Truyền thông y tế luôn được coi là một trong những nội dung quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức để người dân chủ động phòng ngừa bệnh tật.

Thực hiện phương châm truyền thông đi trước và luôn đồng hành trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác truyền thông y tế đã và đang góp phần không nhỏ để hỗ trợ, nâng cao nhận thức của người dân trong việc nắm vững các kiến thức phòng chữa bệnh; giúp người dân, nhà quản lý hiểu được chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác y tế và việc tổ chức thực hiện của của ngành y tế. Cũng thông qua truyền thông, y đức và thái độ giao tiếp ứng xử của cán bộ y tế có sự cải thiện rõ rệt.

Năm 2019, với mục tiêu tăng cường công tác truyền thông, bảo đảm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền và nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe; đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội tham gia thực hiện các nội dung truyền thông giáo dục sức khỏe, hoạt động truyền thông y tế tại Quảng Nam được kết quả tốt.

Được sự chỉ đạo của Sở Y tế, ngay từ đầu năm, Trung tâm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng nam đã ban bành văn bản chỉ đạo củng cố mạng luới truyền thông từ tỉnh đến cơ sở, đầu mối tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động là khoa Truyền thông - GDSK. Ban hành các văn bản tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh theo mùa, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát,…

Kết quả hoạt động mạng lưới truyền thông trong toàn tỉnh, năm 2019 có 18/18 phòng/tổ truyền thông tuyến huyện đã duy trì được chuyên mục sức khỏe trên sóng Phát thanh - Truyền hình huyện, tuyên truyền được 654 lượt về nội dung phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe. Tại TYT các tổ truyền thông thực hiện tuyên truyền trên sóng phát thanh xã, phường 7631 lượt. Truyền thông, lồng ghép truyền thông qua KCB tại các bệnh viện và cộng đồng: tư vấn sức khỏe 452.346 lượt, thảo luận nhóm 6.378 buổi cho 57.459 lượt người tham gia, nói chuyện sức khỏe 6.246 buổi cho 102.413 lượt người tham gia, thăm 11.720 hộ gia đình. Truyền thông trực quan: thực hiện 227 góc truyền thông, 100 điểm chiếu video tại các bệnh viện, cở sở y tế; treo băng rôn tuyên truyền những ngày sức khỏe trong năm theo đúng chủ đề,...

Kết quả tại trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thực hiện 26 chuyên mục truyền hình tiếng Kinh với 84 nội dung, 26 chuyên mục truyền hình tiếng Cơ-tu với 26 nội dung, 26 chuyên mục phát thanh phát với 104 nội dung, 96 lượt trên sóng Phát thanh - Truyền hình Thành phố Tam Kỳ. Đưa 100% tin tức của ngành, biên tập sản xuất 4 số Bản tin Y - Dược và 6 số Bản tin Sức khỏe với 337 nội dung được đăng tải trên báo giấy cũng như trên Website Sở Y tế. Tuyên truyền trên báo Quảng Nam, báo Đại đoàn kết, Báo diễn Đàn doanh nghiệp,…Các nội dung tuyên truyền chủ yếu về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, phòng các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm, thông tin về các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe,… Các hoạt động nỗi bậc, tổ chức Hội nghị trực tuyến và lễ phát động ngày sức khỏe Việt Nam, tham gia tổ chức lễ ra quân đầu năm ngành Y tế, Hội nghị trực tuyến giảm thiểu rác thải nhựa trong Ngành Y tế, tuyên truyền những ngày sức khỏe trong năm,… Năm 2019, tình hình bệnh tật diễn biến khá phức tạp, bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh, trung tâm đã chỉ đạo khoa Truyền thông - Giáo dục sức khỏe sản xuất video clip hình và đĩa tiếng về phòng bệnh Sốt xuất huyết, phòng chống bệnh bạch hầu, tay chân miệng…chuyển cho các phòng/tổ truyền thông của các đơn vị nhân bản và tổ chức tuyên truyền. In ấn tài liệu về An toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS, giảm thiểu rác thải nhựa,…cấp cho các tuyến. Truyền thông trực tiếp: thực hiện tư vấn sức khỏe, tổ chức thực hiện 30 buổi nói chuyện sức khỏe về chuyên đề Sức khỏe sinh sản vị thành niên, chuyên đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng bệnh sốt xuất huyết cho học sinh, phụ nữ và người dân tại trường học và cộng đồng,...

Mặt dù vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế; sự chỉ đạo về chuyên môn của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; sự hỗ trợ các ban, ngành, đoàn thể liên quan trong tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị y tế toàn ngành, Công tác truyền thông y tế đã đạt được kết quả nhất định. Năm 2020, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tap cùng với nhu cầu truyền thông ngày càng tăng của cộng đồng, công tác truyền thông y tế cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông:

Tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, với vai trò chủ yếu là ngành y tế để chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận cao, sự thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Lồng ghép công tác truyền thông y tế với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân với chương trình xây dựng nông thôn mới; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa và các phong trào, cuộc vận động đang được triển khai.

Xây dựng cơ chế phối hợp, chia sẻ và kênh thông tin phản hồi giữa các cơ quan quản lý y tế, cơ sở y tế với các cơ quan truyền thông đại chúng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để định hướng thông tin và dư luận; tạo ra sự đồng thuận và quyết tâm của xã hội trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trên mạng xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chú trọng phát triển các loại hình truyền thông mới (trên nền tảng Internet và mạng điện thoại di động) đang được chú ý và có hiệu quả cao, để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến người dân.

Long Cảnh