TS.BS Mai Văn Mười – TUV, Giám đốc Sở Y tế

Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27/4 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 510.587.373 ca COVID-19, trong đó có 6.248.113 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 586.990 và 2.536 ca tử vong mới. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 463.955.742 người, 41.412.967 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 42.693 ca nguy kịch. Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 135.699 ca; Pháp đứng thứ hai với 97.498 ca; tiếp theo là Hàn Quốc (80.301 ca). Anh đứng đầu về số ca tử vong mới, với 451 người trong ngày; tiếp theo là Đức 307 ca và Nga với 176 ca. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 82.757.704 người, trong đó có 1.018.730 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.065.666 ca nhiễm, bao gồm 522.374 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 30.378.061 ca bệnh và 662.866 ca tử vong.

Tiem Vac Xin Ngua Co 01

Tuy dịch COVID-19 thế giới vẫn còn nhiều biến động, Việt nam ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và trở về trạng thái bình thường mới. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho biết, đến 6 h ngày 27/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.431 ca nhiễm mới tại 56 tỉnh, thành phố (có 6.341 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 10.212 ca/ngày. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.620.203 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam chỉ đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.357 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.612.454 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.582.620), TP. Hồ Chí Minh (608.112), Nghệ An (480.366), Bắc Giang (384.856), Bình Dương (383.281). Đến nay tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam đã khỏi là 9.116.225 ca. Số ca tử vong giảm, trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua (kể từ ngày 19/4) là 8 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.029 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Quảng Nam, cho đến nay (27/4/2022) toàn tỉnh có 49.149 ca mắc COVID-19, tuy nhiên số ca mắc giảm mạnh trong thời gian gần đây, mỗi ngày chỉ từ hàng chục ca (từ 16h00 ngày 26/4/2022 đến 16h00 ngày 27/4/2022, Quảng Nam ghi nhận 29 ca mắc mới (giảm 06 ca so với hôm qua), trong đó: 28 ca cộng đồng và 01 ca đã được giám sát, cách ly từ trước). Bên cạnh đó số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tăng đáng kể (155 ca khỏi bệnh trong ngày 27/4).

Như vậy, dịch COVID-19 tại Quảng Nam cơ bản được kiểm soát, đưa tất cả các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội,… trên địa bàn toàn tỉnh về trạng thái bình thường mới.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế Quảng Nam - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, đặc biệt là quyết liệt chỉ đạo phân bổ, và tiêm chủng vắc xin theo địa bàn trọng điểm là những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, nhiều khu công nghiệp,... ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai trên 13 tuần, trẻ em, mở rộng mạng lưới tiêm chủng bao gồm cố định và lưu động. Đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Quảng Nam.

Kết quả cho đến nay, Quảng Nam có 1.103.795 người trên 18 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19; số người được tiêm ít nhất 1 mũi: 1.103.795 người tiêm, đạt tỷ lệ 100% số người cần tiêm; Số người đã tiêm đủ liều cơ bản: 1.077.143 người tiêm, đạt tỷ lệ: 98,3% số người cần tiêm; Số người đã tiêm mũi nhắc lại, bổ sung: 795.700 người, đạt tỷ lệ: 72,6%.

Về tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Quảng Nam có 133.495 trẻ có độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi có nhu cầu tiêm vắc xin phòng COVID-19. Kết quả số trẻ được tiêm ít nhất 1 mũi: 132.608 mũi, đạt tỷ lệ 99,3%; số trẻ được tiêm đủ liều cơ bản: 130.377 mũi, đạt tỷ lệ 97,7%.

Thời gian tới, công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Quảng Nam cần đẩy mạnh với những nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Thực hiện tốt Công văn số 2007/BYT-DP ngày 20/4/2022 của Bộ Y tế, đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vắc xin; đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên (hoàn thành trong tháng 4/2022).

- Triển khai thực hiện Công văn số 1815/BYT-CNTT ngày 08/4/2022 của Bộ Y tế, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay sau khi được phân bổ vắc xin; triển khai tiêm chủng đảm bảo an toàn, khoa học với phương châm “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

- Toàn ngành Y tế nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và tiêm chủng “vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước”.

- Các bệnh viện tích cực tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng, các cơ sở tiêm chủng tăng cường quản lý tốt đối tượng, đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trình, an toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng chống dịch bệnh.

- Chủ trì, phối hợp với Công an, các Sở, ngành liên quan tổ chức triển khai cấp “Hộ chiếu vắc xin”; thực hiện “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng COVID19, khẩn trương cập nhật đối tượng tiêm chủng các mũi tiêm còn thiếu lên phần mềm https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn phục vụ kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thời gian hoàn thành trước ngày 05/5/2022 theo yêu cầu tại Công văn số 1975/BYT-CNTT ngày 19/4/2022 của Bộ Y tế.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cần rà soát, xử lý dứt điểm các phản ánh của người dân về thông tin tiêm chủng COVID-19 trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 và duy trì việc xử lý phản ánh theo quy trình của Bộ Y tế tại Công văn số 9458/BYT-CNTT ngày 08/11/2021; bổ sung thông tin sai lệch, còn thiếu của đối tượng tiêm chủng phòng COVID-19 trên “Nền tảng tiêm chủng” và thực hiện ký số chứng nhận tiêm chủng vắc xin trên “Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19” theo Công văn số 1908/BYT-CNTT ngày 15/4/2022 của Bộ Y tế. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2022.

- Phòng Nghiệp vụ Y theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.