Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Nhiều người tỏ ra lo lắng song WHO trấn an không có gì nghiêm trọng hơn.
Tuyên bố trên được đưa ra trong khi virus Corona chủng mới SARS-CoV-2 lan ra trên 120 quốc gia, khiến trên 126.000 người nhiễm bệnh. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc coi COVID-19 là đại dịch toàn cầu không có nghĩa là tình hình đã tuyệt vọng và mọi quốc gia đều vẫn có thể thay đổi chiều hướng đại dịch này.
Các chuyên gia dự báo nhiều quốc gia có thể sắp đối mặt với các đợt bùng phát lớn và sẽ gặp vấn đề về năng lực của hệ thống chăm sóc y tế.
Hiện nay, Italy phải phong tỏa toàn bộ dân số 60 triệu người và cho biết có thể thiếu phòng bệnh chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng. Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo 60-70% dân số Đức có thể nhiễm virus Corona chủng mới. Còn tại Mỹ, số ca nhiễm mới đã tăng lên gấp đôi chỉ trong 2 ngày.
Việc virus lây lan nhanh tại ngày càng nhiều nước hơn có thể đã khiến WHO quyết định công bố đại dịch. Nhiều tuần qua, tổ chức này đã trì hoãn khi quan sát thấy 90% ca bệnh đều ở Trung Quốc Đại lục và phần lớn các nước chỉ có vài ca bệnh.
Còn hiện nay, có trên 40.000 ca ngoài Trung Quốc Đại lục, chiếm 33% tổng số ca toàn cầu. Tình trạng lây lan trong cộng đồng diễn ra nghiêm trọng ở Iran, Italy, Mỹ. Việc công bố đại dịch không thay đổi bản chất của dịch bệnh, nhưng nó cho thấy WHO đang huy động mọi nỗ lực để khiến thế giới phải hành động đúng theo mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Đại dịch là gì?
Để biết thế nào là đại dịch (pandemic), ta cần phải xem xét nhiều thuật ngữ liên quan. Khi nhiều người nhiễm một loại bệnh trong một khu vực trong giai đoạn ngắn, người ta gọi đó là outbreak (bùng phát). Mỹ đã trải qua một loạt đợt bùng phát bệnh sởi trong vài năm qua, trong đó năm 2019 là năm sởi bùng phát mạnh nhất kể từ năm 1992.
Thuật ngữ bùng phát gắn với bệnh sởi khác với bùng phát gắn với virus Corona hiện nay xét trên quan điểm y tế công cộng toàn cầu. Sởi lây khi người dân từ nước khác vào Mỹ và lan trong cộng đồng nào có tỷ lệ tiêm phòng ít, chứ không lây từ động vật sang người. Từ khi có vaccine, các đợt bùng phát sởi không gây rủi ro lớn như bùng phát virus Corona.
Khủng hoảng mà SARS-CoV-2 gây ra bắt đầu khi xảy ra đợt bùng phát với 41 ca nhiễm virus ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc tháng 12/2019 và bắt đầu lan nhanh trong tháng 1/2020.
Khi này, người ta bắt đầu nghĩ tới khái niệm dịch bệnh (epidemic). WHO định nghĩa dịch bệnh là “một căn bệnh xuất hiện trong cộng đồng hoặc khu vực … nhiều quá mức bình thường”. Mỹ định nghĩa dịch bệnh là “tăng, thường là tăng đột ngột, số ca bệnh trên mức bình thường” trong một khu vực.
Còn khái niệm đại dịch, theo các nhà dịch tễ học, là “dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới hoặc trên khu vực rộng, xuyên biên giới và thường tác động tới nhiều người”.
Bệnh gây đại dịch nghe đáng sợ hơn nhiều so với thuật ngữ bùng phát. Tuy nhiên, ta cần nhớ rằng đại dịch liên quan tới số lượng khu vực trên thế giới đang phải đối phó với tỷ lệ người nhiễm bệnh gia tăng, chứ không phải nói về mức độ nghiêm trọng của bệnh đó.
