ở Hà Nội, đi lại dễ dàng, còn lại 70% ở các tỉnh lân cận.

Tại Bệnh viện Nội tiết TW, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường tuýp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến lối sống: chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực.

Mối liên hệ giữa sử dụng đồ uống có đường và nguy cơ bị thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2
Bằng chứng từ các nghiên cứu đã cho thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng đồ uống có đường và các vấn đề sức khỏe như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, bệnh răng miệng và một số loại ung thư.

Đồ uống có đường làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Những người tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên (1 lon/ngày) có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với những người hiếm khi sử dụng.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng tiêu thụ khoảng 1 lon nước ngọt/ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 lên 22% so với những người uống ít hơn 1 lon/tháng.

TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào thực phẩm, đồ uống trong quá trình chế biến, sản xuất). Đường tự nhiên (đường có sẵn trong các loại trái cây, rau củ, …) không tính là đường gây hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ. Giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g tương đương với 5 thìa cà phê đường) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua. Trung bình mỗi người Việt uống hơn 50 lít đồ uống có đường mỗi năm.

Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế đưa ra cảnh báo sử dụng nhiều đồ uống có đường còn có thể gây hại lâu dài, đặc biệt là ở trẻ em.

"Ở Việt Nam, vấn đề sử dụng đồ uống có đường trong nhóm thiếu niên, nhóm vị thành niên, gia tăng, thiếu kiểm soát như hiện nay thì có thể tiên lượng là khoảng 5, 10 hoặc15 năm nữa chúng ta sẽ có một thế hệ thanh niên trong tình trạng thừa, cân béo phì với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, tiểu đường… điều này sẽ dẫn đến gánh nặng bệnh tật và kèm theo đó là hệ thống y tế sẽ phải gánh chịu chi phí rất nặng nề" - bà Hạnh nói.

Các chuyên gia đưa ra thông tin: Thay thế khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng nước, cà phê hoặc trà không đường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường từ 2–10%.

Chuyên gia khuyến nghị gì để giảm tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam?
Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là các biện pháp: Ghi nhãn dinh dưỡng, cấm quảng cáo, giảm tính sẵn có, tăng cường truyền thông, áp dụng chính sách thuế và giá.

Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.

Ông Mark Goodchild, chuyên gia kinh tế WHO tại Việt Nam khuyến nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. Tương tự như thuốc lá, rượu bia, việc tăng thuế đối với các sản phẩm không lành mạnh này là biện pháp giảm tiêu dùng hiệu quả nhất.

Theo ông, với việc đánh thuế đối với đồ uống có đường, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi. Người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm lành mạnh hơn. Điều này có thể kích thích ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, tạo thêm việc làm và tăng trưởng tương tự như các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Chuyên gia của WHO cũng cho rằng đây thực sự là thời điểm tốt nhất để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường ở Việt Nam. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang gánh chịu gánh nặng ngày càng gia tăng do các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống.

Theo các chuyên gia kinh tế việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường là việc cấp bách cần triển khai.

Với mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh như hiện nay, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này nhằm điều chỉnh thói quen tiêu thụ, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường; giảm thiểu tổn thất kinh tế do thừa cân và béo phì và mắc các bệnh không lây nhiễm có liên quan. Qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước.

Việc cần thiết bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp với Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, khuyến nghị của WHO và xu thế phát triển của thế giới.

Hiện 121 quốc gia/ vùng lãnh thổ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường và việc này đã mang lại hiệu quả. Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

TT-GDSK

Theo suckhoedoisong.vn

Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ, khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV. Bộ Y tế đề nghị tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, nguồn lây.

Theo Bộ Y tế, tính đến 31/10, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022.

Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố, trong đó 01 trường hợp tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. Tuổi trung bình là 32 (18-49), hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%); khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP. Hồ Chí Minh.

benh dau mua khi 16983282516411831880228

Tiếp tục thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai các nội dung, cụ thể:

Đẩy mạnh giám sát chủ động tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị;

Quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh Đậu mùa khỉ.
Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.

Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Đồng thời, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

3. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.

4. Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

5. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

6. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe

TT-GDSK

Theo suckhoedoisong.vn

Chỉ sốt 2 ngày nhưng ngay lúc vào viện, bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận. Đồng thời, bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiếp tục tiến triển toàn thân.
Mới đây, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân nam, 38 tuổi là thầy giáo ở trường tiểu học vùng cao tại Sơn La, vào viện vì lý do sốt ngày thứ hai kèm theo đau khớp hai bên, mệt mỏi nhiều.

Bệnh tiến triển rất nhanh, chỉ sốt 2 ngày nhưng ngay lúc vào viện, bệnh nhân đã đi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy tim, suy thận. Bệnh nhân đã được nhanh chóng hồi sức tích cực bằng nhiều biện pháp tối ưu bao gồm truyền dịch, kháng sinh mạnh, thở máy, lọc máu liên tục.
Các bác sĩ tích cực điều trị bệnh nhân vi khuẩn ăn thịt người bị sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.

Mặc dù vậy, bệnh nhân đáp ứng rất kém với các biện pháp điều trị tích cực ban đầu, tình trạng nhiễm trùng tiếp tiến triển toàn thân. Tin xấu hơn đến với các bác sĩ điều trị đó là kết quả cấy máu của bệnh nhân ra vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore.

 Theo y văn, những trường hợp nhiễm Burkholderia pseudomallei có sốc nhiễm khuẩn thì tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, vi khuẩn sẽ lan tràn khắp cơ thể tạo thành nhiều ổ áp xe toàn thân mà đáp ứng rất kém với kháng sinh.

Bệnh nhân tiếp tục sốc nặng hơn, suy hô hấp không đáp ứng với thở máy, bên cạnh những ổ áp xe toàn thân thì huyết khối bắt đầu hình thành ở chi dưới và động mạch phổi kèm theo bệnh nhân bị sốc mất máu do chảy máu từ dạ dày.

Các chỉ số lâm sàng và các thang điểm tiên lượng trong y văn đều cho thấy tỷ lệ tử vong gần như là 100%. Tình thế lại càng khó khăn khi bệnh nhân là thầy giáo nghèo ở vùng cao, bố bệnh nhân vừa mất do ung thư, mà chi phí hồi sức hàng ngày có thể lên tới hàng chục triệu đồng.

Trong tình cảnh hy vọng sống của bệnh nhân rất mong manh, một cuộc hội chẩn toàn viện được tổ chức dưới sự chủ trì của PGS Đào Xuân Thành – Phó Giám đốc bệnh viện, cùng PGS Hoàng Bùi Hải - Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, và các thầy thuốc nhiều chuyên khoa của bệnh viện.

Dưới sự chỉ đạo chuyên môn của lãnh đạo bệnh viện và lãnh đạo khoa, cùng sự góp sức kêu gọi hỗ trợ kinh phí (hơn 100 triệu đồng) của phòng Công tác xã hội tới các nhà hảo tâm, các bác sĩ đã vững tin hơn, quyết tâm hơn điều trị cho bệnh nhân.

Phác đồ kháng sinh được điều chỉnh, kỹ thuật tim phổi nhân tạo VV-ECMO được triển khai, khi đang chạy ECMO, điều trị huyết khối bằng chống đông, bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng, sốc mất máu do chảy máu dạ dày nhiều lần. Có những tua trực phải tiến hành nội soi cầm máu lúc nửa đêm, truyền nhiều lít chế phẩm máu, tưởng như bệnh nhân không thể vượt qua được.

Tuy nhiên tất cả mọi người đều không bỏ cuộc, cùng với kinh nghiệm đã hồi sức thành công rất nhiều bệnh nhân nặng trong hàng tháng trời, các bác sĩ vẫn hy vọng rằng cơ hội sẽ đến với thầy giáo nghèo để tiếp tục mang cái chữ đến cho các em thơ ở vùng cao.

222 16981169596552057414939

 

Cuối cùng, sau hơn 20 ngày chạy VV-ECMO, 5 lần soi dạ dày cấp cứu, thì bệnh nhân bắt đầu được kết ECMO và cai dần thở máy.
Sau 1,5 tháng điều trị, bệnh nhân đã bỏ được máy thở, thở khí phòng. Sau đó, các bác sĩ BVĐK tỉnh Sơn La đã tiếp nhận bệnh nhân về bệnh viện điều trị thuốc kháng sinh uống và chăm sóc trong giai đoạn phục hồi tiếp theo. Ngày bệnh nhân được chuyển về tuyến dưới, lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp xuống thăm và đã chỉ đạo hỗ trợ dùng xe cứu thương vận chuyển miễn phí bệnh nhân về cơ sở.

