Ngày 19/2/2019, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- Phó Trưởng ban Điều trị Quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đã ký Quyết định số 468/QĐ-BYT ngày 19/2/2020 về việc ban hành Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Corona 2019 (COVID-19) trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

Xem tại đây

Trong bối cảnh COVID-19 có nhiều thay đổi, Viện Pasteur TP.HCM hôm nay (20/2) đã có buổi tập huấn với các tỉnh thành phía Nam để thống nhất cập nhật việc giám sát, phòng chống và xét nghiệm COVID-19.

Cập nhật tình hình COVID-19, ThS.BS. Lương Chấn Quang, Phó trưởng Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tại Trung Quốc COVID-19 có dấu hiệu giảm dần nhưng chưa giảm nhiều. Riêng các nước ngoài Trung Quốc, số ca mắc vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Điều đáng quan tâm, 5 nước ngoài Trung Quốc đã có 36 trường hợp lây trong cộng đồng (lây không rõ nguồn gốc) gồm Nhật, Thái Lan, Singapore, Đức, Hàn Quốc.

Tại Việt Nam có 8 ca lây qua tiếp xúc và chưa có ca mắc nào không có nguồn gốc. Tuần qua khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam số ca nghi ngờ không phát hiện thêm. Tuy nhiên Việt Nam đứng trước nguy cơ xâm nhập từ các quốc gia khác chính vì thế không nên chủ quan trong dự phòng.

Cũng theo BS. Quang, căn cứ vào kết quả điều tra từ các bệnh nhân tại Trung Quốc cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng rõ ràng, nhiều người chỉ ho hoặc mệt mỏi. 20% còn lại là những bệnh nhân nặng lớn tuổi, nhiễm trùng hô hấp cấp nặng, suy hô hấp và tử vong. Trong số những ca mắc, lượng trẻ em chỉ chiếm 2%. Tỷ lệ tử vong khoảng 2%, trong số đó người 70-80 tuổi tử vong rất cao. 

BS. Quang cũng nhắc các tỉnh thành định nghĩa về ca nghi ngờ. Đây là những ca về từ nước ngoài bao gồm người có một trong các triệu chứng hoặc ho hoặc sốt hoặc khó thở hoặc viêm phổi. Ca nghi ngờ còn phải có kèm yếu tố dịch tễ như nhập cảnh từ Trung Quốc 14 ngày; người có triệu chứng về từ nước ngoài từng tiếp xúc với ca nghi ngờ và ca xác định.

Với trong nước, ca nghi ngờ là ca có một trong các triệu chứng ho, mệt mỏi, khó thở viêm phổi. Các ca này phải đến ổ dịch trong nước đang hoạt động (nơi có một ca xác định trong thời gian 21 ngày) trong vòng 14 ngày.

Về phía các bệnh viện, ngoài giám sát ca nghi ngờ, cần tăng cường giám sát những trường hợp viêm phổi nặng, thân nhiệt cao hơn 38 độ C, có khó thở cần hỗ trợ hô hấp, Xquang phổi thấy phổi tổn thương, bác sĩ nghĩ nhiều đến viêm phổi do virus... Những trường hợp này không phân biệt quốc tịch, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm.

Khi phát hiện ca nghi ngờ, các cơ sở y tế tuyến trung ương sẽ thông báo trực tiếp đến khoa Kiểm soát Phòng ngừa dịch bệnh Viện Pasteur TP.HCM. Riêng bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế huyện thì báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của tỉnh (CDC tỉnh) để CDC báo cáo Viện Pasteur TP.HCM nhằm có hướng điều trị giám sát hoặc cần phải xét nghiệm hay không.

Việc lấy mẫu, theo các quyết định yêu cầu giảm thiểu tối đa nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh, giảm tối đa thời gian tiếp xúc tiếp nhận bệnh, cần lấy mẫu nhanh, lấy mẫu chính xác. Cần lấy hai mẫu, mẫu hô hấp và mẫu máu. Với mẫu đường hô hấp nên lấy mẫu đường hô hấp dưới để có độ chính xác cao.

