Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất. Tư tưởng y đức của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử, đã tích lũy được rất nhiều tri thức và kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, trong đó có những tri thức bảo vệ sức khỏe, duy trì và phát triển nòi giống và đã sản sinh ra nhiều danh y nổi tiếng. Tiêu biểu nhất cho các danh y dân tộc là hai đại danh y Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIII) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII). Các danh y đã để lại cho hậu thế của dân tộc một khối lượng tri thức phong phú về y lý, y đức, y thuật và những bài thuốc quý. Cũng trong quá trình xây dựng nền y học dân tộc, các danh y của ta đã khẳng định yếu tố cơ bản, yếu tố gốc của người thầy thuốc là y đức. Làm nghề y là theo phương châm trị bệnh cứu người. Con người phải được đối xử bình đẳng trong chữa trị bệnh.
Đoàn thanh niên TTYT huyện Nam Giang khám bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bà con đồng bào vùng cao, khó khăn
Những năm gần đây, dưới sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường, y đức trở thành vấn đề bức xúc. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã có những chủ trương, biện pháp với quyết tâm xây dựng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cụ thể là thực hiện 12 Điêu Y đức của Bộ Y tế. Có thể nói những qui định về y đức nêu trên được dư luận trong ngành và cả nước ủng hộ. Những điều quy định đó đã giúp cho việc giáo dục, rèn luyện, tự phê bình và phê bình, cũng như cổ vũ phong trào thi đua phấn đấu để trở thành những chuẩn mực đạo đức ngành Y tế.
Sau bao nhiêu năm đổi mới, ngành Y tế nói chung, cán bộ ngành y tế huyện nhà Nam Giang cũng đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà. Tuy nhiên, Nam Giang cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, đời sống cán bộ ngành y tế Nam Giang gặp rất nhiều khó khăn, sự quan tâm chính sách chưa tương xứng với việc thời gian đào tạo lâu dài và tốn kém kinh phí, bên cạnh đó nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều ưu điểm nhưng những tác động tiêu cực của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc.
Trước thực trạng đó, Đoàn thanh niên là lực lượng nòng cốt vận dụng tư tưởng y đức Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã tích cực nhạy bén, chủ động đề ra “Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân″ dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy Chi bộ, Ban Giám đốc và Công đoàn đề ra các quy định về y đức và tiêu chuẩn nâng cao y đức, cùng các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay. Đây là những công việc cần thiết để hưởng ứng cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức phong cách HCM. Nhân Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2024), thế hệ trẻ ĐVTN ngành Y tế huyện nhà cùng chia sẻ với nhau về việc ngành Y tế học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức.
Xác định không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề Y, nó đi liền với sự xuất hiện con người và chắc chắn sẽ tồn tại cho đến khi không còn sự sống của loài người. Cũng không có nghề nào như nghề Y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Đã từ lâu, người ta đã coi nghề Y là một nghề quan trọng, đặc biệt, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc, của toàn xã hội.
Với lời dạy của các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã có những di huấn về Y đức quý báu để lại. Hơn 200 năm trước đây, ở nước ta, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: Sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”. Ông đã nêu lên chín điều răn dạy rất cụ thể và sâu sắc mà thầy thuốc thường gặp, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cố giáo sư Hồ Đắc Di, một trong những thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam đã nói với nhiều lớp học viên ngành y: “Trong mọi nghề, có lẽ nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo là hai nghề cao thượng nhất: Một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ. Cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sáng.
Đoàn công tác Quân dân Y huyện Nam Giang chụp ảnh kỉ niệm tại Chương trình khám bệnh thiện nguyện dịp Xuân Giáp Thìn
Với những gì lời dạy của các bậc danh y, những tiêu chuẩn, quy chế và luật pháp về y đức trong hành nghề y, dược; lời thề của Ông Tổ ngành Y Hippocrate đã được sử dụng trong các thời đại khác nhau để giáo dục và bảo đảm giữ gìn đạo đức người thầy thuốc. Lớp trẻ ngành Y tế nói chung và huyện Nam Giang nói riêng ai đã bước vào nghề Y thì luôn ghi nhớ lợi dạy cũng như lời thề của Hippocrate bằng những hành động cụ thể trong suốt cuộc đời cống hiến cho việc chăm sóc người bệnh vốn là nghề cao quý đó!
CLB thầy thuốc trẻ của huyện Nam Giang được thành lập và hoạt động hơn 5 năm với sứ mệnh nâng cao y đức, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác và sáng tạo, nghiên cứu khoa học, nhằm góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa vùng biên giới và bà con nước bạn Lào. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra phương hướng công tác Hội và phong trào thầy thuốc trẻ, đó là: Phát động và triển khai 2 chương trình: “Thầy thuốc trẻ tiên phong, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và cải tiến chất lượng” và “Thầy thuốc trẻ xung kích, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”. Điều này đã mở ra cho CLB thầy thuốc trẻ huyện Nam Giang những nỗ lực phấn đấu trong tương lai và những năm sắp đến, đẩy mạnh công tác tuổi trẻ xung kích vì cộng đồng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Nếu như mọi người đều có thể tìm thấy trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh những quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với mình thì cán bộ, nhân viên ngành y, nhận rõ điều đó nhất. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành Y được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cán bộ, nhân viên ngành Y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của các bộ và nhân viên ngành Y đối với người bệnh.
Suốt những năm qua, tuổi trẻ ngành Y TTYT huyện Nam Giang luôn tự hào khoác lên vai màu áo trắng thiêng liêng, không ngại học tập chuyên môn, nâng cao trình độ tay nghề, và hạnh phúc lớn nhất của người Thầy thuốc là được người bệnh công nhận và hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh của mình. Thế hệ trẻ ngành Y tế luôn là lực lượng xung kích nhất trong cải cách thủ tục hành chính, cải tiến và áp dụng công nghệ thông tin vào quy trình khám chữa bệnh.
Đoàn công tác Quân dân Y huyện Nam Giang chụp ảnh kỉ niệm tại Chương trình khám bệnh thiện nguyện dịp Xuân Giáp Thìn
Với màu áo xanh thanh niên, lớp lớp đoàn viên ngành Y tế đã lên đường với kiến thức và nhiệt huyết của mình, đến với người dân vùng sâu vùng xa, những chiến sĩ nơi tuyến đầu Tổ quốc qua các chuyến khám bệnh từ thiện mỗi năm. Đặc biệt trong đại dịch COVID-19, tuổi trẻ CLB Thầy thuốc trẻ của ngành Y tế huyện Nam Giang đã tình nguyện 02 cán bộ cùng với hàng trăm ĐVTN ngành Y tế Quảng Nam, vào hỗ trợ tâm dịch tại TPHCM; phải kể đến ĐVTN tiêu biểu đó là: Cử nhân Cao Dương Hồng Sơn và Cử nhân Huỳnh Thi Mỹ Lệ là một trong những gương ĐVTN tiêu biểu được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam biểu dượng tặng Bằng khen. Ngoài ra, hàng năm, CLB thầy thuốc trẻ có kế hoạch phối hợp với TYT Quân dân Y và một số mạnh thường quân đến các xã vùng cao trên địa bàn huyện để khám chữa bệnh cho người dân. Rất nhiều phong trào ý nghĩa gắn liền với chương trình cụ thể thiết thực. Từ đó xây dựng nên hình ảnh người thầy thuốc trẻ vừa vững tay nghề, vừa giàu tính nhân văn. Những chuyến công tác thiện nguyện, CLB thầy thuốc trẻ luôn biết phối hợp với địa phương để tuyên truyền vận động người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, các cán bộ thầy thuốc trẻ luôn tiên phong trong các công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho trẻ vị thành niên, bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như thực hiện KHHGĐ. Ngoài ra cũng phối hợp với Trạm Y tế xã trong công tác khám và chữa bệnh cho người cao tuổi ở vùng sâu vùng xa. Để vượt qua khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, một yếu tố không thể thiếu đối với Y bác sĩ trên địa bàn huyện Nam Giang đó là tinh thần đoàn kết của tập thể cán bộ y tế và sự giúp đỡ hết lòng chăm sóc người bệnh xứng đáng với lời dạy của Bác “ Lương y phải như từ mẫu”.
Trần Tấn Tài
Trung tâm Y tế Nam Giang