Ts. Bs Mai Văn Mười
Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam
Thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 19/9/2012 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam về Quy hoạch phát triển sự nghiệp y tế tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh và Trung ương cho lĩnh vực y tế; ngành y tế tỉnh Quảng Nam ngày càng đổi mới và phát triển; hệ thống tổ chức y tế, dân số từng bước được kiện toàn từ tỉnh đến huyện, xã và thôn bản; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được quan tâm đầu tư; một số dịch bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi; các dịch vụ y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng; các chỉ tiêu về y tế, dân số không ngừng được cải thiện, quy mô dân số ổn định; tuổi thọ bình quân tăng dần. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân đã góp phần đáng kể trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mang lại cuộc sống chất lượng cho Nhân dân tỉnh nhà.
Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ về sức khỏe, bệnh tật ngày càng nhiều, sự chênh lệch chất lượng y tế giữa các vùng miền còn cao; chất lượng dân số còn nhiều hạn chế; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trẻ em suy dinh dưỡng còn cao ở miền núi, vùng sâu, vùng xa; biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, xuất hiện các bệnh mới nổi và quay trở lại; an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập gây bức xúc trong xã hội; mô hình bệnh tật kép, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại các cơ sở y tế chưa đáp ứng với tình hình bệnh tật hiện nay; phần lớn đã quá niên hạn sử dụng, xuống cấp không đảm bảo các tiêu chuẩn thiết kế hiện hành; trang thiết bị y tế cũ kỹ, lạc hậu, thiếu trang thiết bị hiện đại; nhân lực y tế, dân số chưa đảm bảo kịp về số lượng và chất lượng theo các quy định ban hành mới của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, sự phát triển không ngừng của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt lĩnh vực y khoa; cuộc chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, dân số; yêu cầu chuyên môn kỹ thuật y tế ngày càng phải được chuẩn hóa theo các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của Quốc gia và hội nhập với Quốc tế; yêu cầu về môi trường an toàn sinh học...đòi hỏi hệ thống y tế cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng phải hoàn thiện, đổi mới và phát triển là xu thế tất yếu.
Thời gian đến, để tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, ngành Y tế Quảng Nam cần có những giải pháp mang tính thực tế, toàn diện nhưng có trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tăng cường quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế, dân số: Tăng cường rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực y tế và các lĩnh vực liên quan, đánh giá việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản của cơ quan cấp trên; bố trí thêm cán bộ cho các phòng chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo thực hiện toàn diện, chuyên sâu quản lý nhà nước lĩnh vực y tế. Đảm bảo xây dựng và triển khai thực hiện hoạt động các chương trình, dự án, kế hoạch công tác y tế dự phòng, dân số đạt mục tiêu đến năm 2025; tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án, kế hoạch. Tăng cường quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh; quản lý hành nghề y, dược tư nhân, y dược cổ truyền, phục hồi chức năng; kiểm soát và đẩy mạnh việc thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện; chất lượng và đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm. Đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, dân số đảm bảo thực hiện theo lộ trình, theo quy định của Bộ Y tế.
2. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở y tế: Rà soát, điều chỉnh Quyết định 3427/QĐ-UBND về sắp xếp kiện toàn hệ thống tổ chức y tế tỉnh Quảng Nam và văn bản Bộ Y tế theo mô hình thống nhất ở cấp huyện, xã; hoàn chỉnh và nâng hạng các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, khu vực; phát triển thế mạnh của bệnh viện chuyên khoa; tổ chức cơ sở điều trị bệnh nhiệt đới riêng biệt và đáp ứng tình hình thực tiễn giai đoạn 2021 - 2025.
