Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật).
Tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2024 cả nước ghi nhận 17 ca (nghi dại và dại), tăng 8 ca so với cùng kì năm năm 2023 (9 ca). Các ca bệnh dại xuất hiện ở 14/63 tỉnh thành phố là: Đăk Lăk (3 ca), Long An (2 ca), Thanh Hóa (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca), Hòa Bình (1 ca), Lai Châu (1 ca), Thái Nguyên (1 ca), Bến Tre (1 ca), Cà Mau (1 ca), Ninh Thuận (1 ca), Phú Yên (1 ca), Quảng Bình (1 ca), Bình Thuận (1 ca).
ĐỐI VỚI NGƯỜI DÂN, ĐỂ DỰ PHÒNG BỆNH DẠI CẦN:
1. Dự phòng trước phơi nhiễm
- Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại cho những người có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút dại như cán bộ thú y, nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi rút dại, người làm nghề giết mổ chó, người dân và những người đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh dại.
- Tiêm nhắc lại theo định kỳ: Áp dụng cho những người do công việc thường xuyên có nguy cơ tiếp xúc với vi rút dại và chỉ tiêm nhắc lại 1 liều khi xét nghiệm chuẩn độ kháng thể dại ở mức dưới 0,5UI/ml.
2. Đối với người bị vật nuôi nghi mắc bệnh dại cắn hoặc cào, liếm (vào vùng da bị tổn thương) cần:
Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
3. Xử lý vết thương:
- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i-ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Tài liệu tham khảo:
- Quyết định số 1622/QĐ-BYT ngày 08/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh dại trên người";
Khoa PCBTN