Yêu cầu trên được UBND tỉnh đặt ra tại kế hoạch về Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, Quảng Nam phấn đấu đưa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh năm 2024 ở dưới mức trung bình của giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó, kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát. Chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh yêu cầu xây dựng kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh, đặc biệt với các dịch bệnh nguy hiểm nhằm chủ động ứng phó trong các tình huống khác nhau. Thường xuyên nắm bắt và dự báo tình hình dịch bệnh từ cơ quan chuyên môn.
Đối với các chỉ tiêu về chuyên môn, kỹ thuật, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu 100% đối tượng kiểm dịch y tế biên giới được giám sát, kiểm tra và xử lý y tế theo đúng quy định. Phát hiện sớm và kịp thời xử lý các trường hợp mắc bệnh theo quy định, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập và lây lan.
Triển khai nghiêm công tác kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A tại Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, cảng biển Chu Lai, cảng biển Kỳ Hà; tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh qua biên giới, chú trọng các đối tượng nước ngoài nhập cảnh vào địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly y tế theo quy định.
Đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, yêu cầu thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, các trung tâm bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc tập trung tự nguyện bảo đảm tỷ lệ tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng...
Được biết, năm 2023 Quảng Nam đã ghi nhận 3.068 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 6,94 lần so với năm 2022. Bệnh tay chân miệng ghi nhận 1.183 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với năm 2022 (573 trường hợp).
Đối với các bệnh khác tuy chưa ghi nhận trên địa bàn tỉnh hoặc có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2022, nhưng các bệnh, dịch vẫn có nguy cơ xuất hiện và gia tăng trong năm 2024.
Bên cạnh đó, trong 3 năm đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt kết quả như mong muốn, khả năng miễn dịch giảm, các dịch bệnh dự phòng bằng vắc xin có nguy cơ gia tăng.
Theo Baoquangnam.vn