Năm 2009, cúm H1N1 bị coi là đại dịch. Cứ 5 người trên thế giới thì có một người nhiễm. Tuy nhiên, cúm H1N1 không quá nguy hiểm chết người khi tỷ lệ tử vong chỉ là 0,02%. Vì thế, xã hội không bị gián đoạn, không có nhiều người chết và hệ thống y tế không quá tải.
Các chủng virus Corona trước đây có nguy hiểm nhưng không gây đại dịch toàn cầu. Đợt bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng SARS năm 2002-2003 chủ yếu xảy ra ở Đặc khu Hành chính Hong Kong và Trung Quốc Đại lục mặc dù tỷ lệ tử vong toàn thế giới là 10%. Tuy nhiên, bệnh nhanh chóng được kiềm chế, không biến thành đại dịch và không có ca nào trên thế giới từ năm 2004.
Tương tự, bệnh chết người nhiều hơn là Hội chứng Hô hấp Trung đông MERS có tỷ lệ tử vong 35%, nhưng không dễ lây. MERS bắt nguồn từ Saudi Arabia. Bệnh vẫn còn xuất hiện nhưng không bao giờ trở thành đại dịch.
Đôi khi một loại bệnh có tỷ lệ tử vong cao và lây nhiễm đủ mạnh để trở thành đại dịch. Đây là kịch bản tồi tệ nhất với sức khỏe cộng đồng. Ví dụ rõ nhất là đại dịch cúm năm 1918-1919, khi đó bệnh cúm đã khiến 500 triệu người nhiễm bệnh. Lúc đó, 500 triệu người tương đương 25% dân số toàn cầu. Tỷ lệ tử vong ước tính thấp hơn SARS và MERS nhưng số người chết lên tới 40 đến 50 triệu người.
Khi các chuyên gia y tế nói về nỗi sợ đại dịch, họ nhớ tới khả năng xảy ra đại dịch cúm 1918-1919 đó. Cần lưu ý là ngay cả đại dịch nhẹ như H1N1 năm 2009 cũng khiến 575.000 người chết. Lý do là vì quy mô lây nhiễm toàn cầu nên bệnh nhẹ cũng có thể khiến số người tử vong cao.
Đại dịch – cần phản ứng toàn cầu
Tóm lại, thuật ngữ đại dịch và dịch bệnh chỉ khác nhau về quy mô, không phải về mức độ nghiêm trọng. Vậy tại sao cần phải phân loại bệnh dựa trên số nước bị ảnh hưởng? Câu trả lời là nếu xảy ra đại dịch, cần phải chống dịch quy mô thế giới, khác hẳn với cách xử lý các dịch bệnh đơn thuần.
Khi một khu vực xảy ra dịch bệnh, những nơi còn lại đứng ngoài lề. Họ có thể đóng cửa biên giới với vùng bị nhiễm bệnh, gửi cứu trợ về người và vật chất. Họ có thể chuẩn bị đề phòng bệnh lan đến nước mình. Ví dụ như lúc virus Corona chủng mới bùng phát ở Vũ Hán, nhiều nước đã gửi khẩu trang cho Trung Quốc.
Còn khi đã xảy ra đại dịch, thật sự không ai có thể "khoanh tay đứng nhìn". Ở mức độ nào đó, việc các nước đóng cửa biên giới với các quốc gia có dịch không còn nhiều ý nghĩa vì dịch bệnh đã có mặt ở mọi nơi.
Giới chức y tế có thể đề xuất chuyển sang các biện pháp cách ly xã hội để giảm lây lan trong phạm vi một quốc gia, thay vì chỉ tập trung sàng lọc người từ nơi khác tới nước mình như trước. Các nước tiếp tục cần phải chia sẻ thông tin y tế và kinh nghiệm chống dịch, song việc gửi các nguồn hỗ trợ tới các khu vực ảnh hưởng giờ đây phức tạp hơn vì các khu vực ảnh hưởng đã có ở khắp nơi trên thế giới.
Tóm lại, việc WHO coi sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 là đại dịch toàn cầu nhằm nhấn mạnh hơn nữa tới việc cần phải có phản ứng của các nước, đòi hỏi sự hợp tác ở cấp độ quốc tế trong phòng chống dịch COVID-19.