Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi gia tăng các bệnh truyền nhiễm, nhất là tay chân miệng. Theo thống kê, thời gian gần đây, tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước ghi nhận sự gia tăng đột biến các ca bệnh với những biến chứng khó lường. Tại Quảng Nam, bệnh Tay chân miệng đã xuất hiện, đặc biệt có một số trưởng hợp diễn biến nặng. Để chủ động phòng bệnh, ngành y tế đã có chỉ đạo kịp thời.  Sau đây là cuộc gặp gỡ và trao đổi của PV truyên thông y tế với Ts. Bs Mai Văn Mười – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về vấn đề này.

PV: Xin chào ông, cảm ơn ông đã dành thởi gian tham gia chuyên mục ngày hôm nay. Thưa ông, được biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Vậy ông có thể cho biết, tình hình bệnh tay chân miệng ở Quảng Nam hiện nay như thế nào?

BS: Từ đầu năm đến nay, theo báo cáo của TTKSBT tỉnh Quảng Nam, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh ghi nhận 125 ca bệnh tay chân miệng, từ ngày 21/6- 28/6 ghi nhận thêm 16 ca mắc mới, phát hiện 1 ổ dịch mới tại thôn Bến Trễ, phường Thanh Hà, TP Hội An. Hiện 15/18 huyên/thị xã/thành phố tại Quảng Nam đã có ca bệnh tay chân miệng trong đó có Thăng bình, Điện Bàn, Hội An. Mặc dù, tổng số ca mắc giảm so với cùng kì năm 2022, tuy nhiên, trước tình hình thời tiết như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh tay chân miệng phát triển, đặc biệt phát triển mạnh với chủng Coxsackievirus 61 và Enterovirus 71. Vì vậy, bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ tăng, có thể bùng phát thành dịch nếu không kịp thời phòng chống.

PV: Thưa ông,trước tình hình như hiện nay Sở Y tế Quảng Nam đã có chỉ đạo gì về phòng chống bệnh tay chân miệng?

BS: Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, cao điểm của bệnh từ tháng 3- 5 và từ tháng 8- 11 hằng năm. Vì vậy, để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, tổ chức tốt việc thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nhân nặng, Sở Y tế Quảng Nam đã chỉ đạo các TTYT chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban, ngành liên quan phối hợp theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; chủ đọng tổ chức thực hiện công tác phòng chống như:

Chủ động lấy và gửi mẫu xét nghiệm những ca bệnh nặng để xác định tác nhân gây bệnh; củng cố các đội chống dịch cơ động nhằm kịp thời điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, đặc biệt lưu ý những ca bệnh nặng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng gây tử vong. Thực hiện thu dung, điều trị người bệnh theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh tay chân miệng ban hành kèm theo Quyết định số 1003/QĐ-BYT ngày 30/3/3012 của Bộ Y tế và Cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh tay chân miệng ở trẻ em của Bộ Y tế.

Tăng cường công tác theo dõi người bệnh tay chân miệng đang nằm nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt trong ngày nghỉ để phát hiện, điều trị kịp thời khi ca bệnh có diễn biến nặng. Thực hiện tốt phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế.

Đảm bảo đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch bệnh trong các tình huống. Tăng cường giám sát, điều trị bệnh tay chân miệng tại tất cả các tuyến, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

PV: Vậy xin ông cho một số khuyến cáo để phòng bệnh tay chân miệng?

BS: Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu vì vậy cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Tại các cơ sở y tế cần:
- Cách ly theo nhóm bệnh.
- Nhân viên y tế phải mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc.
- Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của bệnh nhân và thân nhân tại khu khám bệnh.
- Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của bệnh nhân và dụng cụ chăm sóc sử dụng lại theo quy trình phòng bệnh lây qua đường tiêu hoá.
Tại cộng đồng:
- Thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch, tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.

TTGDSK