Bảo đảm an toàn thực phẩm được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tháng Hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022 diễn ra từ ngày 15/04 đến 15/05 với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa ngộ độc thực phẩm với những điểm mới:
An toàn thực phẩm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 được kiểm soát
Dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị hạn chế. Đây là cơ hội cho những nhà sản xuất kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên đây cũng là thách thức về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là thời điểm vào hè, điều kiện khí hậu, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân thay đổi.
Hưởng ứng Tháng Hành động vì An toàn thực phẩm năm 2022, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành TW về An toàn thực phẩm đã ký, ban hành kế hoạch Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 diễn ra từ ngày 15/4-15/5. Theo kế hoạch này, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực. Công tác quản lý an toàn thực phẩm đã thực hiện chuyển đổi mạnh sang quản lý rủi ro, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã tích cực thúc đẩy các vùng chuyên canh, sản xuất thực phẩm an toàn gắn với xây dựng bản đồ sản xuất nông sản thực phẩm an toàn và đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn không ít bất cập, nhất là xuất phát từ việc còn tồn tại số lượng rất lớn các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Việc sản xuất nông sản thực phẩm còn manh mún nhỏ lẻ, chưa nhiều sản phẩm được áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Do vậy, trong thời gian tới ngành nông nghiệp cần tiếp tục triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc, đảm bảo nguồn cung thực phẩm chất lượng, an toàn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch, đồng thời phải đảm bảo phát triển sản xuất, kinh doanh. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường truyền thông quảng bá sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm củng cố niềm tin của người dân, giúp phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2022 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm; Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Gắn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Những thông điệp đáng chú ý
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, thích ứng dịch COVID-19 trong tình hình mới. Hưởng ứng tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2022.
Người sản xuất kinh doanh nuôi trồng cần:
+ Tăng cường phát triển các vùng chuyên canh sản xuất an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và khu vực
+Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm
+Tuyệt đối không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn.
+Không sử dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm sai quy định trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản
Người tiêu dùng:
+ Lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn
+Không sử dụng thực phẩm đã ôi, thiu, hỏng, mốc
Lãnh đạo chính quyền các cấp, người đứng đầu các đơn vị:
+ Chủ động, tích cực, trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
+ Tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn
Vì sự phát triển kinh tế - xã hội, vì sức khỏe cộng đồng hãy:
“Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”.
Tài liệu tham khảo: suckhoedoisong.vn
Long Cảnh