Không phải là những món quà đắt giá hay quý hiếm mà chỉ là những dòng thư viết vội chứa đựng cả tình yêu, sự chân thành của người bệnh đã đem đến cho những chiến sĩ ngành y một chút ấm lòng.

Những ngày phục vụ tại khu cách ly tập trung Trường THCS Nguyễn Hiền, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, các đồng đội của tôi ngày đêm không ngủ để chăm sóc cho những công dân tại khu cách ly y tế trở về từ vùng dịch, kiểm tra sức khỏe và điều trị các căn bệnh thông thường cho họ. Đồng đội tôi kể rằng “Những ngày ở trên này cũng vất vả lắm chị, nhớ vợ, nhớ con, có hôm vợ em chở hai cháu lên thăm nhưng chỉ biết đứng ngoài cổng trường nhìn vào, hai đứa trẻ khóc thút thít vì nhớ ba nhưng chúng em phải cố nén trong lòng để hoàn thành nhiệm vụ được giao, bởi không chỉ có chúng em mà toàn đảng, toàn dân cùng chung tay phòng chống dịch mà!”. Nói thì vất vả nhưng nhìn trên khuôn mặt của đồng đội tôi - những chiến sĩ ngành y vẫn tươi cười với gương mặt đầy hạnh phúc.

Họ hạnh phúc vì họ tự hào rằng đã được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, trách nhiệm của họ là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với cả tình yêu thương, sự thấu hiểu như tình mẫu tử, xem họ đau đớn như mình đau đớn. Chính vì lẽ đó mà với những đêm thức trắng, những khẩu phần ăn hết sức giản đơn, chiếc giường cũ kỹ họ ngả lưng những khi mệt mỏi vẫn không làm cho bản thân họ nhụt chí. Họ hiểu rằng hiện nay cả nước đang trong tình hình nước sôi lửa bỏng, phải gồng mình để đấu tranh phòng chống dịch Covid -19 thì đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế là những người lính xung kích trên mặt trận tiên phong, đó là động lực để họ có thể vượt qua tất cả. Khi có kết quả xét nghiệm lần đầu, mặc dù những công dân cách ly đều có kết quả âm tính nhưng họ tuyệt đối không một chút chủ quan.

Và khi nhận được kết quả xét nghiệm lần thứ hai, được biết tất cả đều âm tính, họ vỡ òa vì hạnh phúc, vừa nói họ vừa rơm rớm nước mắt tôi hiểu được tâm trạng của đồng đội mình lúc này, chỉ có những lúc ấy chúng ta mới thấu hiểu hết được tấm lòng của họ, tấm lòng của người thầy thuốc.

Ngày thứ 14 tại khu cách ly cũng là ngày những công dân có quyết định hoàn thành thời gian cách ly y tế được trở về với gia đình để tiếp tục cách ly tại nhà (Theo hướng dẫn của Bộ Y tế), lẽ ra mọi người ai cũng vui mừng vì đã hoàn thành nhiệm vụ và được đoàn tụ với gia đình, ấy vậy mà nhìn ai cũng bịn rịn với giây phút chia tay đầy lưu luyến.

Anh cach ly P7


Ông Lâm Hùng (SN 1968, thôn Cây Sanh, xã Tam Dân, người dân cách ly về từ thành phố Hồ Chí Minh) tâm sự đầy xúc động: “Trong thời gian ở đây tôi được các cán bộ trong khu cách ly chăm sóc rất tốt; thường xuyên được kiểm tra sức khỏe, điều trị các căn bệnh thông thường; khẩu phần ăn thay đổi món liên tục, đảm bảo dinh dưỡng; được sử dụng wifi để xem tin tức, phim ảnh. Cạnh đó, chúng tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm động viên của đội ngũ cán bộ y tế giúp ổn định tâm lý, sống có trách nhiệm hơn với xã hội”. Nhìn lên trên tấm bảng phòng cách ly, tôi vô cùng xúc động với những dòng thư viết vội: “Chúng tôi chân thành cảm ơn đội ngũ y tế đã giúp đỡ và phục vụ cho anh em chúng tôi trong thời gian cách ly. Anh em chúng tôi chúc các đội ngũ y bác sỹ luôn khỏe mạnh và thành công trong công việc”; Ký tên: Lâm Hùng; tại phòng cách lý số 7 cũng có những dòng thư tương tự: “Anh chị em phòng cách ly xin chân thành cảm ơn đội ngũ y, bác sĩ đã tận tình quan tâm, chăm sóc thời thời gian qua. Hôm nay 13.4, ngày chia tay, các anh chị em không có gì hơn ngoài câu chúc cho đội ngũ y bác sĩ được dồi dào sức khỏe và luôn có nụ cười trên môi! Xin cảm ơn!”… và còn nhiều dòng chữ đầy xúc động nữa.
Buổi chiều hôm ấy, một buổi chiều đầy kỷ niệm của những người tại khu cách ly, đặc biệt đối với đồng đội tôi là một buổi chiều với những kỷ niệm khó quên, nhìn thấy cái vẫy tay chào đầy luyến lưu, triều mến giữa họ làm tôi nghẹn lòng.

“Mọi người đi bác sĩ nhìn theo

Chỉ còn lại bốn bề lách cách

Hạt sương reo”

(Tác giả: Thùy trang, công dân tại khu cách ly, ảnh dưới)

Thế đấy! Hạnh phúc với những chiến sĩ ngành y chúng tôi đến từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng thật lớn lao, những dòng chữ ấy đã sưởi ấm tâm hồn họ, nó như một liều thuốc giúp họ xua tan những mệt nhọc sau những đêm thức trắng trong công tác phòng chống dịch cũng như trong những đêm bên cạnh chăm sóc những người trên giường bệnh.

Lương Thị Lời