Các bác sĩ và CDC khi gặp ca nghi ngờ phải điều tra ngay những người tiếp xúc gần và cách ly ngay không cần chờ kết quả xét nghiệm. Khi nhận kết quả, nếu âm tính chỉ cần tư vấn và tiếp tục điều trị, giải phóng người tiếp xúc. Nếu dương tính sẽ điều trị theo hướng dẫn và tiếp tục cách ly người tiếp xúc.

"Không nên hoảng loạn lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp tiếp xúc với người Trung Quốc khoẻ mạnh vẫn lo lắng muốn xét nghiệm; về từ tỉnh không có bệnh nhưng nghi ngờ bâng quơ; người nước ngoài sống ở Việt Nam ho sốt đòi xét nghiệm. Ngoài ra ca tiếp xúc gần chỉ được tính với người cùng làm việc, cùng sống trong gia đình, cùng nhóm du lịch, ngồi cách người nghi ngờ mắc bệnh ở dãy ghế trước ghế sau 2 hàng ghế. Nhân viên y tế khi tiếp xúc gần bệnh nhân nghi nhiễm hoặc dương tính phải phòng hộ cá nhân, hạn chế tiếp xúc quá lâu, lập danh sách tự theo dõi sức khoẻ, chỉ cách ly khi có triệu chứng. Không phải cứ có tiếp xúc là nghỉ việc". BS Quang nói.

Tham luận tại buổi tập huấn, đại diện CDC Kiên Giang cho biết, Kiên Giang có 18 chuyến bay quốc tế mỗi ngày, với trên 1.000 người nước ngoài đến sân bay quốc tế Phú Quốc. Trước tình hình trên, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, thành lập các đội phản ứng nhanh để sẵn sàng ứng phó. Tỉnh tăng cường giám sát tại cảng hàng không, cảng biển, cửa khẩu đường bộ. Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã bố trí sẵn khu vực cách ly giám sát điều trị. Đến nay tỉnh có 192 trường hợp cách ly trong đó có 190 ca cách ly tại nhà, hầu hết đã qua 14 ngày và các ca xét nghiệm đều âm tính. Sắp tới Kiên Giang có 450 công dân làm việc từ Trung Quốc trở về, dù đã chuẩn bị khu cách ly, song khó khăn trước mắt là việc di chuyển những công dân này sau khi đáp chuyến bay ở Cần Thơ vận chuyển về huyện Giang Thành, Kiên Giang nơi có trại cách ly tập trung.

Còn theo đại diện Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, tỉnh đã giao phía biên phòng giám sát đường mòn lối mở, riêng cửa khẩu chính thì do kiểm dịch y tế phụ trách. Tỉnh Tây Ninh, hiện cũng đã triển khai giám sát chặt chẽ lượng người Trung Quốc từ Campuchia nhập cảnh vào Việt Nam theo các cửa khẩu tại Tây Ninh.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các đầu cầu, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur cho rằng,  diễn biến COVID-19 vẫn chưa có báo cáo đồng bộ, dù có dấu hiệu giảm tại Trung Quốc nhưng các nước vẫn còn có dấu hiệu tăng ca. Điều quan trọng nhất hiện nay là vấn đề cách ly, đảm bảo không lây lan trong cộng đồng và nhân viên y tế. Riêng việc điều trị có thể thực hiện tại bệnh viện tuyến huyện.

Nguồn: Báo Sức khỏe và Đời sống

Theo WHO, Ai Cập đã báo cáo có cas nhiễm COVID-19 (xem tại đây). Đây là nước Châu Phi đầu tiên có nhiễm COVID-19. Được biết một trong những thắc mắc của giới chuyên môn là COVID-19 chưa lan đến châu Phi cho tới gần đây. Mặt khác, nhiều lo ngại nảy sinh khi lục địa Châu Phi có dịch vì phần lớn các quốc gia có nền y tế phát triển kém.