Theo Bộ trưởng Bộ y tế, chất thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Khi nhắc đến rác thải nhựa, chúng ta thường nghĩ đến túi nilon, ống hút, chai nước các loại, các thiết bị, đồ dùng sinh hoạt thường ngày trong gia đình, đến văn phòng phẩm tại nơi làm việc, các bao bì, nhãn mác sản phẩm tại cửa hàng, siêu thị, thiết bị giải trí, nghe nhìn như băng đài, đầu đĩa, tivi, quần áo mặc hàng ngày được dệt từ sợi nhựa tổng hợp,…
Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Chất thải nhựa có tác hại khôn lường đến môi trường tự nhiên bởi rác thải nhựa rất khó phân hủy nên khi thải ra môi trường chúng mỗi ngày một dày lên, bao phủ khắp nơi. Thời gian để rác thải nhựa có thể phân hủy không diễn ra trong một vài ngày hay một vài tháng, mà mất tới hàng trăm năm để phân hủy, gây ảnh hưởng tới môi trường sống, phát sinh nhiều bệnh tật do ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm,…
Để giảm thiểu chất thải nhựa mỗi người dân nên có các giải pháp cá nhân nhằm hạn chế rác thải nhựa, trước hết là bảo vệ đời sống chính bản thân và gia đình mình, bảo vệ môi trường sống xung quanh, góp phần nâng cao ý thức xã hội.
Các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa nên ưu tiên theo thứ tự: Thay thế - Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế như thay vì mua đồ dùng sinh hoạt bằng nhựa, chúng ta thay thế bằng chất liệu khác như inox, thủy tinh; thay vì sử dụng túi nilon đi chợ, nên quay về với truyền thống dùng giỏ xách đi chợ, mua sắm chỉ nên vừa đủ, gìn giữ để tái sử dụng nhiều lần, tái chế để sử dụng lại nếu có thể.
Trong lĩnh vực y tế để giảm thiểu chất thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức thực hiện kế hoạch giảm thiểu chất thải nhựa với những yêu cầu sau đây:
Các cơ sở y tế cần hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị.
Thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định.
Để giảm thiểu chất thải nhựa cũng cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống sẽ giảm chất thải nhựa do các dụng cụ tiêm truyền bằng nhựa. Sử dụng các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa. Để hiệu quả hơn các cơ sở y tế đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị.
Nếu có thể hãy thay thế chất liệu nhựa bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn để bảo vệ môi trường. Vấn đề này cần có sự quyết tâm, chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế cũng như người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế.