Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut Dengue gây nên, muỗi vằn Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh Sốt xuất huyết
Muỗi vằn Aedes aegypti có mặt trên khắp thế giới, chúng đốt máu người và các loại súc vật sống ở vùng nhiệt đới, làm lan truyền nhiều bệnh, trong đó có bệnh sốt xuất huyết Dengue.


IMG 8999Muỗi Aedes aegypti chủ yếu đẻ trứng ở môi trường gần nhà, nơi chúng ưa thích đẻ trứng là các loại dụng cụ chứa nước (DCCN) như: Chum, lu, xô thùng, bể... đặt ở trong nhà hoặc các dụng cụ phế thải quanh nhà như: Vỏ dừa, lốp xe, vỏ đồ hộp, chậu cây cảnh...; Kể cả các loại dụng cụ chứa nước tạm thời ở trong nhà như bát nước kê chân chạn, bình hoa,... Muỗi vằn Aedes aegypti thường trú đậu trong nhà, với những đồ vật có mùi mồ hôi người, Muỗi đốt người cả ngày song thời điểm hoạt động cao điểm thường vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.
Với những đặc điểm sinh thái của muỗi như trên, nên dịch Sốt xuất huyết thường xảy ra ở những vùng khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều và nơi dân cư đông đúc, tuy nhiện gần đây do hiện tượng biến đổi khí hậu, vấn đề đô thị hóa, đặc biệt là giao thông thuận lợi giữa các vùng miền nên muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đã có mặt và thích nghi khắp mọi nơi: từ thành thị đến nông thôn, kể cả những nơi có khí hậu mát mẽ như miền núi cao, hải đảo; điều đó đã được minh chứng trong thời gian vừa qua, bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra tại các huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam.
Vậy làm thế nào để phòng tránh sốt xuất huyết hiệu quả?
Muỗi vằn Aedes aegypti hoạt động trong ngày từ 5 giờ sáng đến 19 giờ chiều, thời điểm hoạt động cao nhất từ 5 giờ đến 7 giờ sáng và từ 17 giờ chiều đến 19 giờ tối. Điểm cần lưu ý là ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue đều hoạt động với mật độ cao cùng thời điểm như trên, nên cần phải tập trung thực hiện tích cực các biện pháp phòng tránh muỗi đốt trong khoảng thời gian này để phòng bệnh.
Từ những đặc điểm sinh lý, sinh thái, tập tính và vai trò truyền bệnh của muỗi vằn trong bệnh sốt xuất huyết Dengue đã có những sự biến đổi do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, song song với các biện pháp phòng bệnh được Bộ Y tế khuyến cáo, chúng ta cần biết thêm những thay đổi tập tính của muỗi để thực hiện biện pháp phòng chống hiệu quả cụ thể như sau:
- Diệt diệt loăng quăng/bọ gậy:
+ Đậy kín tất cả các DCCN để không cho muỗi vào đẻ trứng;
+ Thường xuyên thau rửa các DCCN (lu, xô, chậu…) hàng tuần;
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các DCCN khi không dùng đến;
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa thường xuyên;
+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để cá ăn lăng quăng/bọ gậy;
- Để phòng chống muỗi đốt:
+ Cần mặc quần áo dài tay;
+ Ngủ trong mùng kể cả ban ngày;
+ Dùng bình xịt, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện để diệt muỗi...
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng bệnh.
- Khi có người nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay đến cơ sở Y tế để được khám, điều trị và chăm sóc kịp thời nhằm tránh tử vong.
Để phòng chống sốt xuất huyêt một cách hiệu quả, biện pháp tốt nhất là toàn bộ người dân tự giác thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy/lăng quăng hằng ngày tại hộ gia đình; phòng tránh muỗi đốt...đúng như phương châm Bộ Y tế đã khuyến cáo:
 KHÔNG CÓ BỌ GẬY - KHÔNG CÓ MUỖI - KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT.