Trước tình hình Sốt xuất huyết tăng đột biến trong thời gian gần đây, ngành Y tế thành lập nhiều đoàn kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, trực tiếp chỉ đạo xử lý dịch ngay tại các địa phương phát hiện có ca bệnh và ổ dịch.
Tính đến hết tuần 40 năm 2019, toàn tỉnh có 168 ổ dịch với gần 5.800 người mắc SXH, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch SXH đã xảy ra ở hầu hết 18 huyện/thị, với 193/244 xã có người mắc bệnh. Đặc biệt, hơn một tháng qua, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp. Trong số các địa phương đang có dịch, thị xã Điện Bàn có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất với 1035 trường hợp, thành phố Hội An (824), Duy Xuyên (805), Thăng Bình (767). Trước đây SXH thường chỉ xảy ra ở khu vực đồng bằng nhưng thời gian gần đây SXH đã xảy ra thành dịch tại 3 huyện miền núi như Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang. Đáng chú ý, số ca mắc sốt xuất huyết ở người lớn và người già tăng cao hơn so với các năm, đồng thời gia tăng số ca mắc ở thể nặng và rất nặng.
Nguyên nhân dịch SXH tăng đột biến trong thời gian gần đây và xuất hiện ở cả những vùng miền núi là do 3 yếu tố: do biến đổi khí hậu, vấn đề đô thị hóa, quan trọng nhất là giao thông thuận tiện giữa các vùng miền. Mặc khác hiện nay muỗi sốt xuất huyết đã thay đổi tập tính thích nghi cả ở vùng núi cao, nơi có khí hậu mát mẽ.
Trước tình hình đó, ngành Y tế thành lập nhiều đoàn kiểm tra giám sát hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, trực tiếp chỉ đạo xử lý dịch ngay tại các địa phương phát hiện có ca bệnh và ổ dịch. Theo đó, tập trung khoanh vùng địa bàn có khả năng có dịch để chủ động ứng phó; chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh, phối hợp chặt chẽ với tuyến huyện, tăng cường theo dõi, giám sát, phối hợp với địa bàn có dịch để nắm rõ tình hình dịch bệnh ngay tại địa phương; theo dõi các ca bệnh, chỉ số véc tơ hàng tháng, nếu trong trường hợp chỉ số véc tơ ở khu vực đó vượt ngưỡng an toàn thì triển khai ngay các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy,...Đồng thời, đảm bảo việc cung cấp hóa chất, vật tư, trang thiết bị đầy đủ, kịp thời và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho hoạt động xử lý dịch Sốt xuất huyết tại các địa phương, đặc biệt là những huyện miền núi; Ngành y tế từ tuyến thành phố đến quận, huyện, thị xã đã tập trung xử lý được 168 ổ dịch,.... chiến dịch phun hóa chất diện rộng diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các địa phương có nhiều bệnh nhân.
Song song đó, ngành y tế QNam tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác phòng, chống bệnh SXH cho toàn bộ cán bộ tham gia phòng chống SXH. Thông qua phần mềm, quản lý và theo dõi thường xuyên báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện ca bệnh; báo cáo công tác các hoạt động phòng chống dịch hàng tuần; báo cáo ổ dịch đúng quy định
Là đơn vị chủ công trong công tác kiểm soát dịch bệnh,TTKSBT tỉnh đã điều động ... cán bộ chuyên trách phòng chống dịch xuống hỗ trợ trực tiếp tại các “điểm nóng” sốt xuất huyết để tư vấn, hướng dẫn người dân diệt bọ gậy, thu gom phế thải, phế liệu loại bỏ nơi sinh sản của muỗi ở cộng đồng. Tăng cường truyền thông phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, sản xuất, biên tập các video clip hình, nội dung phát thanh, bài viết để cung cấp cho các tuyến thực hiện truyền thông,...
Tuy SXH đang diễn biến phức tạp nhưng người dân tại nhiều địa phương vẫn tỏ ra khá thờ ơ. Tại xã Duy Nghĩa - một trong những điểm nóng của Duy Xuyên về số ca bệnh và có nguy cơ bùng phát thành dịch SXH rất cao trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay, nhưng người dân địa phương vẫn còn rất chủ quan. Một số địa phương chưa có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính quyền các cấp đối với công tác phòng chống dịch, xem công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ của ngành y tế, các Ban ngành đoàn thể chưa tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh. Dự báo, với tình hình dịch bệnh hiện tại, cộng với việc đã bước vào mùa mưa, diễn biến bệnh sẽ còn nhiều phức tạp, cùng với sự chỉ đạo của ngành y tế Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các xã, phường, thị trấn, tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết qua nhiều kệnh thông tin đến người dân. Tại những nơi có ghi nhận ca bệnh cần kịp thời khoanh vùng dập dịch không để bệnh lây lan, đồng thời hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Để công tác phòng chông sốt xuất huyết hiệu quả, ngoài các biện pháp phòng chống dịch chủ động của ngành y tế, cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, cộng đồng. Đặc biệt là cấp chính quyền và y tế cơ sở cần tuyên tuyền đến tận các chi bộ, tổ dân phố, ngõ xóm, làm sao người dân tự giác, tham gia diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường để loại bỏ triệt để nơi sinh sản của muỗi.
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là làm sao cho người dân hiểu biết để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh bằng những biện pháp hiệu quả:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá.
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Ts.Bs Trần Văn Kiệm