“Trong nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết (SXH) của ngành Y tế, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế, còn biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này khó mang lại hiệu quả, nếu không có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.”
Chủ động ứng phó
Tính đến đầu tháng 8, toàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 2.088 ca mắc SXH, tăng 1,9 so với cùng kỳ năm ngoái, không có trường hợp SXH nặng, tử vong. Tập trung phần lớn tại các huyện đồng bằng như: Thăng Bình, Điện Bàn,... Đặc biệt, SXH xảy ra ở một số huyện miền núi như: Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang; rải rác tại một số địa phương như Đông Giang (17 ca mắc), Nông Sơn (16 ca mắc)... Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, tập trung giám sát ổ dịch tại các huyện/thị xã/thành phố như: Điện Bàn, Phước Sơn, Nam Giang, Duy Xuyên, Quế Sơn, Tam Kỳ, Thăng Bình. Theo đó, tập trung khoanh vùng các xã có khả năng có dịch để chủ động ứng phó; chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh, phối hợp chặt chẻ với tuyến huyện, tăng cường giám sát tại 6 xã điểm trong 6 huyện điểm; tại tuyến tuyến huyện, tăng cường theo dõi, giám sát, phối hợp với 6 xã điểm để nắm rõ tình hình dịch bệnh ngay tại địa phương; theo dõi các ca bệnh, chỉ số véc tơ hàng tháng, nếu trong trường hợp chỉ số véc tơ ở khu vực đó vượt ngưỡng an toàn thì triển khai ngay các hoạt động phòng chống diệt bọ gậy. BS.CKI Huỳnh Công Quang - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết: “Ngoài việc phun hóa chất để phòng dịch, chúng tôi đã có công văn khẩn cấp để chỉ đạo về các trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố tập trung phun hóa chất dự phòng, theo đó, chỉ đạo các huyện chọn ra 3 xã trọng điểm có khả năng xảy ra dịch để phun, mỗi ổ dịch được phun 2 đợt hóa chất, mỗi đợt cách nhau từ 7 đến 10 ngày. Đồng thời, cán bộ y tế xã, huyện giám sát thường xuyên để nắm tình hình. Hóa chất và kỹ thuật đã được hỗ trợ về các địa phương để theo dõi và tiến hành phun thuốc kịp thời.”. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam tiếp tục theo dõi và khoanh vùng các điểm có nguy cơ phát triển thành ổ dịch để phun hóa chất chủ động. Bên cạnh đó, chỉ đạo các trung tâm y tế phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con tự giác vệ sinh nhà ở, duy trì hoạt động giám sát bệnh nhân tại các bệnh viện và tại cộng đồng; giám sát véctơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết,… để phòng, chống SXH hiệu quả.
Cần có sự vào cuộc từ chính quyền tại địa phương
Dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có thể vẫn còn diễn biến phức tạp, nguyên nhân chính là do: sự biến đổi khí hậu, đô thị hóa, trời nắng kéo dài tại một số địa phường còn kèm theo mưa rải rác, một số tuyến huyện phát hiện ổ dịch chậm,... Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân chính là chưa có sự phối hợp với chính quyền xã/phường, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để vận động bà con tích cực vệ sinh môi trường để phòng dịch.
Tại huyện Thăng Bình trong thời gian vừa qua, toàn huyện đã phát hiện gần 300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng cao so với cùng kỳ năm 2018. “Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã phát hiện và xử lý 3 ổ dịch. Tại xã Bình Trị, trong tuần qua đã phun thuốc đợt 3, nhưng sau đó phát hiện thêm 5 trường hợp sốt xuất huyết mới. Người dân họ chỉ muốn phun thuốc, hễ cứ có dịch là chờ phun thuốc chứ chưa ý thức được tầm quan trọng của khâu dọn dẹp vệ sinh môi trường nên dù công tác phòng, chống dịch chúng tôi luôn chỉ đạo về các xã, thôn kịp thời song vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn.”, Bác sỹ CKI Đoàn Văn Sen - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình cho biết. Do vậy, trong nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết (SXH) của ngành Y tế, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế, còn biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này khó mang lại hiệu quả, nếu không có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng.
Thực tế cho thấy, trước đây SXH thường xảy ra ở khu vực đồng bằng thì trong thời gian trở lại đây, SXH đã xuất hiện tại các vùng miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. “Nguyên nhân dẫn đến những thay đổi tập tính và môi trường sống của muỗi là do: sự biến đổi khí hậu, đô thị hóa, và đặc biệt giao thông ngày càng thuận lợi giữa miền núi và miền suôi, là điều kiện để mang tuyền muỗi gây bệnh SXH lây lan từ vùng đồng bằng lên miền núi. Vì vậy, SXH trong thời gian gần đây đã xuất hiện tại những nơi chưa từng có như: Tây Giang, Phước Sơn, Đông Giang,… Bệnh SXH hiện nay chưa có vắc xin điều trị đặc hiệu, chính vì vậy biện pháp quan trọng nhất là người dân tích cực diệt bọ gậy và diệt muỗi. Muỗi vằn thường sống ở trong nhà, hóc tủ, dụng cụ chứa nước, bụi rậm, áo quần treo trên vách,… nên người dân cần hiểu rõ những môi trường trú đậu của muỗi vằn để dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, lật úp chum vại,… nhằm hạn chế sự sinh sống của muỗi. Với phương châm: Không có lăng quăng, bọ gậy, không có Sốt xuất huyết”, BS.CKI Huỳnh Công Quang chia sẻ.
Để góp phòng và chống SXH hiệu quả, mỗi cán bộ y tế huyện, xã, thôn cần đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền địa phương, cùng ngành Y tế chung tay phòng dịch bệnh sốt xuất huyết; chính quyền địa phương cần vận động người dân, thanh niên, hội phụ nữ,… tăng cường ra quân dọn vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gây, trực tiếp dập tắt ổ dịch bằng những hành động cụ thể, nhằm khống chế sự lan rộng của SXH,Ts.Bs Trần Văn kiệm - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho biết.
Bên cạnh đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng sốt, nhức mỏi, chảy máu chân răng, mũi..., người bệnh phải đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để khám và xét nghiệm. Người bệnh tuyệt đối không được tự mua thuốc về uống, đến khi bệnh trở nặng mới vào bệnh viện, khiến cho việc điều trị phức tạp hơn và nguy cơ tử vong cao.