Ts.Bs Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam

Các bệnh truyền nhiễm thường có khả năng lây lan nhanh, không chỉ gây ảnh hưởng đến cá nhân mà còn tác động đến cộng đồng. Việc giúp người dân nhận biết các bệnh truyền nhiễm cùng với các triệu chứng thường gặp và cách phòng bệnh đã góp phần giúp người dân tự bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Hiện nay, nguy cơ Sốt xuất huyết tăng trong thời gian tới là rất lớn. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, tình hình COVID-19 đang có chiều hướng tăng,… Để chủ động phòng bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo cho các đơn vị tuyến huyện kịp thời đẩy mạnh công tác phòng các bệnh truyền nhiễm, không để có trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm.

Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Trong 6 tháng đầu năm 2023, 28 bệnh truyền nhiễm gây dịch như: Cúm A/H5N1, Tả, dịch Hạch, Liên cầu lợn, Zika,… không có ổ dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh. Hầu hết số mắc 28 bệnh truyền nhiễm này đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Tay chân miệng ghi nhận 74 ca mắc tăng/giảm 63,5% so với cùng kỳ năm 2022 (203 ca mắc), chưa ghi nhận ổ dịch; Số bệnh nhân Sốt rét mới phát hiện 02 ca, so với cùng kỳ năm 2022 (02/01ca), không có trường hợp BNSR ác tính, tử vong.
Tuy nhiên, Sốt xuất huyết dự đoán có thể gia tăng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 876 ca mắc Sốt xuất huyết ở 142 xã/phường/thị trấn tại 16/18 huyện/thị/thành phố, số mắc tăng 12,4 % so với cùng kỳ năm 2022 (779 ca mắc), đã phát hiện và xử lý 08 ổ dịch nhỏ tại 08 xã/phường/thị trấn, giảm so với cùng kỳ năm 2022 (22 ổ dịch), không có tử vong Sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết thường gây thành dịch vào các tháng mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Ở miền Nam và miền Trung, Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm. Sốt xuất huyết Dengue phát triển mạnh nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10 và đặc biệt là tháng 11 Sốt xuất huyết bùng phát mạnh. Muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết thường đẻ trứng vào dụng cụ chứa nước sạch trong nhà, quanh nhà như thùng, lu, vại, khạp chứa nước, lọ hoa, thùng bỏ không, rác thải, lốp hỏng có nước đọng,... Thậm chí trứng của muỗi có thể chịu được điều kiện khô và sống trong nhiều tháng, khi gặp nước trứng sẽ nở ra. Trong đời muỗi cái có thể đẻ 5 lần, mỗi lần vài chục trứng, phát triển nhanh.

Trước tình hình đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tham mưu các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát các bệnh truyền nhiễm; ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh về truyền thông giáo dục, vệ sinh môi trường, phun hoá chất diệt muỗi chủ động hưởng ứng "Ngày ASEAN phòng, chống Sốt xuất huyết lần thứ 13 năm 2023 với các hoạt đông như: tuyên truyền xe lưu động tại cộng đồng, tổ chức các đoàn giám sát về tại các địa phương có xảy ra ổ dịch và nguy cơ có dịch, không để lây lan trên diện rộng; khu vực nguy cơ và kịp thời phun hóa chất diệt muỗi nhằm dập dịch có hiệu quả; tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về phòng, chống bệnh Sốt xuất huyết.

Tăng cường truyền thông cộng đồng

Hàng năm, các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xảy ra gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng, kinh tế của người dân. Nếu không có những định hướng, chỉ dẫn của ngành y tế về cách phòng bệnh, cách phát hiện bệnh theo từng mùa cũng như các hướng dẫn cụ thể chi tiết về cách thức phòng bệnh, thì dịch bệnh lây lan nhanh và hậu quả là rất khủng khiếp. Y tế là một ngành đặc thù, công tác truyền thông nếu hiện tốt sẽ làm thay đổi hành vi, nhận thức của người dân từ đó không chỉ nâng cao sức khỏe mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với ngành y tế. Một trong những điểm nổi bật và đặc thù của truyền thông y tế là truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Thật vậy, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiều năm qua, công tác truyền thông được thực hiện đúng thời điểm đã tạo ra hiệu ứng chuyển đổi hành vi rất tích cực đối với người dân, góp phần phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Có thể thấy rõ nhất qua các đợt dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh ta, các thông tin phòng bệnh COVID-19 như: 5K, rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, hướng dẫn chăm sóc người bệnh COVID-19, hướng dẫn chăm sóc trẻ em, người già mắc COVID-19,… đã đến với người dân. Nắm bắt được vai trò của công tác truyền thông đối với cộng đồng, chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh các thế mạnh tuyên truyền đa phương tiện và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không chỉ tuyên truyền phòng COVID-19, tiêm vắc xin phòng COVID-19 mà công tác truyền thông giáo dục sức khỏe vẫn đã và đang tiếp tục xây dựng và đưa đến cho bà con nhiều nội dung thiết thực về phòng chống dịch bệnh, các chủ đề sức khỏe trong năm, các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe trên website, các trang mạng xã hội, bản tin Y tế, tờ rơi, pano, xe tuyên truyền,...;

Thời gian đến, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng chuyên mục, tin/bài trên phát thanh, truyền hình, Bản tin của ngành, Website, Fanpage, chỉ đạo tuyến,...; thực hiện truyền thông trực tiếp về phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân tại cộng đồng, cho học sinh tại các trường học về các bệnh liên quan như cận thị, cong vẹo cột sống, rối loạn tâm lý, chăm sóc sức khỏe,.... Bên cạnh đó, công tác truyền thông được thực hiện theo trình tự từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã, về các thôn bản, miền núi xa xôi.

Qua một chặng đường thực hiện và liên tục đổi mới, chúng tôi nhận thấy rằng công tác truyền thông y tế không chỉ là những khuyến cáo phòng chống dịch bệnh, không chỉ là những lời khuyên chăm sóc sức khỏe mà nó giúp bà con tạo ra những thói quen có lợi cho sức khỏe để chủ động phòng bệnh hiệu quả mới là thành công lớn nhất của công tác Truyền thông Giáo dục sức khỏe./.