Virus corona mới là virus đường hô hấp phát tán chủ yếu qua tiếp xúc với người bị nhiễm bằng các giọt dịch đường hô hấp có khi ho hoặc nhảy mũi, hoặc các giọt nước bọt và dịch tiết từ mũi. Vì vậy điều quan trọng là mọi người phải thực hiện vệ sinh thật kỹ. Ví dụ, che bằng khuỷu tay (không che bằng tay) khi nhảy mũi và ho, hoặc dùng giấy xong rồi vất ngay vào thùng rác đậy kín. Mặt khác việc rửa tay thường xuyên bằng dung dịch cồn hoặc xà phòng và nước cũng rất quan trọng.

Đến nay vẫn chưa biết được virus có thể sống sót bao lâu trên các bề mặt, mặc dù các thông tin ban đầu cho là khoảng vài giờ. Các dung dịch sát khuẩn đơn giản có thể giết chết virus và khiến nó không còn khả năng gây nhiễm bệnh.

Người bị nhiễm 2019-nCoV, người bị cúm thông thường hoặc cảm lạnh có các triệu chứng đặc hiệu như sốt, ho và chảy mũi nước. Dù các triệu chứng này giống nhau, chúng lại do các virus khác nhau gây ra. Vì sự giống nhau này, khó mà xác định bệnh nếu chỉ dựa trên triệu chứng bên ngoài. Đó là lý do vì sao xét nghiệm là cần thiết để khẳng định một người có nhiễm 2019-nCoV hay không.

WHO luôn luôn khuyến cáo người có triệu chứng ho, sốt và khó thở phải đến ngay cơ sở y tế. Người bệnh nên báo cho cơ sở y tế biết những nơi đã đến trong vòng 14 ngày trước khi có triệu chứng đó, và họ có tiếp xúc gần gũi với người đã bị bệnh đường hô hấp hay không.

Thời gian ủ bệnh là thời gian từ khi nhiễm virus đến khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng (ho, sốt, khó thở... ). Ước lượng hiện nay là khoảng 1 đến 12 ngày rưỡi, với trung vị là khoảng 5-6 ngày (tức là một nửa số người có thời gian ủ bệnh dưới 5-6 ngày, một nửa từ 5-6 ngày trở lên-ND). Dựa vào thông tin từ các bệnh do các Corona virus gây ra như MERS và SARS, thời gian ủ bệnh của 2019-nCoV có thể lên đến 14 ngày. WHO khuyến cáo cần theo dõi  14 ngày đối với người đã tiếp xúc với người bệnh đã được xác định.

Hiểu biết về thời gian mà người nhiễm bệnh có thể phát tán virus cho người khác là điểm cốt yếu để kiểm soát dịch bệnh. Các thông tin y tế chi tiết từ người nhiễm là cần thiết để xác định khoảng thời gian mà người đó bị nhiễm. Theo các báo cáo gần đây, có thể người nhiễm 2019-nCoV đã bị nhiễm trước khi xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Nhưng dựa vào dữ liệu đang có, người có triệu chứng đường hô hấp là nguồn phát tán chính.

Hiện nay, chưa có một loại thuốc nào đặc hiệu được khuyến cáo dùng để phòng và chống coronavirus chủng mới. Nhưng người nhiễm 2019-nCoV nên được áp dụng các biện pháp chăm sóc làm giảm nhẹ và điều trị triệu chứng, và những người có triệu chứng nặng cần được chăm sóc hỗ trợ tối ưu. Một số cách điều trị đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. WHO đang hỗ trợ để phối hợp nỗ lực tìm ra thuốc đặc trị để điều trị nCoV với nhiều tổ chức.

Nếu bạn muốn tự bảo vệ mình, bạn nên duy trình việc vệ sinh tay và đường hô hấp, ăn uống an toàn, tránh tiếp xúc gần, nếu có thể, với những người có triệu chứng hô hấp như ho và nhảy mũi.

Những phương tiên sau đây đặc biệt được khuyến cáo là không áp dụng vì chúng không có hiệu quả để bảo vệ và thậm chí là gây hại:

  • Dùng Vitamin C.
  • Hút thuốc
  • Uống các loại trà thảo dược
  • Đeo một lần nhiều khẩu trang để tối đa hóa việc bảo vệ
  • Tự sử dụng thuốc, ví dụ kháng sinh.