3. Phát triển nhân lực: Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nhân lực y tế, dân số công lập trực thuộc Sở Y tế giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể về phát triển số lượng, chất lượng, từng chuyên ngành, chuyên khoa; phát triển kỹ thuật mũi nhọn của ngành (trong đó có nội dung kế hoạch đào tạo chuyên sâu, ê kíp đang tiếp tục thực hiện trong năm 2020 - 2021 theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND). Rà soát đề án vị trí việc làm của các đơn vị, nhất là cơ cấu vị trí việc làm và số lượng người làm việc của từng vị trí trong hệ điều trị để đảm bảo cơ cấu chuyên môn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh theo từng chuyên khoa. Triển khai thực hiện tuyển dụng, điều động nhân lực đúng theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt, tránh chỗ thừa, chỗ thiếu, không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Việc đào tạo phát triển trình độ chuyên môn phải dựa trên kế hoạch được phê duyệt, tránh phát triển đào tạo theo nhu cầu cá nhân; chú trọng ưu tiên những lĩnh vực bức thiết. Có kế hoạch luân phiên bác sỹ công tác tại xã về huyện và ngược lại để có điều kiện cập nhật kiến thức và tăng cường cho tuyến dưới; tăng cường thực hiện Quyết định 1816 , Quyết định 1718 của Bộ Y tế; triển khai đào tạo, hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa. Tổ chức các Hội thảo, hội nghị khoa học để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, trau dồi cập nhât thông tin giữa các đơn vị y tế trong tỉnh, trong nước và Quốc tế. Chú trọng việc rèn luyện y, đức, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế.
4. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công nghệ thông tin: Xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị theo nguyên tắc ưu tiên, đầu tư trọng điểm và các đơn vị bức thiết nhất; ưu tiên cho các trạm y tế xã vùng 3, các trung tâm Y tế huyện miền núi, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh để giảm tình trạng chuyển tuyến; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ dự phòng, kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh; ưu tiên đầu tư hạ tầng và trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm nghiệm đạt Thực hành tốt phòng thí nghiệm vào năm 2021 thì mới được phép kiểm nghiệm theo quy định. Đầu tư đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị với nhân lực được đào tạo để phát huy hiệu quả. Từng bước giải quyết các hạng mục công trình xuống cấp; chú trọng đầu tư nâng cấp, sửa chữa hoàn thiện nhà thu gom rác thải, các hệ thống xử lý chất thải lỏng, phòng cháy chữa cháy cho tất cả các đơn vị để đảm bảo làm việc, phục vụ khám, chữa bệnh. Xây dựng đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo chính sách triển khai thực hiện đạt các mục tiêu Đề án.
5. Tăng cường truyền thông, vận động: Tăng cường quán triệt, phổ biến mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án phát triển sự nghiệp Y tế, dân số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 trong toàn ngành y tế (bao gồm cả cơ sở y tế y, dược ngoài công lập) nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, ủng hộ, chung tay xây dựng và phát triển đơn vị, phát triển ngành. Truyền thông, vận động đến tất cả các Sở, Ban, Ngành để huy động tối đa nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, dân số và phối hợp triển khai thực hiện. Tăng cường đa dạng các kênh truyền thông, phổ biến rộng rãi nội dung Đề án để huy động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, hợp tác quốc tế.
6. Đảm bảo tài chính thực hiện Đề án: Dự kiến kinh phí thực hiện Đề án trong khả năng cân đối ngân sách của tỉnh; sắp xếp ưu tiên danh mục đầu tư và phân kỳ cụ thể thực hiện hàng năm; ưu tiên cân đối nguồn ngân sách tỉnh cho kế hoạch triển khai Đề án 5 năm và hàng năm. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn sự nghiệp, nguồn vốn đầu tư. Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nhằm huy động nguồn thu đảm bảo cân đối chi thường xuyên đối với hệ điều trị (đã cơ cấu các khoản chi thường xuyên trong giá dịch vụ); dành ngân sách Nhà nước cho công tác y tế dự phòng, dân số và đầu tư phát triển; xây dựng và sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp hiệu quả. Huy động các nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường hợp tác quốc tế cho lĩnh vực y tế, dân số.
Có thể thấy, ngành Y tế tỉnh Quảng Nam hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, còn nhiều việc phải làm trong thời gian đến; việc thực hiện các giải pháp không chỉ phụ thuộc vào ý chí, nỗ lực của ngành Y tế mà cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp, của cả xã hội. Chúng ta phải có giải pháp mang tính toàn diện nhưng không thể không có những quyết sách mang tính đột phá, có trọng điểm và kiên trì thực hiện đến cùng mục tiêu của ngành là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.