Cùng với trường hợp lâm sàng kể trên thì trong tháng vừa qua, khoa Cấp cứu & Hồi sức tich cực đã có 3 bệnh nhân nặng được triển khai ECMO thành công. Trong đó có những bệnh nhân được tiếp nhận thông qua hỗ trợ chuyên môn Tele ICU với bệnh viện tuyến dưới. Sau 10 năm thành lập, những ca lâm sàng trên là minh chứng cho sự trưởng thành của khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực. Với lòng quyết tâm cứu sống người bệnh đến cùng, các bác sĩ và điều dưỡng trong khoa vẫn tiếp tục viết tiếp những câu chuyện đầy tình người phía sau tấm áo blouse trắng.

TT-GDSK

Theo suckhoedoisong.vn

 Từ 20/10/2023, bệnh COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 và chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch COVID-19.

Theo đó, trong văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Y tế cho biết ngày 19/10/2023, Bộ Y tế đã có Quyết định số 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

anh chup man hinh 2022 02 17 luc 145056 1645084275406889615709

Quyết định nêu rõ, từ 20/10/2023, bệnh COVID-19 không còn là bệnh truyền nhiễm nhóm A mà chuyển sang nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 thực hiện chia theo mốc thời gian trước ngày 20/10/2023 và vào viện đến ngày 20/10/2023, ra viện sau ngày 20/10/2023.

Để đảm bảo sự đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành, cơ sở y tế thực hiện một số nội dung, cụ thể:

Theo đó, đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023:

Đối với người có thẻ BHYT thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; người không có thẻ bảo hiểm y tế tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định;
Đối với chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Về những trường hợp người bệnh vào viện trước ngày 20/10/2023 và ra viện sau ngày 20/10/2023:

Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 trước ngày 20/10/2023 thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023 thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tại văn bản này, Bộ Y tế nêu rõ: Các chế độ chính sách cho người tham gia phòng, chống dịch COVID- 19 thuộc nhóm B được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch kể từ ngày 20/10/2023.

Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp rà soát các nguồn lực đã được mua sắm, đầu tư và căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn y tế để xây dựng nhu cầu và bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dịch bệnh khi dịch COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, sau đó nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Sau hơn 03 năm xảy ra đại dịch, ngày 05/5/2023, WHO xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trên 6,9 triệu trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, từ khi ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên (23/01/2020), đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, 43.206 trường hợp tử vong. Theo quyết định của Bộ Y tế, từ ngày 20/10, COVID-19 chuyển thành bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Ngày 29/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định bãi bỏ Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19.

 

TT-GDSK

Theo suckhoedoisong.vn

SKĐS - Whitmore là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas Pseudomallei) đã bị lãng quên, nhưng mới đây đã có trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
1. Bệnh Whitmore là gì?
Bệnh Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.

Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu…
. Nguyên nhân gây bệnh Whitmore
Hầu hết các ca nhiễm vi khuẩn Whitmore xuất phát từ các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Người bệnh từng hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn Whitmore.

- Vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất là ở vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng...

- Đường xâm nhập vào cơ thể người của vi khuẩn thường gặp nhất là qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn chưa được xử lý đúng cách.

- Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, bệnh thường không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

813vi khuan whitmore 159858194 3366 7922 1695100002
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh Whitmore
Người mắc bệnh Whitmore thường có dấu hiệu sốt cao, đau dạ dày, đau ngực, viêm mang tai (rất giống với quai bị), đau cơ khớp, đau đầu và co giật.

Bệnh Whitmore biểu hiện ở các vị trí khác nhau nên dấu hiệu và triệu chứng cũng khác nhau:

- Nhiễm trùng phổi: Tác động của nhiễm trùng phổi có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi nặng, với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó thở, đau ngực và đau nhức cơ.

- Nhiễm trùng cục bộ: Đau hoặc sưng ở một vùng nhất định (khu trú), chẳng hạn như tuyến mang tai, nơi thường liên quan nhất với quai bị, nằm bên dưới và phía trước tai.

- Nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) với các dấu hiệu đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.

- Nhiễm trùng máu: Nếu vi khuẩn Whitmore xâm nhập vào máu sẽ gây nên tình trạng nhiễm trùng máu với các triệu chứng gồm: Sốt cao rét run, đau đầu, đau họng, khó thở, đau vùng bụng trên, tiêu chảy, đau khớp và đau cơ, vết loét có mủ trên da…

- Nhiễm trùng lan tỏa: Vết loét hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau rải rác trên cơ thể, sụt cân, đau đầu, co giật, đau ở các bộ phận khác nhau (ngực, dạ dày, cơ, khớp).

4. Chẩn đoán bệnh Whitmore
Việc chẩn đoán Whitmore được thực hiện dựa trên các xét nghiệm vi sinh học trong máu, nước tiểu, đờm, hoặc tại phần da bị tổn thương. Xét nghiệm máu rất hữu ích để phát hiện sớm các trường hợp cấp tính của Whitmore, nhưng khi kết quả âm tính thì vẫn chưa thể hoàn toàn loại trừ.

5. Điều trị bệnh Whitmore
Mặc dù bệnh diễn tiến phức tạp, nhưng may mắn là bệnh có thể điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu. Việc điều trị bao gồm việc dùng thuốc kháng sinh, tùy thuộc vào vị trí và mức độ của bệnh.

‎‎- Đối với các thể bệnh nhẹ, khuyến cáo dùng các kháng sinh như imipenem, penicillin, doxycycline, amoxicillin-clavulanic acid, ceftazidime, ticarcillin-clavulanic acid, ceftriaxone, và aztreonam./p>

- Đối với những bệnh nhân nặng hơn, cần điều trị kết hợp hai trong số các loại kháng sinh kể trên, trong thời gian kéo dài đến 12 tháng.

- Nếu có biểu hiện của Whitmore phổi, cấy vi khuẩn vẫn còn dương tính sau 6 tháng, cần xem xét đến việc phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi để loại bỏ các áp-xe phổi.

- Nếu không điều trị bệnh Whitmore sẽ dẫn đến tử vong. Khi điều trị bằng kháng sinh, các tình trạng nghiêm trọng của bệnh có cơ hội hồi phục 50%, nhưng tỷ lệ tử vong chung vẫn còn cao, khoảng 40%.

6. Phòng bệnh Whitmore
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

- Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

- Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch… cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Báo Sức khỏe và Đời sống

SKĐS - Một bệnh nhân nữ tại Quảng Nam vừa tử vong, nguyên nhân được xác định nhiễm bệnh Whitmore.
Trưa 23/10, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Nam cho biết, vừa nhận được báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam liên quan đến ca bệnh Whitmore vừa tử vong.

Theo báo cáo, trưa 11/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.V (SN 1976, trú tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.
au khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân có mắc kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm; biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.

anh minh hoa vi khuan an thit nguoi 1698040184299206868146

Bệnh nhân được chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, X-quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đờm... Tuy nhiên do bệnh viện chưa thực hiện được cấy máu và cấy đờm nên phải gửi mẫu thực hiện tại Trường Đại học Phan Châu Trinh.

Đến 16h45 ngày 11/10/2023, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp. Bệnh nhân đã tử vong sau đó.
Đến ngày 14/10/2023, Bệnh viện Bình An Quảng Nam nhận được kết quả cấy máu và cấy đờm của bệnh nhân N.T.T.V gửi về với kết quả bệnh nhân nhiễm Burkholederia pseudomallei.

Theo đại diện Sở Y tế Quảng Nam, bệnh Whitmore (còn được gọi Melioidosis) là một bệnh lý nhiễm trùng ở người và động vật, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Đường xâm nhập vào cơ thể người của loại vi khuẩn gây bệnh Whitmore thường gặp nhất là qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh gây hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và làm suy yếu hệ miễn dịch nhanh chóng.

Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Bệnh Whitmore được Bộ Y tế đưa vào danh sách các bệnh lý nguy hiểm hàng đầu.

Báo Sức khỏe và Đời sống