Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn quốc ghi nhận hơn 98.000 trường hợp mắc SXH, 11 trường hợp tử vong. Trên địa bàn các tỉnh khu vực miền trung số ca mắc sốt xuất huyết được ghi nhận đã hơn 26.000 trường hợp, các tỉnh có số mắc/100.000 dân cao nhất cả nước là Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Bình,…
Tại Quảng Nam, tính đến hết ngày 21/7/2019 ghi nhận 1.759 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 17/18 huyện/thị/thành phố; không có tử vong, số mắc tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số mắc tăng là do năm nay dịch xảy ra sớm hơn mọi năm.
Theo báo cáo tình hình SXH của cả nước, Quảng Nam không thuộc 10 tỉnh có tình hình SXH nặng nhất. Hiện Quảng Nam đứng thứ 6/11 trong các tỉnh tỉnh miền Trung có số mắc cao trong tháng 6/2019. Sau những nỗ lực phòng chống dịch trong thời gian qua số ca SXH tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng nam đang có dấu hiệu chững lại. Theo thống kê của khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số ca mắc SXH tuần thứ 30 (từ ngày 22 đến hết ngày 28/7/2019) là 49, trong khi trước đó tuần thứ 29 là 100 ca, tuần 28 là 122 ca, tuần tứ 27 là 162 ca.
Mặc dù SXH đang có dấu hiệu chững lại nhưng ngành y tế không chủ quan và tích cực chủ động phòng chống bằng nhiều biện pháp:
Ngoài việc phối hợp các hoạt động với Viện Pasteur Nha Trang, Viện Sốt rét Côn trùng - KST Qui nhơn, thì Sở Y tế đã ban hành Công văn số 976/SYT-NVY ngày 21/6/2019 để tăng cường công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và triển khai tổ chức nhiều đợt kiểm tra giám sát tại tỉnh và các huyện/thị xã/thành phố có dịch, có số mắc cao như: Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế và với trách nhiệm là một đơn vị có chức năng về phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm,... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam đã ban hành Công văn số 179/KSBT-PCBTN ngày 26/6/2019 của về việc tăng cường công tác phòng chống SXH và phân công cán bộ đứng điểm giám sát, chỉ đạo tại địa phương. Phối hợp với Trung tâm y tế Phước Sơn Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”, phát động Chiến dịch chủ động diệt bọ gậy và phun chất diệt muỗi tại vùng nguy cơ cao thông qua lễ mittinh tại thị trấn Khâm Đức. Tại các đia phương khác, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức thành lập nhiều đoàn kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết xuống cộng đồng và trực tiếp chỉ đạo xử lý dịch tại các địa phương: Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện bàn, Phú Ninh, Tam Kỳ... khi phát hiện ca bệnh và ổ dịch.
Tính đến ngày 21/7/2019 toàn tỉnh có 43 ổ dịch được phát hiện và được xử lý đúng theo qui định, cụ thể tại các đại phương: Điện Bàn, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Nam Giang, Phước Sơn, Hội An, Nông Sơn.
Sốt xuất huyết là bệnh dễ thành dịch và có diến biến khó lường, tình hình chung hiện nay tỷ lệ mắc và sốt xuất huyết vẫn còn tăng đáng kể ở một số quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước nằm trong vùng có dịch sốt xuất huyết lưu hành cao, tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam không ổn định, những thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Năm 2019, dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân: biến đổi khí hậu, đô thị hóa, giao thông thuận lợi; điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát triển như: sau những ngày nắng lại có mưa trong khi người dân vẫn chủ quan chưa ý thức với những dụng cụ chứa nước, dụng cụ phế thải gây đọng nước còn nhiều; công tác diệt bọ gậy trong các vật phế thải một số địa phương chưa được làm thường xuyên và liên tục. Mặc khác, do trong nhiều năm không có dịch nên một vài địa phương chủ quan, chưa xem công tác phòng chống dịch SXH là nhiệm vụ trọng tâm của năm; vẫn còn một số cơ sở y tế tuyến xã, huyện chưa phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch SXH trong vòng 48 giờ, chưa triển khai phun lần 2, chưa vận động người dân làm tốt công tác diệt bọ gậy, đặc biệt nhiều Trạm y tế chưa chủ động tham mưu cho Chính quyền xã/phường, chưa tranh thủ sự hỗ trợ phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác xử lý dịch, nên dịch không được khống chế tốt dẫn đến lan rộng và kéo dài.
Với những đặc điểm như trên, nguy cơ dịch SXH bùng phát, lan rộng và kéo dài trong năm 2019 là rất lớn nên biện pháp trọng tâm trong công tác phòng chống SXH trong thời gian đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần tích cực hơn nữa.
Từ những kinh nghiệm đã nêu, ngành y tế toàn tỉnh đã chủ động và tích cực triển khai các biện pháp phòng chống với mục tiêu là dịch sốt xuất huyết được khống chế hoàn toàn trong năm 2019 trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là không để tử vong.
Tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng chống dịch bệnh để mọi người dân tự giác tham gia các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại cộng đồng, đặc biệt là mỗi hộ gia đình tự giác thay rửa các dụng cụ chứa nước, huỷ bỏ các dụng cụ phế thải nhằm loại trừ ổ bọ gậy.
Tiến hành xử lý dịch theo quy trình xử lý ổ dịch nhỏ khi có 1 trong 4 tiêu chí sau: có từ 2 ca SXHD /1 tuần/1 thôn, tổ; hoặc có 1 ca SXHD nặng; hoặc có 1 ca tử vong nghi do SXH; hoặc 1 ca xét nghiệm Mac-Elisa dương tính. Tăng cường lấy mẫu gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để được chẩn đoán xác định bằng Mac - Elisa và phân lập vi rút.
Từng địa phương lên kế hoạch, chọn từ 1 đến 3 xã nguy cơ cao, các ổ dịch cũ để triển khai các hoạt động phòng chống dịch chủ động trước mùa dịch như tuyên truyền phòng chống dịch, tổ chức diệt bọ gậy/lăng quăng đến tận hộ gia đình và phun hoá chất diệt muỗi chủ động (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ hỗ trợ hóa chất, địa phương tham mưu nguồn kinh phí hỗ trợ từ địa phương để triển khai các hoạt động này).
Theo dõi hằng ngày và hỗ trợ các Trạm Y tế xã/phường quản lý các trường hợp bệnh trên địa bàn thông qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư 54/2015/TT-BYT; báo cáo ổ dịch kịp thời trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện và theo dõi báo cáo thường xuyên cho đến khi kết thúc ổ dịch.
Đối với các bệnh viện: tổ chức tốt công tác thu dung điều trị, phát hiện sớm các dấu hiệu tiền choáng để chăm sóc và điều trị tích cực nhằm tránh tử vong.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn luôn sẳn sàng và chuẩn bị đầy đủ hóa chất, phương tiện chống dịch để cung cấp kịp thời và hỗ trợ chuyên môn để xử lý dịch Sốt xuất huyết cho các địa phương trên toàn tỉnh.